Chỉ một Hiệp định lịch sử, Việt Nam thu về hàng chục tỷ USD?

© AP PhotoApple AirPods
Apple AirPods - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Bắt đầu xuất hiện thông tin Apple đã chuyển một phần sản xuất Airpods từ Trung Quốc sang Việt Nam. Dòng chữ Lắp ráp ở Việt Nam (Assembled in Vietnam) đã xuất hiện trên một số sản phẩm tai nghe AirPods Pro.

Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong cuộc đua thu hút FDI, đón làn sóng dịch chuyển dây chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc. Đồng thời, báo cáo mới của Công ty chứng khoán SSI cho hay, nhiều doanh nghiệp Mỹ đang tích cực tìm kiếm thị trường Việt Nam làm điểm đến cho chuỗi cung ứng mới.

Bên cạnh đó, nhấn mạnh lợi thế khi Việt Nam ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh, nếu tận dụng tốt thỏa thuận lịch sử này, GDP Việt Nam có thể tăng 2,4% và xuất khẩu tăng 12% vào năm 2030, tương đương tăng thêm khoảng 31 tỷ USD.

Apple đã chuyển một phần sản xuất AirPods từ Trung Quốc sang Việt Nam?

Theo tạp chí công nghệ The Verge, dòng chữ Lắp ráp ở Việt Nam (Assembled in Vietnam) đã xuất hiện trên một số sản phẩm tai nghe AirPods Pro của Apple. cho thấy công ty Mỹ đã chuyển sản xuất một phần sản phẩm này từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Apple - Sputnik Việt Nam
Việt Nam thua Ấn Độ trong cuộc đua tìm cứ điểm sản xuất mới của Apple

Trong bản tin ngày 21/5, tạp chí công nghệ The Verge đã đăng một bức ảnh chụp hộp đựng tai nghe AirPods Pro với dòng chữ "Lắp ráp ở Việt Nam" (Assembled in Vietnam) phía sau lưng.

Theo The Verge, dòng chữ trên cũng xuất hiện trên sản phẩm tai nghe mà một nhân viên tòa soạn vừa mua gần đây. Trên Twitter của Verge cũng lan truyền nhiều bức ảnh chụp AirPods Pro với thông tin nơi sản xuất như trên.

Theo nhiều thành viên trên diễn đàn MacRumors, điều này cho thấy Apple có vẻ đang giảm sự lệ thuộc vào sản xuất ở Trung Quốc.

Hiện tại, đa số các tai nghe AirPods Pro mang dòng chữ cho biết sản phẩm được lắp ráp tại Trung Quốc (Assembled in China).

Từ trước tới nay, phần lớn các sản phẩm của Apple được lắp ráp tại Trung Quốc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, công ty này đã đầu tư đáng kể nhằm đa dạng hóa sản xuất.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, nguyên nhân của điều này là do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, khiến nhiều sản phẩm Apple và linh kiện của hãng này chịu mức thuế quan nặng nề từ Mỹ. Ngoài ra, khó khăn trong đại dịch Covid-19 cũng được cho là chất xúc tác để Apple đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch sản xuất.

AirPods - Sputnik Việt Nam
Chạy khỏi Trung Quốc, Apple thử nghiệm sản xuất AirPods ở Việt Nam

Trước đó, từ năm 2017, Apple đã bắt đầu lắp ráp một số phiên bản điện thoại thông minh iPhone ở Ấn Độ. Năm 2019, Nikkei Asian Review đã cho biết thông tin về việc Apple cân nhắc chuyển một phần sản xuất sang Việt Nam vì ảnh hưởng chiến tranh thương mại.

Và đầu tháng này, tờ Nikkei cũng đưa tin việc sản xuất hàng loạt AirPods tại Việt Nam đã bắt đầu vào tháng Ba.

“Việc sản xuất hàng loạt AirPods tại Việt Nam đã bắt đầu vào đầu tháng 3/2020. Các quan chức Việt Nam thậm chí đã cấp giấy phép đặc biệt cho một nhà lắp ráp Apple AirPods chính để tạo thuận lợi cho họ đưa các kỹ sư tới (Việt Nam) nhằm đảm bảo quá trình sản xuất diễn ra suôn sẻ trong thời gian cách ly xã hội”, Nikkei cho biết.

Hiện nay, chưa rõ bao nhiêu phần trăm sản xuất AirPods Pro được thực hiện tại Việt Nam, hoặc liệu Apple có bổ sung các sản phẩm lắp ráp và sản xuất ở Việt Nam hay không.

Trong tuần này, đã có một số tin đồn cho rằng Apple đang lên kế hoạch dùng các công ty của hãng tại Việt Nam để sản xuất một sản phẩm tai nghe chưa được công bố. Cũng theo The Verge, Apple chưa phản hồi các câu hỏi liên quan đến vấn đề này.

Điểm sáng hút FDI: Nhiều doanh nghiệp Mỹ đang tìm kiếm thị trường Việt Nam

Ngày 22/5, trong báo cáo mới công bố, Bộ phận Phân tích thuộc Công ty Chứng khoán SSI thông tin cho biết, Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút dòng vốn FDI, đồng thời cũng có hàng loạt công ty, doanh nghiệp Hoa Kỳ đang tìm kiếm thị trường Việt Nam làm điểm đến cho chuỗi cung ứng mới ở châu Á.

Apple - Sputnik Việt Nam
Đối tác của Apple chọn Việt Nam

Theo SSI, những lợi thế ưu việt của Việt Nam chính là chi phí, khoảng cách, tình hình ổn định tỷ giá, thể chế. Theo Công ty Chứng khoán này, dòng vốn FDI của giới đầu tư chính vào khu công nghiệp đã có những tín hiệu khởi sắc, tổng vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm 4 tháng đầu năm đạt 9,8 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2019.

Đơn vị này chỉ trõ, trong 4 tháng đầu năm 2020, FDI vào các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tăng mạnh 244%, Long An tăng 65%, Bình Phước tăng 60%, Quảng Ninh tăng 44%.

Ngược lại, các cụm công nghiệp lớn có mức sụt giảm do Covid-19 làm hạn chế các hoạt động thực địa và làm việc với các chủ đầu tư khu công nghiệp. Cụ thể, TP.HCM ghi nhận mức giảm 45%, Đồng Nai giảm 67%, Bình Dương giảm 49%, Hà Nội giảm 78%, Bắc Ninh giảm 67%, Hải Dương giảm 81%.

Ở góc độ thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Bộ phận Phân tích của Công ty Chứng khoán SSI Research đánh giá dịch Covid-19 mở ra “bước ngoặt mới, với mục đích giảm thiểu sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng”. Đồng thời, làm gia tăng cấp bách nhu cầu đa dạng hóa danh mục sản xuất, tránh sự phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia, thúc đẩy sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác diễn ra nhanh chóng hơn.

iPhone 11 Pro Max  - Sputnik Việt Nam
Tại sao Apple không chọn Việt Nam?

Đặc biệt, rất nhiều doanh nghiệp Mỹ thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với Việt Nam. Các doanh nghiệp lớn như Pegatron, Amazon và Home Depot bắt đầu có hoạt động tuyển dụng và tìm kiếm chuỗi cung ứng, cho thấy Việt Nam là một trong những điểm đến trong quá trình dịch chuyển, bên cạnh các quốc gia tiềm năng khác trong khu vực như Indonesia, Thái Lan hay Malaysia tại khu vực châu Á.

SSI cũng có những so sánh tương quan lợi thế cạnh tranh giữa Việt Nam với một số quốc gia khác trong cuộc đua thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Điển hình như với Indonesia, Việt Nam có lợi khi ở gần Trung Quốc dẫn đến khoảng cách vận chuyển thuận lợi.

Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, có nhiều ưu đãi cho các dự án FDI lớn (quy định ưu đãi thay đổi theo từng trường hợp). Đồng thời Việt Nam cũng tham gia rất nhiều các FTAs như EVFTA, CPTPP mà Indonesia không tham gia. Về vĩ mô, gần đây đồng VND rất ổn định so sánh với biến động của IDR.

“Trong quý I/2020, so sánh tỉ lệ lấp đầy và giá thuê các khu công nghiệp ở các nước Đông Nam Á, cho thấy Việt Nam khá hấp dẫn với mức giá thuê trung bình thấp hơn 45-50% so với các nước Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Theo báo cáo của Jetro năm 2019, chi phí lao động của Việt Nam cũng thấp hơn so với Thái Lan, Malaysia và Indonesia”, SSI trích dẫn số liệu để có cái nhìn khách quan hơn về những lợi thế mà Việt Nam đang nắm giữ để tiếp tục thu hút thành công FDI.

Ngân hàng Thế giới: Việt Nam có cơ hội thu thêm hàng chục tỷ USD nhờ Hiệp định

Báo cáo Tăng cường hội nhập quốc tế và thực thi Hiệp định EVFTA của Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây hôm 19/5 ước tính rằng, chỉ với việc tận dụng các ưu đãi thuế quan thực thi theo Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), GDP Việt Nam có thể tăng 2,4% và xuất khẩu tăng 12% vào năm 2030, tương đương tăng thêm khoảng 31 tỷ USD.

Theo WB, Hiệp định cũng sẽ giúp 100.000-800.000 người Việt thoát nghèo vào năm 2030. Những lợi ích này sẽ góp phần duy trì thành quả kinh tế tích cực trong lúc đất nước tập trung đối phó với đại dịch Covid-19.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức. - Sputnik Việt Nam
Việt Nam bàn về EVFTA, EVIPA, Công ước về xóa bỏ lao động cưỡng bức

WB cũng cho biết, lợi ích thu được có thể còn lớn hơn nhiều nếu Việt Nam thực hiện nghị trình cải cách kinh tế và thể chế toàn diện nhằm đảm bảo những điều khoản không liên quan đến thuế quan trong hiệp định này.

Những cải cách này ước tính sẽ tạo ra cú hích năng suất, giúp GDP Việt Nam tăng thêm 6,8% so với kịch bản cơ sở vào năm 2030. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới đồng thời cũng chỉ ra rằng Hà Nội cần nâng cao năng lực thực thi ba vấn đề chính: các quy tắc xuất xứ, các biện pháp vệ sinh dịch tễ cho cây trồng và vật nuôi và cuối cùng là cơ chế xử lý tranh chấp giữa nhà nước - nhà đầu tư.

Trước đó, một nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, Hiệp định EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) dự kiến sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% vào năm 2025. Vào năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang EU ước tính tăng thêm khoảng 20%; vào năm 2025 - 42,7% và vào năm 2030 - 44,37%.

Ở chiều ngược lại, Ủy ban châu Âu ước tính GDP của EU sẽ tăng thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu sang Việt Nam tăng 29% vào năm 2035.

EVFTA là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Ngay khi hiệp định chính thức có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam thuộc 85,6% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Sau đó, trong vòng 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 99,2% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU.

Cao ủy EU phụ trách thương mại Phil Hogan cho rằng, EVFTA mang đến cơ hội khổng lồ cho cả Việt Nam và EU, là một chiến thắng cho người tiêu dùng, người lao động, nông dân và các doanh nghiệp.

Nếu Covid-19 là nút khởi động lại thì EVFTA là nút tăng tốc

Theo Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) dự kiến, EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 2,18-3,25% trong giai đoạn 2019-2023.

Toàn cảnh Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp. - Sputnik Việt Nam
Họp Quốc hội Việt Nam: Biển Đông, thắng lợi Covid-19, EVFTA và tăng trưởng kinh tế

Cũng theo PHS nông, lâm, thủy sản sẽ là những nhóm hàng được dự báo sẽ tăng nhập khẩu nhiều nhất từ EU. EU vốn là một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam với giá trị xuất khẩu khoảng 1,25 tỷ USD.

EU cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của ngành dệt may (sau Mỹ), chiếm 11,3% kim ngạch xuất khẩu dệt may. Giá trị xuất khẩu dệt may vào EU tăng trưởng liên tục 6,1%/năm trong giai đoạn 2015-2019. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào EU đạt 4,3 tỷ USD (tăng 10%) trong năm 2019.

Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may vào EU, EVFTA quy định xuất xứ vải sử dụng và việc cắt may phải được thực hiện tại Việt Nam hoặc EU. Bên cạnh đó, EU cũng chấp nhận áp dụng quy tắc này một cách linh hoạt như cộng gộp xuất xứ từ Hàn Quốc hay những nước mà Việt Nam và EU có FTA (như Nhật Bản và một số nước ASEAN).

Các quy định của EVFTA thậm chí còn chặt chẽ hơn đối với lĩnh vực nông lâm thủy sản. Hiệp định yêu cầu rất khắt khe về đảm bảo quy tắc xuất xứ, tuân thủ những quy định về sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc. - Sputnik Việt Nam
Quốc hội bàn đại sự thời Covid-19: Lập Bộ Thanh niên, phê chuẩn EVFTA, Luật PPP

Do vậy, Việt Nam cần đẩy mạnh tuyên truyền để các doanh nghiệp, nhà sản xuất nhận thức đầy đủ và tuân thủ các quy định này.

Về lĩnh vực ngân hàng, quy định cho phép các tổ chức tín dụng thuộc EU được sở hữu 49% cổ phần tại 2 ngân hàng Việt trong vòng 5 năm tới sẽ tạo động lực để gia tăng thu hút dòng vốn từ EU vào lĩnh vực này.

Theo Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione, Việt Nam có thể tận dụng tối đa hiệp định thương mại này nếu hành động kiên quyết nhằm thu hẹp khoảng cách về năng lực triển khai và tính tương thích pháp lý.

“Việt Nam có thể tận dụng tối đa EVFTA, với những lợi ích trực tiếp ước tính ở mức lớn chưa từng có trong lịch sử”, Giám đốc WB tại Việt Nam nhận định.

Cũng theo ông Ousmane nếu xem Covid-19 là nút khởi động lại và EVFTA là nút tăng tốc, thì đây là thời điểm hoàn hảo để Việt Nam theo đuổi những cải cách trong nước sâu rộng hơn.

Để có thể hội nhập tốt hơn, việc cải cách hoạt động sản xuất kinh doanh ở nhiều lĩnh vực là điều cần thiết. Theo WB, một trong những thách thức chính mà Việt Nam phải vượt qua là yêu cầu về quy tắc xuất xứ của EVFTA. Ngay cả khi sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam, các nhà nhập khẩu EU chưa chắc đã công nhận nguồn gốc đó vì nói chung sản phẩm Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu.

Cảng Hải Phòng - Sputnik Việt Nam
Việt Nam đã sẵn sàng phê chuẩn Hiệp định EVFTA

WB dẫn chứng như trong các ngành chế tạo chế biến xuất khẩu chủ chốt, phần lớn đầu vào vẫn nhập khẩu từ các quốc gia khác (chẳng hạn 62% trong lĩnh vực điện tử và 53% trong lĩnh vực ô tô). Báo cáo của Ngân hàng Thế giới kêu gọi Việt Nam cần nỗ lực cải thiện liên kết giữa các đơn vị cung ứng trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài là những công ty đầu đàn trong các chuỗi giá trị lớn trên toàn cầu.

“Đồng thời, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm chặt chẽ của châu Âu đòi hỏi Việt Nam phải cải thiện các biện pháp vệ sinh dịch tễ một cách minh bạch và nhất quán hơn”, WB khẳng định.

Theo một ước tính của Ngân hàng Thế giới, chi phí tuân thủ đầy đủ các biện pháp phi thuế quan hiện hành ở Việt Nam có mức thuế suất tương đương là 16,6% (cao hơn so với mức bình quân của khu vực là 5,4%).

“Với việc EVFTA được phê chuẩn, Việt Nam sẽ là điểm đến của nhiều nhà đầu tư từ châu Âu và toàn thế giới. Khi dòng vốn FDI tăng lên, số lượng đơn thư khiếu nại thương mại cũng sẽ tăng theo. Báo cáo khuyến nghị đẩy nhanh việc hình thành Cơ chế xử lý khiếu nại đầu tư một cách hệ thống để xử lý tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư”, Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh.

WB cũng khuyến nghị để tối đa hóa lợi ích của EVFTA, các chính sách hỗ trợ khôi phục kinh tế sau Covid-19 cần ưu tiên các ngành hàng chủ chốt chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Âu.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала