Trung Quốc không từ bỏ Biển Đông và Việt Nam không thể có Đảng mạnh mà nhà nước yếu

© Ảnh : Doãn Tấn - TTXVNGS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương báo cáo “Những điểm mới trong dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng”
GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương báo cáo “Những điểm mới trong dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng” - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Phùng Hữu Phú, Đại hội Đảng 13 không chỉ chỉnh đốn Đảng mà cả Nhà nước, hệ thống chính trị của Việt Nam. Không thể có Đảng mạnh mà Nhà nước yếu. Phải kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Cũng theo Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Phùng Hữu Phú, sau Covid-19, chúng ta đã thấy thái độ của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều này khẳng định chắc chắn Trung Quốc không bao giờ từ bỏ ý đồ thao túng Biển Đông. Cao nhất là độc chiếm theo hình lưỡi bò. Không làm được thì ít nhất là kiểm soát, thao túng, khai thác

Không có Đảng mạnh mà nhà nước yếu

Sáng 10/6, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức hội nghị báo cáo viên Trung ương. Tại đây, các đại biểu đã nghe Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương (T.Ư) Phùng Hữu Phú báo cáo về những điểm mới trong dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Tổng Bí thư ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng - Sputnik Việt Nam
Đảng vững mạnh. Đất nước phát triển. Dân tộc trường tồn

Trình bày về những điểm mới của Văn kiện Đại hội XIII (Đại hội Đảng 13), đặc biệt quan trọng là báo cáo chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, văn kiện đại hội lần này có rất nhiều điểm mới. Những điểm mới đó bao gồm từ cách tiếp cận, tầm bao quát, chủ đề đại hội, các nội dung dự báo, cho tới mục tiêu phát triển đất nước…

Theo GS Phùng Hữu Phú, đổi mới ở đây không có nghĩa là bỏ qua cái cũ mà là kế thừa và phát triển.

“Cái gì còn tốt thì giữ lấy, cái gì chưa hoàn thiện thì bổ sung, cái gì chưa có mà giờ cần thiết thì thêm vào đó là đổi mới, chứ không phải đổi mới là phủ nhận sạch trơn”, ông Phú nhấn mạnh.

Theo ông Phú, một trong những điểm mới lần này trong nội dung là bổ sung “xây dựng chỉnh đốn hệ thống chính trị” gắn liền với xây dựng chỉnh đốn Đảng.

“Sự nghiệp này Đảng là linh hồn, nhưng sức mạnh để đất nước phát triển phải là sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Khi Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo thông qua nhà nước. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà không chỉnh đốn nhà nước thì không được. Không có Đảng mạnh mà nhà nước yếu, cũng không có nhà nước mạnh mà Đảng không mạnh được”, ông Phú phân tích.

Theo ông, đây là lý do mà lần này, yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng đồng thời đặt ra yêu cầu xây dựng chỉnh đốn nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội.

Giữa thế kỷ 21, Việt Nam trở thành nước phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa

Theo GS Phùng Hữu Phú, một điểm mới khác trong chủ đề đại hội mà văn kiện Đại hội XIII đưa ra lần này là “phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Tại Hội nghị với doanh nghiệp ngày 17/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố Chỉ thị số 20 về việc không thanh tra doanh nghiệp một năm quá một lần. - Sputnik Việt Nam
Thủ tướng: Công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng đã được triển khai mạnh mẽ

Theo ông, đổi mới này nằm ở vấn đề nhận thức vì trước đây ta Việt Nam chỉ đặt mục tiêu trở thành nước công nghiệp, hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong khi lần này mục tiêu là nước phát triển.

“Một nước công nghiệp hiện đại và phát triển có mối quan hệ với nhau nhưng không phải là một”, ông Phú giải thích.
“Có người nói đã đổi mới thì phải sáng tạo chứ. Song ở thời đại bùng nổ của cách mạng Công nghệ 4.0 thì đổi mới bây giờ là đổi mới trên nền tảng sáng tạo ra giá trị mới. Giá trị của đổi mới sáng tạo ở đây là tầm quốc gia và hòa với chuỗi giá trị toàn cầu. Yêu cầu đổi mới như thế là rất cao”, ông Phú nhấn mạnh.

GS Phùng Hữu Phú cho hay, khi soạn thảo văn kiện, đã có người phản biện nếu là nước phát triển thì trình độ phát triển rất cao, lúc đó không còn là “định hướng xã hội chủ nghĩa” nữa mà thực chất đã bước vào thời kỳ xã hội chủ nghĩa.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, đây là phản biện sắc sảo, liên quan tới vấn đề lâu nay rất vướng và cũng chưa làm được. Đó là lộ trình phát triển đất nước ta thời kỳ quá độ là thế nào? Trước đây ta dùng khái niệm “bước đi bước đầu”, “chặng đường đầu”, “giai đoạn đầu”.

“Có lần nào Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri, có người hỏi: bao giờ chúng ta có chủ nghĩa xã hội? Tổng bí thư nói chúng ta chưa nghiên cứu tường minh vấn đề này, có khi trăm năm nữa cũng chưa có chủ nghĩa xã hội. Thế thì thời kỳ quá độ (lên chủ nghĩa xã hội) là bao lâu, có mấy chặng đường thì chưa rõ”, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương giải thích, đồng thời cho biết đây sẽ là vấn đề sẽ cố gắng tập trung làm rõ trong thời gian tới.

Quá trình dự thảo văn kiện lần này, bộ phận tham mưu đề nghị tiếp cận theo chuẩn của thế giới để xác định mục tiêu, cụ thể là gắn với thu nhập bình quân đầu người. Liên Hợp Quốc cũng lấy đây là tiêu chí cơ bản để xác định một quốc gia là chậm phát triển, đang phát triển hay phát triển.

Nguyễn Phú Trọng - Sputnik Việt Nam
Chống tham nhũng qua phát ngôn mạnh mẽ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Theo GS. Phùng Hữu Phú cho biết dự thảo đang lấy ý kiến đại hội đảng các cấp đưa ra hai phương án. Phương án thứ nhất, đến 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến 2030, là đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm trên các nước có thu nhập trung bình cao. Đến 2045, là nước phát triển, có thu nhập cao.

Phương án thứ hai là đến 2025 cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao. Đến 2030, trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên các nước có thu nhập trung bình cao. Đến 2045, trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập cao.

Sau Covid-19, thấy rõ thái độ của Trung Quốc ở Biển Đông

Ông Phú cho rằng, một điểm mới trong văn kiện lần này là dự báo các vấn đề lớn trong giai đoạn sắp tới. Trong số những dự báo đó, vấn đề Biển Đông được xem là một thách thức rất lớn.

“Sau Covid-19, chúng ta đã thấy thái độ của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều này khẳng định chắc chắn Trung Quốc không bao giờ từ bỏ ý đồ thao túng Biển Đông. Cao nhất là độc chiếm theo hình lưỡi bò. Không làm được thì ít nhất là kiểm soát, thao túng, khai thác. Vậy, phải ứng phó thế nào?”, ông Phú đặt vấn đề.

Trung Quốc ở biển Đông  - Sputnik Việt Nam
Tổng tiến công Trung Quốc ở Biển Đông: Vạch trần âm mưu của Bắc Kinh
Theo Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Biển Đông không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai mà là vấn đề lâu dài. Ông Phú cho rằng, để có thể bảo vệ được độc lập chủ quyền nhưng không để xảy ra chiến tranh là vấn đề hóc búa, thử thách lớn cho thế hệ chúng ta và cả thế hệ mai sau.

“Câu chuyện này không phải mà lâu dài. Bảo vệ cho được độc lập chủ quyền nhưng không để xảy ra chiến tranh là bài toán hóc búa, thử thách lớn của thế chúng ta và cả con em chúng ta”, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu.

Việc dự báo tình hình những vấn đề trọng đại trong văn kiện đại hội lần này có nhiều điểm mới và phải tiếp tục được làm rõ để toàn Đảng, toàn dân thấy hết được thời cơ đang rất lớn ở phía trước, nhưng bên cạnh đó, khó khăn, thử thách cũng ngày càng gay gắt hơn.

“Đại hội lần này và những năm sắp tới có vấn đề rất lớn về mặt tư duy, định hướng phát triển. Đó là làm sao chớp được thời cơ, khắc phục nguy cơ và cao hơn là chuyển hóa nguy cơ thành thời cơ. Không làm được cái này thì không đột phá được”, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phân tích.
Kiên định giữ vững nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

GS Phùng Hữu Phú cũng chia sẻ thêm một điểm mới nữa, đó là báo cáo chính trị tại Đại hội XIII sẽ có thêm phần “quan điểm chỉ đạo” do đặc thù về tầm bao quát, độ sâu và chiều dài của Đại hội lần này.

Hồ Chí Minh - Sputnik Việt Nam
Kẻ xấu đang xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh, kích động nhân dân Việt Nam làm loạn?

Theo đó, văn kiện khẳng định tầm quan trọng có ý nghĩa sống còn của việc giữ vững nền tảng tư tưởng và mục tiêu phát triển. Ông Phú nhận định, vấn đề này tương đối phức tạp vì hiện nay thậm chí đã có ý kiến đề nghị bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội vì cho rằng những học thuyết này “đã lạc hậu lắm rồi”.

Tuy nhiên, theo ông, bài học từ sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu cho thấy, nguyên do của quá trình sụp đổ là sự chuệch choạc, dao động trong tư tưởng, mà dao động trong tư tưởng thì sẽ dao động trong lãnh đạo.

“Không còn thừa nhận chủ nghĩa Mác - Lênin tức là không thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng. Các đảng phái sẽ mọc lên như nấm và quốc gia sẽ bước vào thời kỳ thập nhị sứ quân, rối loạn. Đó là lý do quan điểm chỉ đạo của báo cáo chính trị nhấn mạnh số một việc vững vàng tư tưởng Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương giải thích.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала