Việt Nam thực hiện bước thử nghiệm chung sống với COVID-19

© AFP 2023 / Nhac NguyenNhững người tại sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội.
Những người tại sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội. - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Việc mở lại các đường bay quốc tế tầm gần là một bước thử nghiệm chung sống với COVID-19 trong trạng thái mới của Việt Nam, đồng thời mở ra cánh cửa phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn “Hậu COVID-19”.

Tâm dịch của làn sóng thứ hai đã hoạt động bình thường trở lại

Từ 0h ngày 25/9 thành phố Đà Nẵng, Việt Nam cho phép mọi hoạt động trở lại bình thường. Như vậy, quãng thời gian dài tạm ngưng để thực hiện phòng chống dịch COVID-19 đã chấm dứt. Đà Nẵng đã kiểm soát được nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Công tác lấy mẫu xét nghiệm được thực hiện an toàn, cẩn trọng, đảm bảo không để xảy ra sai sót. - Sputnik Việt Nam
Bộ Y tế thông tin nhanh về ca nghi nhiễm Covid-19 tại Đà Nẵng
“Mặc dầu vậy, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Đà Nẵng vẫn yêu cầu phải có cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong từng lĩnh vực theo quy định. Thông điệp 5K của Bộ Y tế là: "Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế" phải được thực hiện nghiêm túc”, - Một quan chức của thành phố phát biểu với Sputnik.

Còn Hội An thì cũng đã mở cửa đón khách từ hôm 24/9. Một số các hoạt động đang được tổ chức lại. Đó là không gian "Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ", "Phố đêm", các làng nghề truyền thống và hoạt động hướng dẫn tham quan Khu phố cổ Hội An.

“Thời gian đầu, các hoạt động phục vụ du lịch tại phố cổ Hội An sẽ diễn ra từ 9 giờ đến 11 giờ sáng và từ 15 giờ đến 21 giờ tối. Trong tháng 10 tới, khách du lịch được giảm một nửa giá vé tham quan Khu phố cổ Hội An. Thật vui khi cuộc sống dần dần trở lại bình thường”, - chị Quỳnh Nga, khách du lịch từ TP Huế nói với phóng viên Sputnik.

Nối lại một số chuyến bay thương mại quốc tế về Việt Nam

Ngày 25/9, chuyến bay từ Seoul, Hàn Quốc về Hà Nội đã được thực hiện. Chuyến bay này được ghi nhận là chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chính thức về Việt Nam đầu tiên sau dịch Covid-19 của ngành hàng không Việt Nam.

Máy bay của hãng hàng hàng không Vietnam Airlines đậu tại sân bay Nội Bài. - Sputnik Việt Nam
Vietnam Airlines chính thức khôi phục các chuyến bay quốc tế từ ngày 18/9
“Chuyến bay thương mại này có ý nghĩa quan trọng. Nó cho phép chúng ta đánh giá khả năng tiếp nhận khách từ các đường bay quốc tế thường lệ về Việt Nam. Đây là nỗ lực rất lớn của Việt Nam, hướng tới sớm khôi phục trở lại các đường bay quốc tế của VNA cũng như hàng không cả nước. Điều này cũng chứng tỏ tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam và một số nước đang được kiểm soát tốt”, - Tiến sĩ kinh tế Lê Minh bình luận với Sputnik.

Để thực hiện chuyến bay này Việt Nam đã áp dụng những quy định kiểm soát dịch bệnh hết sức nghiêm ngặt. Hành khách cần đáp ứng các điều kiện như có giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp realtime PCR trong vòng ba ngày trước khởi hành, xác nhận về địa điểm cách ly tại Việt Nam, cài đặt ứng dụng theo dõi tiếp xúc, khai báo y tế…

Trước đó mấy ngày Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải việc triển khai lịch bay quốc tế và các yêu cầu đối với các hãng hàng không vận chuyển khách vào Việt Nam. Vietnam Airlines và Vietjet Air đệ trình kế hoạch là hàng tuần sẽ có 4 chuyến bay quốc tế tới Hà Nội và 5 chuyến bay tới TP. Hồ Chí Minh.

Máy bay của Vietnam Airlines đưa hành khách từ Đà Nẵng trở về đã tới sân bay Nội Bài. - Sputnik Việt Nam
Hàng không Việt Nam chờ đợi sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ
“Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mỗi thành phố sẽ đón khoảng hơn 1.000 khách quốc tế mỗi tuần. 4 đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đều đã nhất trí với phương án mà Việt Nam đưa ra. Phía Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đã chỉ định 1 chuyến/tuần/đường bay đến Việt Nam. Tôi đánh giá đây là một tiến triển rất tích cực. Việc khôi phục đường bay thương mại quốc tế là rất cần thiết”, - Tiến sĩ kinh tế Lê Minh nói với Sputnik.

Ý tưởng của Việt Nam mở lại các đường bay quốc tế đến 4 quốc gia và vùng thổ (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan) đã được hình thành từ đầu tháng 7-2020 khi tình hình dịch COVID-19 trên thế giới tạm ổn định và trên 80 ngày Việt Nam không có thêm ca mắc nhiễm nào trong cộng đồng. Tuy nhiên, đến cuối tháng 7 và đầu tháng 8, việc tái bùng phát dịch COVID-19 tại Việt Nam với tâm dịch là Đà Nẵng đã buộc ý tưởng đó phải tạm gác lại.

“Hiện nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được đợt dịch này. Ý tưởng nói trên lại được khôi phục.Tuy nhiên, việc mở lại một số tuyến đường bay thương mại quốc tế ở tầm gần là sự thích ứng với điều kiện bình thường mới chứ chưa thể khôi phục lại bình thường hoàn toàn như trước khi có dịch, bởi như chúng ta đã biết, cả thế giới này vẫn chưa có vắc - xin phòng dịch ở mức độ phân phối thương mại và do đó, chưa thể kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm bình luận với Sputnik.

Nối lại chuyến bay thương mại quốc tế. Kiểm soát dịch bệnh như thế nào?

Theo quy định, trong chuyến bay, tất cả các hành khách và đội bay cũng như các tiếp viên đều phải mặc đồ bảo hộ y tế toàn thân 100%. Điều này cũng giống như các chuyến bay cứu trợ trước đây. Sau khi đến Việt Nam, hành khách phải làm tờ khai y ế tại cửa khẩu sân bay, được kiểm tra y tế sơ bộ và sau đó được đưa về khu cách ly. Trong thời hạn 7 ngày cách ly, họ sẽ được xét nghiệm virus SARS-COV-2 theo phương pháp RT-PCR, nếu đủ cả 2 lần âm tính (không nghi ngờ), họ sẽ được về nhà và tiếp tục tự cách ly ở nơi lưu trú thêm 7 ngày nữa theo chế độ theo dõi sức khỏe tại nơi cư trú hoặc lưu trú. Đối với đội bay và các tiếp viên cũng vậy. Chi phí cách ly, bao gồm cả chi phí ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt, xét nghiệm do hành khách tự trang trải theo quy định của chính phủ Việt nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam. Chi phí của đội bay và tiếp viên do Nhà nước Việt Nam chi trả.

Kiểm tra coronavirus. - Sputnik Việt Nam
Việt Nam tiếp tục không ghi nhận thêm ca mắc Covid-19
“Như vậy, các chuyến bay thương mại giữa Việt Nam và 4 đối tác có nhiều điểm khá giống với các chuyến bay giải cứu người Việt từ các vùng dịch trên thế giới về nước. Điểm khác là hành khách, không phân biệt người nước ngoài hay người Việt Nam đều phải tự trang trải toàn bộ chi phí; bao gồm cả chi phí bay, chi phí kiểm tra y tế, chi phí cách li, chi phí xét nghiệm… Tất cả các chi phí này đều cao hơn nhiều so với các chuyến bay bình thường trước khi có dịch COVID-19”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm nói với Sputnik.

Dầu vậy, những chuyến bay nói trên cũng đáp ứng một phần nhu cầu vận tải hàng không quốc tế của Việt Nam, đồng thời, giúp cho nhiều công dân Việt Nam không thuộc diện được giải cứu có thể về nước, giúp cho nhiều người nước ngoài đang làm việc với Việt Nam có thể trở lại Việt Nam để tiếp tục công việc của họ; giúp cho khách du lịch muốn đến Việt Nam có thể đến với Việt Nam nếu như họ chấp nhận các chi phí đó.

Việt Nam có đủ nhân lực để đón khách quốc tế?

Theo đánh giá chung, các hãng hàng không Việt Nam hiện nay có đủ nhân lực để thực hiện các chuyến bay thương mại quốc tế với 4 vùng nói trên với sự phối hợp của các cơ quan y tế, Quân đội và Công an Việt Nam.

Các công dân trở về từ Liên Bang Nga tại khu cách ly. - Sputnik Việt Nam
Vì sao Việt Nam chống Covid-19 thành công?
“Về thực lực và cơ sở hạ tầng thì Việt Nam hoàn toàn có đủ để đáp ứng việc tiếp nhận trên dưới 1.000 người nhập cảnh mỗi tuần. Bởi trong thời kỳ cao điểm chống dịch COVID-19 vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã chuẩn bị thêm hơn 80.000 chỗ ở cách ly, gấp đôi so với giai đoạn tháng 3, tháng 4-2020”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm chia sẻ thông tin với Sputnik.

Hơn nữa, một số khách sạn và chung cư chưa sử dụng cũng có thể đón tiếp hàng vạn người cách ly theo chế độ tự trang trải phí cách ly. Và cuối cùng, đội ngũ y bác sĩ Việt Nam qua ba lần “thử lửa” với “giặc COVID-19”, với kinh nghiệm và những “vũ khí” mới được nghiên cứu, trang bị, hoàn toàn có thể đáp ứng việc test khối lượng người nhập cảnh Việt Nam như đã đề cập ở trên.

“Việc mở lại các đường bay quốc tế tầm gần là một bước thử nghiệm chung sống với COVID-19 trong trạng thái mới của Việt Nam, đồng thời mở ra cánh cửa phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn “Hậu COVID-19”, đặc biệt, với các ngành vận tải hàng không và du lịch, dịch vụ. Và trước mắt, Việt nam chỉ mở lại các chuyến bay quốc tế trên cơ sở đối tác có đi có lại và chỉ đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19 theo tiêu chí của WHO”, - Chuyên gia về các vấn đề chính trị xã hội Nguyễn Hoàng đưa ra đánh giá của mình với Sputnik.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала