Về thời điểm Việt Nam sản xuất vaccine Covid-19 và vụ cách chức ông Lê Vinh Danh

© Ảnh : Doãn Tấn - TTXVNToàn cảnh Quốc hội.
Toàn cảnh Quốc hội. - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Tại Nghị trường sáng nay xảy ra màn tranh luận “nảy lửa” liên quan vụ kỷ luật – cách chức Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng đối với ông Lê Vinh Danh. Hai ĐBQH, Bộ trưởng Nội vụ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng làm rõ việc xử lý kỷ luật này có đúng thẩm quyền hay không.

Liên quan đến vaccine Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, phải đến cuối năm 2021, đầu năm 2020 Việt Nam mới có thể sản xuất được vaccine chống coronavirus, trong khi việc mua vaccine Covid-19 trên thế giới “tương đối khó khăn”.

Vụ ông Lê Vinh Danh: Tranh luận việc cách chức Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng

Tại phiên chất vất sáng nay 6/11, hai đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cùng với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã cùng tranh luận, trao đổi để xác định việc kỷ luật Hiệu trưởng đại học Tôn Đức Thắng do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện có đúng thẩm quyền hay không.

ĐH Tôn Đức Thắng - Sputnik Việt Nam
Cách chức hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng với ông Lê Vinh Danh

Cụ thể, tại nghị trường, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) đã chất vấn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xung quanh vụ việc xảy ra tại Đại học Tôn Đức Thắng.

“Việc cách chức Hiệu trưởng Tôn Đức Thắng (ông Lê Vinh Danh) của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có đúng thẩm quyền, theo quy định của luật Giáo dục đại học?”, đại biểu Lê Thanh Vân nêu câu hỏi.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, liên quan đến vụ việc xảy ra tại Đại học Tôn Đức Thắng, Chính phủ nhất quán ủng hộ mô hình tự chủ thực hiện ở đại học này. Quy định của luật Giáo dục hiện hành thì Hội đồng trường là cơ quan quyền lực của trường đại học.

© Ảnh : Doãn Tấn - TTXVNPhó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Về thời điểm Việt Nam sản xuất vaccine Covid-19 và vụ cách chức ông Lê Vinh Danh - Sputnik Việt Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Đối với trường hợp cá nhân ông Lê Vinh Danh, việc cách chức phải theo sự quyết định của Hội đồng trường, sau đó báo cáo cơ quan chủ quản là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

“Như vậy, theo luật quy định thì trong khi Hội đồng trường còn hoạt động, việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đơn phương xử lý Hiệu trưởng đại học Tôn Đức Thắng mà không thông qua Hội đồng trường là trái luật”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Tuy nhiên, đồng chí Vũ Đức Đam cũng cho biết thêm, ở thời điểm kỷ luật ông Lê Vinh Danh, Hội đồng trường Đại học Tôn Đức Thắng đã hết nhiệm kỳ hoạt động, trong khi việc kiện toàn Hội đồng trường nhiệm kỳ mới của Tổng Liên đoàn chậm trễ. Chính vì lẽ đó, khi thực hiện kỷ luật Hiệu trưởng Lê Vinh Danh thì trường Tôn Đức Thắng đang không có Hội đồng trường.

Sinh viên Việt Nam - Sputnik Việt Nam
Ông Lê Vinh Danh khiếu nại quyết định đình chỉ Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng

Đến đây, Chủ tịch Quốc hội lên tiếng đề nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời cụ thể việc Tổng Liên đoàn có thẩm quyền xử lý kỷ luật Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng hay không?

Một lần nữa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thừa nhận, theo luật Giáo dục Đại học thì việc kỷ luật không đúng thẩm quyền. Khi đó, Chính phủ đã cử một Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đến làm việc với Đại học Tôn Đức Thắng, trước hết là kiện toàn Hội đồng trường theo đúng quy định của luật Giáo dục đại học để tháo gỡ, giải quyết vấn đề.

“Trường Tôn đức thắng là mô hình tốt, có được một trường như vậy là điểm sáng của mô hình tự chủ đại học. Thành công của Đại học Tôn Đức Thắng có đóng góp của nhiều cơ quan, đơn vị như TPHCM, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội đồng trường, trong đó có cả Hiệu trưởng trường. Còn việc xử lý kỷ luật cán bộ thì phải thực hiện theo luật Giáo dục đại học, luật Cán bộ công chức, viên chức và công tác cán bộ của Đảng”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khằng định.

Đến lượt mình, đại biểu Lê Thanh Vân cho biết, ông tán thành vế trả lời thứ nhất của Phó Thủ tướng rằng, việc áp dụng pháp luật của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khi kỷ luật cách chức Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng là không đúng thẩm quyền, sai luật. Mặc dù Tổng liên đoàn có quyền kỷ luật viên chức do mình quản lý, tuy nhiên thẩm quyền quyết định trong trường hợp này thuộc về Hội đồng trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng - Sputnik Việt Nam
Vì sao ông Lê Vinh Danh bị đình chỉ chức Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng?

Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị các cơ quan, bộ ngành có các đại học trực thuộc tôn trọng mô hình, quy định về tự chủ đại học bởi lẽ đây là một chủ trương lớn, đúng đắn của nhà nước.

Xin phát biểu tranh luận với đại biểu Lê Thanh Vân, đại biểu Trần Thị Diệu Thuý – Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM cho biết, với tư cách là đại diện của Liên đoàn lao động, lại từng có thời gian tham gia Hội đồng trường Đại học Tôn Đức Thắng, bà nắm rõ sự việc xảy ra tại trường này.

Đại biểu Thuý cho rằng, vì ở thời điểm đó, Đại học Tôn Đức Thắng không có Hội đồng trường nên việc xử lý kỷ luật Hiệu trưởng thuộc về trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan chủ quản. Do đó, theo bà Thúy, quyết định cách chức của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đối với ông Lê Vinh Danh là đúng luật.

Ngoài ra, theo đại biểu Trần Thị Diệu Thuý, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có văn bản tham vấn Bộ Nội vụ. Trong văn bản trả lời của Bộ Nội vụ (số 4378 ngày 21/8/2020), Bộ cho biết do Đại học Tôn Đức Thắng chưa có hội đồng trường nên thẩm quyền tiến hành kỷ luật và ra quyết định kỷ luật đối với Hiệu trưởng đại học Tôn Đức Thắng là do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định.

Trước ý kiến của Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị đại biểu Thuý đọc lại luật Giáo dục đại học.

“Văn bản nào cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có quyền cách chức Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng như thế thì cũng là trái luật. Nếu Bộ Nội vụ đồng ý cho Tổng Liên đoàn làm như vậy thì cũng vi phạm luật. Đề nghị Bộ trưởng Nội vụ giải trình tiếp vấn đề này”, đại biểu Lê Thanh Vân chất vấn đôfng thời đề nghị Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân tham gia trả lời cho rõ.

Tuy nhiên, đến đây Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị các đại biểu quan tâm sự việc tiến hành trao đổi riêng với các cơ quan, để dành thời gian cho các đại biểu khác tham gia phiên chất vấn.

Việt Nam có thể sản xuất vaccine Covid-19 vào cuối năm 2021

Cũng trong phiên làm việc sáng 6/11,  Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã được các đại biểu đặt câu hỏi về tiến độ nghiên cứu vaccine Covid-19 cũng như những biện pháp căn cơ nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh trong giai đoạn bình thường mới tại Việt Nam.

Nghiên cứu viên trong phòng thí nghiệm của Viện Dịch tễ Quốc gia ở Hà Nội. - Sputnik Việt Nam
Vaccine Covid-19 lần đầu tiên thử trên người: Việt Nam đua song song với thế giới

Theo đó, đại biểu Dương Tấn Quân, bác sĩ và ĐBQH đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu, nhận định, đến nay Việt Nam đã thành công trong phòng chống dịch Covid-19, tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm vẫn tiềm ấn.

“Đề nghị Chính phủ cho biết giải pháp căn cơ phòng chống lây nhiễm vào Việt Nam và tiến độ nghiên cứu vaccine”, Đại biểu Quân chất vấn.

Trao đổi về vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, về vấn đề chống dịch, trong thời điểm hiện tại “bên ngoài đang sóng to gió lớn, cho nên bên trong phải bao chặt”.

Cho đến lúc này, Việt Nam vẫn đang làm tốt công tác kiểm soát người nhập cảnh, phát hiện và xử lý các trường hợp nhập cảnh trái phép. Đã có khoảng 200.000 người nhập cảnh vào Việt Nam, bao gồm các chuyên gia lao động, cũng như đồng bào Việt Nam đang sinh sống ở các nước. Đây là yếu tố quan trọng để giữ sự ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội.

Phó thủ tướng khẳng định Việt Nam đang “kiểm soát rất chặt”, rất cảnh giác trước các nguy cơ dịch xâm nhập. Ông hy vọng người dân tiếp tục tuân thủy nghiêm quy định sống chung an toàn với dịch như quy tắc 5K mà Bộ Y tế đề ra.

Bên cạnh đó, từng cơ sở y tế, bệnh viện, trường học, công xưởng, doanh nghiệp cũng cần phải thực hiện đầy đủ hướng dẫn, điều kiện an toàn dịch.

“Chúng tôi đã đưa lên một bản đồ số chung sống an toàn với Covid-19, sẽ có hàng triệu cơ sở phải tự chấm điểm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nếu mức xanh sẽ được tiếp tục hoạt động”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết.

Theo Phó Thủ tướng, dịch sẽ kéo dài ít nhất đến hết năm 2021, tức là hơn một năm nữa.

Một vấn đề quan trọng cần được lưu tâm là vaccine Covid-19. Thông thường, thời gian để phát triển, đưa vào sử dụng đại trà cho một loại vaccine mất 5-10 năm. Người ta phải xem xét liệu vaccine có hiệu quả không, hiệu quả miễn dịch kéo dài bao lâu, tác dụng phụ thế nào.

Vaccine - Sputnik Việt Nam
Việt Nam chuẩn bị thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người: Ai được tiêm?

Phó Thủ tướng cho biết, hiện có hơn 150 loại vaccine phòng Covid-19 đang được phát triển bởi các quốc gia trên thế giới. Trong số đó, Việt Nam góp mặt 4 cơ sở. Tuy nhiên, theo tính toán, nhanh nhất cũng phải đến cuối năm 2021, đầu 2022, Việt Nam mới chính thức sản xuất thành công vaccine Covid-19.

“Trong 4 đơn vị nghiên cứu vaccine của Việt Nam, 2 đơn vị dự kiến cuối năm 2020 bắt đầu thử nghiệm vòng 1 trên người, nếu thuận lợi, nhanh nhất cuối năm 2021 chúng ta mới sản xuất được vaccine”, đồng chí Vũ Đức Đam nêu rõ.

Đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh vaccine toàn cầu đã thành lập chương trình gồm 92 nước và vùng lãnh thổ tham gia, trong đó có Việt Nam, với nhiệm vụ đặt ra là cung cấp vaccine giá rẻ, khoảng 2 USD một liều, tức là mỗi người mất khoảng 4 USD cho 2 liều.

“Tuy nhiên, cũng chỉ hy vọng đáp ứng được vài phần trăm đến tối đa được 20% số người trên thế giới. Và cũng chưa công ty sản xuất vaccine nào cam kết bán vaccine cho liên minh này cả”, Phó Thủ tướng cho biết.

Đến nay, Việt Nam đang làm việc với các đối tác, bao gồm Trung Quốc và Nga, về vaccine Covid-19. Bộ Y tế đã có những bàn bạc cụ thể, nhưng theo đồng chí Vũ Đức Đam, việc mua vaccine sớm không hề dễ.

“Đáng lưu ý, để có thể mua được vaccine sớm là điều không hề dễ dàng bởi nhu cầu cao hơn năng lực sản xuất và chưa có gì chắc chắn. Chính phủ các nước muốn mua sớm thì phải đặt cọc hoặc trả tiền trước cho công ty với mức độ rủi ro rất cao bởi đó vẫn là chuyện tương lai”, ông Vũ Đức Đam nói.

Con khỉ - Sputnik Việt Nam
Việt Nam bắt đầu thử nghiệm vaccine Covid-19 trên khỉ
Chính vì vậy, theo đại diện lãnh đạo Chính phủ giải pháp căn cơ nhất trong lúc này là phòng dịch, chung sống an toàn với dịch bệnh.

Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo tuyệt đối không chủ quan, lơ là với dịch bệnh vì ngày hôm nay trên thế giới vẫn có nửa triệu ca nhiễm.

“Việt Nam vẫn yên bình như hôm nay thì phải chúng sống an toàn với dịch bệnh, đầu tiên là bệnh viện, trường học rồi đến tất cả các cơ sở lưu trú, phương tiên giao thông, siêu thị, chợ, nhà máy, công sở. Tới đây, tất cả chúng ta đều phải tự chống dịch, đến tận từng người dân”, đồng chí Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала