Việt Nam khiến Trung Quốc lo lắng vì quyết định của Apple và Samsung

© AP Photo / Kathy WillensApple
Apple - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Việt Nam đang đe dọa vị thế “công xưởng sản xuất lớn nhất thế giới” của Trung Quốc. Việc Apple, Samsung đang rời bỏ Trung Quốc để đến Việt Nam như “đổ thêm dầu vào lửa” khiến Bắc Kinh lo lắng.

Việc Apple chuyển dây chuyền sản xuất iPad và MacBook tới Việt Nam là khởi điểm của làn sóng di cư, dịch chuyển, tháo chạy khỏi Trung Quốc hậu “kỷ nguyên” Trump, chiến tranh thương Mỹ - Trung cho đến cả khi Joe Biden cầm quyền.

Bất kể Trump hay Biden: Apple tiếp tục rời Trung Quốc, Việt Nam hưởng lợi

Cuộc di dời lớn và kéo dài của Apple, loạt đối tác của gã khổng lồ công nghệ “Quả táo cắn dở” này có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất iPhone, hay quyết định chuyển một phần sản xuất sang Việt Nam của Samsung đặt ra câu hỏi về vai trò của Trung Quốc với danh xưng “công xưởng sản xuất lớn nhất thế giới”.

Theo các chuyên gia kinh tế của Bloomberg, việc Apple chuyển dây chuyền sản xuất iPad, MacBook sang Việt Nam khẳng định xu thế dịch chuyển sản xuất, làn sóng chuyển dịch đầu tư rời khỏi Trung Quốc “sẽ không có dấu hiệu chậm lại”.

Có vẻ trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ sắp tới (có thể là dưới thời của đại diện Đảng Dân chủ Mỹ Joe Biden), sự phân tách của chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu sẽ không chậm lại.

Thời gian tới, tập đoàn lớn nhất trong số các đại gia công nghệ phụ thuộc vào các nhà máy ở Trung Quốc là Apple sẽ chuyển một số hoạt động sản xuất iPad và MacBook sang Việt Nam.

Đối tác lắp ráp chính của Apple là Hon Hai Precision Industry Co., hay còn được gọi là Foxconn, đã bơm 270 triệu USD để đầu tư xây dựng nhà máy ở Việt Nam.

Điều này cho thấy một cuộc di dời lớn và kéo dài của Apple có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất iPhone, cũng như vai trò của Trung Quốc với danh xưng công xưởng thế giới.

Ông Quách Đài Minh, nhà sáng lập Foxconn, đã đặt ra thuật ngữ "G2" để mô tả xu hướng của một chuỗi cung ứng thống nhất chia rẽ thành 2 hoặc nhiều hơn.

Trong khi đó, Chủ tịch Foxconn Young Liu lại cho rằng các nước như Ấn Độ, Đông Nam Á và châu Mỹ có thể là những nơi chia sẻ vai trò của Trung Quốc.

Công nhân Trung Quốc lắp ráp linh kiện điện tử trong nhà máy thuộc công ty khổng lồ Foxconn của Đài Loan tại Thâm Quyến, Trung Quốc - Sputnik Việt Nam
Foxconn sẽ chuyển một phần sản xuất linh kiện từ Trung Quốc sang Việt Nam theo yêu cầu của Apple

Có vẻ như đây là xu hướng không thể đảo ngược khi mà Ấn Độ và Việt Nam đang tăng cường cơ sở hạ tầng và nỗ lực thu hút các nhà sản xuất thông qua chi phí thấp và ít lo lắng về địa chính trị.

“Khi chi phí sản xuất ở Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn kèm với những căng thẳng không thể đoán trước trong mối quan hệ với Mỹ, các công ty đã chuyển dây chuyền sản xuất một số mặt hàng khỏi Trung Quốc. Xu hướng đó sẽ tiếp tục khi các nước như Việt Nam và Ấn Độ cải thiện khả năng cạnh tranh”, chuyên gia phân tích công nghệ Dan Wang tại Gavekal Dragonomics, cho biết.

Những quyết sách dưới thời Tổng thống Trump đã khiến nhiều nhà sản xuất phải chuyển sang Việt Nam và các nước như Mexico hay Ấn Độ để tránh bị trừng phạt, cũng như giảm thiểu rủi ro bị vạ lây trong tương lai.

CEO Tim Cook của Apple đang ngày càng có nhiều giải pháp thay thế để tránh việc phụ thuộc vào các dây chuyền lắp ráp ở Trung Quốc.

Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi cũng hỗ trợ chính sách để Apple tiếp tục gia tăng sản xuất iPhone ở nước này Pegatron Corp., gã khổng lồ trong lĩnh vực lắp ráp iPhone, cũng đã đầu tư 150 triệu USD vào dây chuyền sản xuất ở Ấn Độ và bắt đầu vận hành vào cuối năm 2021.

Chính phủ Mỹ cũng đang tạo điều kiện cho việc sản xuất iPhone bằng cách giảm thuế sản xuất chip trong nước.

© AFP 2023 / StringerNhà máy Foxconn
Việt Nam khiến Trung Quốc lo lắng vì quyết định của Apple và Samsung - Sputnik Việt Nam
Nhà máy Foxconn

Taiwan Semiconductor Manufacturing Co., nhà cung cấp chính, cũng đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy ở Arizona mặc dù nó có quy mô khiêm tốn. Nhiều khả năng, nó sẽ phục vụ cho những khách hàng nhỏ, ít nhất là trong thời kỳ đầu tiên.

Một ông lớn khác là Google của Alphabet Inc. cũng đã đặt hàng với Foxconn để lắp ráp các thành phần quan trọng cho máy chủ của họ ở Wisconsin. Theo dự kiến, việc sản xuất hàng loạt sẽ được tiến hành trong quý đầu tiên của năm 2021.

Các nhà lắp ráp cũng đang tính tới việc mở nhà máy ở Mỹ để phục vụ các khách hàng khác.

Thuế quan mà đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump áp lên các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất đã buộc các công ty toàn cầu phải suy nghĩ lại về hoạt động sản xuất của họ. Công ty Nintendo Co. cũng đã yêu cầu nhà cung ứng phải đa dạng hóa nơi sản xuất ngoài Trung Quốc.

Mặc dù vậy, khó phủ nhận một thực tế là việc chuyển đổi chuỗi cung ứng sẽ mất nhiều thời gian và trong ít nhất 5 năm tới, Trung Quốc vẫn sẽ là trung tâm sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới.

Vì sao đối tác của Apple chọn Việt Nam?

Foxconn có mặt ở Việt Nam từ năm 2007. Đến nay, tập đoàn này đã có ba nhà máy quy mô nhỏ, chủ yếu sản xuất và lắp ráp máy tính và phụ tùng ô tô.

Sau khi chuyển một phần dây chuyền lắp ráp iPad và MacBook sang Việt Nam, việc sản xuất dự kiến sẽ bắt đầu vào nửa đầu năm 2021, đây sẽ là hoạt động sản xuất iPad đầu tiên của Foxconn bên ngoài Trung Quốc.

Vì những thay đổi trong môi trường thương mại quốc tế, Foxconn và các xưởng đúc khác được yêu cầu cung cấp chuỗi cung ứng phục vụ hai thị trường lớn là Trung Quốc và Mỹ.

App Store - Sputnik Việt Nam
Việt Nam yêu cầu Apple và Google gỡ bỏ game có gắn “đường lưỡi bò”

Yếu tố nổi bật khiến Foxconn lựa chọn Việt Nam là lực lượng lao động giá rẻ Việt Nam. Tập đoàn này hiện đang tăng tốc bố trí năng lực sản xuất toàn cầu. Theo mục tiêu đặt ra, năng lực sản xuất ở nước ngoài trong tương lai sẽ chiếm 30% tổng năng lực sản xuất của công ty.

Hãy nhìn một ví dụ đơn giản để thấy, vì sao đối tác của Apple chọn Việt Nam làm bến đỗ. Ở Việt Nam, nếu với mức lương cơ bản khoảng 4,2 triệu đồng, cộng với lương tăng ca, làm thêm, thu nhập hàng tháng của lao động Việt Nam sẽ chỉ rơi vào khoảng từ 6-7 triệu đồng. Trong khi đó, mức tương đương ở Trung Quốc ít nhất cũng lên tới từ 14-21 triệu đồng. Thậm chí sẽ còn cao hơn tùy vào địa điểm, đặc thù công việc, vị trí làm việc.

Không chỉ với Foxconn, bất cứ doanh nghiệp đa quốc gia nào sử dụng nguồn lao động lớn, chi phí nhân công luôn là một trong những yếu tố then chốt đáng để cân nhắc khi lựa chọn đầu tư. Chi phí lao động thấp hơn, chính quyền hỗ trợ tốt hơn, giao thông địa lý thuận lợi là những lợi thế “trông thấy” mà Việt Nam hiện có.

Có thể thấy, việc giới phân tích nhận định, quyết định của Foxconn, Samsung và các công ty khác chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam là điều nằm trong dự đoán, vì ngoài việc xem xét yếu tố chi phí còn cân nhắc về “an ninh chuỗi cung ứng”, họ cho rằng chuỗi cung ứng tương đối phân tán sẽ an toàn hơn.

Việt Nam có ưu thế gì trong thu hút FDI và làn sóng chuyển dịch đầu tư?

Liên quan đến vấn đề thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, sẵn sàng đón làn sóng chuyển dịch dây chuyền sản xuât, vừa qua, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, Việt Nam có sự hấp dẫn và lợi thế riêng về môi trường đầu tư đối với các doanh nghiệp nước ngoài nhằm duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu hiện nay.

Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thế mạnh và sự ưu việt của Việt Nam đến từ các yếu tố nội tại của nền kinh tế cũng như những tác động từ yếu tố bên ngoài.

Ông Đỗ Nhất Hoàng phân tích về lợi thế môi trường đầu tư Việt Nam có thể sẽ là “những điểm cộng”, đáng để giới đầu tư nước ngoài cân nhắc như chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường rộng lớn.

Cùng với đó, Việt Nam có chi phí cạnh tranh, chính sách ưu đãi hấp dẫn, nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng. Một đặc điểm ưu việt không thể phủ nhận đó là vị trí địa lý thuận lợi.

“Bên cạnh đó, còn có sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách chính sách, thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư hoạt động thành công tại Việt Nam”, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.

Nhận định về yếu tố bên ngoài giúp Việt Nam ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, ông Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, cần cân nhắc đến cuộc xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn (cụ thể là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung), khiến hàng loạt tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế thôi thúc việc dịch chuyển dây chuyền, công nghệ sản xuất, thay đổi địa điểm kinh doanh để hạn chế chi phí, tránh mức thuế suất cao.

Pegatron - Sputnik Việt Nam
Vì sao đối tác của Apple, Microsoft - Pegatron chọn Việt Nam?

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho rằng, chính đại dịch Covid-19 khiến cho quá trình dịch chuyển này diễn ra nhanh hơn, các quốc gia, tập đoàn quốc tế đẩy nhanh hơn quá trình tái cơ cấu đầu tư, nhằm tránh phải phụ thuộc vào một quốc gia, đối tác hay vùng lãnh thổ sản xuất riêng biệt nào.

Ông Đỗ Nhất Hoàng cũng đánh giá, một số quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã ban hành chính sách ưu đãi và hỗ trợ các công ty dịch chuyển dây chuyền sản xuất về nước hoặc đầu tư sang nước thứ ba nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Trong đó, so với một số nước trong khu vực như Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam được giới chuyên gia đánh giá có nhiều cơ hội để đón làn sóng chuyển dịch này do có nhiều lợi thế về môi trường đầu tư, cũng như thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19 thời gian vừa qua, đặc biệt là vị trí địa lý gần Trung Quốc, chi phí nhân công rẻ.

“Cơ hội so với các đối thủ tương đối rõ ràng, vấn đề còn lại là chúng ta có thể tận dụng lợi thế hay không. Để tận dụng được lợi thế, tiếp nhận được dòng chuyển dịch đầu tư trong thời gian tới, chúng ta cần nhận thức đầy đủ về cơ hội và thách thức để có các giải pháp phù hợp nhằm nắm bắt kịp thời dòng vốn chuyển dịch này”, Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng lưu ý.

Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng cho rằng, sau thương chiến Mỹ - Trung, Covid-19 nối tiếp làn sóng thúc đẩy dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Việt Nam, với những lợi thế sẵn có, nằm trong nhóm quốc gia có cơ hội hưởng lợi và hoàn toàn có thể kỳ vọng vào làn sóng đầu tư thứ tư.

“Điển hình là việc hãng công nghệ hàng đầu thế giới Apple đang tăng cường hoạt động sản xuất và sự liên hệ với thị trường Việt Nam, thông qua việc 3 đối tác chính là Foxconn, Winstron và gần đây là Luxshare đã chính thức hiện diện tại Việt Nam”, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết.

Việt Nam cần chuẩn bị những gì để đón làn sóng FDI đổ bộ?

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, trong cuộc trao đổi với Báo Đầu Tư cũng nêu ra một số giải pháp cụ thể để Việt Nam có được sự chuẩn bị tốt nhất khi đón làn sóng chuyển dịch đầu tư, thu hút FDI tiềm năng hơn nữa. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Bộ Tài nguyên Môi trường, lãnh đạo các địa phương xem xét các vấn đề liên quan đến điều kiện mặt bằng sản xuất.

Cụ thể, liên Bộ có phương án xử lý, giải quyết, thu hồi, tạo quỹ đất cho các dự án mới, rà soát, xây dựng danh sách các địa phương, khu công nghiệp, khu kinh tế đã chuẩn bị về hạ tầng, nhân lực, năng lượng có thể sẵn sàng tiếp nhận ngay các dự án trong dòng chuyển dịch, tái định vị sản xuất.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng cũng tiến hành xem xét bổ sung quy hoạch khu công nghiệp để đón dòng vốn FDI mới.

Cửa hàng hàng đầu mới của Apple mở tại Bắc Kinh, Trung Quốc - Sputnik Việt Nam
Liệu Apple có thể khôi phục lại vị trí của mình trên thị trường Trung Quốc?

Hiện nay, liên quan đến vấn đề nâng cao nguồn nhân lực Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai đào tạo lao động trong các ngành nghề chất lượng cao, như kỹ thuật số, công nghệ thông tin, ứng dụng tin học, điện tử - viễn thông, cơ khí - chế tạo.

Ngoài ra, trên khắp cả nước cũng tiến hành rà soát chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp FDI, xây dựng cơ sở dữ liệu về danh sách lao động kỹ thuật Việt Nam đã làm việc, tu nghiệp ở nước ngoài để cung cấp cho doanh nghiệp tuyển chọn.

Cùng với đó, để duy trì và tăng cường hút vốn FDI, Việt Nam hiện đang nỗ lực phục hồi kinh tế, đổi mới đồng bộ nền kinh tế, phát triển kinh tế số, chính phủ số theo xu hướng hiện đại.

Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng nên rõ, Việt Nam đang chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặc biệt lưu ý đến các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Ông Đỗ Nhất Hoàng đánh giá đây là những ưu tiên trong thu hút FDI hiện nay, nhằm đảm bảo tính hiệu quả và bền vững đối với tình hình ở Việt Nam hiện nay.

Với những lợi thế vượt trội, đặc biệt là ký kết thành công hàng loạt Hiệp định thương mại lớn như CPTPP, EVFTA, RCEP, sự ổn định chính trị, môi trường đầu tư mang tính cạnh tranh, sự thân thiện của Chính phủ và người dân, vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục đón làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài trong bối cảnh vị thế “công xưởng sản xuất lớn nhất thế giới” của Trung Quốc ngày càng bị lung lay.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала