Lấy nước sông Hồng ‘hồi sinh' sông Tô Lịch, các chuyên gia nói gì?

CC BY-SA 3.0 IGO / Wikipedia/Rungbachduong / Hoàng hôn trên sông Hồng nhìn từ cầu Long Biên, Hà Nội, Việt Namsông Hồng
sông Hồng  - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Ủng hộ 2 ý tưởng bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch, các chuyên gia cho rằng cần nghiên cứu kỹ để không ảnh hưởng đến nông nghiệp.

Đầu tháng 1/2021 vừa qua Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội - ông Vương Đình Huệ đã yêu cầu TP xem xét vấn đề sau khi xử lý nước cần có một phần bổ cập cho sông Tô Lịch, cũng như rà soát lựa chọn các phương án phù hợp. Trước đó, cũng đã có ý kiến nêu phương án bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch qua Hồ Tây. Tuy nhiên qua khảo sát thực địa theo tuyến, các đơn vị liên quan quyết định đề xuất thành phố nên bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch qua cống Liên Mạc mà không cần phải bơm qua Hồ Tây là phương án hợp lý hơn.

Cần phải lập kế hoạch và tính toán cụ thể trước khi thực hiện

Cả 2 phương án lấy nước sông Hồng "hồi sinh" sông Tô Lịch đang được đề xuất lên lãnh đạo thành phố. GS.TS Nguyễn Trọng Hồng – nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng đều ủng hộ cả 2 phương án nhưng ông cho rằng triển khai không đơn giản và phải có sự tham gia của nhiều bộ, ngành mới khả thi.

Sông Tô Lịch, đoạn chảy qua quận Cầu Giấy, Hà Nội. - Sputnik Việt Nam
Đề xuất lấy nước sông Hồng “hồi sinh” sông Tô Lịch

Theo GS Hồng, muốn lấy nước từ sông Hồng bổ trợ cho sông Tô Lịch phải lập quy hoạch, trong đó tính toán nhu cầu nước là bao nhiêu, lấy vào thời điểm nào và phải đảm bảo không ảnh hưởng đến chức năng phục vụ sản xuất nông nghiệp của sông Hồng. Sau khi có quy hoạch, mới tính đến chọn phương án nào khả thi, bổ cập qua hồ Tây hay qua cống Liên Mạc - phương án nào giá thành hợp lý thì triển khai. Ông Hồng nói thêm:

"Sông Hồng chảy qua nhiều tỉnh, thành nên không thể một địa phương nào đó thích thì lấy nước, khi lấy nước làm nông nghiệp sẽ không ai thắc mắc nhưng lấy phục vụ mục đích khác cần giải thích rõ".

Quy trình này nếu không tính toán kỹ, việc lấy nước từ sông Hồng có thể làm thay đổi dòng chảy, tác động đến hai bờ sông và dồn lượng bùn, cát xuống cống Xuân Quan (Hưng Yên) - cống của hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải. Ngoài ra, những năm qua mực nước sông Hồng ngày càng xuống thấp, lượng nước về đến cống Xuân Quang (Hưng Yên) vẫn thiếu, nếu còn lấy nước bổ cập cho sông Tô Lịch thì cống Xuân Quan sẽ cạn kiệt nước. Nguyên thứ trưởng Bộ thủy lợi nhấn mạnh:

"Nếu ưu tiên nông nghiệp, việc lấy nước sông Hồng bổ cập cho sông Tô Lịch không được chọn, còn ưu tiên cải thiện môi trường Tô Lịch thì phải hy sinh nông nghiệp”.

Phải kết hợp nhiều giải pháp mới xử lý được môi trường sông Tô Lịch

Một ý kiến khác từ Trưởng ban điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam - TS Đào Trọng Tứ. Theo ông, Hà Nội đang xây dựng hệ thống cống dọc sông Tô Lịch để gom nước thải về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, sau đó một phần nước thải đã qua xử lý sẽ được bổ cập lại cho dòng sông này. Tuy nhiên, lượng nước đó chưa đủ nên vẫn cần dẫn nước từ sông Hồng bổ cập cho sông Tô Lịch. Ông Tứ phát biểu:

"Lượng nước trong các dòng sông ở nội đô hiện nay chủ yếu từ hệ thống cống thải, đo đó nước rất ít và gần như không có dòng chảy".

Còn PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng, nêu quan điểm:

Nước sông Tô Lịch chuyển màu xanh - Sputnik Việt Nam
Chuyên gia: Bơm nước từ sông Hồng 'giải cứu' sông Tô Lịch là một sai lầm

"Đề xuất bổ cập nước là tốt, nhưng phải kết hợp nhiều giải pháp mới xử lý được môi trường sông Tô Lịch, trong đó quan trọng nhất là thu gom, xử lý nước thải, không để đổ vào dòng sông. Thành phố nên lấy ý kiến rộng rãi và triển khai đánh giá tác động của giải pháp bổ cập nước từ sông Hồng, từ vấn đề quy hoạch cho tới môi trường, kinh tế...".

Sông Tô Lịch có chiều dài khoảng 14km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy về phía nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì). Toàn tuyến sông có hơn 280 cửa xả nước thải. Theo ước tính của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, mỗi ngày 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông Tô Lịch. Từ nhiều năm nay, đã có nhiều cơ quan đứng ra thực hiện cứu dòng sông này khỏi ô nhiễm nhưng chưa thực sự hiệu quả. Liệu 2 phương án đang được đề xuất trên có thực sự khả thi?

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала