Tháng Giêng là một tháng quan trọng trong lịch sử Việt Nam

© Sputnik / Taras IvanovTriển lãm "Hồ Chí Minh một người giản dị" tại Hà Nội
Triển lãm Hồ Chí Minh một người giản dị tại Hà Nội - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Tháng Giêng năm 1950 có tầm quan trọng đặc biệt và có ý nghĩa lịch sử đối với Việt Nam. Khi đó nước Việt Nam DCCH thoát khỏi sự cô lập quốc tế.

Lời kêu gọi của Hồ Chí Minh chưa được hưởng ứng 

Sau cách mạng tháng Tám, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Chính phủ Hồ Chí Minh là bảo đảm cho nước Việt Nam DCCH được công nhận chính thức và thiết lập quan hệ ngoại giao với các quốc gia khác. Trong năm đầu tiên của nước Việt Nam non trẻ vừa mới ra đời, Hồ Chí Minh đã 6-8 lần hướng tới Tổng thống và Ngoại trưởng Hoa Kỳ, hai lần gửi lời kêu gọi tới nguyên thủ của bốn cường quốc - Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp, đã hướng tới Stalin yêu cầu gấp rút can thiệp vào tình hình Đông Dương, nhưng, không nhận được câu trả lời từ ai. Không một cường quốc nào công nhận nước Việt Nam DCCH và chính phủ Hồ Chí Minh.

Vào thời điểm đó, các đồng minh trong liên minh chống Hitler không có ý kiến thống nhất và giữ lập trường khác nhau về các thuộc địa của Pháp nói chung và các thuộc địa ở Đông Dương nói riêng. Trả lời phỏng vấn của Sputnik, Tiến sĩ Grigory Lokshin, chuyên gia Nga đã dành trọn cả đời nghiên cứu Việt Nam, bình luận về vấn đề này:

Các cường quốc đã nhìn về tương lai của Việt Nam như thế nào?

Tổng thống Mỹ Roosevelt không ủng hộ việc Pháp trở lại Đông Dương. Vào tháng 7 năm 1943, ông đã nói lên ý định thiết lập chế độ ủy thác quốc tế ở Đông Dương với mục đích trao quyền độc lập hoàn toàn cho khu vực này vào "thời điểm thích hợp sau chiến tranh". Vào tháng 11 năm 1943, tại Hội nghị Tehran, các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ và Liên Xô đã phản ứng tiêu cực đến ý định của Nước Pháp Tự do (tiếng Pháp: France libre) của Tướng De Gaulle nhằm khôi phục lại đế chế thực dân Pháp. Phát biểu tại Hội nghị Tehran, nhà lãnh đạo Liên Xô Stalin thẳng thừng nói rằng, không được để các nước Đồng minh đổ máu vì mục đích khôi phục đế quốc thực dân Pháp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà quay phim Roman Karmen và Vladimir Yeshurin, năm 1954 - Sputnik Việt Nam
Năm 1954: Những CCB Xô-viết chống phát-xít đầu tiên trên đất Việt Nam

Tuy nhiên, Tổng thống Roosevelt qua đời vào tháng 4 năm 1945. Và sau khi bùng nổ cuộc Chiến tranh Lạnh, Paris dễ dàng thuyết phục tân Tổng thống Mỹ Truman nên ủng hộ những nỗ lực của Pháp giành lại các thuộc địa. Ngay cả Đảng Cộng sản Pháp, khi đó đảng này đã tham gia vào chính phủ, cũng không nghi ngờ gì rằng, Pháp cần phải tiếp tục quản lý các thuộc địa của mình. Quan điểm này đã tồn tại đến năm 1947. Nhưng, sau khi cánh trái bị loại bỏ khỏi chính phủ Pháp, đã xuất hiện những chiến sĩ cộng sản như Henri Martin, Raymonde Dien và những anh hùng khác của chiến dịch chống lại “cuộc chiến tranh bẩn thỉu” của Pháp ở Đông Dương.

Tại sao Stalin không trả lời?

Tại Hội nghị Potsdam, Liên Xô đã được giao nhiệm vụ chấp nhận sự đầu hàng của Nhật Bản ở Triều Tiên. Vì vậy, đối với Matxcơva, các vấn đề của Đông Bắc Á và Mông Cổ, chưa nói đến các vấn đề của châu Âu thời hậu chiến, lúc đó là quan trọng hơn nhiều so với các vấn đề của Đông Nam Á. Nguyên nhân của điều đó không chỉ là việc thiếu thông tin từ Việt Nam hoặc thành phần của chính phủ Việt Nam có thể làm dấy lên nghi ngờ ở Mátxcơva. Khi đó ở Việt Nam đã có những đại diện của cả tình báo Mỹ và Liên Xô. Nhà sử học Mỹ, giáo sư Đại học California David Marr trong cuốn sách "Việt Nam 1945-1950: Nhà nước, chiến tranh và cách mạng" cho biết rằng, khi đó sĩ quan tình báo Liên Xô đại tá Stepan Solovyov hiện diện tại Hà Nội đã gặp gỡ với Hồ Chí Minh và ông đã biết rằng, đây chính là Nguyễn Ái Quốc, người đã làm việc ở Mátxcơva trong những năm 1920-1930 trong Quốc tế Cộng sản.

© Sputnik / Chuyển đến kho ảnhNguyễn Ái Quốc cùng với các đại biểu dự Đại hội V của Quốc tế Cộng sản
Tháng Giêng là một tháng quan trọng trong lịch sử Việt Nam - Sputnik Việt Nam
Nguyễn Ái Quốc cùng với các đại biểu dự Đại hội V của Quốc tế Cộng sản

Ở miền Nam cũng có các nhân viên tình báo Liên Xô gửi thông tin đến Mátxcơva. Nhưng, khi đó các vấn đề của châu Âu và Đông Bắc Á vẫn là quan trọng hơn nhiều đối với Liên Xô.

Chuyên gia Grigory Lokshin lưu ý:

“Theo nhiều nhà nghiên cứu, có cả lý do chủ quan giải thích tạo sao Matxcơva không hưởng ứng yêu cầu của ban lãnh đạo nước Việt Nam DCCH cung cấp sự hỗ trợ. Trước hết phải nói rằng, ở Matxcơva Hồ Chí Minh đã được coi là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp chứ không phải là đại diện của Việt Nam. Mátxcơva đã không tán thành quyết định của Hồ Chí Minh giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương vào tháng 11 năm 1945. Khi đó, một số thành viên của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương cũng không đồng ý với điều này; họ đã gửi thư đến Mátxcơva phản đối quyết định này của Hồ Chí Minh và cáo buộc ông đang đi theo chủ nghĩa cơ hội.
Khi đó, thái độ của Stalin đối với các nhà lãnh đạo của các phong trào giải phóng ở châu Á là khá thận trọng. Trên báo chí Liên Xô thời đó, Sukarno - người lãnh đạo nhân dân Indonesia - đã được gọi là "người theo chủ nghĩa dân tộc tư sản", và Gandhi - nhà lãnh đạo của Ấn Độ - được coi là "người theo chủ nghĩa hòa bình tư sản".

Mátxcơva và Hà Nội đã tiến tới sự hiểu biết lẫn nhau như thế nào

Tuy nhiên, Mátxcơva đã bắt đầu thiết lập các kênh để nhận thông tin đáng tin cậy về những gì đang xảy ra ở Việt Nam và khu vực Đông Dương nói chung.

Ngày 26 tháng 10 năm 1946, một phái đoàn Liên Xô đã đến Sài Gòn, đứng đầu là Đại tá Dubrovin. Về mặt chính thức, nhiệm vụ của phái đoàn là tổ chức hồi hương các tù binh và những người xuất thân từ Liên Xô đang hiện diện ở Đông Dương tại thời điểm đó. Tuy nhiên, một thành viên của phái đoàn đã bí mật đến dự cuộc họp của những người cộng sản Việt Nam và Campuchia tại Chợ Lớn. Phát biểu tại cuộc họp, phái viên này nói rằng, mục đích thực sự của phái đoàn là nhằm nắm bắt tình hình và tâm trạng của các tầng lớp cư dân xứ Đông Dương, chuẩn bị cho việc trong tương lai gần sẽ mở tại Việt Nam một cơ quan đại diện ngoại giao của Liên Xô. 

Vào mùa thu năm 1947, tại Thụy Sĩ, đặc phái viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh - đồng chí Phạm Ngọc Thạch, sau này là Bộ trưởng Y tế của nước Việt Nam DCCH, đã có cuộc gặp với đại diện của Liên Xô. Phía Việt Nam đã cố gắng tranh thủ viện trợ tài chính từ Liên Xô, đồng thời chuyển thông điệp của Hồ Chí Minh đến Stalin với đề nghị Liên Xô vận động để LHQ tham gia giải quyết xung đột Pháp-Việt.

Qúa trình trao đổi quan điểm giữa hai nước ở cấp độ làm việc đã có tính ổn định hơn sau khi Liên Xô mở văn phòng đại diện tại Thái Lan vào năm 1948. Ngay sau khi phái viên ngoại giao của Liên Xô đến Bangkok, Trưởng phòng thông tin của nước Việt Nam DCCH tồn tại ở Thái Lan từ năm 1947, Nguyễn Đức Quý và nhân viên Lại Vĩnh Lợi đến thăm ông. Cuối tháng 8 cùng năm, Lại Vĩnh Lợi, với sự hỗ trợ của phái bộ Liên Xô tại Thái Lan, đã đến thủ đô Praha của Tiệp Khắc để mở văn phòng thông tin của nước VNDCCH tại đó. Trên đường đi, ông đã dừng chân ở Mátxcơva. Tại đó ông đã nói chuyện với các nhà ngoại giao cấp trung của Liên Xô "thay mặt những người cộng sản Việt Nam" về chủ đề viện trợ quân sự và tài chính cho Việt Nam.

Liên Xô và Hoa Kỳ: sự lựa chọn được đưa ra

Vào những năm 1948-1949, trong các cuộc tiếp xúc, hai bên chủ yếu thăm dò, tìm hiểu lẫn nhau. Mátxcơva tìm cách xác minh xem ban lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gắn bó với hệ tư tưởng cộng sản sâu sắc đến đâu, còn Việt Nam cố gắng tranh thủ viện trợ quân sự và tài chính từ Liên Xô. Đại diện của Liên Xô tại Thái Lan, người không có đủ quyền hạn, thường xuyên nhắn nhủ để Việt Nam hiểu rằng, chỉ sau chuyến thăm tới Mátxcơva của một trong những nhà lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hoặc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, mới có thể tổ chức những cuộc đàm phán thực chất.

Lực lượng Giải phóng miền Nam Việt Nam - Sputnik Việt Nam
Cuộc pháo kích giới thiệu với Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhiệm vụ này rất phức tạp và đầy trách nhiệm nên Hồ Chí Minh đã đứng ra thực hiện. Hồi ký của nhà ngoại giao Liên Xô Kapitsa kể lại, vào tháng 12 năm 1949, Hồ Chí Minh đã đến Bắc Kinh, tại đó ông đã hội đàm với ban lãnh đạo CHND Trung Hoa với sự tham dự của đại diện Liên Xô. Sau đó, cùng với phái đoàn Trung Quốc do Mao Trạch Đông dẫn đầu, ông đã lên đường tới Mátxcơva để tham dự lễ kỷ niệm sinh nhật thứ 70 của Stalin.

Chính tại Mátxcơva, các nước thuộc phe xã hội chủ nghĩa đã thông qua quyết định công nhận chính thức nước Việt Nam DCCH và cung cấp cho nước này sự trợ giúp cần thiết. Ngày 18 tháng 1 năm 1950, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã chính thức công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 30 tháng 1, Liên Xô tuyên bố chính thức công nhận nước Việt Nam DCCH, sau đó CHDCND Triều Tiên, Tiệp Khắc, Cộng hòa Dân chủ Đức, Ba Lan và các nước xã hội chủ nghĩa khác cũng công nhận nước này. Đại sứ đầu tiên của nước Việt Nam DCCH tại Liên Xô Nguyễn Lương Bằng đã đến Mátxxcơva vào mùa xuân năm 1952. Vào ngày 4 tháng 11 năm 1954, tại Hà Nội, đại sứ đầu tiên của Liên Xô tại nước Việt Nam DCCH Lavrischev đã trình Thư ủy nhiệm lên Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Một chi tiết mang tính biểu tượng - một tuần sau khi Liên Xô chính thức công nhận nước Việt Nam DCCH, Hoa Kỳ tuyên bố công nhận quốc gia Việt Nam của Bảo Đại. Như vậy, họ đã thực hiện bước đầu tiên hướng tới cuộc đối đầu lâu dài với Liên Xô trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần 2.

Chuyên gia Grigory Lokshin nhận xét:

“Ở giai đoạn đầu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải bảo vệ các lý tưởng của Cách mạng Tháng Tám trong hoàn cảnh bị cô lập và không có bất kỳ sự hỗ trợ vật chất và chính trị nào từ bên ngoài. Điều này đã đòi hỏi sự nỗ lực, tinh thần dũng cảm và những cống hiến to lớn của những người cộng sản Việt Nam, cũng như trí tuệ uyên bác và tài ứng xử ngoại giao khôn khéo của vị lãnh tụ vĩ đại Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала