Kinh doanh tiền ảo ở Việt Nam là bất hợp pháp

© Depositphotos.com / Bermix666Bitcoin
Bitcoin - Sputnik Việt Nam, 1920, 04.03.2021
Đăng ký
“Hiện nay, việc kinh doanh tiền ảo đang là hoạt động giao dịch tài chính – tiền tệ bất hợp pháp ở Việt Nam, không chỉ dấu hiệu xâm phạm an ninh, an toàn trong hoạt động tài chính – tiền tệ của quốc gia mà thậm chí còn có dấu hiệu của tội lừa đảo”, - Chuyên gia Nguyễn Hồng Long kết luận, trả lời phỏng vấn Sputnik.

Các hình thức đầu tư mua bán chứng khoán quốc tế, đồng tiền ảo ở Việt Nam “nở rộ” trong thời gian gần đây. Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính Việt Nam mới đây cũng phát đi cảnh báo về sự bất hợp pháp của các hình thức kinh doanh đó, trong đó có việc khẳng định, bitcoin không là phương tiện thanh toán hợp pháp ở Việt Nam.

Vì sao hình thức kinh doanh tiền ảo lại “nở rộ”? Luật pháp Việt Nam nói gì về các loại tiền ảo, tiền điện tử? Quy định pháp luật để xử lý cá nhân và tổ chức có hành vi vi phạm luật pháp trong lĩnh vực này như thế nào? Tương lai của tiền ảo ở Việt Nam? Phóng viên Sputnik đã nghiên cứu vấn đề này và phỏng vấn một số chuyên gia tài chính.

Chính phủ Việt Nam không coi tiền ảo là một phương tiện thanh toán hợp pháp

Mặc dù còn nhiều tranh cãi và quan điểm khác nhau nhưng tiền ảo nói chung (ICO) và các loại tiền tệ điện tử như Bitcoin và Litecoin nói riêng đều chưa được tất cả các chính phủ trên thế giới công nhận là đồng tiền hợp pháp của quốc gia cũng như trong giao dịch tài chính, thương mại, tiền tệ quốc tế. Chính phủ Việt Nam cũng không coi tiền ảo là một phương tiện thanh toán hợp pháp.

Bitcoin, Litecoin и Ethereum - Sputnik Việt Nam, 1920, 16.02.2021
Bất ngờ: Việt Nam xếp thứ hai thế giới về độ phổ biến của tiền ảo

Theo Điều 23, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, số 46/2010/QH12 do Quốc hội Việt Nam khóa XII thông qua ngày 16-2-2010 thì Đồng Việt Nam (mã hiệu quốc tế là VND) là đồng tiền hợp pháp duy nhất, đồng thời là phương tiện thanh toán pháp quy duy nhất tại Việt Nam. Điều đó có nghĩa là hàng hóa hay dịch vụ tại thị trường Việt Nam phải được niêm yết giá trị giao dịch bằng “Đồng Việt Nam”.

Cũng theo Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt như séc, ủy nhiệm chi .v.v… cũng đều phải được ghi rõ mệnh giá bằng “Đồng Việt Nam” và không hề có bất kỳ loại tiền ảo nào. Tại Khoản 6 và Khoản 7, Điều 1, Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 của Chính phủ Việt Nam về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt đã ghi rõ:

“Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại khoản 6 Điều này”.

“Cũng theo Nghị định số 80/2016/NĐ-CP, Điều 6 của Nghị định 101/2012/NĐ-CP được bổ sung khoản 6 quy định thêm hành vi bị cấm là: “Phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán bất hợp pháp”.

Đối chiếu tất cả các quy định nói trên thì việc kinh doanh tiền ảo tại Việt Nam và dùng tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi vi phạm pháp luật”, - Chuyên gia về các vấn đề đối nội Việt Nam Nguyễn Hồng Long nói với Sputnik.

Bitcoin - Sputnik Việt Nam, 1920, 03.06.2019
Người Việt “mê” tiền ảo thứ 2 ở Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia

Chuyên gia Nguyễn Hồng Long cũng nhấn mạnh:

“Đối với chứng khoán quốc tế thì Điều  của Luật Chứng khóa (số 54/2019/QH14) do Quốc hội Việt Nam nhất trí thông qua ngày 26-11-2019 đã ghi rõ: “Chính phủ Việt Nam thống nhất quản lý Nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán”. Chính phủ thực hiện các biện pháp quản lý thông qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (thuộc Bộ Tài chính), các Sở giao dịch chứng khoán, các trung tâm lưu ký chứng khoán và các công ty con của các Sở giao dịch chứng khoán. Theo Điều 12 của Luật chứng khoán Việt nam hiện hành thì hành vi “Tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán trái quy định của Luật này” (Khoản 7, Điều 12) là hành vi bị cấm. Do đó, mọi hành vi mua bán chứng khoán quốc tế trên thị trường chứng khoán Việt Nam tại bất kỳ không gian nào, bao gồm cả không gian mạng internet mà không được sự cho phép của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam (SSC) đều là các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam”.

Cơ chế xử lý phạm pháp trong kinh doanh tiền ảo

Ngoài việc mua bán, kinh doanh tiền ảo không được pháp luật bảo vệ, tiền ảo cũng không phải là đồng tiền pháp định (hình thức tiền tệ do chính phủ ban hành và được Việt Nam xem là hợp pháp). Vậy có cơ chế gì để xử lý cá nhân hay tổ chức tổ chức lôi kéo người dân đầu tư ?

Nhà nước Việt Nam đã có quy định pháp luật để xử lý cá nhân và tổ chức có hành vi kinh doanh, phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện đầu tư và thanh toán bất hợp pháp, bao gồm cả tiền ảo. Đó là Nghị định số 88/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng. Điểm d, Khoản 6, Điều 26 của Nghị định 88 ghi rõ hành vi bị xử phạt là:

“Phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

“Vì vậy, các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền phạt từ 50 triệu đến 100 triệu VND. Còn nếu hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp gây hậu quả nghiêm trọng tới mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì Điều 206, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) đã quy định: “người nào thực hiện các hành vi trong đó có hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán gây thiệt hại về tài sản từ 100 -300 ngàn đồng đến dưới 300.000.000 đồng sẽ bị phạt tiền từ 50-300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”, - Chuyên gia Nguyễn Hồng Long phát biểu với Sputnik.

Liên quan tới Bitcoin, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã nhiều lần khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Ngày 21-7-2017 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã gửi Công văn số 5747/NHNN-PC của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi Văn phòng Chính phủ để trả lời về vấn đề tiền ảo, trong đó khẳng định:

“Tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi, bổ sung). Ngoài ra, về việc đầu tư vào tiền ảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cảnh báo nhiều lần việc đầu tư này tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư”.

“Các luật sư Việt Nam đã rất nhiều lần tư vấn cho các nhà đầu tư nói riêng và công dân Việt Nam nói chung về tính bất hợp pháp của tiền ảo, cảnh báo rằng hành vi của họ vừa chứa đựng nhiều rủi ro tiềm ẩn rất lớn, vừa tiềm ẩn cả nguy cơ phải đối mặt với các biện pháp xử phạt hành chính và xử lý hình sự. Vì vậy, người dân nên lắng nghe ý kiến của các luật sư và tuân thủ các khuyến cáo của chính quyền, không nên vì hám lợi mà tham gia vào các hoạt động phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán bất hợp pháp, trong đó có tiền ảo đang lưu hành tràn lan trên không gian mạng của thế giới hiện nay”, - Chuyên gia Nguyễn Hồng Long phân tích với Sputnik.

Tương lai của kinh doanh tiền ảo tại Việt Nam?

Vì sao kinh doanh tiền ảo lại nở rộ? Và vì sao nó có tính bất ổn cao?

Trả lời phỏng vấn Sputnik, một chuyên gia tài chính nổi tiếng - nguyên tổng giám đốc một ngân hàng lớn của Việt Nam giải thích:

“Các NHTW toàn cầu: Mỹ, Châu Âu, Nhật, Trung Quốc và Cả VN - tất cả - đều nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm giải quyết hậu quả khủng hoảng tài chính 2008 và đến nay là Covid-19. Lượng tiền trong lưu thông cao trong khi các kênh dẫn tiền vào sản xuất đang bị thu hẹp hay tắc nghẽn. Lượng tiền này đổ vào các tài sản tài chính chủ yếu là chứng khoán và bất động sản.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 01.04.2019
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam "bác" thông tin đã cấp phép sàn giao dịch tiền ảo

Các loại tiền kỹ thuật số, điển hình là Bitcoin, tăng mạnh bởi yếu tố đầu cơ và ở đây tâm lý lo ngại khủng hoảng. Tuy nhiên rủi ro không hề nhỏ. Với các loại tiền kỹ thuật số khác ví dụ như Pi Network thì cần cẩn thận. Mấy thứ này giống trò chơi. Lý do: các loại tiền kỹ thuật số chưa có nội hàm kinh tế nên tính bất ổn rất cao”.

“Loài người hiện đã có nhiều công cụ thanh toán không dùng tiền mặt nhưng đều “neo” vào những đồng tiền của quốc gia mình và có tỷ giá hối đoái được kiểm soát để tạo ra sự ổn định của thị trường tiền tệ, thị trường đầu tư cũng như sự độc lập, tự chủ của nền tài chính – tiền tệ của quốc gia. Do đó, sự tồn tại của các đồng tiền ảo chứa đựng nhiều nguy cơ lớn đe dọa làm rối loạn thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán và nền tài chính tiền tệ của các quốc gia và của cả thế giới”, - Chuyên gia Nguyễn Hồng Long phân tích vấn đề với Sputnik.
Theo các quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam mà phóng viên Sputnik đề cập ở phần đầu thì kinh doanh tiền ảo trên không gian mạng là hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam. Mọi giao dịch tài chính, đầu tư, thương mại tại Việt nam đều chỉ được phép thanh toán bằng “Đồng Việt Nam” cũng như các công cụ thanh toán có ghi mệnh giá bằng “Đồng Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành. Theo các phân tích trên, có thể thấy rằng, trong tương lai, Chính phủ Việt Nam sẽ không cho phép kinh doanh tiền ảo.

“Hiện nay, việc kinh doanh tiền ảo đang là hoạt động giao dịch tài chính – tiền tệ bất hợp pháp ở Việt Nam, không chỉ dấu hiệu xâm phạm an ninh, an toàn trong hoạt động tài chính – tiền tệ của quốc gia mà thậm chí còn có dấu hiệu của tội lừa đảo”, - Chuyên gia Nguyễn Hồng Long kết luận, trả lời phỏng vấn Sputnik.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала