Vĩnh biệt NSND Trần Hạnh, người Hà Nội hào hoa, bác nông dân khắc khổ của màn ảnh Việt

CC BY-SA 4.0 / Biheo2812 / Tran Hanh (cropped photo)NSND Trần Hạnh.
NSND Trần Hạnh. - Sputnik Việt Nam, 1920, 04.03.2021
Đăng ký
NSND Trần Hạnh, diễn viên nổi tiếng với vai diễn danh thần nhà Hậu Lê Nguyễn Trãi cùng phong thái một người Hà Nội hào hoa, ông già thiện lương và khắc khổ của điện ảnh Việt Nam vừa qua đời ở tuổi 92.

Biết bao giờ điện ảnh Việt Nam mới có một Trần Hạnh thứ hai? Người nghệ sĩ gạo cội của sân khấu, điện ảnh Việt Nam từng 3 lần đoạt huy chương vàng trong các vở kịch như Nguyễn Trãi, Tiền tuyến gọi, Hamlet, nhưng cao quý, vô giá hơn hết chính là sự thừa nhận và yêu thương của khán giả Việt Nam.

NSND Trần Hạnh qua đời ở tuổi 92

NSND Trần Hạnh, diễn viên sân khấu và truyền hình nổi tiếng của Việt Nam vừa từ trần ngày 4/3 ở tuổi 92.

Nghệ sĩ Trần Hạnh sinh năm 1929 tại Hà Nội. Đối với sân khấu và điện ảnh Việt Nam, NSND Trần Hạnh nổi tiếng với hàng loạt vai diễn, trong đó phải kể đến vở “Lam Sơn tụ nghĩa” trong vai danh thần nhà Hậu Lê Nguyễn Trãi được chính nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ phải thốt lên mang đậm phong thái hào hoa của một người Hà Nội.

Diễn viên Việt Hoàng Dũng - Sputnik Việt Nam, 1920, 14.02.2021
Nghệ sĩ Hoàng Dũng đột ngột qua đời ở tuổi 65

Các vai diễn đáng chú ý khác của NSND Trần Hạnh như vị bí thư đảng ủy trong phim “Làng nổi”, bố An trong phim “Truyện cổ tích tuổi 17”, bố Lài trong “Tướng về hưu”, ông Khiển trong phim “Người cầu may”, ông Lâm trong phim “Chiếc bình tiền kiếp”, bố Mai trong phim “Hãy tha thứ cho em”.

Theo thông tin được gia đình chia sẻ, NSND Trần Hạnh trút hơi thở cuối cùng vào khoảng khoảng 2h50p rạng sáng ngày 4/3, do tuổi cao sức yếu. Những ngày cuối cùng trước khi mất, người thân cho biết, ông yếu đi và rơi vào trạng thái hôn mê sâu.

Được biết, từ nhiều năm nay, vì sức khoẻ không cho phép, nên NSND Trần Hạnh đã không thể tham gia các bộ phim điện ảnh, truyền hình dù nhận được nhiều lời mời.

Trần Hạnh là nghệ sĩ sân khấu và diễn viên gạo cội của nền điện ảnh Việt Nam, gắn bó với Nhà hát Kịch Hà Nội từ khi tốt nghiệp đến thời điểm nghỉ hưu năm 1989.

Ngày 25/1/1994, Trần Hạnh là một trong số những nghệ sĩ đầu tiên nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) do Nhà nước trao tặng.

Đến năm 2019, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND). Trần Hạnh cùng với các đồng nghiệp cùng thời như Trần Vân, Trịnh Mai, Trần Hoạt gắn bó với Nhà hát Kịch Hà Nội và góp phần tạo dựng nền móng đầu tiên cho phong cách kịch nghệ thủ đô.

NSND Trần Hạnh còn ghi dấu với các vai diễn xuất sắc trong như “Tiền tuyến gọi”, “Già kén”, “Âm mưu và tình yêu”…

NSND Trung Kiên qua đời - Sputnik Việt Nam, 1920, 27.01.2021
Nghệ sĩ nhân dân Trung Kiên, bố Nhạc sĩ Quốc Trung qua đời

NSND Trần Hạnh từng giành giải Nam diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 11 với vai diễn trong phim “Nước mắt đàn bà”. Năm 2010, ông cũng được trao tặng giải cống hiến cho phim “Ngõ lỗ thủng”.

Những vai diễn của nghệ sĩ Trần Hạnh đã đi vào lòng công chúng với vẻ khắc khổ, đáng thương. Ông luôn diễn bằng chính cái tâm với nghề, biến những nhân vật của mình thành chính những mảnh đời chân thực trong xã hội. Điện ảnh Việt Nam không bao giờ quên những vai nông dân hiền lành, chất phác, gợi niềm yêu thương của cố NSND Trần Hạnh.

Được biết, vai diễn điện ảnh cuối cùng của Trần Hạnh là vai ông mù trong phim “Cha cõng con” (năm 2017). Nghệ sĩ Trần Hạnh, dù nổi tiếng, nhưng vẫn sống hết sức khiêm nhường.

Những năm cuối đời, khi tuổi cao, sức yếu, một mắt của ông không còn nhìn thấy rõ nên nghệ sĩ buộc phải từ chối lời mời đóng nhiều phim, từ bỏ rất nhiều vai diễn và đam mê nghề nghiệp.

NSND Trần Hạnh, từ người Hà Nội hào hoa đến loạt vai diễn khắc khổ

Sự ra đi của NSND Trần Hạnh, biết là không tránh khỏi, nhưng đối với điện ảnh Việt Nam mà nói, đó là mất mát rất lớn.

Nhiều diễn viễn, nghệ sĩ, đạo diễn nổi tiếng coi Trần Hạnh như người thầy, người cha, người anh, người bạn đáng kính. Ông ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn.

Ca sĩ Vân Quang Long. - Sputnik Việt Nam, 1920, 29.12.2020
Vân Quang Long qua đời vì đột quỵ

Lúc còn sống, khi chia sẻ về vai diễn của mình, NSND Trần Hạnh cho biết, ông không tủi thân khi những vai diễn khắc khổ của mình được người xem thương xót, ngược lại ông rất tự hào.

“Có những bài báo gọi tôi là ông nông dân sống giữa Hà Nội. Tôi mừng lắm, vì vun vén được một hình tượng về nông thôn, người nông dân như thế là đáng quý lắm chứ. Không phải ai cũng làm được đâu. Người ta xem phim, xem truyền hình cứ nghĩ là tôi vất vả. Nhưng không phải vậy đâu. Tôi sống khỏe mạnh, vui vẻ”, NSND Trần Hạnh nói.

Người Việt nhìn thấy Trần Hạnh trên tivi, xem ông diễn kịch sân khấu, thấm những vai diễn cơ cực, bần cùng của ông, luôn nghĩ, có lẽ cuộc đời ông nhiều thăng trầm, trắc trở.

Ấy thế mà, đó lại là một “hạt bụi vàng” của người Hà Nội, một chàng trai, một người Hà Nội đích thực. Sinh ra ở ngõ Phát Lộc (Hàng Bạc, Hà Nội), nơi phố cổ thủ đô, dễ hiểu vì sao Trần Hạnh lại có được những phẩm chất đẹp đẽ nhất của người Hà Thành.

Chính nhà viết kịch nổi tiếng của Việt Nam Lưu Quang Vũ, khi dựng vở Lam Sơn tụ nghĩa đã phải thốt lên, bao nhiêu diễn viên đóng Nguyễn Trãi, duy chỉ có Trần Hạnh mới làm toát lên vẻ hào hoa của một người Hà Nội đích thực.

“Bốn, năm người đóng vai Nguyễn Trãi, riêng Trần Hạnh có phong thái hào hoa của người Hà Nội”, trích lời bình của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ.

Từ một người Hà Nội thanh tao, khí khái là thế, Trần Hạnh lại khiến người xem rớt nước mắt với những vai diễn để đời về người nông dân, tầng lớp những người khó khăn, bần cùng trong xã hội. Thế mới thấy, ông giỏi và am hiểu nghiệp diễn như thế nào.

Nghệ sĩ Chí Tài  - Sputnik Việt Nam, 1920, 09.12.2020
Tin về nghệ sĩ Chí Tài qua đời đột ngột vì đột quỵ gây sốc

Việc ba lần giành huy chương vàng trong các vở kịch “Nguyễn Trãi”, “Tiền tuyến gọi”, “Hamlet”, giải nam diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 11 với phim “Nước mắt đàn bà” đã chứng minh cho tài năng của diễn viên Trần Hạnh.

Nhưng điều đáng quý hơn, bằng cái tâm và tình yêu nghề, ông còn có giải thưởng vô giá hơn thế nhiều đó chính là tình yêu thương và sự công nhận của khán giả Việt Nam.

Kinh qua hàng trăm vai diễn trong điện ảnh và truyền hình trong “Tướng về hưu”, “Hãy tha thứ cho em”, “Cỏ lau”, “Người đàn bà thứ hai”, “Làng nổ”, “Người vớt củi”, “Cuốn sổ ghi đời”, “Cha cõng con”, “Bão qua làng”, hay trong “Chớp mắt cùng số phận”, có những vai diễn, chỉ cần nhắc tên, người ta nhớ ngay đến Trần Hạnh.

Những vai diễn của NSND Trần Hạnh dễ dàng đi vào lòng công chúng với vẻ khổ hạnh, đáng thương, những vai nông dân hiền lành, chất phác mặc dù bản thân nghệ sĩ là người Hà Nội gốc.

Tiếc thương vô hạn NSND Trần Hạnh

Thông tin NSND Trần Hạnh qua đời khiến nhiều bạn bè, đồng nghiệp, khán giả Việt Nam bàng hoàng.

Nốt nhạc trên phím đàn piano. - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.09.2020
Nhạc sĩ Phó Đức Phương qua đời ở tuổi 76
NSND Chiều Xuân gọi Trần Hạnh bằng “bố” và tin rằng, với đam mê nghệ thuật của mình, dù ở thế giới nào, ông cũng sẽ tiếp tục những vai diễn của mình.

Nữ nghệ sĩ chia sẻ, vẫn biết cõi đời là cõi tạm, “bố Hạnh” đã 92 tuổi rồi, nhưng nghe tin ông ra đi, Chiều Xuân không thể không nghẹn ngào nước mắt tuôn rơi.

“Chắc ở thế giới bên kia giờ này bố đã đoàn tụ cùng các cô chú và các anh các chị đi trước, chắc bố lại đang chuẩn bị cho một vai diễn mới của mình ở thế giới đó. Dù ở thế giới nào cái nghiệp diễn vẫn là lẽ sống của bố, cái nghiệp diễn mang đầy lòng trắc ẩn, chia sẻ với con người với cuộc đời này”, NSƯT Chiều Xuân bày tỏ.

Chiều Xuân cũng gửi lời cảm ơn NSND Trần Hạnh đã đem đến cho cuộc sống này một tâm hồn giản dị và thanh tao.

NSND Hoàng Cúc, đồng nghiệp của NSND Trần Hạnh ở Nhà hát Kịch Hà Nội chia sẻ, NSND Trần Hạnh là diễn viên đa tài, đa dạng nhưng lại bị hạn chế về hình thể, lúc nào trông cũng khổ, cũng tủi phận, cũng nhún nhường.

Mặc dù vậy, nhưng theo nghệ sĩ Hoàng Cúc, Trần Hạnh bao giờ cũng có nụ cười thường trực trên môi.

“Còn trên màn ảnh hay sân khấu, anh Trần Hạnh đốt hết mình. Anh chịu khó đến mức gần như không nề hà bất kỳ một vai nào cả. Mà Trần Hạnh có cách diễn riêng, không thể nhầm lẫn. Cách diễn của anh ấy rất sâu sắc, phong cách chính kịch, không phải hài kịch. Xem mặt anh ấy khi diễn cảnh đau khổ, hay ngắm nụ cười ấy đôi khi lại thành hài”, NSND Hoàng Cúc cho biết.

Nghệ sĩ cũng khẳng định, một khi NSND Trần Hạnh đã vào vai là bộ mặt khắc sâu, không quên được.

“Khi Trần Hạnh làm nghề thì không bàn, không nói được”, NSND Hoàng Cúc nhấn mạnh.

Trong khi đó, đạo diễn Đỗ Thanh Sơn bàng hoàng khi nghe tin NSND Trần Hạnh qua đời bởi người trong nghề luôn kính trọng nhân cách và đam mê cống hiến cho nghệ thuật của Trần Hạnh.

Ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội  - Sputnik Việt Nam, 1920, 30.05.2020
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão qua đời ở tuổi 81

Đạo diễn Đỗ Thanh Sơn chia sẻ, cứ mỗi lần nhìn thấy NSND Trần Hạnh trên màn ảnh là nhớ đến hình ảnh ông nội mình vì hai người có sự giống nhau đến kỳ lạ.

“Nhận được tin ông mất, tôi có cảm giác như lại mất đi một người thương nữa”, đạo diễn Đỗ Thanh Sơn nói.

Nghệ sĩ Vân Dung chia sẻ trên trang cá nhân, nói lời vĩnh biệt với người nghệ sĩ tài hoa mà khiêm nhường, giản dị.

“Bố không thích phô trương và rất ngại phiền lụy đến người khác. Bố thực sự là một nghệ sĩ chân chính, chỉ sống bằng những vai diễn trong kịch, phim và làm việc một cách say sưa, trọn vẹn với vai diễn của mình. Con thương Bố nhiều lắm”, nữ nghệ sĩ Vân Dung xúc động viết.

NSƯT Nguyệt Hằng cho biết, “bố Hạnh” chưa bao giờ than vãn hay phiền hà bất cứ điều gì khi đóng phim. Ông luôn hết mình vì vai diễn. Nữ nghệ sĩ mong NSND Trần Hạnh ra đi thanh thản.

“Bố yên nghỉ nhé! Con cũng được làm "con" của bố nhiều dự án phim truyền hình. Thời kỳ làm phim vất vả nhất nhưng cũng chưa bao giờ con thấy bố kêu mệt. Bố hiền lành, vui tính. Ai trêu gì bố cũng chỉ cười... Nhiều kỷ niệm không thể nhớ hết. Giờ Bố đã thanh thản rồi. Mong Bố luôn được bình yên nơi ấy nhé”, NSƯT Nguyệt Hằng bày tỏ.
NSND Trần Hạnh: ‘Kiếp sau tôi vẫn muốn làm diễn viên’

Khi sinh thời, NSND Trần Hạnh từng chia sẻ, đến tuổi này khi nhìn lại cuộc đời mình, ông không thấy ân hận điều gì.

“Tôi không thích nói về cuộc sống riêng, cũng không thích nói về bệnh tật. Khi nói về những vai diễn, tôi cảm thấy vui hơn rất nhiều. Tôi yêu nghề diễn vì được hóa thân vào nhiều dạng nhân vật khác nhau, được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Đây là những cái mà không nghề nghiệp nào có được”, nghệ sĩ Trần Hạnh bộc bạch.

Đặc biệt, khi có người hỏi tên ông là Trần Hạnh, vậy “hạnh” này là hạnh phúc hay bất hạnh? Nam nghệ sĩ cho rằng “hạnh” trong cái tên của ông là “hạnh phúc”.

“Hạnh phúc. Tôi được như ngày hôm nay là mừng lắm rồi”, NSND Trần Hạnh nhấn mạnh.

Người nghệ sĩ khắc khổ của màn ảnh Việt khẳng định, nếu có kiếp sau, ông vẫn mong muốn được đứng dưới ánh đèn sân khấu, mang lại niềm vui cho khán giả.

“Nếu thời gian có quay lại, tôi cũng vẫn chọn làm diễn viên”, nam nghệ sĩ tâm niệm.

Không biết đến bao giờ điện ảnh Việt Nam mới có một Trần Hạnh thứ hai, người có thể lấy nhiều nước mắt, gợi nhiều yêu thương của khán giả đến thế. Và nếu có kiếp sau, người xem vẫn mong được thấy NSND Trần Hạnh là diễn viên, cống hiến hết mình, bằng tài năng và cái tâm trong sáng, cống hiến hết mình cho nền nghệ thuật nước nhà.

Vĩnh biệt NSND Trần Hạnh…

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала