Chỉ người Việt mới có thể làm Việt Nam mạnh lên và giàu thêm

© AFP 2023 / Nhac NguyenThành phố Hồ Chí Minh.
Thành phố Hồ Chí Minh. - Sputnik Việt Nam, 1920, 24.03.2021
Đăng ký
Sự giàu có, thịnh vượng của Việt Nam phải do chính người Việt tạo ra, không thể trông chờ hay ỷ lại vào nước ngoài hay bất kỳ cường quốc, đế chế nào khác.

Dân tộc Việt Nam đã chứng minh cho thế giới thấy ‘không gì là không thể, mọi kẻ thù đều có thể bị đánh bại”, nhưng giấc mơ về nền kinh tế Việt Nam thịnh vượng 2045 trong thế giới đầy biến động như ngày nay đòi hỏi Hà Nội cần có chiến lược cải cách, phát triển, quyết sách và sự nỗ lực của từng người Việt Nam.

Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra mục tiêu tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có nền công nghiệp hiện đại, mức thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Liệu những mục tiêu, chiến lược quốc gia “tầm cỡ” của Việt Nam đề ra đến các năm 2030, 2045 có khả thi? Hãy xem các chuyên gia kinh tế hàng đầu nhìn nhận, đánh giá khách quan sức mạnh, tiềm năng, triển vọng cũng như những thách thức hiện tại của nền kinh tế để hiện thực hóa giấc mơ “Việt Nam thịnh vượng”.

Những bước tiến vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam

Kể từ sau khi thực hiện công cuộc Đổi mới từ năm 1986, chính thức bước vào “cuộc chuyển mình thế kỷ” từ đầu năm 1987, đến nay, Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tích đáng ghi nhận.

Đương nhiên, không phải ngẫu nhiêm mà các tổ chức, thể chế tài chính, giới chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới khen ngợi Việt Nam “hết lời”, thậm chí còn đánh giá câu chuyện thành công của Việt Nam là “hình mẫu” để nhiều nước khác học hỏi (điển hình như đối với Triều Tiên hay một số quốc gia đang phát triển khác).

Moody’s - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.03.2021
Chưa từng có tiền lệ: Moody’s nâng triển vọng kinh tế và tín nhiệm quốc gia Việt Nam

Để hình dung rõ nhất con đường phát triển, quá trình bứt phá vươn lên của Việt Nam, hãy cũng nhìn vào một số con số cụ thể. Suốt 25 năm qua, tính từ giai đoạn 1996 – 2020, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt bình quân 6,51%/năm. GDP Việt Nam năm 1995 chỉ là 20,74 tỷ USD, đứng thứ 58 trên thế giới.

Thế nhưng đến năm 2020, GDP Việt Nam đã đạt khoảng 340 tỷ USD (gấp hơn 16 lần năm 1995) vươn lên đứng thứ 37 thế giới, thuộc cận trên của nhóm thu nhập trung bình thấp, đồng thời, Hà Nội ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, nền kinh tế Việt Nam đạt được độ mở nhất định. Như vậy, quy mô nền kinh tế Việt Nam rõ ràng đã thay đổi và đạt được bước đột phá “ngoạn mục”.

Nhìn vào mức thu nhập bình quân đầu người, năm 1995, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ đạt gần 290 USD (đứng thứ 175/195 quốc gia) đồng thời là một trong 20 quốc gia nghèo nhất thế giới.

Nhưng đến năm 2020, mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã là 3.520 USD, gấp 12 lần năm 1995, đứng thứ 121/195 quốc gia, tăng tới 54 bậc. Điều mà không nhiều quốc gia có thể làm được.

Như vậy, kể từ thời điểm tháng 6/1986, sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 10, Khóa VI khẳng định, chính thức Đổi mới cơ chế quản lý, xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp, Việt Nam đã lập nên kỳ tích khi đưa nền kinh tế tăng gấp 10 lần cả về quy mô lẫn mức thu nhập của người dân.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) hồi đầu năm 2021 đã công bố báo cáo khẳng định Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Không những thế, chỉ vừa mới đây, theo bảng xếp hạng về Chỉ số tự do kinh tế năm 2021 (Index of Economic Freedom 2021) mới được Heritage Foundation (Mỹ) công bố, Việt Nam được 61,7 điểm, cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới.

Chỉ người Việt mới có thể làm Việt Nam mạnh lên và giàu thêm - Sputnik Việt Nam, 1920, 24.03.2021
World Bank

Đáng chú ý, từ nhóm quốc gia bị đánh giá là “hầu như không tự do kinh tế, giờ đây, lần đầu tiên kinh tế Việt Nam chính thức lọt vào nhóm các nền kinh tế có “tự do trung bình”, tăng tới 15 bậc so với thời điểm trước đó.

Các chỉ số tự do kinh tế của Việt Nam liên tục được cải thiện tích cực. Cụ thể, năm 2016, Hà Nội chỉ đạt 54 điểm, năm 2017 là 52,4 điểm, năm 2018 là 53,1 điểm, năm 2019 là 55,3 và năm 2020 Việt Nam là 58,8 điểm. Đến năm nay (2021), Việt Nam đạt 61,7 điểm.

Tạp chí US News & World Report đánh giá Việt Nam xếp thứ 8 trong top 20 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư hồi năm 2019, tăng từ vị trí 23 (năm 2018). Điều này khẳng định sự hiệu quả trong công tác cải cách chính sách đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng trên nhiều phương diện của Hà Nội.

Cảng Cát Lái. - Sputnik Việt Nam, 1920, 09.03.2021
Ai nói Việt Nam sẽ không thể là nền kinh tế lớn thứ 20 thế giới?

Trước đó, như Sputnik Việt Nam đã thông tin, trong Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu 2021 được Công ty Tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới có trụ sở ở Anh Brand Finance công bố, Việt Nam thăng hạng từ vị trí 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng, tăng 2,5 điểm và là quốc gia duy nhất của khu vực Đông Nam Á được nâng hạng.

Theo Brand Finance, Việt Nam đã phát huy tương đối tốt mọi khía cạnh của quyền lực mềm, đặc biệt là sự hội nhập của Thương hiệu quốc gia Việt Nam và các thương hiệu sản phẩm hàng đầu.

Uy tín quốc gia của Việt Nam trong năm qua đã tăng lên phần lớn nhờ chủ trương và phản ứng nhanh nhạy của Chính phủ, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước cũng như sự năng động, nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam.

Đặc biệt, vừa qua, Moody’s vừa giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 và nâng triển vọng từ tiêu cực lên tích cực. Điều này được chính Bộ Tài chính Việt Nam đánh giá là “chưa từng có tiền lệ” trong xếp hạng tín nhiệm của Ủy ban này trên toàn thế giới kể từ đại dịch Covid-19, đồng thời, đây là những kết quả rất đáng ghi nhận đối với Việt Nam.

© AFP 2023 / Manan VatsyayanaNgười dân Hà Nội nghỉ ngơi bên Hồ Tây.
Chỉ người Việt mới có thể làm Việt Nam mạnh lên và giàu thêm - Sputnik Việt Nam, 1920, 24.03.2021
Người dân Hà Nội nghỉ ngơi bên Hồ Tây.

Việt Nam cần làm gì để đạt được mục tiêu năm 2045?

Với những thành công, kỳ tích kinh tế như vậy, câu hỏi, sau gần 25 năm nữa, Việt Nam có thể chạm đích đến mục tiêu là nước phát triển, có thu nhập cao, vào top 20 thế giới hay không vẫn đang được “mổ xẻ” để đi tìm phương hướng chiến lược hành động, hỗ trợ Chính phủ trong việc ra quyết sách, khuyến khích người dân, hiện thực hóa kế hoạch, đường hướng ấy.

Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh. - Sputnik Việt Nam, 1920, 04.02.2021
Xuất siêu kỷ lục, Việt Nam kỳ vọng vào xuất khẩu để có thêm kỳ tích kinh tế

Theo nhiều chuyên gia, mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam sẽ là nước phát triển, có thu nhập cao, đồng nghĩa, quy mô GDP phải đạt khoảng 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 18.000 USD/năm là khá cao và nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức chung, những diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới cũng như những đặc thù riêng liên quan đến tình hình nội tại.

Tuy nhiên, hầu hết giới chuyên gia hàng đầu trong nước, người dân, hay chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng tin tưởng rằng, thông qua việc khơi dậy khát vọng về sự thịnh vượng, phồn vinh trong mọi tầng lớp nhân dân, “một khi đã có ý chí, đồng lòng, đoàn kết”, thì “không có gì là không thể”.

Như người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định tại “Đối thoại 2045”, chúng ta có đủ niềm tin, đủ khát vọng, cần giải phóng mọi nguồn lực, mọi tiềm năng, tổng động viên mọi sức mạnh còn tiềm ẩn trong khoảng 100 triệu dân người Việt Nam, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài thì “ắt sẽ thành công”.

Phát biểu về vấn đề này, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, chuyên gia về kinh tế vĩ mô, kinh tế khu vực công và phân tích tài chính, tài chính phát triển của Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam cho rằng, có thể, sẽ còn nhiều người tỏ ra hoài nghi về mục tiêu thịnh vượng của Việt Nam năm 2045.

Tuy nhiên, theo TS. Tuấn, mục tiêu mà Việt Nam đặt ra cũng phải đủ cao và đủ thách thức, trở thành một khát vọng lớn để cả đất nước, dân tộc theo đuổi.

Nhấn mạnh rằng Việt Nam được cộng đồng quốc tế nhắc đến như là một ngôi sao đang lên trên bản đồ kinh tế toàn cầu, theo vị chuyên gia, nếu là 1 phép tính với giả định Việt Nam vẫn duy trì được tăng trưởng trung bình 7%/năm, Việt Nam hoàn toàn có thể chạm ngưỡng thu nhập cao theo chuẩn của Ngân hàng Thế giới.

“Thách thức của Việt Nam là làm sao duy trì được tăng trưởng thực khi quy mô kinh tế của Việt Nam ngày càng lớn, và bối cảnh thế giới ngày càng bất định”, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn lưu ý.

Đánh giá về quyết tâm vào năm 2030 Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao, năm 2045 trở thành nước phát triển, đã được thể hiện trong Văn kiện Đại hội Đảng XIII, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của các cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng thừa nhận, đây là những mục tiêu “rất cao và đầy tham vọng”.

Vị chuyên gia phân tích, để đến năm 2030 trở thành nước thu nhập trung bình cao thì Việt Nam phải đạt một loạt các tiêu chí về nhiều mặt. Trong đó, phát triển kinh tế - xã hội phải hiệu quả, liên tục, bền vững trong 10 năm tới. Mục tiêu năm 2045 càng cao hơn nhưng trước hết phải thực hiện được mục tiêu năm 2030 thì mới có cơ sở để đi tiếp.

Lao động được đào tạo nghề may tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. - Sputnik Việt Nam, 1920, 15.01.2021
Kinh tế Việt Nam có thể gặp những thách thức gì trong năm 2021?

Bà Phạm Chi Lan dẫn Báo cáo Việt Nam năm 2035 được Chính phủ và World Bank công bố năm 2016, để đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2035, Việt Nam phải tăng trưởng GDP bình quân đầu người trung bình 6% một năm, tức là tăng GDP trung bình 7,5% trong 20 năm từ 2016 đến 2035.

Nay Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước thu nhập trung bình cao, rút ngắn 5 năm hay 25% về thời gian thì mức tăng trưởng đương nhiên phải cao hơn. Tuy nhiên, giai đoạn 2016 – 2020 Việt Nam vẫn chưa đạt mức tăng trưởng mong muốn do nhiều nguyên nhân, nhất là đại dịch Covid-19 và loạt biến động bất lợi của nền kinh tế thế giới.

“Liệu chúng ta có làm được hay không? Theo tôi có thể, song cũng rất khó khăn”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định và nhấn mạnh trong giai đoạn 2020-2030, Việt Nam sẽ phải cố gắng gấp bội, phải thực hiện những cách phát triển mới, mang tính đột phá thực sự.

Trong báo cáo “Hình hài Việt Nam 2045”, TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV thực hiện cho rằng, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu này với mức tăng trưởng bình quân 7%/năm từ nay đến năm 2045 với 4 điều kiện quan trọng.

Thứ nhất là cần nắm bắt được xu thế, vị thế để có thể tận dụng tốt các cơ hội và vượt qua thách thức. Hai là, cần thẳng thắn nhận diện đúng và trúng thế mạnh, điểm yếu của Việt Nam để phát huy (điểm mạnh) và khắc phục điểm yếu (rào cản) đó.

Thứ ba là, Việt Nam cần có niềm tin, khát vọng và phát huy sức mạnh tổng hợp.

“Điều này rất đúng vì sức sáng tạo, năng suất tiềm năng của con người là rất lớn; nếu biết cách tập hợp, phát huy và nhân rộng thì kết quả mang lại rất tích cực”, TS. Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia nhấn mạnh.

Tiếp theo, là thực hiện một số giải pháp như phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội xanh là tất yếu, đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số, Chính quyền số và xã hội số, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, góp phần tăng trưởng kinh tế và tạo nền tảng phát triển lâu dài, chú trọng tăng năng suất, coi đây là vấn đề then chốt đảm bảo phát triển nhanh, bền vững và bao trùm, đẩy nhanh và nâng cao hiệu quả tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế và chú trọng đảm bảo ổn định nền tảng vĩ mô, tăng năng lực cạnh tranh, khả năng tự chủ, tự cường và chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc.

Quan điểm của TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV khá tương đồng với góc nhìn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Công ty Masan.

“Để hướng tới mục tiêu nền kinh tế năm 2045, Việt Nam đi sau về đích trước, giải pháp nằm ở đổi mới nền tảng cạnh tranh, tìm năng lực cạnh tranh vượt trội”, ông Nguyễn Đăng Quang nhấn mạnh và nhắc lại tầm quan trọng của việc duy trì chuỗi cung ứng.

Cùng với đó là củng cố nền tảng công nghệ. Nhà nước chuyển đổi từ nền kinh tế, quản lý truyền thống, sang nền kinh tế số hóa. Tiếp đến là cần hướng công nghệ gắn đến phát triển xanh và tái tạo năng lượng.

Thịnh vượng phải do chính người Việt Nam tạo ra, đừng ỷ lại vào nước ngoài

Số liệu của Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho biết, trong số các thành phần kinh tế, khu vực FDI có sự chuyển mình rõ rệt. Năm 1995, khu vực FDI chỉ đóng góp 6,3% GDP Việt Nam thì đến năm 2020 con số này đã tăng lên mức 20,2%.

Quang cảnh thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 27.12.2020
Việt Nam thuộc nhóm quốc gia tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới

Trong báo cáo của mình, chuyên gia Cấn Văn Lực và nhóm tác giả đánh giá, đến năm 2045 (với việc Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng và thu hút FDI có sàng lọc) thì ba khu vực này sẽ có một số thay đổi như dự báo kinh tế nhà nước của Việt Nam sẽ vào khoảng 18-20% GDP, kinh tế tư nhân chiếm tới 60–65% GDP và khu vực FDI duy trì ở mức 18-20% GDP.

Phân tích thêm về vai trò của khu vực FDI, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thẳng thắn cho rằng, hiện nay, tăng trưởng GDP của Việt Nam đang bị phụ thuộc vào xuất khẩu, FDI và riêng FDI chiếm tới hơn 70% xuất khẩu, đây là điều cần được xem xét, đánh giá kỹ hơn.

Vị chuyên gia cho rằng, những năm qua, trong quá trình phát triển của nền kinh tế Việt Nam, các nguồn lực từ bên ngoài, trong đó có ODA, FDI, những tri thức và kinh nghiệm phát triển của các quốc gia khác đã đóng góp rất lớn cho Việt Nam.

Đặc biệt là trong quá trình phục hồi kinh tế sau chiến tranh và đổi mới hệ thống kinh tế, hội nhập quốc tế để phát triển.

Nhấn mạnh việc tiếp tục tranh thủ “ngoại lực” để khai thác ngày càng tốt hơn các nguồn lực từ bên trong và xây dựng, nâng cao dần năng lực của chính mình, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh Việt Nam cũng cần phải đổi mới cách tiếp cận trong bối cảnh mới, như Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị khóa XII đã nêu rõ về FDI.

“Với khát vọng phát triển mới, tôi nghĩ sự thịnh vượng của một đất nước hơn 100 triệu dân phải do người dân Việt quyết định. Chúng ta không thể và không nên ỷ lại vào đầu tư nước ngoài”, chuyên gia Phạm Chi Lan khẳng định.

Bà ủng hộ Nghị quyết Đại hội XIII đã khẳng định “Phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”.

© AP Photo / Minh HoangLễ bế mạc Đại hội XIII Đảng cộng sản Việt Nam
Chỉ người Việt mới có thể làm Việt Nam mạnh lên và giàu thêm - Sputnik Việt Nam, 1920, 24.03.2021
Lễ bế mạc Đại hội XIII Đảng cộng sản Việt Nam
“Tôi tin sẽ có thể hiện thực hóa khát vọng Việt Nam thịnh vượng nếu ý chí tự lực tự cường mạnh mẽ, nỗ lực vượt bậc và cách làm đột phá của chính chúng ta được bổ trợ hiệu quả bằng các nguồn lực bên ngoài”, chuyên gia Phạm Chi Lan bày tỏ.

TS. Cấn văn Lực cùng nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, Việt Nam có quyền hy vọng đạt được mục tiêu là trở thành nước phát triển, thu nhập cao đến năm 2045 với những giả định và điều kiện nhất định.

Hà Nội  - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.11.2020
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới

Các chuyên gia cho rằng, thành quả đó phụ thuộc vào khát vọng, niềm tin của mỗi người Việt, vào việc thực hiện thành công 3 đột phát chiến lược đã đề ra và sáu giải pháp chiến lược mà nhóm tác giả đề cập. Những quyết sách quan trọng này đang chờ lãnh đạo nhiệm kỳ mới.

“Với vận hội mới, khí thế mới, vị thế mới, chúng ta có quyền kỳ vọng vào sự bắt tay quyết liệt, hành động cụ thể và hiệu quả của các lãnh đạo”, Báo cáo “Hình hài Việt Nam 2045” khẳng định.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh, với tinh thần đổi mới sáng tạo từ Nhà nước đến doanh nghiệp, người dân, khi hơn 100 triệu người Việt Nam cả trong nước lẫn nước ngoài đều đồng lòng vì mục tiêu chung của Tổ quốc, “tạm gác lại những khác biệt” để tập trung khai thác, gắn kết sức mạnh của mọi tầng lớp, mọi người, ở mọi nơi, kết hợp cả nguồn lực bên ngoài lẫn bên trong thì mục tiêu Việt Nam thịnh vượng “chắc chắn sẽ thành hiện thực”.

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam phải do người Việt Nam làm chủ, không chỉ kinh tế Nhà nước mà phải mở rộng ra kinh tế trong nước nói chung, trong đó doanh nghiệp Việt Nam mới là chủ đạo. Doanh nghiệp nước ngoài là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế.

Cô gái đeo khẩu trang y tế tại máy bán khẩu trang miễn phí ở Hà Nội, Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 20.11.2020
Việt Nam có phải là câu chuyện thành công về kinh tế duy nhất ở Đông Nam Á trong thời Covid-19?

Chuyên gia nhấn mạnh, sự giàu có của người dân Việt Nam, sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là một đòi hỏi cấp thiết, như là một mệnh lệnh trên con đường hướng tiến đến một Việt Nam cường thịnh 2045.

“Tôi đặt niềm tin Việt Nam sẽ có ngày càng nhiều những doanh nhân công, những nhà lãnh đạo xuất sắc có tinh thần dám nghĩ dám làm, quyết tâm hành động, phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân, với tinh thần: Trách nhiệm - Danh dự - Lương tâm”, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn bày tỏ.

Đúng như quan điểm của người đứng đầu Chính phủ– Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để “một Việt Nam vẻ vang, sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì phải kết hợp và giải phóng mọi nguồn lực, mọi tiềm năng, tổng động viên mọi sức mạnh còn tiềm ẩn trong khoảng 100 triệu dân người Việt Nam, kể cả kiều bào ở nước ngoài.

“Niềm tin là chất xúc tác lớn nhất cho mọi quyết tâm cũng như mọi mục tiêu phải đạt tới. Phải có niềm tin mạnh mẽ hơn vào tương lai tươi sáng của dân tộc ta”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Để bắt đầu hiện thực hóa giấc mơ “Việt Nam thịnh vượng vào năm 2045”, mỗi người cần có niềm tin vào sức mạnh của dân tộc, chính sức lực, tài năng, sự chịu đựng của bản thân và kiên quyết vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đi đến thắng lợi cuối cùng.

Đọc thêm:

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала