Trung Quốc “bày trận” ở Biển Đông, Tướng Việt Nam chỉ thẳng âm mưu

© AFP 2023 / Satellite image ©2021 Maxar TechnologiesTàu Trung Quốc ở Biển Đông.
Tàu Trung Quốc ở Biển Đông. - Sputnik Việt Nam, 1920, 30.03.2021
Đăng ký
Tình hình Biển Đông căng thẳng. Trung Quốc không nể mặt, gọi một số nước láng giềng là “chư hầu” cho Mỹ, “dẫn sói cắn gà nhà” và chỉ trích các quốc gia bên ngoài vì thói ích kỷ, muốn kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh mà can thiệp vào tranh chấp biển đảo.

Về phần mình, chuyên gia Việt Nam cho rằng, tung lực lượng dân quân biển “dàn trận” ở Biển Đông, Trung Quốc đang thực hiện chiến thuật “vùng xám”, đẩy mạnh âm mưu bành trướng, độc chiếm các vùng biển tranh chấp.

Do đó, Việt Nam cần có quyết sách phù hợp, khôn khéo nhưng thể hiện rõ lập trường của Hà Nội ở Biển Đông, chủ quyền hợp pháp ở cụm đảo Sinh Tồn, Trường Sa cũng như bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.

Trung Quốc gọi láng giềng là “chư hầu” cho Mỹ ở Biển Đông

Liên quan đến tình hình Biển Đông đang căng thẳng và phức tạp, trong khi Đại sứ quán Trung Quốc ở Philippines lên tiếng chỉ trích ám chỉ một vài quốc gia bên ngoài đang “nhúng tay” can thiệp công việc nội bộ của khu vực, sau khi Nhật Bản kêu gọi duy trì hòa bình, ổn định ở các vùng biển tranh chấp.

Ngày 24/3, Đại sứ quán Trung Quốc ở Bắc Kinh ra tuyên bố nhắm đến Nhật Bản và Mỹ khi Tokyo lên tiếng kêu gọi duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Cơ quan ngoại giao của chính quyền Trung Quốc ám chỉ việc tại khu vực (Biển Đông), tình hình leo thang căng thẳng vì vài quốc gia bên ngoài cố tình nhúng tay, “muốn chơi đủ trò địa chính trị đạo đức giả” làm phức tạp thêm tình hình.

“Thật đáng tiếc khi một số quốc gia châu Á, có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông bị cuốn vào vài mục đích ích kỷ muốn kiềm chế sự trỗi dậy và phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc, sẵn sàng hành động như kẻ chư hầu chiến lược của Mỹ”, Đại sứ quán Trung Quốc gay gắt.

Chưa hết, đại diện chính quyền Bắc Kinh còn coi đây là trò đê hèn và gây nguy hiểm như việc “dẫn sói cắn gà nhà”.

“Hành vi đê hèn, bần tiện như vậy chẳng khác nào việc dẫn sói về cắn gà nhà, đi ngược, thậm chí, phản bội lại toàn bộ lợi ích chung của cả khu vực cùng những cam kết bị vi phạm nghiêm trọng”, Đại sứ quán Trung Quốc nêu rõ.

Những động thái trên được cho là đáp trả lại tuyên bố của Đại sứ Nhật Bản ở Philippines – ông Koshikawa 23/3 khi khẳng định, Tokyo kịch liệt phản đối bất kỳ hành động nào làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và ủng hộ các nỗ lực quốc tế nhằm đảm bảo vùng biển này hòa bình và rộng mở đối với khu vực cũng như trên thế giới.

Các nước gây áp lực với Trung Quốc ở Biển Đông

Nhật Bản trước đó lên tiếng thống nhất với Indonesia đưa ra tuyên bố khẳng định phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động nào làm leo thang căng thẳng tình hình Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi nhất trí kêu gọi tăng cường hợp tác quốc phòng và tổ chức diễn tập chung ở Biển Đông.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày chuyên đề: “Những nhận thức mới và tư duy mới về an ninh quốc gia”.  - Sputnik Việt Nam, 1920, 29.03.2021
Bộ trưởng Tô Lâm: Nguy cơ đe dọa chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông là thách thức lớn

Phía Philippines và Mỹ nhiều lần lên tiếng chỉ trích Trung Quốc sau khi Manila phát hiện khoảng 220 tàu, được cho là do lực lượng dân quân biển Trung Quốc điều khiển, neo đậu tại Đảo Ba Đầu (khu vực phía đông bắc của cụm đảo Sinh Tồn mà phía Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền thuộc quần đảo Trường Sa).

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana lên tiếng kêu gọi Trung Quốc ngay lập tức chấm dứt hành động xâm nhập này và nhanh chóng rút tàu thuyền ra khỏi khu vực chồng lấn.

“Sự hiện diện của số lượng lớn tàu Trung Quốc là hành động khiêu khích mang tính quân sự hóa khu vực”, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Philippines nêu rõ.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin khẳng định ngay trong ngày 21/3, chính quyền Manila đã gửi công hàm đến Trung Quốc phản đối sự hiện diện của hơn 200 tàu dân quân của Bắc Kinh tại vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.

Ngày 24/3, Tổng tư lệnh Quân đội Philippines Cirilito Sobejana xác nhận đã chỉ thị cho lực lượng biển triển khai thêm tàu thuyền “để gia tăng mức độ giám sát, tăng tầm nhìn và đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn cho ngư dân Philippines”.

© AFP 2023 / Satellite image ©2021 Maxar TechnologiesTàu Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc “bày trận” ở Biển Đông, Tướng Việt Nam chỉ thẳng âm mưu - Sputnik Việt Nam, 1920, 30.03.2021
Tàu Trung Quốc ở Biển Đông.

Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, liên quan đến tình hình căng thẳng ở đảo Ba Đầu, Bộ Quốc phòng Philippines đã điều chiến đấu cơ hạng nhẹ tham gia tuần tra, giám sát hàng trăm tàu của dân quân biển Trung Quốc.

Dư luận và giới quan sát quốc tế tỏ ra lo ngại trước trước sự hiện diện mà chính quyền Philippines mô tả là “đậm tính đe dọa” của đội tàu Trung Quốc ở Biển Đông. Dù không có chung tranh chấp, nhưng nhiều nước, trong đó có Mỹ, Nhật và Australia đều lên tiếng bày tỏ lo ngại trước tình hình căng thẳng mới ở khu vực này.

Hôm 29/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh, hàng trăm tàu đang neo đậu tại Đá Ba Đầu là tàu của “dân quân biển” Trung Quốc.

© AP Photo / Frederic J. BrownAntony Blinken
Trung Quốc “bày trận” ở Biển Đông, Tướng Việt Nam chỉ thẳng âm mưu - Sputnik Việt Nam, 1920, 30.03.2021
Antony Blinken
“Mỹ sẽ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác”, Ngoại trưởng Hoa Kỳ nêu rõ và khẳng định ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, cũng như phản đối hành vi sai trái của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Ngoại trưởng Blinken nói rằng, các liên minh của Mỹ được tạo ra để bảo vệ những giá trị đã được đồng thuận, chia sẻ.

“Việc tái khẳng định cam kết của liên minh đòi hỏi phải nhắc lại những giá trị bền vững đó và nền tảng cho các mối quan hệ quốc tế mà chúng ta cam kết bảo vệ: Một trật tự khu vực đầy tự do và rộng mở dựa trên luật pháp quốc tế”, ông Antony Blinken tuyên bố.

Đại sứ Australia tại Philippines ông Steven Robinson cũng bày tỏ quan điểm rằng chính quyền Úc luôn quan ngại về “những hành vi gây bất ổn” ở Biển Đông trong thời gian gần đây trong khi chính quyền Trung Quốc tiếp tục duy trì hàng loạt yêu sách chủ quyền phi lý ở khu vực tranh chấp này.

Đại sứ Robinson nêu rõ, Australia ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ổn định, tự do và rộng mở.

“Biển Đông – tuyến đường thủy quốc tế quan trọng nên được quản lý bởi các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982”, Đại sứ Steven Robinson bày tỏ.

Đại diện chính quyền Australia cũng cho biết luôn lo ngại về bất cứ hành động gây bất ổn nào có thể gây leo thang căng thẳng ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh Australia ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế năm 2016, bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông liên quan đến cái gọi là “quyền lịch sử” với “đường lưỡi bò” hay “đường chín đoạn”. Philippines khi ấy đã thắng kiện Trung Quốc.

Tướng Việt Nam nói gì về âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc?

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng cho rằng, tình hình Biển Đông thời gian qua rất nóng do có nhiều diễn biến liên quan.

Theo vị chuyên gia, trong khi vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có ASEAN trở thành nơi cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc (điển hình như Mỹ - Trung Quốc hay EU – PV), thì tình hình Biển Đông cũng theo đó mà trở nên căng thẳng từ nhiều năm nay.

Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trình bày chuyên đề: “Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam”. - Sputnik Việt Nam, 1920, 29.03.2021
Thấy gì qua tuyên bố của lãnh đạo cấp cao Việt Nam về tình hình Biển Đông?

Nhấn mạnh thực tế rằng, tranh chấp ở Biển Đông đặc biệt trong mấy năm gần đây “luôn rất nóng”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân trong cuộc trao đổi với VnExpress cho rằng, căng thẳng ở khu vực này chủ yếu gồm ba vòng: tranh chấp chủ quyền quốc gia giữa Trung Quốc với các nước ven bờ có tuyên bố hoặc yêu sách chủ quyền, tranh chấp giữa các nước, các bên có tuyên bố hoặc yêu sách chủ quyền với nhau; mâu thuẫn giữa Trung Quốc và khối ASEAN; cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung cùng các nước khác ngoài khu vực.

Cụ thể, theo GS.TS Nguyễn Hồng Quân, ở vòng thứ nhất, nguy cơ xung đột đầu tiên là tranh chấp các vùng biển đảo giữa Trung Quốc và các nước liên quan. Đồng thời, ngư dân Trung Quốc với sự hộ tống của lực lượng hải cảnh đã và đang chiếm đoạt nhiều vùng đánh cá, đe dọa cuộc sống của hàng triệu ngư dân các nước ven bờ Biển Đông.

Theo Tướng Nguyễn Hồng Quân, Trung Quốc đồng thời cũng đe dọa, phá hoại, ngăn cản các nước đơn phương hoặc hợp tác với đối tác thăm dò năng lượng, dầu khí trên vùng biển hợp pháp ở Biển Đông.

Ông Quân nhấn mạnh, Bắc Kinh muốn các nước phải hợp tác, dùng công nghệ, kỹ thuật, vốn, nhân lực của nước này, nhằm thao túng việc khai thác năng lượng ở Biển Đông.

“Thậm chí, có lúc họ còn đe dọa dùng vũ lực nếu không dừng hợp tác quốc tế thăm dò dầu khí trên vùng biển của Việt Nam mà Trung Quốc tự nhận là thuộc vùng biển của họ”, Thiếu tướng QĐND Việt Nam bày tỏ và cho rằng, đến nay, căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước tuyên bố chủ quyền và có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Tiếp đến, liên quan mâu thuẫn giữa Trung Quốc và ASEAN, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng Việt Nam cho biết, Trung Quốc đề xướng thảo luận Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), nhằm tập trung thảo luận các điểm tương đồng, tìm kiếm cứu nạn.

Tuy nhiên, điều đáng nói theo tướng Quân, đó là, Trung Quốc luôn né tránh thảo luận về các bất đồng, khiến ASEAN lo ngại nước này muốn lợi dụng COC để tạo điều kiện thuận lợi cho sự kiểm soát thực tế trên Biển Đông.

Sau đó, chính quyền Bắc Kinh lại đưa ra cách tiếp cận khác, các tranh chấp sẽ do các quốc gia liên quan giải quyết trực tiếp thông qua đàm phán và tham vấn dựa trên thực tế lịch sử, luật pháp quốc tế và Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC). ASEAN và Trung Quốc sẽ cùng hợp tác để gìn giữ hòa bình và ổn định ở Biển Đông thông qua triển khai DOC và các tham vấn về COC.

“Cách tiếp cận này loại bỏ tư cách của tòa trọng tài hay sự hòa giải của bên thứ ba trong việc giải quyết các yêu sách lãnh thổ chồng lấn trên biển, làm tăng xu hướng chia rẽ trong nội bộ ASEAN về vấn đề Biển Đông”, vị chuyên gia nhận định.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, ngay trong chính khối ASEAN cũng có những cách ứng xử rất khác nhau về vấn đề Biển Đông. Việt Nam và Philippines- theo nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, có lập trường rõ ràng và cứng rắn, trong khi đó, một số nước khác lại chọn lối phản ứng của riêng mình.

“Việt Nam, Philippines đã đưa ra những lập trường cứng rắn để đấu tranh chống lại các động thái "gặm nhấm" của Trung Quốc nhằm tạo ra sự kiểm soát thực tế. Một số nước có cách tiếp cận khác”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh.

Tàu Trung Quốc ở Biển Đông. - Sputnik Việt Nam, 1920, 26.03.2021
Cho Hải cảnh nổ súng ở Biển Đông, Trung Quốc muốn uy hiếp cả Việt Nam và Mỹ?
Nói về “vòng thứ ba”, vị chuyên gia bổ sung thêm rằng, đây là mâu thuẫn nảy sinh từ cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ cùng các nước khác ngoài khu vực có lợi ích kinh tế, hàng hải, hàng không, thương mại, quân sự ở Biển Đông.

Theo ông Nguyễn Hồng Quân, chính tham vọng bá quyền phi pháp của Trung Quốc - muốn độc quyền quản lý, tiến tới độc chiếm Biển Đông để hiện thực hóa giấc mơ trở thành cường quốc gây nên nguy cơ xung đột căng thẳng trong khu vực.

“Mức độ căng thẳng và nguy cơ xung đột trên Biển Đông thời gian qua nặng nề, khẩn trương hơn so với trước đây”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân nhận định.

Vị chuyên gia Việt Nam cho rằng, Trung Quốc muốn lấy Biển Đông làm nơi xuất phát các hạm đội tàu ra Thái Bình Dương, ra các đại dương. Đây còn là một trong những điểm để Trung Quốc triển khai chiến lược trong sáng kiến "Vành đai - Con đường". Trong khi đó Mỹ cùng nhiều nước lớn ngày càng tăng cường hiện diện ở Biển Đông.

Trung Quốc dùng chiến thuật vùng xám ở Biển Đông ra sao?

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng cho biết, để từng bước hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc tổ chức các đội tàu cá công suất lớn, hoạt động xa bờ, hầu hết do dân quân biển điều hành.

Biển Đông. - Sputnik Việt Nam, 1920, 18.03.2021
Báo Trung Quốc nói Việt Nam và Philippines “vu khống” Bắc Kinh ở Biển Đông

Tướng Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh, từ năm 2009, Trung Quốc đã đưa dân quân biển tham gia nhiều vụ đụng độ đáng chú ý trên Biển Đông, như quấy rối tàu Impeccable của Mỹ năm 2009 tại phía nam đảo Hải Nam, hỗ trợ hải quân Trung Quốc chiếm bãi cạn Scaborough năm 2012, hỗ trợ tàu Hải Dương 981 thăm dò trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam năm 2014, đánh cá trộm tại vùng biển Indonesia năm 2016 hay quấy rối tàu thăm dò dầu khí của Malaysia tại bãi Luconia năm 2019.

Đặc biệt, lực lượng này còn hộ tống, bảo vệ tàu Hải Dương 8 (Haiyang Dizhi Ba Hao) hoạt động thăm dò trái phép tại Bãi Tư Chính của Việt Nam tháng 7/2019.

Theo vị chuyên gia Việt Nam, việc Trung Quốc tăng cường dân quân biển là âm mưu dần kiểm soát, tiến tới độc chiếm Biển Đông, biến vùng biển tranh chấp thành nơi thuộc chủ quyền của Bắc Kinh.

“Đó chính là mục đích sâu xa việc Trung Quốc sử dụng tàu dân quân biển”, ông Quân nhấn mạnh.

Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, Trung Quốc cho tàu dân quân biển đâm va, quấy rối tàu nước ngoài hoạt động trong “đường 9 đoạn” phi pháp, để củng cố sự hiện diện ở Biển Đông. Trung Quốc lợi dụng việc các nước kiềm chế tránh leo thang xung đột để thực hiện mưu đồ riêng của mình.

Dư luận quốc tế từng cảnh báo xung đột trên Biển Đông nhiều khả năng liên quan đến dân quân biển Trung Quốc, bởi lực lượng này không có cơ chế liên lạc và xuống thang căng thẳng như hải quân. Dân quân biển cũng không thuộc phạm vi áp dụng Bộ quy tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) mà hải quân các nước đã ký kết hồi tháng 4/2014.

“Đây là chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc, nhằm mục tiêu chiếm đoạt vùng biển đảo của các nước khác mà không phải dùng lực lượng vũ lực trực tiếp với quy mô lớn. Chiến thuật này có đặc điểm là không để xung đột vượt ngưỡng thành chiến tranh nóng và tiệm tiến”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh.

Thiếu tướng Quân cũng nêu quan điểm, việc Trung Quốc thông qua Luật Hải Cảnh là bước củng cố và tăng cường chiến thuật “vùng xám” ở Biển Đông và gây thêm căng thẳng cho tình hình khu vực.

Việt Nam cần làm gì trước mưu đồ của Trung Quốc ở Biển Đông?

Về giải pháp, khẳng định Hà Nội nên duy trì lập trường chủ quyền ở Biển Đông bằng chính trị, ngoại giao và trên thực địa, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc chủ trương thỏa thuận giải quyết tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình, nhưng không có nghĩa là chỉ đàm phán ngoại giao mà còn có thể thông qua cơ chế tài phán quốc tế.

“Cùng với các nỗ lực ngoại giao, Việt Nam phải chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ, tư liệu lịch sử, chứng lý... để có thể đưa vấn đề Biển Đông ra Tòa án quốc tế khi cần thiết”, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng thẳng thắn.

Ngoài việc tạo lập trường đoàn kết ở ASEAN, theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, Việt Nam cũng cần tăng cường hợp tác với các nước lớn trong khu vực và thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực chia sẻ thông tin tình báo, cung cấp phương tiện, trang bị bảo vệ chủ quyền biển đảo. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng nên tranh thủ các diễn đàn quốc tế, chỉ rõ ý đồ chiến thuật vùng xám của Trung Quốc ở Biển Đông  và tham gia thường xuyên hơn các đợt diễn tập quốc tế như RIMPAC.

“Trong mối quan hệ với Trung Quốc, tiếp tục duy trì hòa bình, ổn định, đề nghị quân đội hai nước cam kết không nổ súng trước”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh.

Vị chuyên gia cũng đề nghị, lực lượng hải quân, không quân, cảnh sát biển, kiểm ngư, dân quân biển của Việt Nam cần được đầu tư nguồn lực nhiều hơn nữa để hiện đại hóa trang thiết bị…không để xảy ra bị động, bất ngờ ở Biển Đông.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery. - Sputnik Việt Nam, 1920, 15.03.2021
Tàu chiến Pháp vào Biển Đông, thăm Việt Nam là “đang đùa với lửa”?

Cùng với việc duy trì lực lượng lao động hòa bình trên biển, sự sẵn sàng của lực lượng chấp pháp, theo tướng Nguyễn Hồng Quân, Việt Nam nên tăng cường đưa dân ra sống ở các đảo thuộc Trường Sa.

“Xét về lâu dài, chiến lược để bảo vệ chủ quyền biển đảo vững chắc nhất là phát triển thành quốc gia có kinh tế biển giàu mạnh, với những hạm đội tàu thương mại và quân sự hùng mạnh”, ông Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh.

TS. Bùi Hải Đăng, Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Khoa học – Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM nhận định rằng, Việt Nam đã sớm nhận ra việc Trung Quốc có hành vi xâm phạm ở đảo Ba Đầu và luôn theo dõi chặt chẽ diễn biến ở khu vực này.

“Việt Nam hoàn toàn có đủ căn cứ pháp lý khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các thực thể trong cụm đảo Sinh Tồn”, ông Đăng nói.

Cũng cho rằng Bắc Kinh đang dùng chiến thuật vùng xám, TS. Bùi Hải Đăng nhấn mạnh, Việt Nam với chủ trương vững chắc về pháp lý, chủ động trên thực địa và đa phương hóa, đa dạng hóa các phương án ứng phó chủ động với Trung Quốc, sẽ tiếp tục duy trì thế chính nghĩa để phát huy tối đa công cuộc trường kỳ khẳng định chủ quyền của mình trên Biển Đông.

“Càng triển khai, Trung Quốc càng thể hiện sự túng thế, mất uy tín và vi phạm luật pháp quốc tế, cũng như bị phản ứng dư luận khu vực và quốc tế ngày càng gay gắt”, TS. Bùi Hải Đăng nhấn mạnh.

Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, hôm 25/3, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, bà Lê Thị Thu Hằng đã lên án hành vi của Trung Quốc, đồng thời khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

“Hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải quốc gia ven biển. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam”, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng khẳng định.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала