Trung Quốc đòi bá chủ ở Biển Đông: Thế giới nên ủng hộ Việt Nam, Philippines?

© REUTERS / 2021 Maxar TechnologiesTàu cá Trung Quốc tập trung quanh đá Ba Đầu
Tàu cá Trung Quốc tập trung quanh đá Ba Đầu  - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.04.2021
Đăng ký
Việc tình hình Biển Đông căng thẳng khi Trung Quốc cho hàng trăm tàu tập trung tại khu vực đá Ba Đầu, cụm đảo Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa đã và đang thu hút sự chú ý rất lớn của giới quan sát quốc tế, dư luận Việt Nam về động cơ, âm mưu, ý đồ của Bắc Kinh.

Dư luận quốc tế cần hiểu rõ âm mưu, bản chất chiến thuật vùng xám, cắt lát salami (tằm ăn dâu) nhằm chiếm đá Ba Đầu và tiếp tục biến Biển Đông thành chiến trường địa chính trị của Bắc Kinh, qua đó, ủng hộ lập trường của Việt Nam, Philippines, Malaysia ở vùng biển tranh chấp theo luật pháp quốc tế.

Ai cho Trung Quốc tuyên bố chủ quyền cả ngàn năm ở Biển Đông?

Ths, Đỗ Hoàng, nghiên cứu viên tại Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao có những đánh giá cụ thể việc Trung Quốc “dàn trận” ở Biển Đông khi tập kết lượng lớn tàu, neo đậu dài ngày ở đá Ba Đầu và cho rằng, nhiều khả năng, đây là chiến thuật “cắt lát salami” của chính quyền Bắc Kinh ở Biển Đông.

Ông Đỗ Hoàng đề cập đến việc quan chức Manila, cùng giới nghiên cứu Philippines lên tiếng cảnh báo đây là dấu hiệu Trung Quốc có thể đang có những toan tính mới ở Biển Đông, âm mưu chiếm đóng bãi đá Ba Đầu như đã từng làm với bãi Hoàng Nham hồi năm 2012.

quần đảo Trường Sa - Sputnik Việt Nam, 1920, 14.04.2021
«Những người xanh»: Chiêu thức của Bắc Kinh dùng tàu cá mở rộng thế lực ở Biển Đông

Trong khi trả lời phóng viên hôm 6/4 về việc Trung Quốc muốn thiết lập sự hiện diện lâu dài, thường trực ở khu vực đá Ba Đầu, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) khẳng định, Bắc Kinh không hề có kế hoạch như thế.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, các tàu nước này xuất hiện, neo đậu ở đá Ba Đầu chỉ là “đang trú ẩn” vì thời tiết xấu và còn lớn tiếng khẳng định việc này là “hành vi theo lệ thường trong cả 1.000 năm qua” theo yêu sách chủ quyền đường lưỡi bò (đường chín đoạn).

Ông Triệu Lập Kiên còn cáo buộc các quốc gia khác (Mỹ, EU, Nhật Bản, Philippines, Việt Nam, Malaysia…PV) giữ thái độ “thù địch” với Trung Quốc khi gọi ngư dân nước này là “lực lượng dân quân biển” hay “người lính áo xanh” (vốn đã trở thành lực lượng nòng cốt trong các chiến dịch không tên của Trung Quốc).

Vụ hơn 200 tàu cá Trung Quốc neo đậu tại bãi đá ngầm trong lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa từ hôm 7/3, bật đèn suốt đêm mà không đánh bắt dù thời tiết thuận lợi thu hút sự chú ý rất lớn từ dư luận quốc tế.

Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, đích thân Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana chỉ trích thói “đạo đức giả - nói một đằng làm một nẻo” của Bắc Kinh bằng lập luận chỉ kẻ ngu mới tin là Trung Quốc ‘không làm gì cả’ ở khu vực đá Ba Đầu.

“Tôi đâu có ngu! Thời tiết ngoài khơi ở đó (bãi đá Ba Đầu) đến nay vẫn tốt. Thực tế, họ (người Trung Quốc) không có lý do nào khác để ở lại lâu như thế”, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines chỉ trích gay gắt sự ngụy biện của chính quyền Bắc Kinh và yêu cầu các tàu cá Trung Quốc nhanh chóng rời khỏi khu vực bãi đá ngầm chồng lấn ở Biển Đông.

Cựu thẩm phán Antonio De Carprio cũng cho rằng, việc hàng trăm tàu cá Trung Quốc tập trung ở rặng san hô Ba Đầu chỉ là “khúc dạo đầu” để Bắc Kinh chiếm lấy bãi đá này như đã từng hành xử với đá Vành Khăn năm 1995.

© AFP 2023 / Philippine Coast GuardTàu cảnh sát biển Philippines BRP Cabra (MRRV-4409) ở Biển Đông.
Trung Quốc đòi bá chủ ở Biển Đông: Thế giới nên ủng hộ Việt Nam, Philippines? - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.04.2021
Tàu cảnh sát biển Philippines BRP Cabra (MRRV-4409) ở Biển Đông.

Tàu Trung Quốc ở đá Ba Đầu: Đi ngược quy luật tự nhiên

Theo quan điểm của chuyên gia Đỗ Hoàng, Trung Quốc đang đi ngược quy luật tự nhiên. Theo đó, qua dữ liệu ảnh vệ tinh, có nhiều lý do để tin rằng việc tập kết hàng trăm tàu Trung Quốc ở Đá Ba Đầu không phải nhằm mục đích tránh thời tiết xấu, và đây cũng không phải là tập quán bình thường lâu nay của các tàu cá Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian). - Sputnik Việt Nam, 1920, 13.04.2021
Trung Quốc và Philippines sẽ giải quyết xung đột trên Biển Đông bằng con đường hòa bình

Theo chuyên gia của Viện Biển Đông, thứ nhất, dữ liệu ảnh vệ tinh chụp Đá Ba Đầu từ năm 2016 tới nay cho thấy, việc hàng trăm tàu Trung Quốc tập kết tại Đá Ba Đầu là hiện tượng chỉ mới bắt đầu xuất hiện từ tháng 2/2020.

“Các năm trước đó, tàu cá Trung Quốc có neo đậu lác đác tại Đá Ba Đầu nhưng thường không quá 20 tàu, và các tàu chưa bao giờ gắn kết lại thành cấu trúc lớn như vừa qua”, ông Đỗ Hoàng cho biết.

Lý do thứ hai, cũng theo dữ liệu ảnh vệ tinh, hiện tượng Trung Quốc tập kết tàu thuyền số lượng lớn, gắn kết thành các cấu trúc tại Đá Ba Đầu từ đầu năm 2020 đã kéo dài nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng.

“Thời gian tập kết lâu như vậy rõ ràng không phải nhằm mục đích tránh thời tiết xấu”, theo Ths. Đỗ Hoàng.

Bên cạnh đó, cần hiểu rõ rằng, việc tập kết tàu bè số lượng lớn chỉ xảy ra ở điểm Đá Ba Đầu, trong khi xung quanh khu vực cụm đảo Sinh Tồn có rất nhiều cấu trúc tự nhiên, cũng phù hợp cho việc tàu bè neo đậu tránh thời tiết xấu, nhưng tại đó lại gần như không có tàu nào neo đậu, trú ẩn.

© AP Photo / Renato EtacTàu của hải cảnh Trung Quốc
Trung Quốc đòi bá chủ ở Biển Đông: Thế giới nên ủng hộ Việt Nam, Philippines? - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.04.2021
Tàu của hải cảnh Trung Quốc

Vấn đề thứ ba, theo vị chuyên gia, đó là tháng 3, tháng 4 hàng ănm là khoảng thời gian thời tiết ở Trường Sa rất tốt, mùa biển lặng nên tàu bè đều chọn thời gian này để ra khơi đánh bắt.

“Dân gian Việt Nam có câu “Tháng Ba bà già đi biển” (đến bà già cũng có thể ra khơi), do đó, việc Trung Quốc lấy lý do trú ẩn thời tiết xấu không những không đúng với dữ liệu hình ảnh vệ tinh thu được, mà còn trái với quy luật thiên nhiên tại khu vực”, chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông nhấn mạnh.

Trung Quốc đang dùng chiến thuật lát cắt salami mới?

Chiến thuật cắt lát salami (hay chiến thuật tằm ăn dâu) ám chỉ việc dùng những bước tiến nhỏ để đạt được mục đích lớn.

Tàu Hải quân Philippines BRP Gregorio del Pilar trên Biển Đông. - Sputnik Việt Nam, 1920, 13.04.2021
Philippines tăng cường tuần tra ở Biển Đông trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc

Theo ông Hoàng, có thể mục tiêu của Trung Quốc là nhằm tạo lập sự hiện diện thường xuyên với số lượng lớn tại Đá Ba Đầu, biến sự hiện diện này thành việc “bình thường”, tiến dần tới việc chiếm quyền kiểm soát hoàn toàn và có thể tiến hành xây dựng, cải tạo phi pháp đá này thành một cơ sở quân sự mới như những gì đã thể hiện suốt bao năm qua.

“Đây sẽ là chiến thuật cát lát salami mới của Trung Quốc để mở rộng kiểm soát Biển Đông trên thực tế”, chuyên gia lưu ý.

Theo nhà nghiên cứu, có nhiều khả năng chiến thuật này sẽ dùng một số lượng lớn tàu tập hợp ở một khu vực nhằm cản trở hoạt động của các nước, đồng thời, chính những tàu này có thể tản ra, bao vây, quấy rối hoặc cản trở hoạt động của các nước khác ở các cấu trúc khác.

Chuyên gia Vũ Ngọc Diệp, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao có đồng quan điểm với ông Đỗ Hoàng và đặt vấn đề nghi vấn nhiều khả năng Bắc Kinh có ý đồ kiểm soát bãi cạn nhìn từ kịch bản ở Scarborough.

Ông Alexander L. Vuving, chuyên gia Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương ở Honolulu, Mỹ cũng nhận định, Trung Quốc có thể đang dùng thủ đoạn như đã áp dụng ở bãi cạn Scarborough, nhằm ngang nhiên giành quyền kiểm soát trên thực địa tại đá Ba Đầu vốn có vị trí chiến lược ở tuyến hàng hải đặc biệt quan trọng này.

“Bắc Kinh từng tìm cách chiếm đá này vào thập niên 1990 nhưng không thành công, song lần này có thể khác”, GS. Alexander L. Vuving lưu ý.

Ông Vuving tái khẳng định việc Việt Nam là bên đầu tiên lên tiếng về Đá Ba Đầu, phản đối việc Trung Quốc cho các binh sĩ đổ bộ lên thực thể đó vào năm 1992, nên Trung Quốc có thể đã thay đổi chiến thuật.

Ngoài ra, cũng có thể, Trung Quốc có mục tiêu khác là tập trung số lượng lớn tàu dân binh tại đây nhằm răn đe các nước trong khu vực vào mùa ra biển của ngư dân, cũng là mùa các nước trong khu vực triển khai các hoạt động khai thác dầu, khí đốt ở Biển Đông.

Biển Đông biến thành “chiến trường” của Trung Quốc?

Ths. Nguyễn Thế Phương, khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM nhận định, việc cho hơn 200 tàu hiện diện ở khu vực đá Ba Đầu cho thấy, Trung Quốc vẫn đang dùng chiến thuật “vùng xám” căn bản để tăng cường kiểm soát trái phép các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

HQ-016 Quang Trung - Sputnik Việt Nam, 1920, 09.04.2021
Điều gì ẩn sau việc Việt Nam điều tàu chiến 016 Quang Trung ra diễn tập ở Biển Đông

Theo chuyên gia Nguyễn Thế Phương, có thể xem Trung Quốc là một cường quốc xét lại “có tính toán”. Vị chuyên gia phân tích, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế khiến Trung Quốc không thể phá vỡ hoàn toàn cấu trúc an ninh truyền thống ở khu vực.

“Làm như vậy sẽ khiến cho mục tiêu quan trọng của Trung Quốc - một môi trường hoà bình để phát triển - bị đe doạ. Phát triển thịnh vượng trong một môi trường thuận lợi luôn là mục tiêu đối ngoại hàng đầu”, ông Phương phân tích.

Vấn đề thứ hai, theo vị chuyên gia Việt Nam, đó là trong ngắn hạn, bản thân Trung Quốc nhận thấy sức mạnh quân sự của mình, đặc biệt là về hải quân, chưa thể so sánh với Mỹ.

“Đối đầu trực diện với Mỹ về mặt hải quân sẽ là một lựa chọn chiến lược sai lầm”, theo Ths. Nguyễn Thế Phương.

Với thực tế này, Hải quân Trung Quốc trong ngắn hạn sẽ vẫn dựa trên học thuyết phi đối xứng và phòng thủ chủ động, đi kèm với đó là một chương trình hiện đại hoá tương xứng nhưng đầy tham vọng.

Theo Ths. Phương, Trung Quốc vừa mong muốn dần dần thay thế Mỹ như một cường quốc biển ở Tây Thái Bình Dương, vừa không muốn sự trỗi dậy của mình phá vỡ hệ thống trật tự quốc tế vốn giúp Trung Quốc trở nên thịnh vượng trong 40 năm qua.

Trong tư duy chiến lược của Trung Quốc, hải quân về căn bản mang yếu tố phòng thủ và “bất chiến tự nhiên thành” mới là cách tiếp cận chủ đạo của Bắc Kinh, đặc biệt trong các vấn đề tranh chấp lãnh thổ gai góc.

“Biển Đông chính là chiến trường địa chính trị chủ yếu để Trung Quốc vận dụng “vùng xám” như một cách tiếp cận tổng hợp, nhằm giành lấy ưu thế địa chính trị một cách tiệm tiến và giữ căng thẳng trong tầm kiểm soát”, ông Phương khẳng định.

Theo chuyên gia Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến “chiến lược cải bắp”, trong đó tập trung mô tả vai trò và mối quan hệ giữa hải quân, hải cảnh và lực lượng dân quân biển Trung Quốc. Hoặc khái niệm “tam chủng chiến pháp” - khái niệm chính thống gần nhất với “vùng xám” mà Trung Quốc đưa ra - tập trung vào ba mặt trận tâm lý, thông tin và pháp lý để tạo ra một lượng thông tin có lợi, biện minh cho các hành động của Bắc Kinh trên thực địa.

“Vùng xám là một tập hợp các công cụ chính sách rộng lớn hơn rất nhiều. Nó là công cụ cưỡng bức mang tính tiệm tiến, với mục tiêu đạt được các lợi ích về chiến lược mà không để xung đột nóng xảy ra. Đây là một công cụ khá khó chịu”, Ths. Nguyễn Thế Phương khẳng định.
Nên ủng hộ Việt Nam, Philippines, Malaysia trong tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông?

Giới chuyên gia liên tục cảnh báo việc Trung Quốc duy trì đội tàu cá đông đúc ở Ba Đầu như công cụ kiểm soát thực thể ở Biển Đông, trong trường hợp Bắc Kinh chiếm được bãi đá Ba Đầu, các thực thể hàng hải do Việt Nam kiểm soát gần đó cũng sẽ gặp rủi ro lớn.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng - Sputnik Việt Nam, 1920, 08.04.2021
Việt Nam lên tiếng về việc điều tàu chiến ra Trường Sa, tình hình Biển Đông

Dù là lý do hay động cơ gì, việc Trung Quốc tập kết số lượng tàu lớn ở Đá Ba Đầu một lần nữa làm dấy lên quan ngại về mục tiêu ý đồ của Trung Quốc ở khu vực, làm xói mòn lòng tin, cản trở đối thoại Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), vi phạm Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông (DOC), vi phạm nguyên tắc kiềm chế không làm phức tạp thêm tình hình vốn được Việt Nam và các bên coi trọng.

Đồng thời, các chuyên gia cho rằng, trong đó có GS. Jay L. Batongbacal, Trường Luật thuộc Đại học Philippines kiêm Giám đốc Viện Các vấn đề Hàng hải và Luật Biển nước này nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế phải nhận thức được chiến thuật của Trung Quốc và ủng hộ lập trường của các quốc gia láng giềng dù nhỏ hơn như Việt Nam, Philippines, Malaysia trong việc lên án động thái bá quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông. Hòa bình, ổn định ở khu vực phải là tôn chỉ cao nhất.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала