Việt Nam nói rõ quan điểm nhất quán của mình về vấn đề Biển Đông

© Ảnh : U.S. Navy/Joe BishopBiển Đông
Biển Đông - Sputnik Việt Nam, 1920, 29.04.2021
Đăng ký
Việt Nam coi Biển Đông là tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới, không chỉ có giá trị chiến lược về kinh tế thương mại và quốc phòng-an ninh mà còn có giá trị chiến lược về địa chính trị. Do vậy, các nước liên quan cần tích cực hợp tác, giữ gìn hòa bình, ổn định để đem lại lợi ích chung.

Trong lúc Biển Đông đang có “biến động” thì Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao Trung Quốc thăm chính thức Việt Nam từ ngày 24 đến 27/4. Vậy việc gìn giữ tình hữu nghị giữa hai nước, mong muốn hai bên củng cố hợp tác, xóa bỏ bất đồng đã được đề cập tới như thế nào trong điều kiện  tranh chấp trên Biển Đông? Hai bên đã dành cho nhau những thông điệp gì?

Đại tá Nguyễn Minh Tâm, chuyên gia về các vấn đề chính trị và quân sự quốc tế đã có những nhận xét và bình luận về chuyến thăm trên với phóng viên Sputnik.

Thúc đẩy quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện

Trước câu hỏi của Sputnik về việc chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc tại thời điểm này có bất ngờ hay không và mục đích thực sự của nó là gì, những chủ đề gì đã được trao đổi và thảo luận trong khuôn khổ chuyến thăm, Đại tá Nguyễn Minh Tâm đã có những bình luận như sau:

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương tiếp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa - Sputnik Việt Nam, 1920, 26.04.2021
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc

Chuyến thăm Việt Nam từ 24 đến 27/4 của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa đã được hoạch định từ năm 2020 và là hoạt động tiếp theo của cuộc Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam – Trung Quốc lần thứ 6. Tuy nhiên, do Đại dịch COVID-19 nên hai bên phải tạm dừng các hoạt động này và dời sang năm nay, khi dịch bệnh ở hai nước tạm lắng xuống.

Về cơ cấu thành viên của đoàn Trung Quốc lần này, Đại tá Nguyễn Minh Tâm nói: Cơ cấu đoàn thăm Việt Nam lần này khá gọn nhẹ, chỉ có 7 người, gồm Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa, Phó tham mưu trưởng Bộ tham mưu liên hợp Quân ủy trung ương Thiệu Nguyên Minh, đại diện các quân chủng hải quân, không quân, đại diện lực lượng biên phòng, lãnh đạo Cục đối ngoại PLA. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba. Ngoài ra, Đại tá La Tân, Tùy viên quân sự Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội cũng dự hội đàm.

Phía Việt Nam xem chuyến thăm này là  một dịp củng cố tình hữu nghị truyền thống và thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Đồng thời, phía Việt Nam tiếp tục khẳng định mục tiêu hữu nghị và hợp tác luôn là dòng chảy chính trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước.

© Ảnh : Trọng Đức - TTXVNBộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa trước cột mốc chủ quyền 1317 (2) thuộc địa bàn xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh.
Việt Nam nói rõ quan điểm nhất quán của mình về vấn đề Biển Đông - Sputnik Việt Nam, 1920, 29.04.2021
Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa trước cột mốc chủ quyền 1317 (2) thuộc địa bàn xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh.

Về phía Trung Quốc, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng có quan điểm tương tự khi khẳng định quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Trung Quốc và Việt Nam là một trong những hoạt động quan trọng, góp phần nâng cao quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai Đảng, Nhà nước, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở mỗi nước cũng như của khu vực và thế giới.

Trong cuộc hội đàm giữa hai Thượng tướng, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước, cả hai bên đều thống nhất đánh giá về những biến động phức tạp, tiềm ẩn những rủi ro hiện nay và ảnh hưởng tiêu cực của những biến động ấy đến hòa bình và an ninh thế giới. Hai bên đều đánh giá cao vai trò của ASEAN vẫn duy trì được cơ chế đối thoại quốc phòng, tăng cường xây dựng lòng tin, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực, đặc biệt là tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 10 năm thiết lập Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) và Hội nghị ADMM+ lần thứ 7

Về quan hệ song phương, hai bên cùng nhất trí cho rằng Việt Nam và Trung Quốc đã không ngừng được mở rộng và có các hình thức hợp tác phong phú, ngày càng đi vào thực chất; vẫn duy trì các hình thức trao đổi linh hoạt, hiệu quả trong điều kiện đại dịch COVID-19. Điều quan trọng là hai bên đã thống nhất tiếp tục triển khai có hiệu quả Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giữa Bộ Quốc phòng nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đến năm 2025. Hai bên cần tập trung vào một số nội dung như triển khai hiệu quả các cơ chế giao lưu, hợp tác hiện có, đặc biệt là Đối thoại Chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng; Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới; hoạt động công tác đảng, công tác chính trị; hợp tác giữa các quân, binh chủng, học viện, nhà trường,...

© Ảnh : Trọng Đức - TTXVNBộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa phát biểu tại lễ khánh thành Nhà văn hóa xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh.
Việt Nam nói rõ quan điểm nhất quán của mình về vấn đề Biển Đông - Sputnik Việt Nam, 1920, 29.04.2021
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa phát biểu tại lễ khánh thành Nhà văn hóa xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh.

Kết quả của cuộc hội đàm là lãnh đạo Cục đối ngoại của hai Bộ Quốc phòng đã ký kết Bản ghi nhớ về việc thiết lập quan hệ đơn vị hữu nghị trong lĩnh vực hợp tác quân sự quốc tế giữa Bộ Quốc phòng hai nước.

Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán của mình về vấn đề Biển Đông

Vấn đề Biển Đông luôn là vấn đề khó khăn trong các cuộc đàm phán Việt Nam – Trung Quốc do quan điểm của hai bên còn có nhiều điểm khác nhau, thậm chí là mâu thuẫn với nhau. Vậy vấn đề Biển Đông đã được đề cập tới như thế nào lần này?

Bình luận về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh: Ở cấp độ quan hệ quốc phòng, hai bên chỉ có thể bàn đến khía cạnh quân sự của vấn đề Biển Đông chứ khó có thể đề cập đến các khía cạnh chính trị, kinh tế. Bởi vì khía cạnh chính trị trong vấn đề Biển Đông có tính chất chỉ đạo đối với các khía cạnh khác, trong đó có cả khía cạnh quân sự. Nói cách khác, đó là quan hệ ở tầm chiến lược cấp cao nhất, là quan hệ ở cấp Đảng và Nhà nước, có vai trò chỉ đạo đối với quan hệ quân sự-quốc phòng của mỗi nước

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nguỵ Phượng Hoà. - Sputnik Việt Nam, 1920, 26.04.2021
Việt Nam ủng hộ một Trung Quốc ‘lớn mạnh’, nhưng hòa bình ở Biển Đông là quan trọng nhất

Xuất phát từ nhận thức như vậy, phía Việt Nam nêu khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam là giải quyết các bất đồng thông qua biện pháp hòa bình trên tinh thần tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không làm phức tạp tình hình, không có hành động vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Đây là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực ngoại giao, hợp tác kinh tế, quân sự được khẳng định rất nhiều lần nhằm mục tiêu giữ gìn hòa bình và ổn định làm điều kiện cơ bản để phát triển kinh tế, xã hội ở mỗi nước.

Trước khi diễn ra cuộc hội đàm giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng tại Hà Nội, ngày 23/4, hai bên đã có cuộc Đối thoại chiến lược quốc phòng ở cấp Thứ trưởng lần thứ 7 tại thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) với sự đồng chủ trì của Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Trung tướng Thiệu Nguyên Minh, Phó tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Về vấn đề Biển Đông, Thượng tướng, Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến, người sẽ phụ trách lĩnh vực đối ngoại quốc phòng thay Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã nêu rõ quan điểm: Việt Nam coi Biển Đông là tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới, không chỉ có giá trị chiến lược về kinh tế thương mại và quốc phòng-an ninh mà còn có giá trị chiến lược về địa chính trị. Do vậy, các nước liên quan cần tích cực hợp tác, giữ gìn hòa bình, ổn định để đem lại lợi ích chung. Quan điểm nhất quán của Việt Nam là giải quyết các bất đồng trên biển thông qua các biện pháp hòa bình, trên tinh thần nhận thức chung mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thiết thực và hiệu quả; kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không làm phức tạp tình hình, không có hành động vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

© AP Photo / Johnson LaiBiển Đông
Việt Nam nói rõ quan điểm nhất quán của mình về vấn đề Biển Đông - Sputnik Việt Nam, 1920, 29.04.2021
Biển Đông

Khẳng định này của phía Việt Nam là hoàn toàn hợp lý vì trong thời đại toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, vấn đề Biển Đông là vấn đề đa phương không chỉ đối với các nước ven Biển Đông hay trong khu vực Đông Nam Á mà còn là vấn đề đa phương ở cấp độ liên khu vực, có tầm ảnh hưởng toàn cầu, liên quan đến nhiều quốc gia trên thế giới chứ không chỉ ở Châu Á – Thái Bình Dương. Nói cách khác, Biển Đông có ý nghĩa địa chiến lược, địa chính trị toàn cầu và phải được đặt dưới sự điều chỉnh của pháp lý quốc tế. Do đó, bất cứ một hành động đơn phương của bất kỳ quốc gia nào ở Biển Đông đều tiềm ẩn những nguy cơ gia tăng căng thẳng, gây mầm mống xung đột, không có lợi cho hòa bình, ổn định tại khu vực và trên thế giới.

Quan hệ Việt-Trung thời điểm Biển Đông không bình yên

Đánh giá mức độ và tầm của quan hệ Việt-Trung hiện nay trong lĩnh vực  quân sự, chuyên gia về các vấn đề quân sự và chính trị quốc tế Nguyễn Minh Tâm nói với Sputnik:

Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 6 (chiều 24/4) - Sputnik Việt Nam, 1920, 24.04.2021
Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam – Trung Quốc lần thứ 6

Như Việt Nam đã nói rõ quan điểm trong “Sách trắng Quốc phòng 2019”; Việt Nam xây dựng quân đội vì mục tiêu bảo vệ Tổ quốc và bảo vệ hòa bình, xây dựng nền quốc phòng toàn dân cũng vì mục tiêu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình. Do đó, quan hệ hợp tác quân sự-quốc phòng giữa Việt Nam với Trung Quốc cũng như với bất cứ nước nào trên thế giới đều phải đặt mục tiêu bảo vệ hòa bình, ổn định, đặt sự tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau cũng như tôn trọng lợi ích chính đáng của bên thứ ba lên hàng đầu trên cơ sở tôn trọng và tuân thủ pháp lý quốc tế. Để thực hiện mục tiêu này, quan điểm của Việt Nam về quan hệ Việt-Trung là luôn lấy thái độ chân thành hợp tác, đối thoại hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau trên cơ sở pháp lý quốc tế, hết sức tránh sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Ngoài một số vấn đề còn có quan điểm khác nhau ở Biển Đông thì lợi ích của Việt Nam và Trung Quốc, nhất là lợi ích kinh tế cũng như các vấn đề chính trị, xã hội về cơ bản có nhiều điểm tương đồng. Đây chính là cơ sở để gìn giữ và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt – Trung. Việt Nam và Trung Quốc đều là hai nước xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản lãnh đạo, nên nếu lãnh đạo Trung Quốc tuân thủ quan điểm xử lý cân bằng, hài hòa giữa lợi ích quốc gia dân tộc và lợi ích quốc tế thì quan hệ Việt – Trung vẫn có nhiều cơ hội để phát triển.

Đặt quan hệ Việt – Trung trong các mối quan hệ toàn cầu thì phương châm xử lý quan hệ  đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối các nước trên thế giới là vừa có hợp tác, vừa có đấu tranh. Bởi vì không một đối tác nào là thuần túy thân thiện cũng như không có đối tượng nào là hoàn toàn thù địch nên trong đối tác có đối tượng, trong đối tượng có đối tác. Trong cùng một quốc gia có quan hệ với Việt Nam thì những lực lượng tôn trọng và ủng hộ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, có thái độ hợp tác, đối thoại hòa bình, tăng cường phát triển quan hệ hữu nghị với Việt Nam đều là đối tác để hợp tác; những lực lượng nào chống lại những điều nói trên, gây phương hại đến độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam đều là đối tượng đấu tranh.

HQ-016 Quang Trung - Sputnik Việt Nam, 1920, 09.04.2021
Điều gì ẩn sau việc Việt Nam điều tàu chiến 016 Quang Trung ra diễn tập ở Biển Đông

Xuất phát từ quan điểm này, Việt Nam luôn xử lý các mối quan hệ với Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự-quốc phòng nói riêng cũng như trong quan hệ hai nước nói chung trên tinh thần thẳng thắn về nguyên tắc nhưng mềm dẻo về biện pháp. Ngoài ra, trong quan hệ giữa các bộ tam, bộ tứ các cường quốc hạng cao trên thế giới luôn xuất hiện những mâu thuẫn chiến lược nhưng lại cũng có những sự ràng buộc chiến lược, những sự phụ thuộc lẫn nhau không hề nhỏ, tạo nên sự liên hệ chằng chịt, phức tạp như quan hệ Mỹ - Trung trong nửa thế kỷ qua. Trong điều kiện ấy, Việt Nam luôn tỏ rõ lập trường độc lập, tự chủ ở mức độ không chỉ yêu cầu các nước lớn tôn trọng độc lập, chủ quyền của mình mà còn yêu cầu họ phải tôn trọng độc lập, chủ quyền của các nước khác, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Nhất là các nước nhỏ. Đây cũng là một trong những điểm mấu chốt để xác định quan hệ giữa Việt Nam không chỉ với Trung Quốc mà còn với tất cả các nước khác trên thế giới.

“Xuất phát từ lập trường này, Việt Nam luôn mong muốn phát triển quan hệ quân sự-quốc phòng với Trung Quốc nhưng với điều kiện là không bao giờ để cho quan hệ quân sự-quốc phòng song phương đó gây phương hại cho nước thứ ba. Đó là lập trường nhất quán của Việt Nam và là điều đặc biệt của Việt Nam so với không ít các quốc gia khác. Đó là không bao giờ kích động chiến tranh mà luôn luôn kêu gọi các quốc gia giải quyết các tranh chấp bằng con đường hòa bình, đối thoại, hết sức tránh sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”, - Chuyên gia về các vấn đề quân sự và chính trị quốc tế Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh với Sputnik.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала