Xem xét xóa tên ông Nguyễn Quang Tuấn, Đại tá Nguyễn Thế Anh xin rút ứng cử ĐBQH

© Ảnh : Mạnh Tú - TTXVNThầy thuốc Nhân dân, GS, TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai phát biểu tại buổi lễ.
Thầy thuốc Nhân dân, GS, TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai phát biểu tại buổi lễ. - Sputnik Việt Nam, 1920, 14.05.2021
Đăng ký
Loạt tin ‘nóng’ liên quan đến bầu cử Việt Nam. Tại Kiên Giang, Đại tá Nguyễn Thế Anh, Tỉnh ủy viên, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xin rút khỏi danh sách ứng cử ĐBQH.

Trong khi đó ở Hà Nội, ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội đang bị xem xét xóa tên khỏi danh sách ứng cử ĐBQH khóa XV sau khi Bộ Công an khởi tố vụ án liên quan đến việc đấu thầu mua sắm thiết bị y tế.

Vì sao Đại tá Nguyễn Thế Anh của Kiên Giang xin rút khỏi danh sách ứng cử ĐBQH?

Tin tức liên quan đến bầu cử Quốc hội Việt Nam khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 -2026 đang ‘rất nóng’ dư luận.

Ngày 14/5, trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia thông tin về trường hợp xin rút khỏi danh sách ứng cử Quốc hội khóa XV của ông Nguyễn Thế Anh, Đại tá Quân đội, Tỉnh ủy viên, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang.

Quang cảnh hội nghị. - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.03.2021
Vì sao ông Hầu A Lềnh không còn trong danh sách ứng cử Đại biểu quốc hội?

Theo bà Thanh, Hội đồng Bầu cử Quốc gia Việt Nam đã đồng ý rút tên khỏi danh sách ứng cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV đối với ông Nguyễn Thế Anh (tỉnh Kiên Giang), đồng thời đang làm quy trình xóa tên một ứng viên khác ở Hà Nội (ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội).

Theo thông tin công bố, sau khi Hội đồng Bầu cử Quốc gia ông bố danh sách 868 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại 184 đơn vị bầu cử trong cả nước để bầu 500 đại biểu Quốc hội khóa XV vào ngày 23/5 tới đây, ông Nguyễn Thế Anh (tỉnh Kiên Giang) đã có đơn xin rút khỏi danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội.

Lý do Đại tá Nguyễn Thế Anh của Kiên Giang xin rút khỏi danh sách ứng cử viên ĐBQH khóa XV sắp tới được cho là “yếu tố cá nhân” và vấn đề sức khỏe không đảm bảo.

Trưởng ban Công tác đại biểu cho biết, theo quy định tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Quốc hội, một trong những điều kiện để tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội là phải có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ đại biểu.

Bà Nguyễn Thị Thanh bổ sung thêm cho biết, đối với trường hợp ông Nguyễn Thế Anh, mặc dù đã được Ủy ban Bầu cử tỉnh Kiên Giang đề nghị và Hội đồng Bầu cử Quốc gia công bố trong danh sách chính thức người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV nhưng do những yếu tố cá nhân trong đó có vấn đề về sức khỏe.

“Ứng cử viên (đồng chí Nguyễn Thế Anh – PV) đã có đơn trình bày lý do và xin rút khỏi danh sách ứng cử”, ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Thị Thanh thông tin.

Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng nhấn mạnh, sau khi nhận được văn bản đề nghị của Ủy ban Bầu cử tỉnh Kiên Giang, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã xem xét, cân nhắc tình hình nhân sự thực tế của địa phương và chấp thuận với đề nghị của Ủy ban Bầu cử tỉnh Kiên Giang về việc rút tên khỏi danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Thế Anh.

Cùng với đó, Hội đồng Bầu cử Quốc gia tiến hành điều chỉnh lại số lượng và nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội tại 2 trên tổng số 3 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội trên địa bàn tỉnh Kiên Giang để bảo đảm bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội đã được ấn định.

“Việc kịp thời điều chỉnh số lượng ứng cử viên tại từng đơn vị bầu cử sẽ không ảnh hưởng đến số lượng đại biểu Quốc hội khóa XV đã được phân bố”, đồng chí Nguyễn Thị Thanh khẳng định.

Trước đó, thông tin từ Hội đồng Bầu cử Quốc gia cho biết, tỉnh Kiên Giang có ba đơn vị bầu cử, số ĐBQH dự kiến được bầu là 8 người (chỉ tiêu) và số người ứng cử là 14 trường hợp.

Như vậy, sau khi Đại tá Nguyễn Thế Anh xin rút khỏi danh sách ứng cử ĐBQH, tỉnh Kiên Giang chỉ còn lại 13 ứng cử viên.

Trong đó có ba người được Trung ương phân bổ về địa phương gồm Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, ông Nguyễn Phương Tuấn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa XIV và ông Nguyễn Danh Tú, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học lập pháp, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Xem xét xóa tên ông Nguyễn Quang Tuấn khỏi danh sách ứng cử ĐBQH?

Cũng trong ngày 14/5, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đang làm quy trình để xóa tên một ứng cử viên khác ứng cử ĐBQH khóa XV tại Hà Nội.

Theo nguồn tin truyền thông, trường hợp bị đề nghị xem xét xóa tên khỏi danh sách ứng cử ĐBQH Khóa XV là GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội.

Đại biểu Quốc hội Quốc hội TP. Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn phát biểu ý kiến. - Sputnik Việt Nam, 1920, 27.04.2021
Hé lộ 9 người tự ứng cử ĐBQH, Bộ Công an trả lời về Giám đốc BV Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn

Lý do xóa tên ứng viên này là vì có liên quan đến một vụ án mà cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đang làm rõ. Hiện Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã gửi phiếu xin ý kiến các thành viên. Sau khi tổng hợp ý kiến của các thành viên, Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ có quyết định chính thức về trường hợp này.

Theo đó, sau khi Cơ quan Điều tra Bộ Công an (C03) công bố lệnh khởi tố, bắt giam 7 bị can ngày 13/5 để điều tra xác minh tin báo tố giác về một số hành vi có dấu hiệu tội phạm xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội và các đơn vị liên quan trong việc thực hiện đấu thầu mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã tiến hành thực hiện quy trình xem xét tư cách người ứng cử đại biểu Quốc hội của ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội.

“Do nhiều thành viên đang đi công tác, vận động bầu cử tại nhiều địa bàn khác nhau nên Hội đồng bầu cử quốc gia chưa thể tổ chức họp mà phát phiếu xin ý kiến từng thành viên”, báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn tin cho biết có thể trong 1-2 ngày tới sẽ có thông báo từ cơ quan chức năng Việt Nam về vấn đề của ông Nguyễn Quang Tuấn.

Ngoài việc Hội đồng Bầu cử Quốc gia xem xét xóa tên khỏi danh sách ứng cử ĐBQH khóa XV, tùy vào kết quả điều tra vụ án ở Bệnh viện Tim Hà Nội của Bộ Công an, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể “xem xét” tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV của GS.TS Nguyễn Quang Tuấn.

Trước đó, Bộ Công an đã bắt bà Hoàng Thị Ngọc Hưởng, sinh năm 1961, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng mua sắm, đồng thời là Tổ trưởng Tổ thẩm định đấu thầu Bệnh viện Tim Hà Nội.

Cựu lãnh đạo Bệnh viện Tim bị bắt để điều tra về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 222 Bộ luật Hình sự 2015.

Cùng với bà Hưởng, một số nguyên lãnh đạo, cán bộ và cán bộ đương nhiệm Bệnh viện Tim Hà Nội cũng bị khởi tố. Trong đó có bà Nguyễn Thị Dung Hạnh, sinh năm 1969, nguyên Kế toán trưởng, Ủy viên Hội đồng mua sắm, thành viên tổ thẩm định đấu thầu Bệnh viện Tim Hà Nội. Ông Đoàn Trọng Bình sinh năm 1960, tại Hải Phòng, nguyên Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Vật tư, Ủy viên Hội đồng mua sắm, Thành viên Tổ thẩm định Bệnh viện Tim Hà Nội. Ông Nghiêm Tuấn Linh sinh năm 1980, tại Hà Nội, nguyên Phó Trưởng phòng Vật tư, Thành viên Tổ chuyên gia đấu thầu Bệnh viện Tim Hà Nội.

Kết quả điều tra, xác minh đến nay của Bộ Công an xác định một số lãnh đạo, cán bộ tại Bệnh viện Tim Hà Nội là ủy viên Hội đồng Mua sắm, thành viên Tổ Chuyên gia đấu thầu, thành viên Tổ Thẩm định đấu thầu và một số cán bộ Công ty cổ phần Đầu tư và định giá AIC - Việt Nam đã có các hành vi vi phạm hoạt động đấu thầu trong việc mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế tại Bệnh viện Tim Hà Nội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại phiên họp ngày 2/4. - Sputnik Việt Nam, 1920, 20.04.2021
Các lãnh đạo cao nhất của Việt Nam ứng cử ĐBQH ở đâu?

Các bị can này đã có hành vi làm tăng chi phí, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước và người bệnh, ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn của công tác khám chữa bệnh, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Về vấn đề của ông Nguyễn Quang Tuấn, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội cho biết, Bộ Công an có gửi một số văn bản “mật” cho Tiểu ban nhân sự, cho biết, ông Tuấn có ký một số văn bản liên quan.

“Chúng tôi nhận được văn bản của Bộ Công an. Đây là văn bản tuyệt mật nên chúng tôi thông tin những nét chung nhất. Đến thời điểm này, Bộ Công an đang trong quá trình điều tra. Bộ Công an khẳng định ông Nguyễn Quang Tuấn có ký một số văn bản liên quan nhưng để khẳng định có vi phạm pháp luật hay không thì còn đang trong quá trình điều tra”, bà Nguyễn Thị Thanh cho hay.

Bà Thanh cũng khẳng định, kể cả trong quá trình bầu cử, thậm chí đã trúng cử, nếu người nào vi phạm pháp luật, không đủ tư cách làm Đại biểu Quốc hội thì vẫn bị các cơ quan có trách nhiệm xử lý.

Ông Nguyễn Quang Tuấn là ai?

Ông Nguyễn Quang Tuấn là thầy thuốc, bác sĩ, Giáo sư, tiến sĩ y khoa, và đại biểu Quốc hội nổi tiếng của Việt Nam.

Ông Nguyễn Quang Tuấn, sinh 5/1/1967 ở xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội.

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn hiện là Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế. Ông nguyên là Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội và đại biểu quốc hội Việt Nam khóa XIV nhiệm kì 2016-2021, thuộc Đoàn đại biểu quốc hội thành phố Hà Nội.

Ông Tuấn trước đó đã trúng cử đại biểu quốc hội năm 2016 ở đơn vị bầu cử số 2 (gồm quận Đống Đa, và quận Hai Bà Trưng), thành phố Hà Nội với tỉ lệ 64,03% số phiếu bầu hợp lệ.

Trước đó, vào năm 2012, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. Đến ngày 18/3/2020, ông Tuấn được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.

Hội đồng Bầu cử Quốc gia quyết định việc rút tên ứng viên khỏi danh sách chính thức

Theo bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác đại biểu, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Nhân sự của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, công tác nhân sự ĐBQH luôn được ưu tiên, chú trọng.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. - Sputnik Việt Nam, 1920, 23.03.2021
Vì sao ông Lưu Bình Nhưỡng, Bùi Sỹ Lợi được đề xuất tái cử ĐBQH diện “đặc biệt”?

Bà Thanh khẳng định, nhằm đảm bảo lựa chọn được những nhân sự thật sự xứng đáng, tiêu biểu tham gia Quốc hội khóa mới, công tác xem xét hồ sơ của ứng cử viên được các tổ chức phụ trách bầu cử thực hiện bắt đầu từ ngày nhận hồ sơ đến ngày Hội đồng Bầu cử Quốc gia ban hành Nghị quyết xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội.

Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân quy định về thẩm quyền của Hội đồng Bầu cử Quốc gia được quyết định số ứng cử viên trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội ở mỗi đơn vị bầu cử trong trường hợp bất khả kháng.

“Như vậy, khi phát sinh tình trạng bất khả kháng đối với nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội, Ủy ban Bầu cử cấp tỉnh căn cứ vào đơn xin rút của người ứng cử hoặc chủ động đề nghị Hội đồng Bầu cử Quốc gia xem xét, quyết định việc rút tên khỏi danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội”, bà Nguyễn Thị Thanh khẳng định.

Dẫn chứng điều này, bà Thanh nêu rõ, điển hình như kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV có hai ứng cử viên đã có tên trong danh sách chính thức và có kết quả trúng cử. Tuy nhiên, căn cứ tình hình nhân sự cụ thể, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Trịnh Xuân Thanh và hủy tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.

“Điều đó thể hiện sự quyết tâm của Hội đồng Bầu cử Quốc gia trong việc cương quyết không để lọt những người không xứng đáng làm đại biểu Quốc hội”, Trưởng Ban công tác đại biểu khẳng định.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu ý kiến. - Sputnik Việt Nam, 1920, 17.09.2020
Anh rất hiểu pháp luật nhưng vẫn vi phạm: Quốc hội sẽ bãi nhiệm ĐBQH Phạm Phú Quốc
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thanh với TTXVN, mặc dù Quốc hội khóa XIV không bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội như quy định, nhưng với tinh thần “chấp nhận bầu thiếu chứ không để bầu sai”, tiêu chuẩn, điều kiện, chất lượng, đạo đức, trí tuệ của người ứng cử đại biểu Quốc hội được đặt lên hàng đầu.

Theo Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Nhân sự của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, đối với những trường hợp phải rút tên khỏi danh sách ứng cử viên chính thức, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã kịp thời điều chỉnh số lượng ứng cử viên bảo đảm bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội đại diện cho cử tri tại từng đơn vị bầu cử.

“Như vậy, sẽ không ảnh hưởng đến số lượng đại biểu Quốc hội khóa XV đã được phân bố”, bà Thanh nói, đồng thời, khẳng định, công tác nhân sự khóa XV được làm rất kỹ và nhận được sự đánh giá cao của cử tri về chất lượng ứng viên ĐBQH.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала