Shark Tank Việt Nam và cách chốt deal “đi thẳng vào lòng đất”

© Fotolia / Hikdaigaku86Quấy rối tình dục ở nơi làm việc
Quấy rối tình dục ở nơi làm việc - Sputnik Việt Nam, 1920, 18.05.2021
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Câu chuyện “gạ tình” rúng động showbiz Việt liên quan đến rocker Phạm Anh Khoa mới khép lại chưa lâu thì sau đó ca sĩ Thái Trinh lại lên tiếng vì hành vi “bị sàm sỡ bằng lời nói tục tĩu”. Mới đây nhất, các nhà đầu tư nổi tiếng buông lời khiếm nhã về nữ thí sinh trên một chương trình truyền hình thực tế.

Một khảo sát do ActionAid tại Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu giới - gia đình và môi trường trong phát triển thực hiện với những nhóm đối tượng khác nhau cho thấy: có tới 87% phụ nữ và trẻ em gái được hỏi khẳng định đã từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng; có 53,7% nhân viên văn phòng và 59,5% công chức nhà nước từng bị quấy rối tình dục từ hai đến năm lần; có 89% nam giới và những người chứng kiến đã thấy các hành vi này. 

“Con voi 6 tấn trong phòng”

Ở Việt Nam, cho đến nay chưa có con số thống kê và con số chính thức về quấy rối tình dục. Tuy nhiên, những thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy quấy rối tình dục tại nơi làm việc đang phổ biến và hầu hết nạn nhân của quấy rối tình dục là nữ. Quấy rối tình dục trong lĩnh vực truyền thông là một vấn nạn phổ biến toàn cầu và Việt Nam không phải ngoại lệ. Nạn nhân của quấy rối tình dục trong lĩnh vực truyền thông giờ đây không chỉ là các nữ nhà báo mà còn là những người tham gia các chương trình truyền hình thực tế. Đơn cử, các câu nói đùa cợt của các doanh nhân Nguyễn Xuân Phú, Phạm Thanh Hưng dành cho nữ CEO gọi vốn trong chương trình Shark Tank Vietnam trên VTV3 đã gây nhiều tranh cãi về lời nói của các nhà đầu tư tham gia với người gọi vốn.

Người phụ nữ bên máy tính - Sputnik Việt Nam, 1920, 12.05.2021
Mạng xã hội, truyền hình Việt Nam và xôn xao câu chuyện "bình đẳng giới"

Trả lời phỏng vấn của Sputnik về vấn đề này, bà Nguyễn Vân Anh, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), cho biết:

“Tôi không muốn dùng từ “thả thính” vì bản thân từ này lại đẹp. “Thả thính” có cắn câu hay không là quyền của “con cá”. Nếu nói thẳng ra thì đó là những bình luận rất là khiếm nhã và những ngôn ngữ không phù hợp, hơn nữa lại trên truyền thông. Tôi chỉ muốn nhìn ở một góc độ khác. Nếu là ngày xưa, câu chuyện tương tự vẫn xảy ra rất nhiều trên các chương trình truyền hình nhưng không ai nói gì. Bây giờ chỉ cần một câu chuyện như trên truyền hình thì mọi người không chấp nhận, phân tích ngang dọc. Tôi thấy đây là một điều đáng mừng”.

Cụ thể, sau khi nghe chị Nguyễn Thị Thu Hằng trình bày về sản phẩm là các dòng xe đạp trợ lực điện sử dụng năng lượng xanh từ pin lithium, Shark Phú (nhà đầu tư Nguyễn Xuân Phú) nói: "Anh chỉ mãi nhìn em nên chẳng thấy gì đặc biệt ở chiếc xe cả", "Anh đã nói ngay từ đầu, anh không quan tâm đến business, không quan tâm đến sản phẩm, mà đang quan tâm đến mỗi em thôi". Bên cạnh đó, một nhà đầu tư khác là Shark Hưng (Phạm Thanh Hưng) còn bình luận dự án này được chọn vì đáp ứng các tiêu chí "xanh, sạch, xinh".

Theo bà Nguyễn Vân Anh, ở Việt Nam có một vấn đề là nhận thức về quấy rối tình dục, gần như là đang còn bỏ ngỏ, kiến thức đang ít được tiếp nhận bởi vì cũng tương đối mới.

“Thói quen “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu” khiến cho cả nam lẫn nữ đều nghĩ rằng những câu chuyện đùa bậy hoặc bỡn cợt, thậm chí cấu véo, những gợi ý đã trở thành điều quen thuộc trong cuộc sống thường ngày và người ta chấp nhận nó. Quấy rối tình dục nơi công sở là một hình thức định kiến giới và bạo lực giới khá là tinh vi. Đôi khi người ta dễ đánh đồng nó với câu chuyện để cho đời sống vui, như thế là khen nhau. Câu chuyện đó chỉ khi nào những người lên tiếng nói rằng là họ đã từng bị tổn thương như thế nào, họ đã từng phải chịu cái sự dằn vặt như thế nào hoặc là họ đã chịu hậu quả do chính người mà quấy rối gây ra đối với đời sống của họ như thế nào thì lúc đấy người ta mới tin được rằng câu chuyện này đúng là gây ra những hậu quả không tốt” - Bà Nguyễn Vân Anh nhấn mạnh.

Bài học cho cả đôi bên

Câu chuyện quấy rối tình dục nơi công sở là câu chuyện tồn tại khá lâu, tất nhiên không chỉ ở Việt Nam mà còn ở rất nhiều nơi trên thế giới. Vì ngượng ngùng và lo ngại mất việc làm nên rất nhiều nạn nhân đã giữ im lặng. Một số nạn nhân được khuyến khích đã cố gắng đứng ra tố cáo, nhưng không rõ làm thế nào để khiếu nại. Nhận xét từ góc độ chuyên môn, bà Nguyễn Vân Anh, Chủ tịch CSAGA nêu rõ:

“Kiến thức về định kiến giới, bình đẳng giới và kiến thức về vấn đề quấy rối tình dục, bạo lực tình dục đối với phụ nữ nói chung chưa được phổ biến tại Việt Nam. Quan điểm về nam quyền, quan điểm tuân lệnh đối với người mà mình phụ thuộc vẫn còn tồn tại. Khi bản thân nạn nhân không lên tiếng thì tôi nghĩ nhiệm vụ của những người như chúng tôi vẫn còn rất nặng nề. Tôi còn phải tiếp tục sao cho người trong cuộc nhận thấy rằng, câu nói dù là cả 1,5 tỷ hay 15 tỷ thì mình cũng phải thấy rằng là nó động chạm và rõ ràng là sai”.

Cũng theo bà Nguyễn Vân Anh, mọi việc xảy ra đều có lý do và giá trị của nó.

Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH Đặng Hoa Nam chia sẻ tại Toạ đàm - Sputnik Việt Nam, 1920, 09.03.2021
Cục trưởng Cục trẻ em: 'Chia sẻ - Chìa khóa thúc đẩy bình đẳng giới'

“Nếu đoạn ghi hình này mà bị cắt đi từ trước thì mọi người sẽ không biết rằng, người ta có thể dùng các ngôn ngữ đầy định kiến, hạ thấp phụ nữ, coi phụ nữ như món hàng đã được phát ngôn từ những người như thế nào, đó là ai? Tôi nghĩ rằng, sau vụ việc này người phát ngôn như thế cho dù ông có ngoan cố, biện minh cho hành động của mình bằng những lời nói như thế nào chăng nữa thì ông ấy sẽ phải cẩn thận hơn rất nhiều. Đây là bài học tốt cho các shark” - Bà Nguyễn Vân Anh chỉ ra.

Nâng cao nhận thức về quấy rối tình dục

Hơn 20 năm hoạt động và phát triển, CSAGA đã và đang có rất nhiều chương trình nhằm liên quan đến phòng chống quấy rối tình dục nói chung và phòng chống quấy rối tình dục nơi công sở nói riêng. Bà Nguyễn Vân Anh, Chủ tịch CSAGA cho biết:

“Trong những năm vừa qua, CSAGA có chương trình về quấy rối tình dục tại nơi công sở khá là mạnh tại các trường đại học. Ba năm trước, chúng tôi đã thực hiện một số chương trình mà Ban giám hiệu, thầy cô và các em sinh viên ủng hộ. Kết quả cuối cùng là đã đưa được vào quy chế của các trường đại học là không chấp nhận bất cứ hình thức quấy rối tình dục nào. Tại các trường đại học đó, sinh viên, giảng viên, thầy cô giáo cũng sẽ được trang bị các kiến thức cũng như có hotline trong nhà trường để báo cáo những câu chuyện quấy rối tình dục”.

Trong nghiên cứu của CSAGA tại khu vực trường học thì tỷ lệ trẻ em ở trường cấp 2, cấp 3 mà bị các hình thức khác nhau của quấy rối và xâm hại tình dục chiếm tới 14%. Đây là tỷ lệ không hề nhỏ chút nào. Nếu trước đây, mọi người không dám nói đến, né tránh, thì bây giờ người họ sẵn sàng tranh cãi về câu chuyện này hoặc phản đối hành vi đó. Theo bà Nguyễn Vân Anh thì đây là một tín hiệu đáng mừng.

Các cô gái mặc áo dài nhảy múa ở trung tâm Hà Nội - Sputnik Việt Nam, 1920, 07.03.2021
Bình đẳng giới tại Việt Nam: Phụ nữ có mặt trong tất cả lĩnh vực trọng yếu

“Tất nhiên, để đi đến được một xã hội văn minh mà mọi hành vi quấy rối tình dục sẽ đều bị lên án và đều bị xử phạt thì còn nhiều bước nữa. CSAGA cùng với các tổ chức khác đang lên tiếng để có sự thay đổi trong luật. Những nỗ lực này cũng có kết quả, cụ thể là “Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tại nơi làm việc” do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và VCCI ban hành năm 2015” - Bà Nguyễn Vân Anh cho biết thêm.

Không chỉ dừng lại ở đó, các hoạt động nâng cao nhận thức về quấy rối tình dục được mở rộng ra cả các khu công nghiệp, nơi phần lớn công nhân đều trẻ. Bà Nguyễn Vân Anh chia sẻ với Sputnik:

“Khoảng 3 năm trở lại đây, chúng tôi đã đến một loạt các khu công nghiệp để nói về câu chuyện này cũng như tập huấn để làm việc với các lãnh đạo để làm sao đảm bảo chuyện quấy rối tình dục nó không xảy ra và nếu có xảy ra phải được báo cáo và trở thành nguyên tắc không được chấp nhận. Chúng tôi cũng tham gia cùng với World Bank để làm việc với các nhà thầu vay vốn của WB để làm đường ở Việt Nam thì tất cả nhà thầu này phải cam kết không có bạo lực, quấy rối tình dục trong hồ sơ thầu thì mới có thể được nhận hồ sơ thầu đấy”.

Mới đây, nhận lời mời của Cục gìn giữ Hòa Bình Việt Nam, Bộ Quốc Phòng, CSAGA đã có khóa tập huấn liên quan đến phòng chống quấy rối tình dục dành cho các sĩ quan “mũ nồi xanh” hiểu thế nào là quấy rối tình dục, để không trở thành nạn nhân và thủ phạm nhằm nâng cao uy tín và chất lượng của lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới Việt Nam./.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала