Chủ tịch Hồ Chí Minh - từ người cộng sản đầu tiên đến lãnh tụ thiên tài của dân tộc

© AP PhotoChủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.05.2021
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) – Kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2021), mỗi người dân Việt Nam đều nhớ về Người với tấm lòng thành kính và biết ơn vô hạn. Những đóng góp và di sản mà Người để lại cho nhân dân Việt Nam là vô giá. Cùng Sputnik nhìn lại những đóng góp to lớn của Người với cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc Việt Nam, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, mà còn là người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực, người bạn thân thiết của các dân tộc đã và đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.

Tuy đã đi xa hơn nửa thế kỷ, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh (người Việt Nam thường gọi với cái tên trìu mến là Bác Hồ) vẫn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam, hiển hiện trong những di sản vô giá mà ông để lại: Tư tưởng Hồ Chí Minh, Thời đại Hồ Chí Minh và những giá trị cao đẹp về đạo đức cách mạng.

Từ Bến Nhà Rồng đến bản Tuyên ngôn độc lập

Chủ tịch Hồ Chí Minh (tên lúc nhỏ là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học là Nguyễn Tất Thành, khi hoạt động cách mạng trước đây là Nguyễn Ái Quốc) sinh ngày 19/05/1890 ở làng Kim Liên, xã Nam Liên (nay là xã Kim Liên), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; mất ngày 02/09/1969 tại Hà Nội.

Sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước, lớn lên ở địa phương có truyền thống anh dũng chống giặc ngoại xâm, nên ngay từ nhỏ ông đã được tiếp thu truyền thống yêu gia đình, quê hương, đất nước, cùng tấm lòng nhân ái. Sống trong hoàn cảnh đất nước chìm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, Hồ Chí Minh đã chứng kiến sự đối lập giữa cuộc sống khổ cực, nghèo khổ của người dân với cảnh sống xa hoa, phè phỡn của thực dân Pháp. Từ đó, ông nung nấu phải tìm ra một con đường cách mạng, ấp ủ hoài bão đánh đuổi thực dân, đem lại độc lập cho dân tộc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân.

“Người Nga viết về Hồ Chí Minh” - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.09.2019
Chủ tịch Hồ Chí Minh qua con mắt của người Nga và các tài liệu lịch sử

Với ý chí và quyết tâm đó, ngày 05/06/1911, trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville, từ cảng Sài Gòn (nay là TP. HCM), chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rời quê hương sang Pháp, bắt đầu cuộc hành trình tìm đường giải phóng dân tộc.

Từ năm 1912 -1917, Nguyễn Tất Thành đi đến nhiều nước châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, tận mắt chứng kiến và cảm nhận sâu sắc cuộc sống cơ cực của nhân dân lao động và các dân tộc thuộc địa, cũng như nguyện vọng của họ trước tội ác của chủ nghĩa thực dân. Ông sớm nhận thức được cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam là một bộ phận trong cuộc đấu tranh chung của thế giới, và tích cực hoạt động nhằm đoàn kết nhân dân các dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do.

© AP PhotoChủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh - từ người cộng sản đầu tiên đến lãnh tụ thiên tài của dân tộc - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.05.2021
Chủ tịch Hồ Chí Minh

Năm 1919, thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã gửi tới Hội nghị Versailles bản yêu sách đòi quyền tự do cho nhân dân Việt Nam và cũng là quyền tự do cho nhân dân các nước thuộc địa.

Dưới ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ XVIII đảng Xã hội Pháp và bỏ phiếu tán thành đảng gia nhập Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản), trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và cũng là người cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Từ một người yêu nước trở thành một người cộng sản, ông nói:

“Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Tháng 2/1930, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Cửu Long, thuộc Hồng Kông (Trung Quốc). Hội nghị đã thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc dự thảo, các văn kiện này trở thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Bản Cương lĩnh chính trị thể hiện rõ sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin trong việc giải quyết mối quan hệ giai cấp-dân tộc-quốc tế về đường lối cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch nước Việt Nam DCCH Hồ Chí Minh thăm Sevastopol - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.05.2020
Có bao nhiêu phần đời Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với nước Nga?

Trước khi về nước, trong thời gian còn hoạt động ở nước ngoài, dù bị đầy trong lao tù đế quốc với bao gian khó nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn kiên định theo đuổi con đường giải phóng dân tộc đã chọn. Ông luôn theo dõi tình hình trong nước, kịp thời chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Được Quốc tế Cộng sản chấp thuận, ngày 28/01/2941, ông trở về Việt Nam sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài.

Tháng 5/1941, ông chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 họp tại Pác Bó (Cao Bằng). Hội nghị đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và quyết định thành lập “Việt Nam độc lập đồng minh” (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh). Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam). Ngày 18/08/1945, Hồ Chí Minh viết thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ông viết:

“Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Lê Đại Phát và bức tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiền polymer - Sputnik Việt Nam, 1920, 12.05.2021
Họa sĩ 9x bật mí về tranh vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiền polymer
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp lãnh đạo đã giành thắng lợi. Dân tộc Việt Nam đập tan xiềng xích nô lệ hơn 80 năm của thực dân Pháp và hàng trăm năm chế độ phong kiến, giành lại độc lập dân tộc từ tay phát xít Nhật. Ngày 02/09/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

“Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Đại thắng cho dân tộc Việt Nam

Mới giành chính quyền chưa được bao lâu thì thực dân Pháp đã quay lại xâm lược Việt Nam, nổ súng ở Nam Bộ. Tại miền Bắc, hơn 20 vạn quân Tưởng kéo đến hòng âm mưu tiêu diệt Đảng và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hồ Chí Minh tiếp tục chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua hiểm trở, một mặt lãnh đạo đồng bào Nam Bộ kháng chiến, mặt khác củng cố chính quyền non trẻ, đẩy lùi giặc đói, giặc dốt.

Ngày 07/05/1954, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược đã giành được thắng lợi to lớn, kết thúc bằng chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Đảng đề ra 2 nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là: tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời đấu tranh giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất đất nước, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.

© Sputnik / Nikolai Pashin / Chuyển đến kho ảnhChủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh - từ người cộng sản đầu tiên đến lãnh tụ thiên tài của dân tộc - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.05.2021
Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tháng 10/1956, tại Hội nghị Trung ương mở rộng lần thứ X Khóa II, Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch kiêm Tổng Bí thư của Đảng. Quốc hội khóa II, khóa III đã bầu ông làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Năm 1965, trước thất bại của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ đã chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”, dùng mọi thủ đoạn, phương tiện đẩy mạnh chiến tranh phá hoại bằng hải quân, không quân kể cả máy bay chiến lược B.52. Trước những hành động leo thang xâm lược tàn bạo của đế quốc Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước”, ông nói:

“Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do! Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.

Ngày 02/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời tại Hà Nội và để lại cho nhân dân bản Di chúc thiêng liêng, căn dặn những việc Đảng và nhân dân Việt Nam phải làm để xây dựng đất nước sau chiến tranh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm - Sputnik Việt Nam, 1920, 01.12.2020
Việt Nam có vị tướng tài Lê Đức Anh, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

“Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Thực hiện Di chúc, toàn dân Việt Nam đã đoàn kết một lòng đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, buộc chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27/01/1973, chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân đội Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Mùa xuân năm 1975, với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân Việt Nam đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, thực hiện nguyện ước thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Di sản vô giá

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, đề ra đường lối đúng đắn đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ông sáng lập ra Đảng Mácxít - Lêninnít ở Việt Nam, Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam và sáng lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, góp phần tăng cường đoàn kết quốc tế và là tấm gương sáng của tinh thần tập thể, ý thức tổ chức và đạo đức cách mạng.

Chia sẻ với Sputnik về công lao của Hồ Chí Minh, đảng viên Đinh Thanh Tuấn thuộc Đảng bộ phường Phương Mai (Hà Nội) cho biết:

“Chủ tịch Hồ Minh là người “cởi trói” từng nút thắt một để đem lại tự do, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam. Yếu tố đầu tiên theo tôi đó là phải có lòng yêu nước sâu sắc và chuyển nó thành hành động cụ thể. Hành động dũng cảm, không ngại gian khó của thanh niên Nguyễn Tất Thành khi đó là ra đi tìm đường cứu nước, toàn tâm, toàn ý tập trung vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ở thời điểm đó, chưa có mô hình cụ thể nào về con đường giải phóng dân tộc. Bằng trí tuệ sáng suốt, Người đã lựa chọn đúng đắn Luận cương Lênin về vấn đề thuộc địa. Luận cương của Lênin chỉ nêu những vấn đề cơ bản và Bác Hồ đã vận dụng sáng tạo vào con đường cách mạng của Việt Nam”.

Nhà báo Nguyễn Đăng Phát, Tổng thư ký Hội Hữu nghị Việt – Nga, Tổng biên tập Tạp chí Bạch Dương nói với Sputnik:

“Chính nước Nga là nơi Hồ Chí Minh đã có những năm tháng hạnh phúc nhất, hoạt động sôi nổi nhất, từ một người yêu nước đến với chủ nghĩa Lênin, trở thành người cộng sản. Sau này, khi Người là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong giai đoạn 1950 - 1969, Hồ Chí Minh đã nhiều lần tới Moscow, thăm Liên bang Nga và các nước cộng hòa Xô Viết. Vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam luôn luôn thể hiện tình cảm yêu mến chân thành, nồng nhiệt và lòng biết ơn vô hạn với nhân dân Nga. Và nhân dân Nga cũng luôn kính trọng, yêu quý Chủ tịch Hồ Chí Minh như một người bạn lớn vô cùng thân thiết của họ”.

Năm 1987, trong khóa họp lần thứ 24 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã thông qua Nghị quyết lấy năm 1990 nhân dịp Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, để tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.

Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới đất nước, hội nhập với thế giới, tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam và dân tộc Việt Nam, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của nhân dân Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала