Sầm Thị Tình - Cô gái Thái “dệt ước mơ” từ thổ cẩm

© Ảnh : Sam Thi TinhNghệ nhân Sầm Thị Tình, người dân tộc Thái và sản phẩm nhuộm chàm
Nghệ nhân Sầm Thị Tình, người dân tộc Thái và sản phẩm nhuộm chàm - Sputnik Việt Nam, 1920, 21.05.2021
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Nghề dệt thổ cẩm của người Thái ở bản Hoa Tiến, Quỳ Châu, Nghệ An là công việc mà người con gái và người phụ nữ Thái nào cũng cần phải biết. Tình yêu thổ cẩm của nghệ nhân trẻ Sầm Thị Tình đã và đang lưu giữ và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của người Thái tại đây.

Nhân Ngày Thế giới về Đa dạng văn hoá vì Đối thoại và Phát triển (21/05), mời bạn đọc cùng Sputnik trò chuyện với Sầm Thị Tình, Nghệ nhân dệt vải thổ cẩm người Thái về nỗ lực lưu giữ và quảng bá sản phẩm thổ cẩm “Hoa Tiến Brocade” của chính quê hương mình.

© Ảnh : Sam Thi TinhNghệ nhân Sầm Thị Tình và khách hàng người nước ngoài.
Sầm Thị Tình - Cô gái Thái “dệt ước mơ” từ thổ cẩm - Sputnik Việt Nam, 1920, 21.05.2021
Nghệ nhân Sầm Thị Tình và khách hàng người nước ngoài.

Sputnik: Cảm ơn Nghệ nhân Sầm Thị Tình đã nhận lời phỏng vấn của Sputnik. Xin chị có thể cho biết ý tưởng khởi nghiệp từ thổ cẩm của chị bắt đầu từ đâu?

Nghệ nhân Sầm Thị Tình: Bản thân mình sinh ra là người dân tộc Thái, là người con của núi rừng. Văn hóa thổ cẩm, văn hóa khăn tiêu rồi quần, áo, váy đều được thêu bằng chất liệu từ sợi tơ, sợi bông và những họa tiết thổ cẩm biểu trưng cho cỏ cây, hoa lá của núi rừng, các con vật xung quanh cuộc sống của mình. Từ bé, mình đã được tiếp cận với việc tự dệt, tự thêu quần áo. Sau khi ra trường mình không phải theo luôn nghề thổ cẩm này mà cũng đi làm những công việc khác, sau đấy mình thấy nó không đúng với cái gì mình yêu thích nên mình đã quay về bản nơi mình sinh ra. Được mẹ mình là Sầm Thị Bích, Chủ nhiệm Hợp tác xã Hoa Tiến, đã truyền cảm hứng cho mình theo nghề này. Từ năm 2015 mình bắt đầu đưa các sản phẩm thổ cẩm với thương hiệu “Hoa Tiến Brocade” ra thị trường để tiếp cận với khách hàng.

Sputnik: Là một người dân tộc thiểu số và lại là phụ nữ, xin chị chia sẻ những khó khăn khi khởi nghiệp? 

Nghệ nhân Sầm Thị Tình: Bản thân mình là người dân tộc thiểu số và còn là phụ nữ thì gặp không ít khó khăn trong công việc. Ban đầu gặp những khó khăn về vốn, kinh nghiệm kinh doanh. Mình cũng chưa tiếp cận được với thị trường khách hàng như thế nào, ngoại ngữ cũng hạn chế. Năm 2016, trong một chương trình hỗ trợ khởi nghiệp cho mình đi vào Cần Thơ tiếp cận khách hàng. Khi khách hàng nhìn thấy sản phẩm thổ cẩm của mình thì họ phản hồi là những đồ thổ cẩm như thế này chỉ mang về quê mà bán, mang về dân tộc dùng thôi, ở đây không ai mua đâu. Lúc đó, mình rất nản chí nhưng lại nghĩ, biết đâu được về sau họ sẽ biết về sản phẩm của mình. Các câu nói đó làm mình rất buồn nhưng thực ra, 4 năm sau khách hàng ở Cần Thơ lại là người tìm đến mình và mua sản phẩm Hoa Tiến Brocade. Từ năm ngoái đến năm nay, khách hàng Cần Thơ này đặt hàng thường xuyên.

Sputnik: Có bao giờ chị nghĩ tới việc bỏ nghề khi gặp thử thách không?

Nghệ nhân Sầm Thị Tình: Quá trình khởi nghiệp khó khăn như thế nhưng mình không nản chí, phải cố gắng hơn để khắc phục những khó khăn đấy. Thêm vào đó là đam mê, cứ nghĩ làm vì tâm huyết dồn hết tâm tư tình cảm của mình vào sản phẩm thì một ngày nào đó sẽ được đáp lại tình cảm đó từ khách hàng. Khi mình đi hội chợ, có khách hàng không mang đủ tiền hoặc chưa thể mua sản phẩm của mình nhưng thể hiện tình cảm, sự thích thú với sản phẩm của mình thôi thì mình đã rất hạnh phúc, hài lòng rồi. Mình không cần họ phải mua. Họ chỉ cần hiểu công lao, công sức của mình bỏ ra và văn hóa chứa đựng trong sản phẩm là mình đã vui rồi.

Do tính chất công việc đi sớm, về muộn hoặc công tác cả nửa tháng tới một tháng thì chồng mình xót vợ, có nói là hay thôi, tìm một công việc nào đó đỡ vất vả hơn để chăm con cái. Lúc đó mình nói là có thể mình không làm được những việc gì to tát, nhưng công việc này là đam mê, là một phần máu thịt của mình. Mình nghĩ vậy nên động viên chồng, sau này hiểu và thông cảm được cho vợ nên anh cũng giúp đỡ mình việc nhà, việc thổ cẩm. 

Sputnik: Thổ cẩm là một mặt hàng khá kén chọn khách hàng, vậy cách thức chị dùng để lan tỏa và bán các sản phẩm của mình như thế nào?

Nghệ nhân Sầm Thị Tình: Sản phẩm thổ cẩm khá kén khách hàng, không phải ai cũng có thể mua sản phẩm của mình. Không giống như sản phẩm khác bán ngoài thị trường dễ mua, dễ dùng, dễ giặt, giá cả phải chăng, dòng thổ cẩm của mình rất là khó. Thứ nhất là về họa tiết, sợi bông tự nhiên được xe thủ công, màu sắc được nhuộm tự nhiên dễ phai. Tuy nhiên, mình cũng tham gia khóa đào tạo của Google “Bệ phóng Việt Nam 4.0” để đưa sản phẩm thổ cẩm “Hoa Tiến Brocade” lên mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo và website để quảng bá sản phẩm trên thị trường. Khách hàng có điều kiện một chút, yêu thích đồ thủ công, sản phẩm tự nhiên, văn hóa dân tộc có nhiều cơ hội tiếp cận và mua hàng hơn.

© Ảnh : Sam Thi TinhSản phẩm thổ cẩm của Hợp tác xã Hoa Tiến (Hoa Tiến Brocade) trưng bày tại Hội chợ.
Sầm Thị Tình - Cô gái Thái “dệt ước mơ” từ thổ cẩm - Sputnik Việt Nam, 1920, 21.05.2021
Sản phẩm thổ cẩm của Hợp tác xã Hoa Tiến (Hoa Tiến Brocade) trưng bày tại Hội chợ.

Sputnik: Điều đặc sắc về sản phẩm “Hoa Tiến Brocade” của chị là gì? Hiện tại, sản phẩm có mặt ở thị trường nào? 

Nghệ nhân Sầm Thị Tình: Điều đặc sắc nhất về sản phẩm thổ cẩm của Hoa Tiến Brocade là văn hóa dân tộc Thái tại Nghệ An quê hương mình. Nguồn gốc sản phẩm từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Màu sắc nhuộm vải được làm từ cỏ cây, hoa lá, củ quả trong rừng để tạo ra được màu riêng của mình. Vì vậy, nói đến thổ cẩm màu nhuộm tự nhiên thì mọi người hay nhắc đến “Chị Tình”. Sản phẩm của Hoa Tiến Brocade hiện có mặt tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Huế, Ninh Bình, Đồng Tháp, Cần Thơ. Thị trường nước ngoài là Lào, Đức, Pháp, Tây Ban Nha...có khách hàng họ mua trực tiếp, có người nhờ người mua.

Sputnik: Khách hàng có phản hồi như thế nào về sản phẩm thổ cẩm của chị? Chị có kỷ niệm nào sâu sắc nhất với khách hàng không?

Nghệ nhân Sầm Thị Tình: Khi khách hàng nhận được sản phẩm thổ cẩm của Hoa Tiến Brocade, họ nói rằng đây là sản phẩm đẹp hơn cả sự mong chờ. Họ rất thích màu sắc của mình vì  đẹp, trung tính, rất tự nhiên. Nhất là khách Châu Âu, họ rất thích sản phẩm của mình. Năm 2019,  mình có dẫn các con vào Bảo tàng Dân tộc học tham quan. Tình cờ đang đi thì thấy một người phụ nữ gần 80 tuổi đi đúng đôi giày thổ cẩm của Hoa Tiến Brocade. Đó là đợt đầu tiên mình làm loại giày thổ cẩm đó nên còn chưa hoàn thiện. Trong lòng mình rất là mừng và nghĩ “Tại sao mình lại gặp đúng khách hàng đi đôi giày thổ cẩm của người Thái tại Bảo tàng dân tộc học như thế này?”. Sau đó mình chạy đến hỏi bà mua đôi giày này ở đâu, nói là mình làm và bán đôi giày này. Bà nói đây là đôi giày mà các con sang tận Hàn Quốc để mua. Lúc đó mình nói là đôi giày của mình đã sang tận Hàn Quốc, sau đó lại trở về Việt Nam. Bà khách hàng xin địa chỉ cửa hàng của mình để mua thêm đôi nữa.

Sputnik: Chị có thể chia sẻ ước mơ và những dự án tiếp theo của mình. Dịch COVID-19 có ảnh hưởng gì tới hoạt động của Hoa Tiến Brocade không? 

Nghệ nhân Sầm Thị Tình: Ước mơ của mình là tiếp cận được nhiều khách hàng trên thị trường để tạo công ăn việc làm cho bà con ở trong bản Hoa Tiến có thêm thu nhập, nâng cao cuộc sống của bà con. Vì bản là 100% người dân tộc Thái, các nghệ nhân dệt thổ cẩm hầu hết ở độ tuổi trung niên, giới trẻ không muốn theo nghề vì thu nhập không được cao. Nhưng mình mong muốn rằng, thế hệ trẻ sau này tiếp tục công việc này để gìn giữ và phát  triển được nghề dệt thổ cẩm của quê hương. 

Dự án tiếp theo mà mình đang làm đó là nghề trồng bông của bà con dân tộc Thái tại địa phương. Năm ngoái mình mới thử nghiệm được một chút và có liên hệ với một vài công ty về bông để xem họ có thể thu mua sản phẩm của bà con trong tương lai.Tình hình Covid-19 rất khó khăn, mình tận dụng vải thổ cẩm thừa để may khẩu trang bán. Ra ngoài đường thấy mọi người đeo khẩu trang có mác “Hoa Tiến Brocade” thì trong lòng rộn ràng, sung sướng, hạnh phúc./.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала