Tàu cá phục vụ cho chiến lược “tằm ăn lá dâu” của Trung Quốc

© AFP 2023 / Philippine CoastguardTàu cá của Trung Quốc.
Tàu cá của Trung Quốc. - Sputnik Việt Nam, 1920, 26.05.2021
Đăng ký
Thâm ý lâu dài của Trung Quốc là muốn thông qua sự hiện diện của 300 tàu đánh cá kia hoặc hơn nữa để hỗ trợ cho tuyên bố chủ quyền phi pháp của họ đối với cái gọi là “Đường lưỡi bò”.

Việc Trung Quốc duy trì hoạt động của 200 đến 300 tàu đánh cá ở vùng giữa và Nam Biển Đông không thuộc chủ quyền của Trung Quốc đã diễn ra từ nhiều năm nay. Hoạt động đó nhằm một số mục đích trước mắt và lâu dài.

Những giải thích bất hợp lý của Trung Quốc

Việc Trung Quốc nói rằng đây là các tàu cá đi tránh bão có những sự vô lý rất rõ rệt. Thời tiết ở Biển Đông hiện tại chỉ có vài trận mưa giông không lớn và chỉ ở phạm vi hẹp, hầu như không ảnh hưởng lớn đến các hoạt động đánh bắt hải sản.

Tàu cá Trung Quốc ùa xuống Biển Đông
Do đó, lập luận này đã bị quốc tế bác bỏ.

“Các tàu cá đó của Trung Quốc trú đóng tại các đảo đá mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép và bồi đắp trái phép là muốn gây áp lực trên thực tế với các quốc gia ven Biển Đông mà không cần dùng đến tàu quân sự”, - Nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự quốc tế Nguyễn Minh Tâm bình luận với Sputnik..
“Trong “Tuyên bố ứng xử năm 2002” Trung Quốc cam kết không chiếm thêm bất kỳ thực thể địa lý nào ở Biển Đông. Việc đưa số lượng lớn các tàu cá ra vùng  đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp là một kiểu “lách” cam kết đó", - PGS – TS Hoàng Giang bình luận với Sputnik.

Về trước mắt, có thể thấy việc Trung Quốc tuyên bố cấm đánh bắt cá hàng năm từ tháng 4 đến hết tháng 9 và nói rằng, việc đó là để bảo vệ nguồn thủy hải sản cũng là bất hợp lý. Về pháp lý, Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của các quốc gia ven Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei khi thiết lập khu vực cấm trên vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước này. Vì vậy, lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc là vô giá trị. Tuy nhiên, lực lượng tàu cá này của Trung Quốc còn có thể có nhiệm vụ cản trở giao thông hàng hải, cản trở việc đánh bắt thủy hải sản hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông đã được nêu ở trên.

Nhằm phục vụ cho chiến lược “tằm ăn lá dâu”

Về lâu dài, việc Trung Quốc duy trì hoạt động của 200-300 tàu cá trên Biển Đông vẫn nhằm phục vụ cho chiến lược “tằm ăn lá dâu” của Trung Quốc. Công thức lấn chiếm Biển Đông bằng biện pháp phi quân sự, cho tàu cá đi trước, tàu hải giám, hải cảnh và thậm chí là tàu quân sự theo sau làm áp lực vẫn không thay đổi.

quần đảo Trường Sa - Sputnik Việt Nam, 1920, 14.04.2021
«Những người xanh»: Chiêu thức của Bắc Kinh dùng tàu cá mở rộng thế lực ở Biển Đông

Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ có nhận xét:

“Đây là một chiến dịch gây áp lực với giới chức Philippines và Việt Nam bằng lợi thế số lượng khổng lồ của Trung Quốc, họ muốn dần ép các tàu Đông Nam Á ra khỏi vùng biển này”.
“Tôi cho rằng, nhận xét của ông Gregory Poling có phần hơi thái quá. Trên thực tế, Việt Nam có đội tàu đánh cá hùng hậu tới trên 90.000 chiếc, chắc chắn chiếm ưu thế về số lượng mặc dù có ít tàu vỏ sắt hơn. Một thực tế khác là các tàu các Việt nam vẫn đánh bắt hải sản thường xuyên ngay cả trên các ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam có các căn cứ hậu cần nghề cá trên các đảo lớn ở Trường Sa như Sinh Tồn, Trường Sa, Đá Tây.v.v… nên việc đánh bắt được thuận lợi hơn. Các ngư dân Việt Nam cũng được các tàu của lực lượng Cảnh sát biển và lực lượng Kiểm ngư hỗ trợ giống như Trung Quốc đã làm. Vì vậy, dù phía Trung Quốc có triển khai 300 tàu đánh cá ở Biển Đông thì đó cũng chưa phải là mối đe dọa lớn”, - Nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự quốc tế Nguyễn Minh Tâm nói với Sputnik.

Thâm ý lâu dài của người Trung Quốc là muốn thông qua sự hiện diện của 300 tàu đánh cá kia hoặc hơn nữa để hỗ trợ cho tuyên bố chủ quyền phi pháp của họ đối với cái gọi là “Đường lưỡi bò” mặc dù nó đã bị Tòa án trọng tài Quốc tế PCA ở La Haye bác bỏ khi ra phán quyết về đơn kiện của Philippines năm 2016.

Và trước mắt, Trung Quốc muốn “tiết kiệm năng lượng” khi các tàu đánh cá này trú đóng và được tiếp tế hậu cần tại các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp trái phép. Đó là chính tính lưỡng dụng của các căn cứ mà Trung Quốc đã xây dựng trái phép ở Chữ Thập, Subi và Vành Khăn khi chúng vừa là căn cứ quân sự, vừa có thể phục vụ hoạt động dân sự.

Việt Nam nhận thức rõ bản chất của vấn đề

Còn đối với người Mỹ thì đã thành thông lệ. Thỉnh thoảng, họ lại đưa ra những bình luận, nhận định, phân tích có ý thổi phồng sức mạnh của Trung Quốc nhằm lôi kéo các nước ven Biển Đông tham gia vào một liên minh chống Trung Quốc do Mỹ làm chủ soái và hướng lái dư luận các nước này ngả theo Mỹ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng mời các phóng viên đặt câu hỏi. - Sputnik Việt Nam, 1920, 20.03.2020
Việt Nam bác bỏ đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông

Đồng thời, thủ đoạn đó cũng nhằm kéo giãn thêm khoảng cách giữa các nước này với Trung Quốc và bằng cách có thể gây phương hại cho các cuộc đàm phán về một COC công bằng, bình đẳng giữa ASEAN với Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn do quan điểm của hai bên còn có khoảng cách lớn. Rõ rằng là với những lập luận như vậy, Mỹ và phương Tây vẫn lộ ra ý đồ buộc các nước ASEAN ven Biển Đông phải “chọn phe” mặc dù họ luôn nói rằng không có chuyện đó.

Nhận thức được điều cốt lõi này, người Việt Nam không hề hoang mang hay sợ hãi trước áp lực của vài trăm tàu cá Trung Quốc. Việt Nam nhận thức rõ bản chất của vấn đề để đưa ra những tuyên bố có tính chất cốt lõi và toàn diện, có tính bao trùm về vấn đề chủ quyền biển đảo chứ không sa vào những tranh cãi vụn vặt, những sự vụ nhất thời vốn không thể giải quyết khi Trung Quốc vẫn bất tuân luật pháp quốc tế về phân định chủ quyền biển mà cao nhất là UNCLOS-1982.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала