Việt Nam phê duyệt thử nghiệm Nanocovax giai đoạn 3, Tiền Giang giãn cách xã hội

© Ảnh : Minh Quyết - TTXVNNhân viên y tế tiêm vaccine Nano Covax phòng COVID-19 cho tình nguyện viên tham gia tiêm thử nghiệm đợt 3 tại Học viện Quân y
Nhân viên y tế tiêm vaccine Nano Covax phòng COVID-19 cho tình nguyện viên tham gia tiêm thử nghiệm đợt 3 tại Học viện Quân y - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.06.2021
Đăng ký
Bộ Y tế vừa chính thức phê duyệt thử nghiệm vaccine Covid-19 Nanocovax “made in Vietnam” giai đoạn 3 trên diện rộng.

Cập nhật tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam: Bộ Y tế cho biết ngày 11/6 phát hiện thêm 196 ca mắc nCoV mới, nâng tổng số ca nhiễm của cả nước lên thành 9980. Trong ngày có thêm 2 bệnh nhân tử vong đều có bệnh nền là ung thư.

Toàn tỉnh Tiền Giang sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng chính thức từ 0h ngày 12/6. Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh đã có một số chỉ đạo liên quan đến tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Liên quan đến loạt văn bản ‘dân tự trả phí tiêm vaccine’ do lãnh đạo hai huyện Thường Tín và Đông Anh, TP.Hà Nội ban hành trái với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và UBND thành phố, lý do được đưa ra chỉ là ‘do sai sót, sơ suất của bộ phận tham mưu, soạn thảo văn bản’.

Ngày 11/6, Việt Nam phát hiện thêm 196 ca Covid-19

Theo bản tin của Bộ Y tế, tối 11/6, có thêm 63 ca mắc SARS-CoV-2 được ghi nhận trong nước tại 4 tỉnh, thành phố, nâng tổng số ca mắc của cả ngày lên thành 196 trường hợp.

63 trường hợp dương tính mới tối nay được Bộ Y tế công bố từ 9918-9980. Như vậy, Bắc Giang đã có 3.791, Bắc Ninh 1.255, TP HCM 610, Hà Nội 457 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 95 ca, 53 ca ở Bệnh viện K cơ sở Tân Triều).

Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay của Việt Nam là 6780, bùng phát ở 39 tỉnh, thành phố. Tổng số ca mắc Covid-19 của Việt Nam tính từ đầu dịch đến nay là 9980, có 3804 bệnh nhân đã bình phục, 57 trường hợp tử vong.

© Ảnh : TTXVN - Lê Danh LamTổ thanh niên tình nguyện xung kích Bắc Giang làm nhiệm vụ phòng chống dịch
Việt Nam phê duyệt thử nghiệm Nanocovax giai đoạn 3, Tiền Giang giãn cách xã hội - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.06.2021
Tổ thanh niên tình nguyện xung kích Bắc Giang làm nhiệm vụ phòng chống dịch

Bộ Y tế cho hay, trong 63 ca mắc ghi nhận chiều tối nay, Bắc Giang có 27 trường hợp nhiễm mới, TP.HCM 20, Bắc Ninh 15, Hà Nội 1. Trong số này, có 56 ca dương tính được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu vực đã được phong tỏa.

Cụ thể, tại Bắc Giang, các ca nhiễm coronavirus số 9918-9920, 9925-9926, 9931, 9934, 9936-9944, 9949-9953, 9955-9960 ghi nhận trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa, liên quan đến công nhân làm tại các khu công nghiệp của địa phương này.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị. - Sputnik Việt Nam, 1920, 10.06.2021
Đợt dịch thứ 4: Chủ tịch TP HCM khẳng định đồng hành cùng doanh nghiệp
Tương tự, ở Bắc Ninh, các bệnh nhân mắc Covid-19 mới 9921-9924, 9927-9928, 9930, 9932-9933, 9935, 9945-9948, 9954 gồm 10 ca liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Quế Võ, một ca liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Khắc Niệm, 4 ca liên quan đến ổ dịch Thuận Thành.

Ở TP.HCM, các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 từ 9961-9980 gồm 13 ca là các trường hợp F1, 3 ca liên quan đến Hội thánh Truyền giáo Phục hưng, 4 ca đang điều tra dịch tễ.

Tại Hà Nội, bệnh nhân 9929 là bé trai 3 tuổi, F1 của các ca bệnh 4260 và 4564 đã được cách ly.

Việt Nam đã thực hiện lượng xét nghiệm từ 29/4/2021 đến nay là 1.957.231 mẫu cho 4.266.651 lượt người.

Bộ Y tế: Hai ca tử vong 56 và 57 liên quan đến Covid-19 đều bị ung thư

Chiều 11/6, Bộ Y tế đã có thông báo về 2 ca tử vong số 56 và 57 liên quan đến Covid-19 là hai nữ bệnh nhân ung thư ác tính, đã di căn.

Theo đó, ca tử vong thứ 56 là bệnh nhân 4115, 65 tuổi, trú tại huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Bệnh nhân có tiền sử ung thư cổ tử cung, di căn hạch ổ bụng vào tháng 3/2020, đã trải qua hóa trị và xạ trị 6 đợt. Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện K cơ sở Tân Triều cấp cứu hôm 3/5 vì viêm trực tràng, đi tiểu ra máu, với chẩn đoàn viêm trực tràng, viêm bàng quang chảy máu, suy thận/ung thư cổ tử cung tiến triển tại mỏm cụt, di căn hạch chủ bụng. Đến ngày 16/5, bệnh nhân được xác định dương tính với SARS-CoV-2, sau đó được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Kiểm tra COVID-19. - Sputnik Việt Nam, 1920, 05.06.2021
Nữ bệnh nhân ung thư mắc Covid-19 tử vong ở tuổi 35
5 ngày sau, bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng sốt cao, khó thở tăng dần, được theo dõi sát và điều trị tích cực nhưng không cải thiện. Ngày 2/6, các bác sĩ đã tiến hành đặt nội khí quản cho bệnh nhân trên.

Bệnh nhân được chỉ định điều trị hồi sức tích cực bằng các biện pháp bao gồm thở máy, lọc máu, kháng sinh phổ rộng kết hợp thuốc kháng nấm, điều chỉnh rối loạn đông máu, nuôi dưỡng chăm sóc toàn diện. Dù vậy, bệnh nhân đáp ứng kém, chức năng phổi không cải thiện, sốc không hồi phục. Đến ngày 10/6/2020, bệnh nhân tử vong với chẩn đoán: Sốc nhiễm khuẩn - viêm phổi do SARS-CoV-2, nhiễm nấm candida xâm lấn/ K cổ tử cung di căn hạch ổ bụng.

Ca tử vong thứ 57 là bệnh nhân 3595, 59 tuổi, có địa chỉ huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Bệnh nhân có tiền sử ung thư túi mật giai đoạn muộn, đã di căn gan.

Bệnh nhân điều trị ung thư túi mật tại khoa Gan – Mật – Tụy tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, có con gái được xác định dương tính với SARS-CoV-2. Ngày 11/5, bệnh nhân cũng được xác định nhiễm Covid-19 và được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân được theo dõi sát, được chỉ định các thuốc điều chỉnh rối loạn đông máu và cho dùng kháng sinh điều trị tình trạng bội nhiễm. Sau 10 ngày, bệnh nhân suy hô hấp tiến triển tăng dần, được đặt nội khí quản, cho thở máy.

Các bác sĩ đã tiến hành hồi sức tích cực cho bệnh nhân bằng cách cho thở máy, lọc máu, dùng kháng sinh phổ rộng, nuôi dưỡng, chăm sóc toàn diện, hội chẩn ngoại khoa dẫn lưu dịch mật ra ngoài.

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống dịch COVID-19, tại điểm cầu trụ sở Chính phủ. - Sputnik Việt Nam, 1920, 31.05.2021
TP HCM giãn cách theo chỉ thị 15, nhiều Đại biểu Quốc hội lên tiếng "thay đổi chính sách chống dịch"
Dù vậy, tình trạng bệnh nhân không cải thiện, sốc không hồi phục. Ngày 10/6/2021, bệnh nhân tử vong với chẩn đoán: Sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi do SARS-CoV-2 trên nền bệnh nhân ung thư túi mật giai đoạn muộn.

Như vậy, đã có 22 ca tử vong liên quan đến Covid-19 trong đợt dịch thứ 4 này. Trong số đó, đa phần là các trường hợp người bệnh tuổi cao, có bệnh lý nền lâu năm như ung thư, ung thư di căn, cong vẹo cột sống, thận nhân tạo, viêm gan..

Tiền Giang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 từ 0h 12/6

Liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngày 11/6, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang đã có công văn quyết định thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng.

Cụ thể, lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Công văn số 2878/UBND-KGVX về việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Công văn nêu rõ, nhằm kiềm chế, kiểm soát có hiệu quả sự lây lan, chủ động ngăn chặn, ứng phó với dịch bệnh, bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Vĩnh yêu cầu toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 trên phạm vi toàn tỉnh.

“Thời gian bắt đầu từ 00 giờ ngày 12/6/2021 cho đến khi có thông báo mới”, lãnh đạo UBND tỉnh Yiền Giang nêu rõ trong công văn về giãn cách xã hội toàn tỉnh.

Ông Vĩnh cũng yêu cầu Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, đề nghị Báo Ấp Bắc thông báo, tuyên truyền việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng trên phạm vi toàn tỉnh để người dân biết và thực hiện.

© Ảnh : Hữu Chí – TTXVNĐoàn viên thanh niên tham gia đo thân nhiệt tại chốt kiểm dịch ở cầu Mỹ Lợi, thị xã Gò Công, Tiền Giang
Việt Nam phê duyệt thử nghiệm Nanocovax giai đoạn 3, Tiền Giang giãn cách xã hội - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.06.2021
Đoàn viên thanh niên tham gia đo thân nhiệt tại chốt kiểm dịch ở cầu Mỹ Lợi, thị xã Gò Công, Tiền Giang

Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức, đoàn thể tăng cường phối hợp với các cấp chính quyền vận động Nhân dân tự giác tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg trên phạm vi toàn tỉnh.

“Căn cứ vào tình hình, diễn biến dịch bệnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có thể quyết định việc thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn quản lý ở mức độ cao hơn, để đảm bảo hiệu quả công tác phòng, chống dịch”, ông Nguyễn Văn Vĩnh nêu rõ trong công văn.

Cùng với đó, UBND tỉnh đề nghị Nhân dân “bình tĩnh, yên tâm, tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch”, đồng thời, tiếp tục chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh.

Trước mắt, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp không tụ tập đông người, chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật sự cần thiết, rửa tay sát khuẩn thường xuyên, đeo khẩu trang nơi công cộng, tăng cường bảo vệ sức khỏe.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân trong khu công nghiệp. - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.06.2021
"Cơn khát" vaccine từ doanh nghiệp Việt và mong muốn được tiếp cận nguồn cung
Đặc biệt, lãnh đạo địa phương khuyến cáo người dân hạn chế đến cơ sở khám, chữa bệnh, trừ trường hợp thật sự cần thiết và thực hiện tốt các khuyến cáo của cơ quan chức năng, nhất là đối với người cao tuổi, người có bệnh nền.

Thực hiện chỉ đạo của UBND Tỉnh Tiền Giang, các địa phương như Tân Phước, Châu Thành, Chợ Gạp, thị xã Gò Công đều đã triển khai các phương án thành lập 4 chốt kiểm soát phòng chống dịch gồm Cầu Tân Hương (trên Quốc lộ 1, nối với TP.Tân An, Long An), Trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa (nối với cao tốc TP.HCM - Trung Lương), đường tỉnh 879C và cầu Mỹ Lợi (nối với Huyện Cần Đước, tỉnh Long An).

Hà Nội: Thu hồi văn bản tiêm vaccine Covid-19 ‘tự trả phí’

Như truyền thông đưa tin những ngày qua, hôm 9/6, UBND huyện Thường Tín (TP. Hà Nội) đã ban hành một văn bản (số 709/UBND-KT) yêu cầu đăng ký việc tiêm vaccine Covid-19, trong đó có nội dung người lao động tự trả phí 350.000 đồng/người khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Chánh Văn phòng Hội đồng Nhân dân huyện Thường Tín Nguyễn Văn Tản xác nhận có “sai sót trong việc ban hành công văn số 709 về việc yêu cầu đăng ký tiêm vaccine và ủng hộ Quỹ vaccine Covid-19.

Ông Tản cho hay, công văn 709 do ông Bùi Công Thản, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín ký.

Trong văn bản số 709 nêu rõ, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và để đảm bảo hiệu quả công tác phòng chống dịch trên địa bàn, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, UBND huyện Thường Tín đề nghị chủ đầu tư các cụm công nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch.

Cụ thể, UBND huyện Thường Tín đề nghị các cụm công nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn phối hợp thực hiện rà soát, lập danh sách nhân viên, người lao động thuộc doanh nghiệp đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 (nguồn kinh phí do tổ chức, doanh nghiệp, người lao động tự chi trả, dự kiến 350.000 đồng/người).

Tuy nhiên, ngay sau khi văn bản này được ban hành, xuất hiện nhiều luồng dư luận lên tiếng phản đối vì cho rằng, tại Việt Nam, việc thu phí tiêm vaccine Covid-19 là hoàn toàn không đúng với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ cũng như UBND TP. Hà Nội.

Đánh giá văn bản 709 là “sơ sót của bộ phận tham mưu soạn thảo”, Chánh Văn phòng Hội đồng Nhân dân huyện Thường Tín Nguyễn Văn Tản cho hay, điều này là chưa chính xác.

Vắc xin Sinopharm do Trung Quốc sản xuất - Sputnik Việt Nam, 1920, 10.06.2021
Việt Nam đàm phán mua vaccine Covid-19 của Trung Quốc đến đâu và sẽ mua bao nhiêu liều?

Vị lãnh đạo nêu rõ, ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, các cấp lãnh đạo đã ra văn bản thu hồi ngay công văn này.

“Cơ quan tham mưu về mặt nội dung đã hiểu không đúng. Trên cơ sở đó chúng tôi cũng đã yêu cầu bộ phận này chấn chỉnh nội dung theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, UBND TP Hà Nội”, ông Tản khẳng định.

Cần lưu ý trước việc để ‘dân tự trả phí tiêm vaccine’ ở Thường Tín, dư luận cũng xôn xao vụ ngày 10/6, lãnh đạo UBND thị trấn Đông Anh đã phải ra Công văn số 186/UBND thu hồi Công văn số 178/UBND ngày 3/6, khi ban hành sai nội dung “kinh phí tiêm vaccine sẽ do người sử dụng tự chi trả”.

Chỉ trong 1 tuần, đã có 2 địa phương tại Hà Nội đã phải điều chỉnh văn bản, do sai sót về nội dung kinh phí tiêm vaccine Covid-19 trên địa bàn.

Ông Nguyễn Xuân Linh, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cũng nêu nguyên nhân tương tự như huyện Thường Tín – lỗi soạn thảo.

“Đây là sai sót trong quá trình soạn thảo, câu từ không đúng với tinh thần chỉ đạo của thành phố nên thị trấn Đông Anh đã có văn bản xin lỗi và thu hồi văn bản cũ”, vị lãnh đạo phân trần.
Việt Nam chính thức phê duyệt thử nghiệm Nanocovax giai đoạn 3

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, cơ quan y tế Việt Nam đã chính thức thông qua việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với Nanocovax – vaccine phòng Covid-19 đầu tiên “Made in Vietnam”.

Thông tin từ Học viện Quân y cho biết, viện đã triển khai tiêm thử nghiệm giai đoạn 3 vaccine phòng Covid-19 Nanocovax cho 19 tình nguyện viên đầu tiên.

© Ảnh : Doãn Tấn - TTXVNChủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm, động viên người tình nguyện tham gia thử nghiệm lâm sàng Vaccine Nanocovax tại Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự, Học viện Quân y
Việt Nam phê duyệt thử nghiệm Nanocovax giai đoạn 3, Tiền Giang giãn cách xã hội - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.06.2021
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm, động viên người tình nguyện tham gia thử nghiệm lâm sàng Vaccine Nanocovax tại Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự, Học viện Quân y

Trong hôm nay 11/6, viện tiếp tục tiêm cho 200 người tiếp theo. Các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm được chia thành 2 nhóm, trong đó một nhóm tiêm vaccine Nanocovax liều 25mcg, 1 nhóm tiêm giả dược có chứa tá dược nhôm.

Dự kiến, sẽ có 13.000 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm giai đoạn 3, tại nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Hưng Yên, Long An, Tiền Giang…Học viện Quân y đã nhận được đăng ký từ 7.000 tình nguyện viên, trong đó hơn 600 người đã được khám sàng lọc sức khoẻ đủ điều kiện tham gia thử nghiệm.

Trung tá, PGS. TS Chử Văn Mến - Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học, Học viện Quân Y (Bộ Quốc phòng) cho biết, ở giai đoạn 3 chỉ thực hiện tiêm nhóm liều duy nhất 25 mcg và nhóm tiêm giả dược đối chứng (theo tỷ lệ "6 người tiêm vaccine - 1 người tiêm giả dược" đã được Bộ Y tế phê duyệt).

Lý giải vì sao lại chọn liều 25 mcg, ông Mến cho biết, kết quả thử nghiệm giai đoạn 2 cho thấy, cả 3 mức liều 25-50-75 mcg đều có tính an toàn tương đương nhau và tính sinh miễn dịch không khác biệt. Vì vậy, nhằm đảm bảo an toàn và tăng hiệu quả số liều sản xuất vaccine, Hội đồng Đạo đức Quốc gia trong nghiên cứu Y sinh học, Bộ Y tế đã quyết định chỉ thử nghiệm 1 liều tối ưu 25 mcg ở giai đoạn này.

© Ảnh : Minh Quyết - TTXVNTình nguyện viên đến tiêm thử nghiệm đợt 3 vaccine Nano Covax phòng COVID-19 tại Học viện Quân y
Việt Nam phê duyệt thử nghiệm Nanocovax giai đoạn 3, Tiền Giang giãn cách xã hội - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.06.2021
Tình nguyện viên đến tiêm thử nghiệm đợt 3 vaccine Nano Covax phòng COVID-19 tại Học viện Quân y

Thử nghiệm giai đoạn 3 được tiến hành nhằm đánh giá hiệu lực bảo vệ của vaccine đối với cộng đồng.

Trong khi đó, theo PGS. TS Hồ Anh Sơn cho biết, thử nghiệm giai đoạn 3 còn hướng đến việc đánh giá về hiệu lực bảo vệ của vaccine đối với cộng đồng. Hai đơn vị sẽ triển khai thử nghiệm giai đoạn 3 này là Học viện Quân y và Viện Pasteur TP.HCM, mỗi nơi sẽ tiêm thử cho 500 người.

PGS. TS Hồ Anh Sơn cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục thử nghiệm giai đoạn 3 tiếp theo trên mẫu 12.000 người.

“Dự kiến, đến khoảng giữa tháng 9, sau khoảng ngày 42 của mũi tiêm thứ hai của 1.000 ca tiêm thử nghiệm đầu tiên, chúng tôi sẽ tổng hợp kết quả đánh giá chất lượng để báo cáo. Nếu thuận lợi sẽ trình hồ sơ, đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế, Hội đồng Đạo đức Quốc gia trong nghiên cứu Y sinh học cấp phép khẩn cấp, sử dụng có điều kiện”, PGS. TS Hồ Anh Sơn cho biết.
Việt Nam tiến tới chủ động nguồn vaccine chống Covid-19

Như Sputnik đã thông tin, hiện tại, Việt Nam có 2 vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng là vaccine Nanocovax và vaccine Covivax ( sản phẩm của Ivac, đang chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn 2).

Cho đến nay, Nanocovax vẫn là ứng viên vaccine Covid-19 tiềm năng nhất Việt Nam. Vaccine được sản xuất dựa trên công nghệ tái tổ hợp, bắt đầu nghiên cứu từ tháng 5/2020.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân trong khu công nghiệp. - Sputnik Việt Nam, 1920, 07.06.2021
100% sinh kháng thể: Vaccine Covid-19 Nanocovax Việt Nam ‘vượt xa kỳ vọng’

Nanocovax đã trải qua 2 giai đoạn thử nghiệm, trong đó giai đoạn I diễn ra từ tháng 12/2020, tiêm cho 60 tình nguyện viên và giai đoạn thử nghiệm II (từ tháng 2/2021) tiêm trên 554 người tham gia.

Kể từ giai đoạn 2, cả Học viện Quân y và Trung tâm y tế huyện Bến Lức- tỉnh Long An (do Viện Pasteur TP HCM đảm nhiệm) đồng tiến hành thử nghiệm.

Theo kết quả từ cơ quan chuyên môn, sau mũi tiêm thứ 2, các tình nguyện viên được khám sức khỏe (xét nghiệm máu, đo huyết áp…) 1 lần/tuần để đánh giá lượng kháng thể xuất hiện trong cơ thể, sau đó tiếp tục được theo dõi trong vòng 6 tháng để lấy thông tin, đánh giá sức khỏe cũng như khả năng sinh miễn dịch.

Đến nay 100% tình nguyện viên tiêm vaccine Nanocovax đều sinh kháng thể trong máu.

PGS.TS. Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự (Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng) cho biết, lượng kháng thể với virus SARS-CoV-2 của tất cả các tình nguyện viên đều tăng, sức khỏe an toàn, không có trường hợp phải xử lý thuốc, cấp cứu...

“Đây là một tín hiệu rất mừng, là thông tin cực kỳ đáng khích lệ, cho thấy đến hiện tại, vaccine an toàn với người được tiêm”, PGS.TS Hồ Anh Sơn nhấn mạnh.

Cần nhắc lại, việc phát triển vaccine Covid-19 nội được xem là trọng tâm của Chính phủ Việt Nam, nhằm tiến tới chủ động vaccine phòng chống, kiểm soát dịch bệnh ở nước ta, góp phần đảm bảo an ninh y tế.

GS. TS. Trương Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng Đạo đức quốc gia trong nghiên cứu y sinh học cho biết, trên tinh thần “thử nghiệm càng nhanh càng tốt” của Chính phủ, Bộ Y tế giao cho các đơn vị thử nghiệm.

“Nhanh không có nghĩa cắt đoạn, bỏ qua giai đoạn. Bất cứ giai đoạn nào cũng phải tuân thủ yêu cầu, tiêu chuẩn của quốc tế. Làm rất nhanh nhưng phải rất chuẩn, đưa ra Hội đồng phải phê duyệt được ngay”, Chủ tịch Hội đồng Đạo đức quốc gia nêu rõ.

GS. Dũng đánh giá, nhìn chung, theo đúng quy trình và từng bước của mỗi giai đoạn, để Bộ Y tế có đủ cơ sở khoa học để có thể cấp phép khẩn cấp, sử dụng có điều kiện vaccine Nanocovax ở Việt Nam an toàn và hiệu quả.

© SputnikCác giai đoạn phát triển và thử nghiệm vaccine
Việt Nam phê duyệt thử nghiệm Nanocovax giai đoạn 3, Tiền Giang giãn cách xã hội - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.06.2021
Các giai đoạn phát triển và thử nghiệm vaccine
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала