Vụ CEO 8X ‘nổ’ về siêu doanh nghiệp 22 tỷ USD cao hơn cả Vingroup, Bộ KH&ĐT nói gì?

© Depositphotos.com / JethuynhThành phố Hồ Chí Minh.
Thành phố Hồ Chí Minh. - Sputnik Việt Nam, 1920, 18.06.2021
Đăng ký
Liên quan đến Auto Investment Group của CEO GAB Group Nguyễn Vũ Quốc Anh, một lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) cho biết, ‘siêu doanh nghiệp’ đăng ký vốn hóa hơn 500.000 tỷ đồng (cao hơn cả Vingroup, Viettel, PVN) chưa được tính chính thức.

Dù đặt nghi vấn về ‘độ nổ’ và ‘độ chém gió’ của đại gia 8X Nguyễn Vũ Quốc Anh với hai siêu doanh nghiệp trên 525.000 tỷ đồng, nhưng theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc mời Bộ Công an vào cuộc điều tra là chưa thực sự hợp lý, đồng thời nên xem xét lại quy định “vốn điều lệ”.

Bộ KH&ĐT nêu lý do siêu doanh nghiệp 500.000 tỷ đồng chưa được tính chính thức

Những ngày qua, dư luận Việt Nam đang xôn xao việc Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động toàn cầu (Auto Investment Group) của CEO 8X Nguyễn Vũ Quốc Anh mới thành lập vào tháng 5/2021 với vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng.

Cá nhân ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, dù khẳng định “hiện tiền chưa có nhưng chất xám thì có thừa”, hay “công ty của ông toàn siêu nhân” chứ không phải người thường, cam kết sẽ nộp đủ 499.998 tỷ đồng, chiếm 99,99% cổ phần Auto Investment Group.

Ngày 18/6, một lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cùng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho hay, siêu doanh nghiệp 500.000 tỷ đồng của ‘đại gia 8X’ Nguyễn Vũ Quốc Anh chưa hề được tính chính thức vào vốn đăng ký tháng 5/2021.

Nguyên nhân được đại diện Bộ KH&ĐT đưa ra là do đối với doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với số vốn đột biến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ đưa vào diện “theo dõi và hỗ trợ đặc biệt”. Tất nhiên, sẽ có báo cáo riêng về doanh nghiệp này.

Xe ô tô  Việt Nam VinFast. - Sputnik Việt Nam, 1920, 04.06.2021
Veni, Vidi, VinFast: Vingroup đổ bộ sang Mỹ, biểu tượng cho sự trỗi dậy của Việt Nam
Cùng với đó, đại diện lãnh đạo Bộ KH&ĐT thông tin thêm cho biết, đối với những trường hợp đặc biệt, số vốn lớn, Bộ sẽ có báo cáo đánh giá riêng để thuận tiện cho công tác quản lý.

Theo quy định, doanh nghiệp có vốn đăng ký lớn sẽ có thời hạn 90 ngày để thực hiện các nghĩa vụ như nộp đủ số vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp. Hết thời hạn, nếu doanh nghiệp nộp đủ số vốn điều lệ, vốn thành lập nghiệp, 19 ngày sau cơ quan của Bộ sẽ có báo cáo chính thức.

Trong trường hợp của siêu doanh nghiệp đăng ký vốn hóa 500.000 tỷ đồng (khoảng 22 tỷ USD), do ông Nguyễn Vũ Quốc Anh đăng ký ở TP.HCM, lãnh đạo Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ KH&ĐT cho biết, đối với những doanh nghiệp vốn hóa lớn như vậy, khi đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT sẽ có báo cáo riêng về Bộ KH&ĐT.

Sau đó, Bộ sẽ tiến hành theo dõi, tổng hợp và có báo cáo riêng. Đại diện Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh cũng nhấn mạnh, tạm thời, vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp trong tháng 5 chưa tính số vốn của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động toàn cầu (Auto Investment Group) do CEO Nguyễn Vũ Quốc Anh sáng lập.

Vinfast. - Sputnik Việt Nam, 1920, 08.06.2021
‘Ý nghĩa chính trị’: Vì sao ô tô điện ở Việt Nam là cuộc chơi không chỉ của VinFast?
Theo đại diện Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ KH&ĐT, lý do không đưa vốn đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp này vào là để đảm bảo quản lý và tính chính xác thông tin.

Lãnh đạo đơn vị khẳng định, chỉ khi nào siêu doanh nghiệp nói trên hoàn tất các thủ tục về vốn đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, khi ấy, Bộ mới tổng hợp vốn đăng ký.

“Việc đưa những trường hợp đặc biệt với vốn lớn, đột biến vào báo cáo riêng nhằm tránh sự trồi sụt của vốn đăng ký kinh doanh, làm ảnh hưởng đến tính hệ thống của các báo cáo”, đại diện Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.

Theo đó, việc này cũng sẽ giúp quản lý Nhà nước được dễ dàng, tránh tình trạng đăng ký vốn ảo gây nhiễu loạn thông tin về đăng ký vốn đầu tư, thành lập doanh nghiệp mới.

Nên bỏ quy định về vốn điều lệ?

Được biết, trả lời báo chí, đặc biệt là trong buổi livestream ngày 15/6, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh thẳng thắn thừa nhận hiện tại không có tiền, nhưng cam kết “không nổ”, “không chém gió”, có thừa chất xám và ý tưởng của ông sẽ giúp huy động vốn từ các nguồn khác nhau.

“Thật sự thì tôi không có gì, tôi không có tiền. Nhưng tôi có chất xám và tin chất xám của mình sẽ giúp ích cho quốc gia”, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh nhấn mạnh.

Theo chia sẻ của vị CEO, “điểm yếu của người Việt là quá chú trọng vào con số mà không xem xét thực tế “tập đoàn” có tồn tại hay không”.

Ông Anh nhấn mạnh đến tham vọng “chinh phục thế giới”, chuyển đổi số cho doanh nghiệp và dùng công cụ số để marketing sản phẩm giúp doanh nghiệp có thêm lợi nhuận.

Theo những gì được “đại gia 8X” chia sẻ trong buổi livestream, dự kiến trong nửa cuối năm nay, doanh nghiệp này sẽ đạt doanh thu 10.000 tỷ đồng, tăng lên 1 tỷ USD vào năm sau và 30-50 tỷ USD trong vòng 20-30 năm tới. Kế hoạch này vượt xa quy mô doanh thu của những doanh nghiệp đứng đầu thị trường Việt Nam. Hiện Vingroup, doanh nghiệp giá trị nhất sàn chứng khoán, đạt doanh thu hợp nhất gần 5 tỷ USD trong năm 2020.

Trên trang web của Auto Investment Group, đăng ký trụ sở ở tầng 46, tòa nhà Bitexco Financial Tower nhưng giá thuê “ảo” chỉ hơn 1,2 triệu đồng/tháng, hoàn toàn không có nhân sự làm việc tại đây.

© Sputnik / Maria EfimovaTòa nhà Bitexco Financial Tower
Vụ CEO 8X ‘nổ’ về siêu doanh nghiệp 22 tỷ USD cao hơn cả Vingroup, Bộ KH&ĐT nói gì? - Sputnik Việt Nam, 1920, 18.06.2021
Tòa nhà Bitexco Financial Tower

Theo quy định, nếu không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký mà không thông báo điều chỉnh với cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ bị coi là hành vi trái luật và có thể bị xử lý vi phạm hành chính, mức phạt sẽ tùy vào điều kiện và trường hợp vụ thể.

Đáng chú ý, sự việc này còn được Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM trình báo lên Công an TP.HCM và Bộ Công an.

5G - Sputnik Việt Nam, 1920, 28.05.2021
Loạt ‘ông lớn’ viễn thông Việt Nam cùng bắt tay thử nghiệm dùng chung 5G
Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký chứng nhận kinh doanh của những cá nhân này. Lãnh đạo tại Sở kế hoạch và đầu tư TP.HCM cũng cho biết trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, mọi người đang quay cuồng bận rộn để chống dịch, tìm cách phát triển kinh tế thì việc cố tình để đùa giỡn pháp luật, lợi dụng kẽ hở để PR bản thân là vô cùng vô ý thức.

Trong khi đó, theo một số chuyên gia, nếu doanh nghiệp cố tình khai khống nhưng không gây thiệt hại thì doanh nghiệp chỉ phải chịu phạt hành chính theo quy định, còn nếu khai gian dối vì mục đích lừa đảo, gây hại tùy vào mức độ sẽ có chế tài xử lý, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Luật Doanh nghiệp, các cổ đông phải thanh toán đủ cổ phần đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nếu sau 60 ngày không góp đủ vốn và không đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, chiếu theo điều 28 Nghị định 50, sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.

Cũng theo luật Doanh nghiệp, cá nhân/doanh nghiệp được phép tự kê khai, tự chịu trách nhiệm về tất cả nội dung khi đăng ký thành lập. Sở KH-ĐT các tỉnh thành không can thiệp. Việc góp vốn phải được thực hiện trong vòng 90 ngày kể từ ngày đăng ký, nếu cá nhân nào chưa góp đủ vốn thì không được chuyển nhượng.

Theo Luật sư Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc IAM trao đổi với Thanh Niên, việc nhờ Công an vào cuộc trong vụ việc này là “không nên”, nếu không nói là chưa đúng với pháp luật.

Thành phố Hồ Chí Minh - Sputnik Việt Nam, 1920, 12.06.2021
GDP dự báo tăng 7%, Việt Nam vẫn là điểm sáng tăng trưởng kinh tế trên thế giới
Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI bổ sung lỗi của hệ thống ở đây là bắt phải đăng ký vốn điều lệ, điều này không đúng với bản chất nhiều doanh nghiệp. Theo chuyên gia, hiện tại và cho đến 90 ngày sau đăng ký mà doanh nghiệp chưa đủ tiền, đồng thời, chủ doanh nghiệp cũng chưa có hành vi vi phạm pháp luật nên là chưa hợp lý khi nhờ công an can thiệp.

Theo ông Trương Thanh Đức, vấn đề của luật Doanh nghiệp là nên bỏ hẳn quy định vốn điều lệ, người thành lập doanh nghiệp khỏi phải suy nghĩ vốn bao nhiêu mới hoạt động được. Rất nhiều luật sư và ban soạn thảo luật này cũng muốn bỏ quy định này lâu rồi theo cách làm của các nước...

“Quy định vốn điều lệ trong đăng ký thành lập doanh nghiệp cũng như quy định con dấu vậy. Muốn bỏ, lại bỏ không được, sửa đi sửa lại nhiều lần trong khi có nhiều ý kiến khoa học được ghi nhận là con dấu không cần thiết vì công nghệ làm con dấu giả quá tinh vi”, luật sư Trương Thanh Đức khẳng định.

Vốn đăng ký doanh nghiệp tăng đột biến vì siêu doanh nghiệp?

Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố báo cáo về tình hình phát triển doanh nghiệp trong năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021 cho biết trong 5 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp thành lập mới là 55.769 doanh nghiệp, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2020.

“Đây là số doanh nghiệp thành lập mới cao nhất trong giai đoạn 5 tháng đầu năm trong giai đoạn 2016 – 2021”, báo cáo nêu rõ.

Đáng chú ý, theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự gia tăng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thể hiện niềm tin và sự kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp đối với triển vọng phát triển kinh tế thời gian tới.

© Fotolia / Hanoi PhotographyHà Nội
Vụ CEO 8X ‘nổ’ về siêu doanh nghiệp 22 tỷ USD cao hơn cả Vingroup, Bộ KH&ĐT nói gì? - Sputnik Việt Nam, 1920, 18.06.2021
Hà Nội

Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho thấy, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm 2021 là 2.278.416 tỷ đồng (tăng 65,7% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 1.303.327 tỷ đồng (tăng 133,6% so với cùng kỳ năm 2020).

Cùng với đó, có 19.066 doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn trong 5 tháng đầu năm 2021 (tăng 26,6% so với cùng kỳ năm 2020), số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 975.089 tỷ đồng (tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2020).

Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2021 cũng đạt 23,4 tỷ đồng, tăng 102,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Đặc biệt, theo Bộ KH&ĐT, vốn đăng ký tăng đột biến là do có 2 doanh nghiệp tại TP. HCM đăng ký thành lập mới vào ngày 20/5 với số vốn đăng ký lần lượt là 25.000 tỷ đồng và 500.000 tỷ đồng.

Lượng hành khách qua sân bay Nội Bài giảm sâu do dịch COVID-19 - Sputnik Việt Nam, 1920, 14.06.2021
Ảnh hưởng dịch Covid-19, các "ông lớn" hàng không dự tính gì cho nước đi tiếp theo?
Như Sputnik Việt Nam thông tin trước đó, hôm 20/5, CEO sinh năm 1986 Nguyễn Vũ Quốc Anh đăng ký thành lập Auto Investment Group với vốn điều lệ lên đến 500.000 tỷ đồng cho Công ty CP tập đoàn đầu tư công nghệ tự động toàn cầu (GAB GROUP).

Cùng ngày, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh đã cùng hai cổ đông khác đăng ký thành lập thêm Công ty CP tập đoàn kinh doanh tự động toàn cầu với vốn 25.000 tỷ đồng và Công ty CP Tập đoàn công cụ tự động toàn cầu vốn 100 tỷ đồng.

Báo cáo của Bộ nêu rõ, trong trường hợp không tính 2 doanh nghiệp này thì vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đầu năm 2021 của cả nước là 778.327 tỷ đồng, tăng 39,5% so với cùng kỳ 2020, vốn đăng ký bình quân đạt 14 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ 2020).

Trong khi đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2021 là 22.564 doanh nghiệp, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng tiếp tục tăng lên với 59.820 doanh nghiệp, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020, phần lớn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến hoạt động kinh doanh sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Bộ KH&ĐT thông tin thêm cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 19.979 doanh nghiệp, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2020. Số doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại là 8.023 doanh nghiệp, tăng 32,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Liên quan đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tính lũy kế đến ngày 20/5/2021, Bộ KH&ĐT cho hay, cả nước có 33.615 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 396,86 tỷ USD.

Phố Tạ Hiện, Hà Nội. - Sputnik Việt Nam, 1920, 29.03.2021
Kinh tế, GDP, FDI tăng trưởng ngoạn mục, nguồn tiền thế giới đổ về Việt Nam
Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 240 tỷ USD, bằng 60,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Tính đến 20/5/2021, vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Báo cáo cũng cho thấy, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/5/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 14 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ 2020.

Trong số này, có 613 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 8,83 tỷ USD, có 342 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 3,86 tỷ USD, có 1.422 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 1,31 tỷ USD.

Tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 430 lượt góp vốn làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 500,8 triệu USD và 992 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 807,2 triệu USD. Bộ KH&ĐT cũng cho hay, vốn FDI thực hiện 5 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ 2020.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала