Nghề báo: Bạn có dám dấn thân?

© Sputnik / Taras IvanovCác nhà báo có mặt tại sự kiện đều mặc trang phục bảo hộ y tế
Các nhà báo có mặt tại sự kiện đều mặc trang phục bảo hộ y tế - Sputnik Việt Nam, 1920, 21.06.2021
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Bạn từng cảm kích trước sự xông pha của nhà báo? Bạn từng oán trách sự tọc mạch vô bờ bến của họ? Bạn cũng từng mong muốn trở thành nhà báo? Là một trong những nghề đặc biệt và nguy hiểm nhất trên thế giới, nghề báo mang trong mình nhiều sứ mệnh quan trọng.

Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6)  hàng năm là dịp để tôn vinh những người làm báo, đồng thời cũng là khoảng thời gian để các nhà báo, phóng viên trẻ nói về nghề.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Sputnik Việt Nam, 1920, 21.06.2018
Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam

Một nghề đầy thử thách, cám dỗ

25 tuổi, Hà Văn Quân, phóng viên báo Tuổi Trẻ, khẳng định nghề báo là nghề năng động, luôn làm bạn bất ngờ với thay đổi diễn ra hàng ngày. Nhưng trên tất cả đó không phải là nghề “rải đầy hoa hồng” hay dành cho “người yếu tim”.

“Nghề báo là nghề đầy thử thách, càng thử thách thì những người trẻ như mình càng muốn dấn thân, coi như cách để tôi luyện bản thân trước khó khăn, để nhìn đời một cách “thật hơn". Khó khăn nhất là vượt qua cám dỗ, nếu không “tỉnh đòn” rất dễ sa ngã, thỏa hiệp với cái sai, cái xấu của xã hội” - Quân tâm sự với Sputnik.
© Ảnh : Hà Văn QuânHà Văn Quân, phóng viên Báo Tuổi Trẻ, luôn quan niệm nghề báo là nghề đầy thử thách
Nghề báo: Bạn có dám dấn thân? - Sputnik Việt Nam, 1920, 21.06.2021
Hà Văn Quân, phóng viên Báo Tuổi Trẻ, luôn quan niệm nghề báo là nghề đầy thử thách

Ba năm làm nghề, chàng phóng viên trẻ không ít lần lăn lộn với bà con nông dân ngoài ruộng cùng hàng tấn nông sản cần “giải cứu” do hay giữa trưa 40-41 độ đi làm “tin nóng” đúng nghĩa...rồi những lần đi đưa tin vòng ngoài tại tâm dịch COVID-19 Bắc Giang mới đây. Tất cả đều là kỷ niệm không thể nào quên.

“Mình nhớ nhất cuối tháng 8 năm 2020 lúc mình tác nghiệp thi tại Bắc Giang. Học sinh phải thi THPT muộn do ảnh hưởng của COVID-19. Mình may mắn hỏi chuyện và làm được phóng sự về cô bé chăm bố bị bệnh Parkinson suốt 10 năm tại vùng mà 30% người dân tộc, huyện nghèo nhất của tỉnh Bắc Giang” - Quân nhớ lại.

Anh Quân quan niệm, có nhiều cách để bước chân vào nghề báo: Bạn chủ động chọn nghề hoặc nghề vô tình chọn bạn. Nhưng dù ở trường hợp nào thì một nhà báo cũng không thể sống nổi với nghề nếu không có đam mê. Với chàng phóng viên trẻ, điều ý nghĩa nhất khi theo đuổi nghề báo thật giản dị.

“Được biết những điều chưa biết, được đi những nơi chưa đi, hiểu cuộc sống cần những người như mình để lan tỏa câu chuyện đẹp và đưa ra ánh sáng những điều làm tổn hại đến xã hội bằng ngòi bút đầy sức mạnh vô hình” - Quân cho biết.

Bức ảnh “biết kể chuyện”

Ngày nay, “Phóng viên ảnh” không còn là khái niệm quá xa lạ với nhiều người, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về thứ nghề lắm vinh quang, mà cũng đầy thử thách này. Một yêu cầu của nghề phóng viên ảnh là phải đến tận hiện trường, bám sát sự kiện để ghi lại sự việc xảy ra, không chỉ vậy họ luôn phải lăn xả, vận dụng linh hoạt những kiến thức từ kỹ thuật cho đến những hiểu biết về đời sống. Chính đặc thù đó khiến “phóng viên ảnh” là nghề khá thu hút các bạn trẻ cá tính.

© Ảnh : Lê Văn Viết NiệmLê Văn Viết Niệm, phóng viên ảnh, Báo Dân Việt tác nghiệp tại tâm dịch COVID-19 Bắc Giang
Nghề báo: Bạn có dám dấn thân? - Sputnik Việt Nam, 1920, 21.06.2021
Lê Văn Viết Niệm, phóng viên ảnh, Báo Dân Việt tác nghiệp tại tâm dịch COVID-19 Bắc Giang

Chia sẻ với Sputnik, Lê Văn Viết Niệm, phóng viên ảnh báo Dân Việt cho biết:

“Mình chọn làm phóng viên ảnh vì vừa được đi nhiều nơi, vừa lấy được thông tin, vừa thỏa mãn được đam mê nhiếp ảnh và viết báo của mình”.

Người phóng viên ảnh, đặc biệt là ảnh thời sự còn phải có một tầm nhìn bao quát về môi trường tác nghiệp để có được một bức ảnh đúng khoảnh khắc, thể hiện rõ chủ đề và đi đến được tận cùng chiều sâu của câu chuyện. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, chính các phóng viên ảnh là người dũng cảm xông vào tâm dịch, ghi lại những khoảnh khắc lịch sử “có một không hai” một cách chân thực.

“Mình được cử lên đúng tâm dịch Lục Ngạn, Bắc Giang. Cũng lo vì lúc đi tác nghiệp là mình chưa được tiêm vaccine. Nếu mình dương tính thì ảnh hưởng tới nhiều người vì là phóng viên mà, sẽ trở thành nguồn lây nhiễm cho cộng đồng. Kỷ niệm nhớ nhất là khi mình cùng đồng nghiệp đi lấy tin giữa khuya, tới nơi lại không được vào do tình hình quá căng. Sau một hồi chạy đi chạy lại làm mọi cách thì bỏ lỡ mất khoảnh khắc quý giá. Cảm xúc tác nghiệp thì thực sự quá nhiều” - Viết Niệm nhớ lại thời gian tác nghiệp tại tâm dịch Bắc Giang.

Đằng sau mỗi bức ảnh mà Viết Niệm nhắc tới là cả một câu chuyện. Mỗi phóng viên ảnh phải mang trong mình niềm đam mê, dấn thân và chấp nhận rủi ro. Theo anh, điều quan trọng nhất đối với một phóng viên ảnh nằm ở chuyên môn và tư duy, đặc biệt là cái tâm với nghề.

“Tư duy hình ảnh làm sao phải truyền đạt đúng nội dung, đặc biệt trong đại dịch COVID-19, phóng viên ảnh phải truyền đạt được đúng nội dung và chính sách của Đảng và Nhà nước trong phòng, chống dịch để người dân không hoang mang. Nếu các bạn xác định theo nghề phóng viên ảnh thì phải biết hy sinh thời gian, công sức. Các bạn chịu khó đi thực địa, cố gắng va chạm thực tế. Đặc biệt, phải dùng cái tâm khi chụp ảnh vì đây là ảnh báo chí mang tính truyền thông rất lớn” - Phóng viên ảnh Viết Niệm nhấn mạnh.

“Tay ngang” chuyển sang làm báo

Đó là trường hợp của nữ phóng viên trẻ Ngô Nhật Hà, báo Khoa học Phát triển. Cơ duyên dẫn cô gái 25 tuổi từ một nhân viên tài chính chuyển sang làm báo cũng thật tình cờ. Chia sẻ với Sputnik, Ngô Nhật Hà cho biết:

“Lúc đó mình đọc tờ Tạp chí Tia sáng ở trong thư viện thì thấy khá hay và bắt đầu tìm hiểu. Sau khi nghỉ ở công ty cũ thì chợt nảy ra ý định tại sao mình không thử gửi thư cho Tạp chí xem như thế nào vì phong cách viết của báo khá thú vị. Thế là mình nộp đơn, được phỏng vấn, đỗ. Vì chưa có kinh nghiệm nên mọi thứ đều bắt đầu từ đầu”.
© Ảnh : Ngô Nhật HàNgô Nhật Hà, phóng viên, Báo Khoa học Phát triển: Làm báo trong lĩnh vực khoa học, đặc biệt là mảng công nghệ và môi trường có thể gói gọn trong hai từ “thử thách” và “thú vị”.
Nghề báo: Bạn có dám dấn thân? - Sputnik Việt Nam, 1920, 21.06.2021
Ngô Nhật Hà, phóng viên, Báo Khoa học Phát triển: Làm báo trong lĩnh vực khoa học, đặc biệt là mảng công nghệ và môi trường có thể gói gọn trong hai từ “thử thách” và “thú vị”.

Theo Nhật Hà, làm báo trong lĩnh vực khoa học, đặc biệt là mảng công nghệmôi trường có thể gói gọn trong hai từ “thử thách” và “thú vị”. Tại sao? Hãy cùng lắng nghe quan điểm của cô phóng viên trẻ này nhé.

“Theo mình, công nghệ là lĩnh vực khá “bóng bẩy”, mang tính lý trí. Ví dụ như máy móc, robot, giải pháp về trí tuệ nhân tạo (AI) hay các thuật toán. Trong khi môi trường lại là lĩnh vực gắn liền với cuộc sống hơn. Cái khó khi làm báo ở trong hai lĩnh vực này phải hiểu được ưu điểm và nhược điểm của công nghệ đồng thời phải hiểu được các vấn đề môi trường. Khi kết hợp cả hai điều đó lại với nhau thì mình thấy rằng - công nghệ có thể giải quyết được vấn đề môi trường. Đó là đưa ra giải pháp. Cảm giác rất thú vị. Sau đó càng làm nhiều, càng hiểu nhiều thì mình rơi vào tình huống phải vật lộn để hiểu rằng công nghệ không đủ để giải quyết các vấn đề về môi trường. Công nghệ có thể giúp tháo gỡ vấn đề nhưng chỉ là phần nhỏ của bức tranh” - Nhật Hà giải thích.

Áp lực khi làm báo khoa học không phải ở deadline mà ở chính cách viết làm sao cho độc giả hiểu vấn đề rõ ràng nhất nhưng vẫn phải đảm bảo hàm lượng thông tin khoa học chính xác nhất có thể.

“Làm báo về khoa học nên phải làm như thế nào để người đọc hiểu được dễ nhất khi đọc bài, đồng thời cũng phải đảm bảo được tính chính xác của khoa học để người làm khoa học đọc không thấy sai. Việc không sai thì rất đơn giản, chỉ cần kiểm tra chéo tất cả các thông tin trên các nguồn đáng tin cậy và cả chuyên gia trong lĩnh vực đang nói tới. Viết cho người đọc hiểu thì khó hơn rất nhiều. Đó là lý do vì sao mình luôn nói với các chuyên gia là “Hãy giải thích cho tôi như giải thích cho người ngốc nghếch nhất có thể”. Đó là bước đầu tiên. Bước tiếp theo sẽ là dùng hình ảnh minh họa hoặc liên hệ những sự việc đang diễn ra vào vấn đề đấy để người đọc cảm thấy gần gũi. Khi đã gần gũi với người đọc rồi thì những khái niệm hơi khó hiểu một chút cũng sẽ thúc đẩy họ tìm hiểu sâu hơn về vấn đề đó” - Ngô Nhật Hà tâm sự.

Là một phóng viên trẻ, các buổi tập huấn khoa học luôn để lại nhiều kỷ niệm cho Ngô Nhật Hà. Đây là bước khởi đầu cho chuỗi các hoạt động mà cô “lăn lộn” trong lĩnh vực ô nhiễm không khí từ năm 2019 cho đến nay.

Các quân nhân trước biển quảng cáo về Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hà Nội - Sputnik Việt Nam, 1920, 26.01.2021
Báo chí quốc tế đồng loạt đưa tin tốt về Đại hội XIII

“Hãy luôn tò mò tìm hiểu những điều mới thì có thể tự tin hỏi chuyên gia những câu hỏi “ngớ ngẩn” nhất mà không sợ bị mắng. Trí tò mò sẽ giúp mình tìm hiểu vấn đề sâu nhất có thể để đảm bảo sự chính xác mà mình muốn chuyển tải. Tinh thần là kiếm một tòa soạn nào đó mà deadline không quá áp lực để bình tĩnh viết bài” - Lời khuyên của Nhật Hà dành cho ai muốn theo đuổi nghề báo.

Liệu bạn có đủ can đảm để “dấn thân” vào nghề đặc biệt và nguy hiểm bậc nhất thế giới này không?

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала