Ô tô điện sẽ cho Việt Nam một vị thế mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu

© Depositphotos.com / ZenjungÔ tô điện.
Ô tô điện. - Sputnik Việt Nam, 1920, 20.07.2021
Đăng ký
Bài toán phát triển ô tô điện ở Việt Nam không dễ giải. Tuy nhiên, sự bùng nổ của xu hướng sản xuất, phát triển và sử dụng xe điện hiện nay tạo ra cơ hội hiếm hoi cho Việt Nam có thể bắt kịp với thế giới và khẳng định vị thế của mình trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không bắt đầu hoạch định chiến lược, cơ chế chính sách xây dựng ngành công nghiệp sản xuất ô tô, xe điện, Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ tụt hậu, đi sau các quốc gia trong khu vực 20 đến 30 năm và đánh mất “cơ hội vàng” ghi tên mình vào bản đồ công nghiệp ô tô thế giới.

UNDP: Việt Nam có cơ hội lớn trong chuỗi cung ứng ô tô điện toàn cầu

Vừa qua, nhóm nghiên cứu thuộc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã hoàn thành và công bố báo cáo “Chuỗi cung ứng của một số ngành trong bối cảnh dịch Covid-19”.

Trong báo cáo của UNDP, có phần đáng chú ý nhận định về chuỗi cung ứng ngành ô tô – xe điện, đánh giá tác động của dịch Covid–19 lên chuỗi cung ứng ô tô điện tại Việt Nam, đồng thời đưa ra các khuyến nghị chính sách để quốc gia Đông Nam Á này có thể đẩy nhanh quá trình hội nhập, tăng cường tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng ô tô điện toàn cầu.

Lắp ráp ô tô tại nhà máy ô tô VinFast Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.06.2021
Liều ‘doping mạnh’ để Việt Nam thành “Detroit của châu Á” về sản xuất xe ô tô điện

Những đánh giá mà UNDP đưa ra nằm trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu xây dựng chính sách giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Chương trình phát triển LHQ.

Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, đại diện nhóm nghiên cứu UNDP cho biết, nghiên cứu nhằm đánh giá lại tác động của dịch Covid-19 lên chuỗi cung ứng của ô tô - xe điện Việt Nam, từ đó khuyến nghị chính sách trong việc tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vào chuỗi cung ứng toàn cầu đặc biệt này. Đáng chú ý, UNDP nhận định đây chính là tương lai của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Theo đó, xu hướng mới của ngành công nghiệp ô tô thế giới là sự chuyển dịch từ ô tô sử dụng động cơ xăng, dầu sang các phương tiện giao thông không phát thải.

Dịch Covid–19 đang đẩy mạnh quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu của các công ty đa quốc gia trong ngành ô tô, và ô tô điện sẽ là sản phẩm để khẳng định vị trí của Việt Nam trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.

Tuy nhiên, thực tế vừa qua cho thấy dịch Covid–19 không tác động trực tiếp đến ngành ô tô Việt Nam, thậm chí ở chiều ngược lại còn mang đến nhiều cơ hội cho ngành công nghiệp ôtô non trẻ của đất nước.

“Xu hướng xe điện nổi lên nhanh chóng thời gian qua đã tạo cơ hội cho Việt Nam củng cố vị thế của mình trong chuỗi giá trị ô tô toàn cầu thông qua việc thu hút đầu tư từ các Tập đoàn đa quốc gia và sự tham gia của các doanh nghiệp nội địa vào hệ sinh thái xe điện”, nhóm nghiên cứu của UNDP khẳng định.

Theo phân tích của Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, hiện nay ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đang gặp nhiều hạn chế so với các nước có ngành công nghiệp ô tô trong khu vực và trên thế giới. Điển hình như, như thị trường Việt Nam quá nhỏ cho mỗi mẫu xe - đánh giá trên quy mô của nền kinh tế. Ngoài ra còn những hạn chế về khả năng cạnh tranh, chi phí lắp ráp ô tô (CKD) do chi phí logistics nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô của Việt Nam quá cao.

Vinfast - Sputnik Việt Nam, 1920, 24.06.2021
So sánh VinFast và Tesla: Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng nói gì?

Nhóm nghiên cứu UNDP nhấn mạnh, Việt Nam cần nhanh chóng đưa ra những chính sách phù hợp để ngành ôtô tại Việt Nam tập trung vào việc chuyển đổi sang xe điện trong thời gian tới.

“Nếu làm được điều này, ô tô điện sẽ là sản phẩm để khẳng định vị trí của Việt Nam trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu”, các chuyên gia nêu rõ.

Đề xuất ngành ô tô nên tập trung vào chuyển đổi sang xe điện trong thời gian trung và dài hạn, nhóm nghiên cứu đề xuất Việt Nam cần xây dựng lộ trình cấp quốc gia về triển khai và áp dụng xe điện với sự cân bằng giữa hai yếu tố cung và cầu.

Theo đó, các nhà làm chính sách của Việt Nam phải xác định được cụ thể các chính sách khuyến khích cần thiết để thúc đẩy cơ hội tham gia của doanh nghiệp trong nước vào những cấu phần của chuỗi cung ứng xe điện toàn cầu mà Việt Nam có tiềm năng. Những chính sách này nhằm mục tiêu chính là linh kiện sản xuất trong nước có thể thay thế linh kiện nhập khẩu.

“Tương lai xa hơn các doanh nghiệp sản xuất linh kiện ô tô điện của Việt Nam có thể tham gia vào hoạt động xuất khẩu và trở thành một điểm cung ứng linh kiện cho ngành sản xuất ô tô điện toàn cầu”, nghiên cứu nhận định.

Việt Nam cần làm gì để phát triển công nghiệp xe điện?

Để làm được điều này, khung chính sách, thể chế được đề xuất trong lộ trình gồm chiến lược, cung và cầu để từ đó thành lập các cơ quan ở chấp Trung ương chịu trách nhiệm điều phối các Bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng và triển khai lộ trình.

Theo UNDP, về nguồn cung Việt Nam cũng cần xác định rõ những cấu phần trong chuỗi cung ứng xe điện toàn cầu mà các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia. Các nhà làm chính sách của Việt Nam cũng có thể khuyến khích thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI để thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Xe ô tô  Việt Nam VinFast. - Sputnik Việt Nam, 1920, 04.06.2021
Veni, Vidi, VinFast: Vingroup đổ bộ sang Mỹ, biểu tượng cho sự trỗi dậy của Việt Nam

Các chuyên gia của UNDP cũng lưu ý, Việt Nam cần xác định các khu vực địa lý ưu tiên cùng các chính sách trọng yếu để phổ biến xe điện cùng các mốc thời gian dự kiến. Mặt khác, cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng bộ tiêu chuẩn và yêu cầu các nhà sản xuất tuân thủ tiêu chuẩn chung để khuyến khích sản xuất trong nước.

Để thực hiện được những điều này, Việt Nam cần một lộ trình cụ thể và trong giai đoạn đầu của lộ trình này cần đưa ra chính sách để khuyến khích, tận dụng năng lực trong nước. Trước mắt là tận dụng năng lực trong nước vào hoạt động sản xuất xe điện hai bánh có rào cản công nghệ thấp. Thêm vào đó, các chính sách cũng phải bao gồm cả việc thiết kế, triển khai chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân và chương trình đào tạo kỹ năng cấp quốc gia về xe điện.

“Việt Nam cũng cần có lộ trình khuyến khích việc sử dụng xe điện thông qua việc xây dựng tiêu chuẩn khí thải chuyên biệt cho các loại xe trên thị trường, có lộ trình rõ ràng áp dụng phương tiện không phát thải”, UNDP nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần đưa ra các yêu cầu về sản xuất, bán hàng cho các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) dựa trên các tiêu chí về chất lượng sản phẩm. Xây dựng bộ tiêu chuẩn để xếp hạng về hiệu suất năng lượng cho các phương tiện để giúp quá trình mua bán dễ dàng và thúc đẩy cạnh tranh giữa các nhà sản xuất.

Một vấn đề khác cần quan tâm, theo UNDP, chính là giới thiệu các gói ưu đãi phi tài chính cho xe điện, các chương trình mua lại xe điện và giảm trợ cấp hoặc giảm ưu đãi thuế cho các phương tiện động cơ đốt trong.

Nhóm nghiên cứu của UNDP cũng lưu ý vấn đề phát triển hạ tầng cơ sở sạc điện. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước cần phân tích về mức độ sử dụng, mật độ phương tiện, mô hình giao thông và tình trạng tắc nghẽn... để từ đó xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng cơ sở sạc điện, xác định vị trí để đảm bảo các trạm sạc được đặt tại các vị trí thuận tiện, phù hợp với cơ sở hạ tầng điện và mạng lưới điện.

Bộ Công Thương cho hay đã xây dựng kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng sạc điện, xác định vị trí để đảm bảo các trạm sạc được đặt tại các vị trí thuận tiện, phù hợp với cơ sở hạ tầng điện và mạng lưới điện. Các doanh nghiệp như EVN (hạ tầng lưới điện) và Petrolimex (mạng lưới trạm xăng) đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này tại Việt Nam.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu của UNDP cũng nhấn mạnh, nhằm phát triển hệ sinh thái cho xe điện, ngoài việc thu hút đầu tư, thiết lập quan hệ đối tác của các Bộ, ngành, địa phương, cần có sự tham gia và dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như: OEM, điện lực, dầu khí... cho hệ sinh thái xe điện.

Xe điện ở Việt Nam: Nhiều vấn đề khó khăn

Trước đó, Bộ Công Thương nêu trong báo cáo gửi Chính phủ cho rằng, xe điện, trên thực tế, chưa phổ biến ở Việt Nam.

Ngoài VinFast đang tiến hành và bước đầu ra cho mắt các dòng xe điện đầu tiên vào cuối năm nay, các hãng xe ngoại Honda, Toyota, Mitsubishi đa phần nhập khẩu, phân phối chứ không có kế hoạch sản xuất, lắp ráp ôtô điện tại Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay trong nước có khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 680.000 xe/năm. Trong đó có một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu.

Vsmart Aris Pro - Sputnik Việt Nam, 1920, 12.05.2021
Đằng sau việc Vingroup của tỷ phú Vượng buộc phải ‘hy sinh’ VinSmart dồn sức cho VinFast

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ô tô như săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa...phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các Tập đoàn ô tô toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động. Chính vì thế, vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực thụ.

Bên cạnh đó, giá bán xe vẫn ở mức cao nhưng chất lượng vẫn thua kém xe nhập khẩu. Tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi mới đạt bình quân khoảng 7 - 10%, trong đó Thaco đạt 15 - 18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn nhiều mục tiêu đề ra.

Cùng với đó, có tới 80 - 90% nguyên liệu chính cho sản xuất linh kiện như thép hợp kim, hợp kim nhôm, hạt nhựa, cao su kỹ thuật cao hiện phải nhập khẩu. Vật liệu làm khuôn mẫu chủ yếu cũng phải nhập khẩu. Hàng năm, các doanh nghiệp phải nhập khẩu khoảng 2-3,5 tỷ USD các linh kiện, phụ tùng phục vụ cho sản xuất lắp ráp và sửa chữa xe.

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các chính sách phát triển ôtô điện cần được đặt trong chính sách chung về phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.

Điều này sẽ giúp bổ trợ, tiếp sức cho các nhà sản xuất ôtô trong nước. Quan điểm này cũng đã được đề cập trong báo cáo gửi Chính phủ của Bộ Công Thương.

Để giảm giá thành xe điện, Bộ đề xuất áp thuế suất tiêu thụ đặc biệt với ôtô điện trên cơ sở mức phát thải CO2 ra môi trường. Theo đó, thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với xe điện chạy pin (BEV) và xe điện nhiên liệu hydro (FCEV) sẽ ở mức thấp nhất.

Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe hybrid (HEV) và xe hybrid sạc ngoài (PHEV) sẽ ở mức cao hơn so với xe điện chạy pin, xe điện nhiên liệu hydro. Các mức thuế này sẽ giữ nguyên và tăng dần để khuyến khích sử dụng xe BEV, FCEV, giảm dần ưu đãi cho xe HEV và PHEV.

Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ “có thể xem xét” cho thí điểm đề xuất miễn thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ trong 5 năm với ôtô điện dưới 9 chỗ của VinFast. Điều này sẽ khuyến khích sản xuất, hỗ trợ người tiêu dùng chuyển sang sử dụng ôtô điện, góp phầnmôi trường.

Về điều này, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng có thể thử nghiệm ở cơ chế hạn ngạch, tức là áp dụng một hạn ngạch hỗ trợ tài chính theo từng năm khi thử nghiệm. Điều này vừa không tác động quá tiêu cực đến các nhà sản xuất xe xăng cũng như ngân sách nhà nước, lại vừa giúp đánh giá phản ứng và khả năng tiếp nhận của thị trường thông qua tỷ lệ khách hàng mua ôtô điện không có hỗ trợ tài chính.

Tòa nhà Landmark 81, Thành phố Hồ Chí Minh. - Sputnik Việt Nam, 1920, 20.04.2021
VinFast đưa Việt Nam lên vị thế mới trên bản đồ công nghiệp ô tô thế giới

Theo ông Tuấn, cần nghiên cứu các chính sách cụ thể, đồng bộ về phát triển thị trường xe điện trong tương lai dài hạn, không chỉ là chính sách hỗ trợ tài chính mà cả cơ chế phát triển công nghệ cho xe điện, cũng như với các chính sách phi tài chính khác.

“Các cơ chế chính sách như vậy mới có thể thu hút và hỗ trợ các nhà sản xuất phát triển công nghệ ở thị trường Việt Nam, tránh trường hợp các biện pháp hỗ trợ lại làm lợi cho xe nhập khẩu”, x trưởng phòng Pháp chế VCCI phân tích.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần đặt ra tiêu chuẩn rõ ràng và khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư hệ thống trạm sạc, phát triển trạm sạc pin xe điện tích hợp năng lượng mặt trời, hoặc các cửa hàng đổi pin trên đường, pin đổi được sạc từ năng lượng mặt trời...

Ngoài ra, cần xây dựng quy trình thu hồi và xử lý pin để đảm bảo phát thải khí nhà kính của toàn bộ vòng đời xe điện, vốn thấp hơn xe chạy nhiên liệu hoá thạch. Song song đó là phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để cung cấp linh kiện, phụ tùng cho sản xuất, lắp ráp xe điện. Xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về xe điện, trạm sạc xe điện.

Trong năm vừa qua, Chính phủ đã quyết định danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, bao gồm công nghệ chế tạo pin nhiên liệu (fuel cell) và năng lượng hydrogen, công nghệ lưu trữ năng lượng... Đây sẽ là các chính sách giúp tạo bước đà cho doanh nghiệp, từ đó đưa ngành công nghiệp ô tô điện Việt Nam sớm bắt kịp xu thế chung của thế giới.

Nếu chậm trễ phát triển xe điện, Việt Nam sẽ tụt hậu

Đây là quan điểm của rất nhiều chuyên gia về công nghiệp ô tô. Ông Stephen David Wade, Giám đốc mua hàng của VinFast cho rằng, việc chậm trễ trong ban hành chính sách về ô tô khiến Việt Nam đi sau các quốc gia trong khu vực 20 đến 30 năm.

Xe VinFast. - Sputnik Việt Nam, 1920, 16.04.2021
Xe VinFast “gây sốt” ở Việt Nam, Vingroup muốn xây thêm nhà máy ô tô

Theo chuyên gia, đối với xu hướng ô tô điện, Việt Nam và các nước đang xuất phát cùng nhau nên Việt Nam cần nhanh chóng ban hành các chính sách thích hợp và kịp thời để không bị trễ như trước kia.

“Mục tiêu của Việt Nam là phát triển thị trường ô tô lành mạnh, đủ lớn cho nhà sản xuất ô tô trong nước phát triển”, Giám đốc mua hàng của VinFast khẳng định.

Ông Lee Jong Seob, Chủ tịch Kotra Đông Nam Á và châu Đại Dương cho rằng, Việt Nam hiện đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh công nghiệp ô tô. VnEconomy dẫn lời vị chuyên gia cho biết, với giá trị xuất khẩu 5 tỷ USD và nhập khẩu 4 tỷ USD trung bình những năm gần đây, lĩnh vực phụ tùng ô tô của Việt Nam thực sự có nhiều tiềm năng.

“Chúng tôi dự báo quy mô thị trường ô tô Việt Nam sẽ vào khoảng 500.000 chiếc/năm”, ông Lee dự báo.

Tương lai của ngành công nghiệp ô tô thế giới là chiếc xe không phát thải, là ô tô điện. Do đó, để bước chân vào thị trường ô tô, ngay từ bây giờ, Việt Nam phải đặt ra mục tiêu cụ thể cho ngành công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là đối với xe điện.

“Chúng ta đi dần dần vì không thể làm được ngay. Phải khuyến khích doanh nghiệp sản xuất trong nước”, chuyên gia lưu ý.

Các chuyên gia một lần nữa nhấn mạnh, sự bùng nổ của xu hướng sử dụng xe điện sẽ tạo ra cơ hội hiếm hoi cho Việt Nam tạo dựng được vị thế mới của mình trong chuỗi cung ứng giá trị ô tô toàn cầu.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала