Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ký ức của người Nga

© AP Photo / Dennis Grayđại tướng Võ Nguyên Giáp
đại tướng Võ Nguyên Giáp - Sputnik Việt Nam, 1920, 25.08.2021
Đăng ký
Tại một trong những cuộc gặp đầu tiên của hội nghị Paris đàm phán về Việt Nam, trưởng đoàn Mỹ Henry Kissinger đã nói với đại diện Việt Nam Lê Đức Thọ rằng các nhà đàm phán cần quên đi quá khứ và nghĩ về tương lai.
Ông Lê Đức Thọ đã phản đối một cách đúng đắn rằng một dân tộc lãng quên quá khứ ắt sẽ phải hứng chịu những nặng nề quá khứ đó tái diễn lần nữa.
Ở Việt Nam, quá khứ không bị lãng quên. Mọi người biết rõ về lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước của quê hương. Và các thế hệ đời sau đều ghi nhớ kính trọng các vị lãnh đạo quân sự đã có tài thao lược và công lao điều quân khiển tướng chiến đấu bảo vệ nền độc lập của đất nước: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung. Trong đền thờ vinh quang này có cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhân vật được kỷ niệm sinh nhật lần thứ 110 vào ngày 25 tháng 8.
Trong lịch sử nhân loại không phải mỗi thế kỷ đều xuất hiện những nhân vật tầm cỡ và có ảnh hưởng kỳ vĩ như vậy, - một chuyên gia lớn của Nga về Việt Nam là GS-TSKH Vladimir Kolotov nêu nhận xét trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.

Người cuối cùng trong nhóm cộng sự vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh

 Ông Võ Nguyên Giáp từ trần ở tuổi 102 đã là người cuối cùng trong nhóm những nhân vật lỗi lạc gánh vác vai trò lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam trong thế kỷ 20 và giành được độc lập tự do cho đất nước. Đối với nhiều thế hệ và không chỉ riêng ở Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh và các cộng sự Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp đã thành tấm gương điển hình về những người yêu nước chân chính và kiên trung. Họ đã chiến đấu với kẻ thù trên những mặt trận khác nhau: chính trị, tư tưởng, ngoại giao, kinh tế và tất nhiên, trên các chiến trường. Và chính tại mặt trận này, chiến lược gia, nhà chỉ huy quân sự kiệt xuất Võ Nguyên Giáp là cộng sự chính và đáng tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong những năm ở Việt Nam là tình trạng «một cổ hai tròng» khi người dân phải sống dưới ách cai trị của chế độ Pháp-Nhật, Võ Nguyên Giáp đã lập ra những đơn vị đầu tiên của QĐND Việt Nam từ số 0, - GS Kolotov nói tiếp. Ông trở thành Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và là Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam. Dưới sự chỉ huy của ông trong chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu, đội quân viễn chinh hùng mạnh của Pháp đã bị đánh bại tan tác năm 1954.

 Võ Nguyên Giáp và Điện Biên Phủ không tách rời

Trận giao tranh Điện Biên Phủ đã trở thành sự kiện lịch sử đích thực tầm cỡ, không chỉ thay đổi thế giới, mà còn thay đổi cả cách nhìn của chúng ta về thế giới. Tư duy cũng như kế sách tác chiến, chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong việc vạch kế hoạch, chuẩn bị và tiến hành trận đánh này có ý nghĩa hết sức to lớn quan trọng đối với vận mệnh của hàng chục triệu đồng bào, đối với sự nghiệp khôi phục chủ quyền của quê hương đất nước và đối với tương lai sự phát triển tiếp theo của lịch sử dân tộc.
Như nhận xét của vị tướng kiêm sử gia quân sự Mỹ Philip Davidson, người từng nhiều năm nghiên cứu chuyên sâu về những cuộc chiến tranh Đông Dương, phía Pháp cho rằng trong trận Điện Biên Phủ dự trữ đạn pháo của quân đội Việt Nam khó có thể duy trì được lâu, sẽ mau cạn và tiếng súng sẽ tắt chỉ sau 5-6 ngày giao đấu. Trên thực tế, trong chặng dài 55 ngày đêm chiến trận, bộ đội Việt Nam đã nã tới 93.000 quả đạn pháo vào kẻ thù.
Và những hy vọng cuối cùng của quân tướng Pháp về một kết thúc thành công của trận chiến đã tiêu tan khi tại khu lòng chảo Điện Biên Phủ vang lên tiếng gầm của giàn tên lửa từ bệ phóng «Katyusha» mà Matxcơva viện trợ cho Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thời gian đó, vị tướng tài Võ Nguyên Giáp lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam DCCH, và sau này là CHXHCN Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng như trong cuộc chiến tranh biên giới chống quân bành trướng Trung Quốc năm 1979, - chuyên gia Nga nói tiếp. Chính trong thời kỳ này, các kẻ thù bên ngoài bị đập tan, đặt nền móng cơ bản cho nền độc lập và an ninh của Nhà nước Việt Nam hiện đại, nhờ đó mà đạt tới sự phát triển nhanh chóng về sau của đất nước.

Nước Nga, người Nga nhớ Võ Nguyên Giáp

Nhiều người Nga có cơ may tiếp xúc đều lưu giữ những kỷ niệm khó phai mờ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông Nikolai Kolesnik, Chủ tịch tổ chức xã hội của các cựu chiến binh Nga trong Chiến tranh Việt Nam, là một trong những chuyên gia tên lửa đầu tiên của Liên Xô được cử sang phục vụ tại Việt Nam DCCH năm 1965 và đã tham gia những trận đánh đầu tiên với máy bay Mỹ. Trước khi ông và các đồng ngũ phục vụ một năm ở Việt Nam chuẩn bị trở về Matxcơva, nhà chỉ huy quân sự Việt Nam Võ Nguyên Giáp đã gặp các quân nhân Xô-viết. Ông Nikolai Kolesnik nhớ lại như sau:
«Nhóm chúng tôi có khoảng một trăm người, được mời đến Bộ Quốc phòng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp bước ra gặp chúng tôi, ông tràn đầy năng lượng và cái nhìn bao quát. Ông phát biểu khúc chiết ngắn gọn về sự giúp đỡ to lớn mà QĐND và nước Việt Nam DCCH đã nhận được từ Liên Xô. Đại tướng đánh giá cao những gì mà các chuyên gia quân sự Xô-viết đã làm được ở Việt Nam. Vị chỉ huy quân sự cấp cao ghi nhận rằng chỉ trong thời gian ngắn, chúng tôi đã giúp huấn luyện 3 trung đoàn tên lửa phòng không của Việt Nam, đồng thời trực tiếp bắn rơi hàng chục máy bay địch. Sau đó, mỗi người chúng tôi được trao tặng huy chương «Hữu nghị», Bằng khen có chữ ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, và kỷ vật độc đáo là một chiếc sừng trâu với hình ảnh những con cò và hoa huệ chạm khắc rất tinh vi khéo léo».
Ông Nikolai Kolesnik còn có dịp gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp lần thứ hai vào năm 2005, khi ông trở lại thăm Việt Nam trong thành phần phái đoàn các CCB Nga từng phục vụ tại Việt Nam và đại biểu Hội Hữu nghị Nga-Việt.
Đào tạo sĩ quan phi công Việt Nam tại Liên Xô - Sputnik Việt Nam, 1920, 24.07.2020
Người Mỹ "nhảy với tử thần" trên bầu trời Việt Nam
«Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời đoàn chúng tôi đến nhà riêng. Ông thân mật chào hỏi mọi người, cùng ngồi vào bàn với trà và hoa quả. Ông ngồi ở giữa và hỏi chuyện mọi người. Và không hiểu sao, ông chăm chú nhìn tôi. Có lẽ vì trên ve áo tôi gắn những phần thưởng Việt Nam, trong đó có tấm huy chương mà ông đích thân trao cho tôi 39 năm trước cuộc gặp này. Thấy vị chủ nhà tiếp tục nhìn nên tôi quyết định là thành viên đầu tiên thay mặt đoàn lên tiếng.
Ông không chút xa cách mà cư xử với chúng tôi bình đẳng, thân ái như bạn bè, như với những vị khách quý. Tôi rất ấn tượng bởi cách nói rõ ràng, thông thái và ánh mắt trong sáng tươi cười của ông - lúc đó dường như không nghĩ trước mặt tôi là cụ già 94 tuổi, mà là con người tràn đầy sức sống năng động trẻ trung. Bởi thế ngay lập tức tôi nhớ đến hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã trao phần thưởng cho tôi vào năm 1966».

Võ Nguyên Giáp và «Katyusha» một lần nữa

Giai đoạn 1965-1967, Thiếu tướng Grigory Belov là Trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam. Như ông kể trong cuộc phỏng vấn của Đài «Tiếng nói nước Nga» (tên gọi trước đây của Sputnik), vào mùa xuân năm 1966, - đã có kế hoạch cung cấp các bệ phóng tên lửa cho Quân Giải phóng của Mặt trận DTGP miền Nam Việt Nam thông qua Việt Nam DCCH.
Các giàn tên lửa đó chính là «Katyusha» nổi tiếng trong những năm chiến đấu của quân dân Liên Xô chống Đức Quốc xã, cũng như trong trận Điện Biên Phủ, nhưng khi đó chỉ là loại thu nhỏ, gắn trên giá ba chân.
«Để giới thiệu việc bắn «Katyusha» cho lãnh đạo Việt Nam thị sát, đã chọ thao trường nơi đặt các mô hình trực thăng, xe bọc thép và hầm kiên cố bê-tông cốt thép. Cuộc pháo kích cần được thực hiện với 12 «Katyusha» cỡ nhỏ, từ khoảng cách 8 km. Không lâu trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có mặt tại hiện trường. Chúng tôi cùng nhau kiểm tra lại vị trí bắn, bệ phóng tên lửa và đạn dược. Bộ trưởng nhiệt liệt hoan nghênh những các pháo thủ đến từ Matxcơva và quan tâm hỏi chuyện họ tham gia cuộc chiến chống phát-xít Đức. Còn khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tới, 144 quả đạn pháo đã được nã vào mục tiêu huấn luyện trong vòng 15 phút. Những gì bày ra trước mắt chúng tôi tại địa điểm bắn nổ là cảnh hủy diệt hoàn toàn. Công sự bằng bê-tông cốt thép, mô hình trang bị chiến đấu bị phá tan và cháy trụi, giao thông hào lấp đầy đất. Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời các chiến sĩ pháo binh Liên Xô dự tiệc chiêu đãi tại Bộ, trao tặng huân chương và quà kỷ niệm cho mọi người».

Võ Nguyên Giáp và cuộc ném bom «Giáng sinh» của người Mỹ

Trong vòng hai năm, trưởng phái đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam DCCH là Thượng tướng Anatoly Khiupenen. Ông đến Hà Nội ngày 15 tháng 12/ năm 1972.
Những người anh hùng trong cuộc chiến tên lửa Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 01.04.2016
Nhớ về những người anh hùng trong cuộc chiến tên lửa Việt Nam
«Chiều tối ngày 18 tháng 12, trong khi đang diễn ra lễ chiêu đãi do Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp chủ trì, bỗng vang lên còi hiệu báo động phòng không. Máy bay của Không lực Hoa Kỳ bắt đầu cái gọi là trận ném bom «Giáng sinh» oanh tạc Hà Nội. Trong những ngày căng thẳng đó, tôi đã làm việc với Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam Văn Tiến Dũng và cấp phó của ông là tướng Phùng Thế Tài. Những vấn đề phức tạp nhất đều được thảo luận xin ý kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tôi đã có thể thực hành những kiến ​​thức được trang bị tại Học viện quân sự  Liên Xô. Thật ra, hai năm phục vụ ở Việt Nam đã trở thành học viện quân sự thứ hai đối với cuộc đời tôi», - ông Khiupenen cho biết trong cuộc phỏng vấn của Đài «Tiếng nói nước Nga».
Khi là Trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam DCCH những năm 1967-1969, Trung tướng Mark Vorobyov cũng từng nhiều lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tháng 2 năm 1973, ông lại đến Hà Nội với tư cách là thành viên phái đoàn quân sự Liên Xô. Ông ghi nhớ những lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói hôm 7 tháng 2: «Nếu như không có chiến thắng của lực lượng tên lửa phòng không Hà Nội trước B-52 Mỹ, thì cuộc đàm phán ở Paris sẽ kéo dài, và hiệp định chấm dứt chiến tranh có lẽ sẽ không được ký kết. Nghĩa là, chiến thắng của lực lượng tên lửa phòng không cũng là thắng lợi to lớn về chính trị».

Võ Nguyên Giáp và doanh nghiệp «Vietsovpetro»

Còn nhớ mãi hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các cán bộ người Nga của xí nghiệp liên doanh «Vietsovpetro». Trong những thập kỷ cuối đời, cựu Bộ trưởng luôn chăm chú theo dõi những bước đi thành công của liên doanh với sự quan tâm to lớn. Ông tham dự các lễ kỷ niệm và ngày hội nhân thành lập «Vietsovpetro»., đánh giá cao tầm quan trọng của liên doanh này đối với đời sống thời bình và phát triển kinh tế của Việt Nam, chính là những mục tiêu mà ông và đồng đội đã chiến đấu trên các chiến trường để mở đường thắng lợi.
«Ký ức về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam, sẽ còn sống mãi trong sự biết ơn yêu kính của các thế hệ con cháu, và tên tuổi của ông vĩnh viễn in đậm trong lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới», - GS-TSKH Vladimir Kolotov khẳng định.  
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала