Hậu giãn cách: Ngành F&B Việt Nam thích ứng như thế nào để "bùng nổ”?

© AP Photo / Hau DinhBánh burger hình coronavirus "Corona burger" tại một nhà hàng ở Hà Nội, Việt Nam
Bánh burger hình coronavirus Corona burger tại một nhà hàng ở Hà Nội, Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 23.09.2021
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Dịch Covid-19 bùng phát kéo theo các đợt giãn cách kéo dài đã gây nên nhiều khó khăn và thử thách đối với mọi doanh nghiệp ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống (F&B) tại Việt Nam. Vậy khi chấp nhận “sống chung” với dịch Covid-19 xu hướng phát triển nào giúp cho ngành F&B hồi phục lại nhanh chóng và bền vững để phát triển?
Hoạt động kinh doanh ẩm thực diễn ra sôi động với số lượng lớn chạm mốc 540.000 nhà hàng, 22.000 quán cà phê, quầy bar; doanh thu năm 2019 chạm mốc 200 tỷ USD, tăng 34% so với năm 2018. Năm 2020 và 2021 được dự báo sẽ là năm tăng trưởng nhanh chóng của ngành F&B, tuy nhiên đại dịch Covid-19 đã khiến ngành F&B có nhiều thay đổi và chịu tác động lớn.

Đại dịch là cơ hội vàng hay thách thức?

Thực tế cho thấy, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi toàn bộ hành vi của người tiêu dùng, cách vận hành của thị trường bán lẻ với những cơ hội xen lẫn thách thức. Đánh giá về sự thay đổi này, ông Chử Hồng Minh, Chủ tịch Doanh nghiệp xã hội Hiệp hội Nhà hàng Việt Nam (RAV), chia sẻ với Sputnik:
“Với tác động của Covid-19, trong giai đoạn người dân vẫn có thể đi lại và ăn uống ở ngoài thì nhu cầu tiêu dùng và ăn uống nhà hàng đã giảm 50% - 60% so với trước đây. Về mật độ và chi tiêu cho mỗi bữa ăn giảm từ 30% - 50% so với trước Covid-19. Dễ dàng thấy, xu hướng tiêu dùng và sử dụng thực ẩm "ready to eat”, "ready to cook” và “ready to heat”. Nghĩa là người tiêu dùng mua về có thể nấu, hâm nóng hoặc ăn ngay, nghĩa là đây là sản phẩm tiện dụng. Một điểm rất thú vị mà chúng ta không thấy được trong bối cảnh bình thường trước Covid-19, đó là hành vi tiêu dùng của nhóm người 50-65 tuổi đã quen với việc đặt hàng, đồ ăn trực tuyến”.
Cũng theo ông Chử Hồng Minh, trong từ 3 - 6 tháng tới, những thói quen này sẽ tiếp tục tác động mạnh hơn nữa bởi diễn biến tiếp theo của dịch.
“Như một hệ quả tất yếu, vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn cho người tiêu dùng đang là yếu tố hàng đầu để một người tiêu dùng chọn ăn tại một hàng quán nào đấy. Không chỉ dành cho các nhà hàng cao cấp mà mô hình nhà hàng trung cấp (casual dining) cũng đặt lên hàng đầu. Đây là yếu tố đầu tiên quyết định sự lựa chọn nhà hàng của khách hàng” - Chủ tịch Doanh nghiệp xã hội Hiệp hội Nhà hàng Việt Nam (RAV) cho biết thêm.

“Bình thường mới” của doanh nghiệp F&B sẽ thế nào?

Nếu trước kia, mục tiêu "dập dịch” được đặt lên hàng đầu, thì hiện nay mục tiêu “sống chung với dịch” được Việt Nam áp dụng. Việc này làm thay đổi quyết định của doanh nghiệp trong ngành F&B về quy trình cũng như các vấn đề kinh doanh liên quan.
Theo ông Chử Hồng Minh, cho biết, trong 3 khảo sát của RAV năm 2020 cho thấy, hơn 60% doanh nghiệp F&B kỳ vọng sẽ trở lại hoạt động bình thường với mức doanh thu bình thường trước Covid-19 vào quý 3 năm 2021. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại chúng ta không thể có điều đấy khi đợt dịch thứ 4 bùng phát và tác động vô cùng sâu sắc, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp F&B. Tuy nhiên, giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ & siêu nhỏ trong ngành F&B có sự khác biệt khá rõ nét trong phục hồi sau giãn cách. Ông Chử Hồng Minh, Chủ tịch RAV chỉ rõ:

“Đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, trở lại khi "bình thường mới” là đáp ứng các tiêu chuẩn phòng, chống Covid-19. Khi được hướng dẫn đầy đủ và được phép mở cửa trở lại, thì đây là nhóm doanh nghiệp mở lại sớm nhất và rất nhanh do không bị trở lại quá lớn về mặt tài chính hay nhân lực khi vận hành lại. Điều này khác biệt lớn đối với nhóm doanh nghiệp lớn, các tập đoàn hay các nhà hàng fine dining. Ngoài việc các franchise (chuỗi) lớn đã bắt đầu mở cửa lại dần dần các nhà hàng khi các nhà hàng đó đáp ứng được tiêu chuẩn về phòng dịch. Tuy nhiên, họ lại vướng trở ngại về nhân lực. Họ vẫn duy trì được một số vị trí key nhằm làm việc và hoạt động trong quá trình dịch. Nhưng các vị trí từ supervisor trở xuống đang thiếu hụt nghiêm trọng. Đây là thử thách tiếp theo mà các doanh nghiệp lớn phải đối mặt”.

Cũng theo Chủ tịch RAV, giải pháp cho cả hai nhóm doanh nghiệp vượt qua khó khăn hậu giãn cách chính là tối ưu hoá kinh doanh online.
“Đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ phù hợp, họ sẽ tối ưu hoá mô hình kinh doanh online do sản phẩm đơn giản. Đối với các doanh nghiệp lớn, sản phẩm của họ phức tạp hơn, yêu cầu chất lượng dịch vụ và trải nghiệm cao hơn. Lúc này, nếu họ muốn kinh doanh online thì phải "redesign” (tái thiết kế) toàn bộ quy trình. Nghĩa là họ vẫn phải đầu tư, tuy không nhiều và lúc này họ phải quyết định rằng, mình có đầu tư hay không cho việc tối ưu hoá các dòng sản phẩm cũ” - Chủ tịch Doanh nghiệp xã hội Hiệp hội Nhà hàng Việt Nam (RAV) chia sẻ với Sputnik.
Đứng trước những thách thức yêu cầu sự linh hoạt, chuyên gia trên đưa ra một số nhận định sau:
“Tuy nhiên, với việc thay đổi nhu cầu của người dùng rất lớn cộng với thị phần của bán hàng online trong bối cảnh dịch và sau dịch đã trở lại trạng thái bình thường, thì thị phần này cũng sẽ tăng. Một số doanh nghiệp lớn sẽ tận dụng nguồn lực có sẵn, thường là cấp cao, để thiết kế sản phẩm và concept, tung ra sản phẩm mới hoàn toàn phù hợp với bối cảnh online để chiếm lĩnh thị phần bán hàng online trong và sau dịch” - Ông Chử Hồng Minh nhấn mạnh.

Ngành F&B cần làm gì để "bùng nổ” trở lại?

Để phục hồi kinh tế sau dịch và tiếp tục tăng trưởng trong năm sau, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp F&B cần hoạch định các chiến lược mở rộng cửa hàng phù hợp. Trong đó cần tập trung vào khâu “Vận hành xuất sắc” (hay còn gọi là OE – Operational Excellence). Đây cũng là chủ đề xuyên suốt của Hội nghị Thượng đỉnh ASIA Food & Beverage Summit 2021, sự kiện quy mô lớn và được mong chờ nhất ngành F&B trong tháng 11 tới đây.
“Chúng tôi lấy “Vận hành xuất sắc” làm chủ đề chính xuyên suốt sự kiện. Mục tiêu ngắn hạn là tối ưu hoá cấu trúc vận hành, cắt giảm lãng phí. Năm 2020 chúng tôi còn bàn đến tối ưu hoá doanh thu nhưng năm nay chúng tôi tập trung vào cắt giảm chi phí và tối ưu hoá, tinh gọn bộ máy. Dưới tác động của Covid-19, phải thiết kế lại toàn bộ quy trình, concept vận hành. Bên cạnh áp dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo có giá trị vào ẩm thực, tối ưu hoá chuỗi giá trị cung ứng với lý do chuỗi bị đứt gãy khá nhiều, các doanh nghiệp đang phải xử lý. Đây cũng là một thử thách của DN hiện tại sau Covid-19. Sau cùng là tất cả những gì mà doanh nghiệp làm để tối đa trải nghiệm khách hàng. Trải nghiệm này rất khác biệt so với trước khi Covid-19 diễn ra” - Ông Chử Hồng Minh, Chủ tịch Doanh nghiệp xã hội Hiệp hội Nhà hàng Việt Nam (RAV) chia sẻ với Sputnik.
Tác động của dịch Covid-19 lần này sẽ là một phép thử “sức đề kháng” đối với những doanh nghiệp kinh doanh ngành F&B. Để tồn tại và trụ vững, các doanh nghiệp F&B cần có sách lược đối phó bài bản và quản trị khủng hoảng. Trong đó, linh hoạt trong vận hành là yếu tố quan trọng. Tốc độ chuyển đổi và chất lượng dịch vụ cũng sẽ là yếu tố quyết định sự sống sót của các doanh nghiệp F&B khi đại dịch Covid-19 đi qua.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала