"Chưa giàu đã già”: "Dấu chấm hết" cho "dân số vàng” Việt Nam?

© Sputnik / Maxim Blinov / Chuyển đến kho ảnhĐại biểu Việt Nam tham gia Festival Thanh niên và Sinh viên thế giới lần thứ XIX tại Sochi.
Đại biểu Việt Nam tham gia Festival Thanh niên và Sinh viên thế giới lần thứ XIX tại Sochi. - Sputnik Việt Nam, 1920, 06.10.2021
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Tuy là đất nước có cơ cấu "dân số vàng” đáng mơ ước tại Đông Nam Á, Việt Nam cũng đối diện nguy cơ sớm bước vào thời kỳ già hóa nhanh chóng. Đến năm 2035, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có dân số già. Già hóa dân số có tác động ngày càng mạnh đối với phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam cả trong cả ngắn hạn và dài hạn.
Mới đây, Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam công bố báo cáo “Việt Nam: Thích ứng với Xã hội Già hóa”. Báo cáo nhận định già hóa dân số có thể khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm lại, làm tăng chi tiêu công và gia tăng áp lực đối với hệ thống cung cấp dịch vụ công nếu không có các cải cách kịp thời.

"Cửa sổ cơ hội” đang khép lại?

Báo cáo mới khẳng định rằng, cơ cấu dân số vàng, trong đó số người trong độ tuổi lao động (15-64) lớn gấp đôi số người phụ thuộc và tổng tỷ lệ phụ thuộc nhỏ hơn 50% - đang tiến sang nửa còn lại và sẽ kết thúc vào khoảng năm 2042. Tuy nhiên, không giống các quốc gia khác đã trải qua quá trình chuyển đổi nhân khẩu học này, Việt Nam đang gặp tình trạng "chưa giàu đã già".
© Flickr / World Bank Photo CollectionTiếng Việt
Tiếng Việt - Sputnik Việt Nam, 1920, 06.10.2021
Tiếng Việt
Thực tế, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện nay bằng khoảng 40% so với mức trung bình thế giới, tỉ lệ này vẫn còn cách xa so với mức thu nhập trung bình cao. Vì vậy, với tốc độ già hoá như hiện nay, Việt Nam có rất ít thời gian để thích nghi cũng như chuẩn bị cho dân số già. Chia sẻ nhận định với Sputnik, Phó Viện trưởng Viện Dân số, Sức khoẻ và Phát triển (PHAD), Ths. BS. Vũ Công Nguyên cho biết:

Tôi cũng có nhận định tương tự các chuyên gia của World Bank về vấn đề già hóa dân số tại Việt Nam. Kết quả tổng điều tra dân số 2019 cho thấy nhóm dân số trên 60 tuổi tại Việt Nam đã > 14.1%, ước tính đến 2030 sẽ là khoảng 18,6 triệu (17.5%) và đến 2050 sẽ là khoảng 32 triệu người (28%). Có nghĩa trong tương lai, số lượng người già sẽ có thể bằng và vượt lên lực lượng lao động chính tại Việt Nam. Thực sự, Việt Nam sẽ trở thành nước chưa giàu mà dân số đã già hóa.

Ths. BS. Vũ Công Nguyên
Phó Viện trưởng Viện Dân số, Sức khoẻ và Phát triển (PHAD)
Việt Nam hiện đang ở ngã rẽ quan trọng. "Cửa sổ cơ hội” về nhân khẩu học đang bắt đầu khép lại khi tốc độ già hóa dân số tăng nhanh. Dân số trong độ tuổi lao động đã giảm kể từ năm 2014 và xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục cho đến năm 2042, khi “cửa sổ cơ hội” sẽ đóng lại.

Thách thức của xã hội già hoá tại Việt Nam

Rõ ràng, thực tế “già mà chưa giàu” đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức. Trong ngắn hạn, già hóa dân số ảnh hưởng đến cơ cấu lực lượng lao động, và từ đó, đến tăng trưởng và phát triển kinh tế. Trong dài hạn, già hóa dân số tạo ra các tác động đa chiều, nhiều lĩnh vực từ kinh tế đến an sinh xã hội và cả văn hóa.
Bà già. - Sputnik Việt Nam, 1920, 16.04.2021
Việt Nam dân số vàng chưa qua, dân số già đã tới
Theo báo cáo của World Bank, nếu không có các cải cách kịp thời, dân số già hóa nhanh sẽ làm tốc độ tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam chậm lại. Kịch bản cơ sở sử dụng tham số trong 15 năm trở lại đây dự báo rằng tăng trưởng giai đoạn 2020-2050 sẽ giảm 0,9% so với 2005-2019, xuống khoảng 5%/năm vào năm 2050. Thêm vào đó, tình trạng già hóa dân số cũng có thể gây thêm áp lực tài khóa do giảm nguồn thu từ thuế thu nhập và tăng chi cho giáo dục, hạ tầng và y tế. Dưới góc độ chuyên môn, Phó Viện trưởng Viện Dân số, Sức khoẻ và Phát triển (PHAD), Ths. BS. Vũ Công Nguyên nhận xét:

Là bác sĩ, tôi có thể thấy được sức ép của việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi lên hệ thống y tế và hệ thống chăm sóc người cao tuổi tại Việt Nam. Sắp tới, số lượng người cao tuổi sử dụng dịch vụ tại các bệnh viện rất lớn. Tuy nhiên, hiện hệ thống y tế cũng như công tác xã hội chưa sẵn sàng cho việc này.

Qua các nghiên cứu của Viện PHAD, Việt Nam cần học hỏi một số mô hình quốc tế để thích ứng với xã hội già hoá mà vẫn giữ được tăng trưởng kinh tế.

Kết quả nghiên cứu dọc về người cao tuổi do Viện PHAD kết hợp với viện ERIA Nhật bản triển khai năm 2019 chỉ ra rằng người cao tuổi tại Việt Nam có khá nhiều bệnh đã được chẩn đoán. Các bệnh đau xương khớp chiếm đến 45% và cao huyết áp chiếm 40.9%. Có đến hơn 70% số người cao tuổi không biết là mình bị mắc cao Huyết Áp cho đến khi được nhóm nghiên cứu đo Huyết Áp và thông báo cho họ biết là họ bị cao huyết áp. Cao huyết áp không được điều trị là nguyên nhân gây đột quỵ và tử vong và tàn tật (liệt nửa người) hàng đầu ở người cao tuổi không phải chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Ths. BS. Vũ Công Nguyên
Phó Viện trưởng Viện Dân số, Sức khoẻ và Phát triển (PHAD)
Tuy nhiên, già hóa dân số cũng tạo ra các cơ hội phát triển ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe và những sản phẩm phục vụ cho người cao tuổi. Nhu cầu chi tiêu cho sức khỏe của người cao tuổi gia tăng, đời sống kinh tế của người dân cả nước có xu hướng được cải thiện nên dịch vụ về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi sẽ phát triển.

“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy Người cao tuổi Việt Nam chưa quen và không thích sống tại các trung tâm chăm sóc người cao tuổi/trại dưỡng lão. Tuyệt đại đa số người cao tuổi Việt Nam muốn sống cùng con cái, tuy nhiên chỉ có chưa đến 2% người chăm sóc là có nhận được những khóa đào tạo cơ bản về chăm sóc người cao tuổi tại nhà.

Ths. BS. Vũ Công Nguyên
Phó Viện trưởng Viện Dân số, Sức khoẻ và Phát triển (PHAD)
Mặc dù vậy, xu thế này sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển các mô hình chăm sóc người cao tuổi hiệu quả, phát triển mạng lưới cơ sở cung cấp, chăm sóc, điều dưỡng người cao tuổi gắn với chăm sóc tại gia đình, cộng đồng. Nhiều loại hàng hóa thực phẩm, dược phẩm, thời trang phục vụ nhóm khách hàng này cũng sẽ có cơ hội phát triển hơn trước.

Giải pháp nào sẽ cứu "dân số vàng"?

Báo cáo của World Bank và JICA đã đưa một danh sách các khuyến nghị toàn diện nhằm giúp Việt Nam đưa ra các chính sách đối phó với hệ quả của việc dân số già hóa nhanh. Trong đó tập trung vào đầu tư vốn nhân lực công bằng và lâu dài, cải cách chính sách lao động nhằm thích ứng cơ cấu dân số và tận dụng tiềm năng công nghệ, tăng hiệu quả chi tiêu công và cải thiện dịch vụ công, cùng với đó là tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
Những người giao hàng chuyện trò chờ nhận đơn hàng, Hà Nội - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.12.2017
Việt Nam và nguy cơ già hóa dân số nhanh
Dân số già hóa nhanh cũng là chủ đề được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm sát sao hiện nay. Thậm chí, trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã dự báo “Xu hướng già hoá dân số nhanh” là một trong những thách thức lớn mà Việt Nam phải giải quyết; trong thời gian tới cần “chuẩn bị điều kiện thích ứng với già hoá dân số”.
Đây còn là vấn đề được các tổ chức khoa học - kỹ thuật - xã hội đặc biệt quan tâm và đưa ra một số khuyến nghị dựa trên các nghiên cứu thực tế.

“Chính phủ cần có những chính sách và chuẩn bị xây dựng hệ thống chăm sóc và hỗ trợ người cao tuổi một cách thực chất và đi vào chiều sâu càng sớm càng tốt. Với tốc độ già hóa dân số như hiện nay, nếu hệ thống y tế không sẵn sàng, sẽ rất nhiều người cao tuổi mắc bệnh mà không được chăm sóc. Do người cao tuổi tại Việt Nam phụ thuộc vào con cái, do đó, các công ty xí nghiệp ở Việt Nam trong tương lai có thể nghĩ đến việc có những trung tâm chăm sóc cụ già ban ngày để con cái có thể gửi các cụ vào đó ban ngày trong khi đi làm và đón về vào cuối giờ chiều giống như gửi trẻ thì người lao động mới yên tâm công tác.

Ths. BS. Vũ Công Nguyên
Phó Viện trưởng Viện Dân số, Sức khoẻ và Phát triển (PHAD)
Cũng theo Ths.BS. Vũ Công Nguyên, một số mô hình người già chăm sóc lẫn nhau có thể sẽ cần được thiết lập để hỗ trợ các gia đình con cái sống và làm việc xa nhà trong khi bố mẹ già không muốn đi lên các khu đô thị vốn xa lạ về nếp sống với các cụ xuất thân từ nông thôn.
Chắc chắn rằng, Việt Nam cần phải đẩy nhanh thích ứng với già hóa dân số, có chính sách tiếp cận toàn diện để chủ động chuẩn bị cho giai đoạn dân số già thông qua các chính sách phát triển dịch vụ chăm sóc xã hội, thúc đẩy cơ chế phối hợp công - tư trong cung ứng dịch vụ chăm sóc xã hội, nhất là khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, gắn kết giữa chăm sóc y tế tại cộng đồng với dịch vụ chăm sóc xã hội chính thức và phi chính thức.
Ý kiến trong bài viết là quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Sputnik.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала