Loạt doanh nghiệp dầu khí, tập đoàn và ngân hàng lớn của Việt Nam vào ‘tầm ngắm’?

© Ảnh : Công luậnKiểm toán Nhà nước Việt Nam
Kiểm toán Nhà nước Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.10.2021
Đăng ký
Những tập đoàn, doanh nghiệp, ngân hàng lớn, dự án trọng điểm nào của Việt Nam vào ‘tầm ngắm’ của Kiểm toán Nhà nước?
Những ngân hàng lớn như Agribank, BIDV, Vietcombank… hay cả Ngân hàng Nhà nước cũng đều nằm trong diện kiểm toán năm 2022.
Ngoài ra, các tập đoàn lớn như EVN, Than – Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, VNPost… cùng loạt dự án đầu tư (cao tốc Bắc – Nam phía Đông, sân bay Long Thành), các dự án nhà máy điện đều được nêu tên trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước.
Đáng chú ý, Kiểm toán Nhà nước cũng nêu tên loạt doanh nghiệp dầu khí Việt Nam sử dụng đất đai sai mục đích, hoặc chưa đạt hiệu quả, trong đó có PV GAS, PV GAS D, PVCFC…

Các tập đoàn nhà nước lớn nào được Kiểm toán Nhà nước nêu danh?

Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh vừa có báo cáo gửi đến Quốc hội về dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2022.
Báo cáo được gửi hôm 7/10, tuy nhiên, phải đến hôm nay, các cơ quan báo chí trong nước mới bắt đầu thông tin rộng rãi về những bộ, ngành, đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, ngân hàng…sẽ được kiểm toán trong năm tới.
Theo đó, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam dự kiến thực hiện 168 cuộc kiểm toán trong năm tới 2022, giảm số lượng so với kế hoạch năm nay.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng hoa chúc mừng Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội và Tổng kiểm toán Nhà nước. - Sputnik Việt Nam, 1920, 07.04.2021
Tân Tổng kiểm toán Nhà nước Việt Nam là ai?
Trong đó, riêng với lĩnh vực doanh nghiệp và tài chính ngân hàng, Kiểm toán Nhà nước dự kiến có 17 cuộc kiểm toán.
Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiến hành kiểm toán tại Ngân hàng Nhà nước, 9 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, 7 ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính, tín dụng và tổ chức khác nhau trong nước.
Theo báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội, cụ thể có 9 tập đoàn, tổng công ty nhà nước của Việt Nam sẽ được kiểm toán về vấn đề quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước trong năm vừa qua.
Trong đó, hàng loạt cái tên lớn trong số các tập đoàn Nhà nước hàng đầu như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC, trước là Vinalines), Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VN Post), Tổng Công ty lương thực miền Bắc (VINAFOOD1), Tổng Công ty Công nghiệp Xi-măng Việt Nam (VICEM)…
“Trọng tâm kiểm toán với các tổ chức và doanh nghiệp này là đánh giá công tác quản lý tài chính và cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước, kiến nghị xử lý các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, đầu tư ngoài ngành, đầu tư ra nước ngoài không hiệu quả”, Kiểm toán Nhà nước khẳng định.

Kiểm toán Nhà nước nhắm đến loạt ngân hàng lớn của Việt Nam

Cũng theo báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh gửi Quốc hội, cơ quan Kiểm toán của Việt Nam sẽ kiểm toán báo cáo tài chính, hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước của Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng thương mại, tổng công ty tài chính, bảo hiểm có quy mô lớn.
Trong đó loạt ngân hàng như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Chính sách xã hội…đều được xướng tên.
Theo ông Trần Sỹ Thanh, Kiểm toán Nhà nước sẽ đánh giá thực trạng tài chính của đơn vị và hiệu quả công tác quản lý, điều hành chính sách tiền tệ.
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc - Sputnik Việt Nam, 1920, 20.05.2019
Kiểm toán nhà nước: 15 dự án BOT và BT có sai phạm
Đồng thời, thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cũng đánh giá hoạt động tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng.
Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước khẳng định, điều này là nhằm đánh giá Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Ngoài ra, còn có những vấn đề về năng lực tài chính, xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42, việc thực hiện cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí, vay không có tài sản bảo đảm để trả lương cho người lao động cũng sẽ được kiểm toán cụ thể.

Các Bộ, ngành Trung ương nào sẽ được kiểm toán?

Báo cáo mà Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh gửi Quốc hội cũng cho thấy, theo kế hoạch, lĩnh vực Ngân sách Nhà nước sẽ kiểm toán ngân sách bộ, cơ quan trung ương.
Trong đó có báo cáo quyết toán của bộ, cơ quan trung ương của 25 Bộ, cơ quan trung ương (đạt tỷ lệ 61% - 25/41 đầu mối kiểm toán các bộ, cơ quan trung ương).
Cùng với đó sẽ là kiểm toán ngân sách địa phương, báo cáo quyết toán ngân sách địa phươg của 59 địa phương (đạt tỷ lệ 94% - 59/63 địa phương).
Ông Trần Sỹ Thanh cũng cho hay, Kiểm toán Nhà nước dự kiến lựa chọn 25 cuộc kiểm toán chuyên đề, trong đó có 4 cuộc kiểm toán chuyên đề phạm vi rộng, như quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tập đoàn tổng công ty và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Ngoài ra còn có việc thực hiện đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ công ích giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Công tác quản lý nhà nước về đất đai giai đoạn 2017-2021 tại Quảng Bình, Cà Mau, Lào Cai, Đồng Nai, Bắc Ninh….
Mục tiêu kiểm toán trong lĩnh vực ngân sách nhà nước là đánh giá thực hiện chính sách tài khoản, điều hành Ngân sách Nhà nước năm 2021 trong điều kiện ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Trong đó có việc giảm thu Ngân sách Nhà nước, chi hỗ trợ, miễn, giảm, giãn thuế và các loại phí, lệ phí, sử dụng quỹ dự trữ quốc gia thực thi chính sách các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chống phòng chống dịch Covid-19.

Loạt dự án xây dựng trọng điểm được kiểm toán

Đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, dự án dự kiến thực hiện 28 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm như: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành - giai đoạn 1.
Đồng thời còn có các dự án giao thông trọng điểm kết nối liên vùng khu vực miền núi phía Bắc, khu vực Đồng bằng sông Hồng, khu vực miền Trung và Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Cùng với đó là các dự án đường ven biển Việt Nam, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, các dự án thủy lợi và các dự án trọng điểm ngành điện như Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên cũng sẽ được kiểm toán chặt chẽ.
Một số dự án nhà máy điện cũng nằm trong kế hoạch kiểm toán năm 2022 của Kiểm toán Nhà nước, đó là các nhà máy thủy điện Đa Nhim mở rộng, thủy điện tích năng Bắc Ái, nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 cùng với các dự án xây dựng đường dây 500kV Sông Hậu - Đức Hòa, Mỹ Tho - Đức Hòa, nhiệt điện Quảng Trạch - Vũng Áng…cũng sẽ được tiến hành kiểm toán.

Nhiều doanh nghiệp dầu khí sử dụng đất sai mục đích?

Báo cáo công tác kiểm toán năm 2021, Kiểm toán Nhà nước cũng đã chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn tại ở một số doanh nghiệp dầu khí.
Đáng chú ý, qua công tác kiểm toán báo cáo tài chính lĩnh vực doanh nghiệp, Kiểm toán Nhà nước phát hiện một số doanh nghiệp còn nhiều diện tích đất chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả như Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) có 6.863,70 m2 đất trống, quá thời hạn đầu tư.
Tại Công ty Cổ phần Phân phối Khí Thấp áp Dầu khí Việt Nam (PV GAS D) có 13.002 m2 đất đang chờ thực hiện dự án.
Giàn khoan dầu khí Việt Nam. - Sputnik Việt Nam, 1920, 29.09.2021
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vừa được trao thêm quyền
Kiểm toán cũng phát hiện Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) chưa sử dụng đất theo đúng kế hoạch, Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí Đông Nam Bộ (PVFCCo-SE) có 17.284 m2 đất chưa sử dụng.
Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, có 2 công ty sử dụng đất không đúng mục đích là Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam (PV GAS LPG) với diện tích 34.100m2 và Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Trung với diện tích 6.602 m2.
Cùng với đó, còn một số doanh nghiệp có hiệu quả đầu tư tài sản cố định và đầu tư tài chính thấp như Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí.
Theo đó, năm 2020, dây chuyền sản xuất phân NPK chỉ đạt 45,6% công suất và 63,2% sản lượng sản kế hoạch, một số kho đầu tư dở dang đang làm thủ tục chuyển nhượng nhưng chưa chuyển nhượng được) và công ty mẹ - PVGAS, công ty mẹ - Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí.
Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện việc công tác quản lý nợ của một số doanh nghiệp chưa chặt chẽ, để phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn như công ty mẹ - PVGAS 568,79 tỷ đồng, công ty mẹ - Mobifone 724,20 tỷ đồng, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí 233,57 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam 70,41 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam 16,16 tỷ đồng.
Báo cáo Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước cũng cho hay, còn một số doanh nghiệp chưa kê khai, nộp ngân sách nhà nước khoản chênh lệch giá khí đối với lượng khí trong bao tiêu bán cho BOT Phú Mỹ 2.2 và BOT Phú Mỹ 3 theo quy định như PVGAS.
Kiểm toán Nhà nước cho biết, kế hoạch năm 2021, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán 190 cuộc (181 cuộc theo kế hoạch kiểm toán đầu năm, 17 cuộc bổ sung, 8 cuộc giảm), dự kiến tổ chức thành 211 đoàn kiểm toán.
Ông Trần Sỹ Thanh cho hay, tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán đến 30/9 đối với 96 báo cáo kiểm toán đã phát hành, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 52.706 tỷ đồng, kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung 67 văn bản pháp luật không phù hợp, kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm đối với từng sai phạm.
Đáng chú ý, trong báo cáo gửi Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, trong năm 2022 sẽ không kiểm toán các đơn vị thuộc ngành y tế, Công an, Quân đội đang tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала