Bà Thái Hương: Áo Thủ tướng đẫm mồ hôi chỉ đạo chống dịch đánh thức nỗ lực cống hiến

© Ảnh : Dương Giang-TTXVNThủ tướng Phạm Minh Chính với các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu - Sputnik Việt Nam, 1920, 12.10.2021
Đăng ký
Bà Thái Hương, nữ Chủ tịch quyền lực của TH True Milk, lãnh đạo Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam cho biết, chính hình ảnh chiếc áo của Thủ tướng đẫm mồ hôi chỉ đạo chống dịch Covid-19 đánh thức các doanh nhân tiếp tục nỗ lực cống hiến.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thấu hiểu những trăn trở lo lắng khó khăn của doanh nghiệp, người lao động, khẳng định, Chính phủ sẽ có chương trình phục hồi kinh tế, từng bước mở cửa lại, có lộ trình, đảm bảo an toàn.

Chủ tịch VCCI: Doanh nghiệp Việt Nam vẫn vững niềm tin

Ngày 12/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt doanh nhân, lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu của đất nước nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).
Cuộc gặp thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, đồng thời, tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp, xây dựng, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ để có sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả.
Sự kiện có sự góp mặt của lãnh đạo Chính phủ. Cụ thể, ngoài Thủ tướng Phạm Minh Chính còn có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Lê Văn Thành, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương.
Đáng chú ý, có 72 đại biểu đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân, hợp tác xã thuộc các thành phần kinh tế của Việt Nam dự sự kiện.
© Ảnh : Dương Giang-TTXVNThủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp đại diện các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp đại diện các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu
 - Sputnik Việt Nam, 1920, 12.10.2021
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp đại diện các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu
Mở đầu buổi gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng các doanh nhân, đồng thời, bày tỏ, ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay được kỷ niệm trong bối cảnh khác với mọi năm, khi cả nước vẫn đang phòng chống đại dịch.
“Dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề tới phát triển kinh tế xã hội, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, Thủ tướng Phạm Minh Chính thấu hiểu.
Tuy vậy, Việt Nam cũng đạt được những thành tích, thành tựu quan trọng, tích cực về kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, đặc biệt là chống dịch.
Theo lãnh đạo Chính phủ, trên phạm vi cả nước, Việt Nam đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh theo các tiêu chí của Bộ Y tế, dù trải qua thời gian hết sức khó khăn, nhất là tại các tâm dịch như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và một số tỉnh phía nam.
“Đây là sự cố gắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có sự cố gắng và đóng góp rất quan trọng của đội ngũ doanh nhân”, người đứng đầu Chính phủ khẳng định và cảm ơn, tri ân tới tất cả hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân trên cả nước.
Phát biểu tại cuộc gặp, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho hay, năm 2021 ghi nhận những khó khăn chưa từng có do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp đối mặt với đứt gãy sản xuất, đứt gãy thị trường, đứt gãy dòng tiền và lao động. Do đó, sự quan tâm của Chính phủ là rất cần thiết trong giai đoạn khó khăn này.
“Đại dịch Covid-19 đang gây khó khăn to lớn cho hoạt động của các doanh nghiệp, giới doanh nhân Việt Nam vẫn vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ”, ông Phạm Tấn Công khẳng định.
Theo Chủ tịch VCCI, những chỉ đạo quyết liệt, sáng suốt của Thủ tướng, sự vào cuộc sâu sát, rốt ráo của các bộ trưởng, đặc biệt là chủ trương mới đây của Chính phủ về chuyển trạng thái sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”, về quyết tâm vừa duy trì sản xuất kinh doanh an toàn, vừa chống dịch hiệu quả, khôi phục kinh tế khiến cộng đồng doanh nghiệp phấn khởi trở lại.
Thực tế, chỉ trong thời gian ngắn hơn 1 tháng, lãnh đạo Chính phủ đã có một loạt cuộc gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe phản ánh những khó khăn, những đề xuất, kiến nghị.
Theo người đứng đầu VCCI, quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới chắc chắn sẽ mất nhiều năm, vì vậy, các doanh nghiệp cũng mong mỏi các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng được ổn định và có thời hạn phù hợp.
Cộng đồng các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, nâng cao trách nhiệm giải trình, đối thoại của các cơ quan Nhà nước để tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp.
Đặc biệt, doanh nghiệp mong chờ và kỳ vọng sẽ sớm có một chương trình tổng thể phục hồi kinh tế được thiết kế khoa học, sát hợp với nhu cầu, điều kiện của các doanh nghiệp, có tính khả thi cao.
Theo ông Công, hành trình phía trước để đưa Việt Nam sánh vai các quốc gia phát triển vào năm 2045 còn rất nhiều chông gai, thách thức. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp xác định “trong nguy có cơ”, lấy dịch Covid-19 là cơ hội, là động lực để nâng cao năng lực quản trị, khả năng ứng phó với các biến động của thị trường, thực hiện chuyển đổi số, cơ cấu lại lực lượng lao động theo hướng bền vững.
Nhấn mạnh, đường đến vinh quang bao giờ cũng nhiều chông gai nhưng lửa thử vàng, gian nan thử sức, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam luôn giữ tinh thần đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm cùng Chính phủ vượt qua đại dịch, đồng hành vượt qua mọi khó khăn như câu chuyện lịch sử Tuần lễ vàng 76 năm trước.
“Các doanh nghiệp quyết tâm duy trì và phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, giữ vững cơ đồ, vị thế mới của đất nước, thực hiện cho được mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 và khát vọng của dân tộc xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra”, ông Phạm Tấn Công khẳng định.

Bà Thái Hương: “Áo Thủ tướng đẫm mồ hôi” đánh thức doanh nhân Việt Nam cống hiến

Phát biểu tại sự kiện, bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sữa TH True Milk, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam có chia sẻ đáng chú ý.
Theo bà Hương, nhiều năm qua, Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam đã nỗ lực xây dựng hình ảnh, khát vọng dân tộc, đánh thức tiềm năng, sức sáng tạo. Đề cập đến những ngày giãn cách căng thẳng nhất vừa qua khi đại dịch gây ra sự khủng hoảng chưa từng có, bà Thái Hương cho rằng, ngay khi dịch bùng phát, Chính phủ và các bộ, ngành đã vào cuộc, lấy sức khỏe, an toàn của người dân làm trọng tâm để đưa ra các quyết sách.
Chính phủ Việt Nam đã luôn cầu thị, lắng nghe ý kiến của người dân, tham khảo những mô hình phòng chống dịch có hiệu quả trên thế giới. Dịch bùng phát nhanh, nghiêm trọng nhưng Chính phủ đã làm mọi cách trong điều kiện có thể.
Nữ Chủ tịch quyền lực của TH True Milk bày tỏ, sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ ngành thực sự đã truyền cảm hứng cho giới doanh nhân.
“Đến giờ hình ảnh áo sơ mi Thủ tướng đẫm mồ hôi khi chỉ đạo phòng chống dịch ở Bình Dương hay hình ảnh những y bác sĩ, công an, bộ đội ăn bữa cơm vội vàng đã đánh thức chúng tôi nỗ lực cống hiến, vượt khó khăn, thách thức, phát triển bền vững”, bà Thái Hương xúc động nói.
Đánh giá cao việc liên tiếp trong tháng 8 và 9, Thủ tướng đã tổ chức 2 Hội nghị lớn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thành lập Tổ công tác đặc biệt xử lý nhanh, triển khai hỗ trợ doanh nghiệp, bà Thái Hương tin mục tiêu tăng trưởng GDP cuối năm 3% của Việt Nam là “khả thi”.

Tướng Lê Đăng Dũng của Viettel: Xây dựng hình ảnh Việt Nam trên thế giới

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu rằng không phải ai khác, mà chính họ là lực lượng chính đóng góp cho ngân sách Nhà nước, phát triển kinh tế đất nước.
Cũng chính các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đóng góp cho việc kinh tế Việt Nam có tăng trưởng hay không, hình ảnh Việt Nam đến với thế giới thế nào.
Ông Dũng đánh giá, Chính phủ đã tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, doanh nghiệp có cơ hội để thực hiện sứ mệnh của mình, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, mục tiêu hướng tới là xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, tham gia tích cực vào chuỗi gía trị toàn cầu, tầm cơ khu vực và thế giới.
“Trên tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ, Chính phủ đã và đang nỗ lực hết sức để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp”, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng nói.
Về phần mình, cộng đồng doanh nghiệp với tinh thần vượt khó, ý chí tự lực tự cường đã đóng góp vào chiến lược chống dịch, nỗ lực thích ứng tình hình mới, duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép.
“Kinh doanh luôn gắn liền với trách nhiệm xã hội, cộng đồng là triết lý chưa bao giờ thay đổi của Viettel, đi cùng nhau không chỉ để đi thật xa, mà phải đi thật nhanh”, quyền Chủ tịch của Viettel nhấn mạnh.
Viettel tuyên bố sứ mệnh tiên phong, chủ lực sáng tạo xã hội số, với mong muốn tổng hợp sức mạnh của các tổ chức, cá nhân, phát triển đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cùng với đó, bằng tất cả mọi thế mạnh về công nghiệp hạ tầng, tài chính, công nghệ và con người, Viettel đã nỗ lực hết sức cùng Chính phủ, nhân dân thực hiện mục tiêu kép, cần chuyển đổi số nhanh hơn, quyết liệt chuyển đổi số y tế, giáo dục, giao thông, thương mại, xây dựng đô thị thông minh và Chính phủ số.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group Đỗ Quang Hiển cho biết, mặc dù thảm họa dịch bệnh lớn nhất trong lịch sử nhưng đã chứng minh ý chí quyết tâm, sự đoàn kết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ.
Theo ông Hiển, nhiều câu nói của Thủ tướng đã thể hiện ý chí mạnh mẽ, quyết liệt, in đậm trong tâm trí các doanh nhân, đồng thời là kim chỉ nam cho con đường phát triển doanh nghiệp.
“Việt Nam đã có đội ngũ doanh nhân hùng mạnh, không ngừng nỗ lực quyết tâm đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển đất nước. Hiện nay, đã chuyển sang thời kỳ bình thường mới, cộng đồng doanh nghiệp sẽ nhanh hơn, quyết liệt hơn nữa”, Chủ tịch T&T nêu rõ.
Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT FLC, Phó Chủ tịch HĐQT hãng hàng không Bamboo Airways, Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nêu quan điểm mong các quy định pháp luật về đất đai và nhà ở, hai lĩnh vực vô cùng quan trọng không chỉ cho cộng đồng doanh nghiệp bất động sản nói riêng, doanh nghiệp nói chung cũng như các địa phương, có thể phát huy tiềm năng, lợi thế, tiếp tục có những cơ sở vững chắc, tạo đà cho sự phát triển.
Đại diện tập đoàn Vingroup, ông Nguyễn Việt Quang cho hay, trong thời gian vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng đều đồng lòng ủng hộ các chủ trương, chính sách, giải pháp phòng chống dịch và có nhiều đóng góp cho công cuộc phòng chống dịch.
© AP Photo / Duc ThanhÔng Nguyễn Việt Quang.
Ông Nguyễn Việt Quang. - Sputnik Việt Nam, 1920, 12.10.2021
Ông Nguyễn Việt Quang.
Cũng tại cuộc gặp mặt, CEO Nguyễn Việt Quang thông báo tiến độ Vingroup nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine tiên tiến nhất tại Mỹ, với mục tiêu đóng góp nhiều hơn nữa cho công tác phòng chống dịch.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết ngành có đóng góp rất lớn vào GDP Việt Nam.
Vị lãnh đạo đề xuất các giải pháp trước thực trạng các doanh nghiệp trong ngành hiện gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động trở lại, đồng thời kiến nghị xử lý một số vướng mắc trong các quy định của pháp luật khi xử lý các tranh chấp do tác động của dịch bệnh, vấn đề lãi suất cho các doanh nghiệp trong ngành xây dựng.

Đảm bảo dòng tiền không bị đứt gãy

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng luôn đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của mọi chính sách và hệ thống ngân hàng luôn quán triệt quan điểm này của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo bà Hồng, trong 9 tháng qua, các cơ quan đã phối hợp triển khai chính sách tiền tệ, tài khóa hài hòa và hợp lý, giữ được ổn định vĩ mô trong bối cảnh có nhiều tác động bất lợi. Điều này thể hiện ở lạm phát thấp, thị trường tiền tệ, tý giá, ngoại hối ổn định, mặt bằng lãi suất tiếp tục có xu hướng giảm. Thời gian tới, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân nhưng đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Bà Hồng cũng đề nghị các doanh nghiệp cũng hết sức chia sẻ với hệ thống ngân hàng trong quá trình này.
Bà Thái Hương - Chủ tịch Tập đoàn TH người thay đổi thị trường sữa Việt Nam với sản phẩm sữa tươi sạch TH true MILK - Sputnik Việt Nam, 1920, 24.03.2017
Thái Hương – Từ cánh đồng hoa hướng dương đến “cánh đồng Tầm vóc Việt”
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, thời gian tới, cần bảo đảm sự thông suốt của chuỗi sản xuất và cung ứng. Đây không phải chỉ có sản xuất và cung ứng trong nước, mà còn liên thông với thị trường bên ngoài.
Vấn đề thứ hai là đảm bảo dòng tiền không bị đứt gãy. Dòng tiền này có mối liên hệ giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ.
Về chính sách tài khoá, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp và doanh nhân để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các chính sách ưu đãi thuế phí, để bảo đảm chúng ta có nguồn lực hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, Bộ Tài chính tiếp tục bố trí nguồn lực tiêm chủng vaccine mở rộng và giải pháp phòng, chống dịch, hỗ trợ vùng dịch.
“Về phối hợp giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, chúng tôi sẽ cùng với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu báo cáo với Thủ tướng Chính phủ xem xét cơ chế lãi suất đối với doanh nghiệp vay vốn ngân hàng có nguồn lực đẩy mạnh sản xuất kinh doanh”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh.

“Tất cả vì đất nước, dân tộc”

Kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, còn những việc chưa làm được do nguyên nhân chủ quan, khách quan. Chính phủ nhìn nhận điều này một cách khách quan và thẳng thắn, tìm giải pháp khắc phục những hạn chế, cố gắng làm tốt hơn vì quốc gia, dân tộc, nhân dân, trong đó có doanh nghiệp.
“Chúng tôi rất thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của người dân và doanh nghiệp, càng trân trọng những đóng góp của người dân và doanh nghiệp bao nhiêu thì càng thấy trách nhiệm của mình”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Lãnh đạo Chính phủ kêu gọi sự đồng lòng, chung sức, quyết tâm, phát huy tài sản vô giá của dân tộc ta là tinh thần đại đoàn kết dân tộc để vượt qua khó khăn, thách thức, lấy đó làm động lực phấn đấu, vươn lên, mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.
Theo ông Phạm Minh Chính, điều quan trọng trong thời gian tới là kiểm soát được dịch bệnh để phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ sẽ sớm hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung hỗ trợ khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp.
Thủ tướng nhắc lại nhiều bài học trong thực hiện các bài học này, như giãn cách hẹp nhất tại Hà Nam, xét nghiệm thần tốc tại Hà Nội và thiết lập hơn 400 trạm y tế lưu động ngay tại xã, phường, thị trấn tại TP. Hồ Chí Minh. Cùng với đó là bài học huy động nguồn lực từ nhiều địa phương để tổng lực hỗ trợ một địa phương khoanh vùng, kiểm soát dịch trong thời gian ngắn nhất, sớm nhất.
“Một thôn có dịch thì cả phường tập trung làm, một xã có dịch thì cả huyện tập trung làm, một tỉnh có dịch thì dồn lực các tỉnh xung quanh để làm”, lãnh đạo Chính phủ nói và đề xuất tiếp tục thực hiện 5K, chiến lược vaccine, ứng dụng công nghệ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, Việt Nam đang phấn đấu đạt mục tiêu bao phủ vaccine chậm nhất trong quý IV năm 2021 với các đối tượng ưu tiên, trước hết là tiêm hai mũi, trong đó ưu tiên người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, các lực lượng tuyến đầu, người lao động trong các doanh nghiệp. Đồng thời cũng đang nghiên cứu tiêm vaccine cho trẻ em để mở cửa trường học an toàn.
Bà Thái Hương - Sputnik Việt Nam, 1920, 22.08.2018
Bà Thái Hương: Nữ doanh nhân Việt Nam đầu tiên đạt giải vàng “Oscar trong kinh doanh”
Theo người đứng đầu Chính phủ, quá trình mở cửa trở lại, phục hồi và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phải bảo đảm lộ trình an toàn, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, có bước đi thận trọng, càng khó khăn, phức tạp càng phải tỉnh táo, cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng.
Việt Nam cũng nghiên cứu thử nghiệm một số chính sách về du lịch, thương mại và dịch vụ, từng bước mở cửa du lịch an toàn. Nghiên cứu, học tập kinh nghiệm các nước tiên tiến, áp dụng hộ chiếu vaccine để đón chuyên gia và du khách, bảo đảm an toàn. Ngoài ra, kích cầu tiêu dùng, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
“Đây là bài toán khó đòi hỏi chúng ta phải thận trọng, tỉnh táo nhưng không vì thế mà chậm trễ, không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội”, Thủ tướng nói.
Lãnh đạo Chính phủ tin tưởng vào sự hợp tác, đoàn kết của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân với sự nghiệp chung, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân, chung tay xây dựng đất nước hùng cường thịnh vượng.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала