- Sputnik Việt Nam, 1920
Đại dịch COVID-19
Tin tức mới nhất về tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam và thế giới.

‘Tồi tệ hơn’: Thất nghiệp ở Việt Nam cao chưa từng thấy

© Ảnh : Khiếu Tư - TTXVNĐối tượng người lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất từ 25 - 40 tuổi, trong đó, số người lao động bị mất việc do dịch chiếm hơn 60%
Đối tượng người lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất từ 25 - 40 tuổi, trong đó, số người lao động bị mất việc do dịch chiếm hơn 60%
 - Sputnik Việt Nam, 1920, 12.10.2021
Đăng ký
Số liệu từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho thấy, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm ở Việt Nam cao chưa từng thấy. Thu nhập của người dân cũng giảm sâu.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài đã làm tăng tỷ lệ và số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý III năm 2021 này lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam cao chưa từng thấy

Ngày 12/10, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố báo cáo về tình hình lao động việc làm quý III và 9 tháng năm 2021 tại Việt Nam.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê (GSO) cho thấy, trong quý III và 9 tháng năm 2021, diễn biến phức tạp của làn sóng Covid-19 lần thứ tư tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế đã khiến cho tình hình lao động việc làm quý III năm 2021 “tồi tệ hơn”.
“Số người có việc làm giảm sâu so với quý trước và cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên mức cao nhất chưa từng thấy”, Tổng cục Thống kê thừa nhận.
Tổng cục Thống kê cũng nêu rõ, ở Việt Nam, thu nhập bình quân tháng của người lao động “sụt giảm nghiêm trọng” so với quý trước và cùng kỳ năm 2020.
Báo cáo của GSO cho thấy, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong 9 tháng năm 2021 là hơn 1,3 triệu người, tăng 126,5 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,99%, tăng 0,35 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 4,02%, cao hơn 1,64 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.
Nghề dệt thổ cẩm đem lại nguồn kinh tế cho đồng bào dân tộc Lào ở xã Pa Thơm, huyện Điện Biên (ảnh tư liệu). - Sputnik Việt Nam, 1920, 29.09.2020
Nền kinh tế Việt Nam trong cú sốc Covid-19: Tăng trưởng thấp, thất nghiệp cao
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15-24 tuổi) là 7,90%, tăng 0,13 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,79%, tăng 0,26 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Đi sâu hơn về tình hình lao động việc làm quý III năm 2021, liên quan đến lực lượng lao động, Tổng cục Thống kê cho biết, số người từ 15 tuổi trở lên trong quý III năm 2021 là 49,1 triệu người, giảm 2,0 triệu người so với quý trước và giảm 2,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
So với quý II/2021, lực lượng lao động giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn (giảm 1,4 triệu) và ở nữ giới (giảm 1,1 triệu người). So với cùng kỳ năm trước, lực lượng lao động giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn (giảm gần 2,3 triệu người) và lực lượng lao động nam (giảm hơn 1,2 triệu người).
“Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lần thứ tư đã làm lực lượng lao động ở mức thấp nhất kể từ khi dịch xuất hiện”, Tổng cục Thống kê cho hay.
Theo số liệu mà GSO công bố, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý III năm 2021 là 65,6%, giảm 2,9 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 3,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ là 59,4%, thấp hơn 12,8 điểm phần trăm so với nam (72,2%). Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khu vực thành thị là 62,8%, khu vực nông thôn là 67,4%.
Trong khi đó, nếu xét theo nhóm tuổi, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn ở hầu hết các nhóm tuổi, trong đó chênh lệch nhiều nhất được ghi nhận ở nhóm 55 tuổi trở lên (thành thị: 33,3%; nông thôn: 47,2%) và nhóm từ 15-24 tuổi (thành thị: 33,3%; nông thôn: 44,1%).
“Điều này cho thấy, người dân tại khu vực nông thôn gia nhập thị trường lao động sớm hơn và rời bỏ thị trường muộn hơn khá nhiều so với khu vực thành thị. Đây là đặc điểm điển hình của thị trường lao động với cơ cấu lao động tham gia ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao”, Tổng cục Thống kê lưu ý.
Đáng chú ý, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý III năm 2021 là 26,1%, không thay đổi so với quý trước và cao hơn 0,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tại Việt Nam, trong tổng số 25,6 triệu người từ 15 tuổi trở lên không tham gia thị trường lao động (ngoài lực lượng lao động) của quý III năm 2021, có 14,8 triệu người trong độ tuổi lao động, tập trung nhiều nhất ở nhóm 15-19 tuổi (gần 5,5 triệu người).

Bao nhiêu người có việc làm, bao nhiêu người thất nghiệp?

Báo cáo mới nhất mà Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, số lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý III năm 2021 là 47,2 triệu người, giảm 2,6 triệu người so với quý II và giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2020.
Điều này cho thấy tác động rõ ràng của đại dịch Covid-19 lên lực lượng lao động, tỷ lệ người có việc làm ở Việt Nam.
Dây chuyền sản xuất bao, túi đựng chuyên dụng của Công ty Kohsei Multipack Việt Nam tại Khu công nghiệp Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. - Sputnik Việt Nam, 1920, 15.09.2020
Việt Nam đủ năng lực, sáng tạo và khôn ngoan để vực dậy nền kinh tế hậu Covid-19
Đáng chú ý, xu hướng này cũng thấy được ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Lao động có việc làm ở khu vực thành thị là gần 17,0 triệu người, giảm 962,6 nghìn người so với quý trước và giảm 251,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, số có việc làm ở nông thôn là gần 30,2 triệu người, giảm 1,6 triệu người so với quý trước và giảm 2,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Quý III năm 2021, lao động có việc làm trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 14,5 triệu người, tăng 673,1 nghìn người so với quý trước và tăng 479,0 nghìn người so với cùng kỳ năm 2020.
Riêng ngành công nghiệp và xây dựng là 15,7 triệu người, giảm 952,5 nghìn người so với quý trước và giảm 960,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Giảm mạnh nhất là ngành dịch vụ với 17,1 triệu, người giảm 2,3 triệu người so với quý II năm nay và cùng kỳ năm trước.
“Giãn cách xã hội kéo dài trong 3 tháng của quý III đã làm trầm trọng hơn thị trường lao động và ảnh hưởng mạnh tới ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ”, Tổng cục Thống kê chỉ rõ.
Theo đó, số lao động trong hai ngành này đều giảm mạnh chưa từng có trong nhiều năm gần đây. Ngược lại, lao động trong ngành nông nghiệp lại có xu hướng tăng, trái ngược với những xu hướng thường thấy trước đây, chủ yếu là do số lao động mất việc tại các tỉnh thành phía Nam quay trở về địa phương và làm việc trong ngành nông nghiệp.
Ngoài ra, dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến khu vực chính thức làm số lao động trong khu vực này giảm mà còn lan rộng sang cả khu vực phi chính thức khiến người lao động không còn cơ hội tìm được việc làm phi chính thức như thường thấy trước đây.
“Điều này dẫn đến tình trạng nhiều người lao động không thể tìm được việc làm, kể cả việc làm tạm thời trong giai đoạn này”, Tổng cục Thống kê nêu tín hiệu đáng báo động.
Trong quý III năm 2021, số lao động có việc làm chính thức là 15,1 triệu người, giảm 468,9 nghìn người so với quý trước và giảm 657,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Riêng số lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông lâm nghiệp thủy sản là 18,0 triệu người, giảm 2,9 triệu người so với quý trước và giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Nhà máy - Sputnik Việt Nam, 1920, 21.08.2020
Con rồng châu Á đang trỗi dậy. Việt Nam cần vắc-xin riêng cho nền kinh tế
Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý III năm 2021 là 54,5%, giảm 2,9 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 2,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong 9 tháng năm 2021 là 49,0 triệu người, giảm 388,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn và ở nam giới.
Số lao động có việc làm ở khu vực nông thôn là 31,4 triệu người, giảm 800,1 nghìn người và ở nam giới là 26,0 triệu người, giảm 647,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức của cả nước trong 9 tháng năm 2021 là 56,4%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ở khu vực thành thị là 47,8%, giảm 0,2 điểm phần trăm, ngược lại tỷ lệ này ở khu vực nông thôn lại tăng 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Lao động thiếu việc làm của Việt Nam cao nhất trong vòng 10 năm qua

Dựa bào báo cáo của Tổng cục Thống kê có thể thấy, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm ở Việt Nam đang tăng lên rõ rệt do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng như nền kinh tế bị trì trệ.
“Dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, lây lan nhanh và kéo dài đã làm tăng tỷ lệ và số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý III năm 2021 lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua”, Tổng cục Thống kê nhận định.
Theo đó, số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý III năm 2021 là hơn 1,8 triệu người, tăng 700,3 nghìn người so với quý trước và tăng 620,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý III năm 2021 là 4,46%, tăng 1,86 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,74 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị cao hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 5,33% và 3,94%).
“Điều này khác với xu hướng thị trường lao động thường được quan sát ở Việt Nam với tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường nghiêm trọng hơn so với thành thị”, GSO nhấn mạnh.
Ngoài ra, thiếu việc làm trong độ tuổi 9 tháng năm 2021 là hơn 1,3 triệu người, tăng 187,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 3,06%, tăng 0,51 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 3,18%, cao hơn 0,19 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.

Thu nhập của lao động Việt Nam ra sao?

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của lao động quý III năm 2021 là 5,2 triệu đồng, giảm 877 ngàn đồng so với quý trước và giảm 603 ngàn đồng so với cùng kỳ năm trước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn của Nhà máy Alumin Nhân Cơ - Sputnik Việt Nam, 1920, 28.07.2021
Công đoàn Việt Nam: Sát cánh cùng người lao động trong đại dịch Covid-19
Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao hơn lao động nữ 1,40 lần (6,0 triệu đồng so với 4,3 triệu đồng); thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao hơn lao động ở khu vực nông thôn 1,35 lần (6,2 triệu đồng so với 4,6 triệu đồng).
“Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến đời sống của người lao động. Thu nhập bình quân của người lao động Quý III năm 2021 thấp hơn đáng kể so với Quý II năm 2020 (5,2 triệu đồng so với 5,5 triệu đồng), trong khi Quý II năm 2020 đã ghi nhận thu nhập bình quân của người lao động là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây”, Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.
Tính chung 9 tháng năm 2021, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 5,9 triệu đồng, gần như tương đương so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 34 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2019.
Lao động nam có thu nhập bình quân là 6,8 triệu đồng, cao hơn 1,42 lần thu nhập bình quân của lao động nữ (4,8 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động khu vực thành thị cao hơn 1,41 lần thu nhập bình quân lao động ở khu vực nông thôn (tương ứng 7,2 triệu đồng so với 5,1 triệu đồng).
Nền kinh tế chịu tác động mạnh mẽ trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tuy nhiên tính chung 9 tháng năm 2021, thu nhập bình quân của lao động làm công, hưởng lương trong một số ngành kinh tế vẫn có sự tăng trưởng nhất định.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала