Từ vụ Khải Silk đến Biti’s: Không thể đổ lỗi vì Việt Nam nằm ngay sát Trung Quốc

© Ảnh : BitisBiti's Hunter Street x VietMax
Biti's Hunter Street x VietMax - Sputnik Việt Nam, 1920, 15.10.2021
Đăng ký
Đằng sau những bê bối từ vụ Khải Silk bán lụa Trung Quốc, Biti’s dùng gấm Taobao, nền công nghiệp phụ trợ Việt Nam đang ở đâu khi cứ mãi phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu?
Phải làm gì để ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam phát triển? Đất nước còn đó chiến lược “Make in Vietnam”, không thể ỷ lại vào vị trí địa lý nằm ngay sát Trung Quốc nên tiện là nhập. Đã đến lúc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm và nghiêm túc về tiêu chuẩn, xuất xứ hàng hóa, nguyên liệu.

Vì sao Biti’s phải dùng gấm Taobao Trung Quốc?

Từ bê bối lụa ‘hàng Tàu nhãn Việt’ của doanh nhân Hoàng Khải (Khải Silk) đến lời xin lỗi ngay lập tức của Biti’s khi bị phát hiện dùng gấm Trung Quốc (hàng Taobao) để tôn vinh nét đẹp miền Trung, Việt Nam còn phải lo một thực tế khác ở tầm vĩ mô hơn.
Việt Nam đúng là một công xưởng lớn mới nổi của thế giới. Tuy nhiên, khi còn quá phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, chưa tự chủ được ngành công nghiệp hỗ trợ trong chuỗi cung ứng, để trở thành công xưởng số 1 thế giới là một chặng đường còn rất xa.
Quả thật, xuất phát từ chính câu chuyện Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc, hay thực tế đứt gãy chuỗi cung ứng vì khủng hoảng Covid-19 và thiếu nguồn cung, đã có nhiều chuyên gia từng lên tiếng về việc các doanh nghiệp Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung nguyên liệu từ người láng giềng khổng lồ.
Ngày 10/10, đúng dịp “ngàn năm văn hiến”, Biti’s – thương hiệu giày dép nội địa hàng đầu của Việt Nam, cho ra mắt bộ sưu tập mang tên Biti’s Hunter Street Blooming Central nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa miền Trung với tên gọi “Cảm hứng tự hào miền Trung - Hoa trong đá”.
Biti’s khẳng định, để cho ra được bộ sưu tập sản phẩm giày mới độc đáo, hãng đã phải đầu tư, tìm tòi sáng tạo, đa dạng vật liệu, cũng như tốn nhiều công sức sản xuất. Tuy nhiên, sau đó, Blooming Central lại bất ngờ hứng chịu chỉ trích từ dư luận khi Biti’s bị phát hiện dùng chất liệu vải gấm là hàng bình dân Trung Quốc, dễ dàng mua được tại sàn thương mại điện tử Taobao với giá sỉ chỉ từ 40.000 đồng/mét.
Ngoài việc bị “bóc phốt” dùng gấm Trung Quốc, Biti’s còn bị nhận xét rằng các họa tiết thêu trên mẫu gấm với hoa văn Việt Nam (mỹ thuật cung đình triều Nguyễn) không tương đồng.
Tuy nhiên, Biti’s đã rất nhanh chóng công khai nhận trách nhiệm, sẵn sàng lên tiếng xin lỗi, thừa nhận việc sử dụng nguyên liệu Trung Quốc trong sản phẩm của mình.
Biti’s đã không trốn tránh. Không phủ nhận. Đó là chiến lược truyền thông, kinh doanh thông minh, bởi doanh nghiệp giày dép của Việt Nam thừa hiểu, mất uy tín và niềm tin, công ty sẽ mất tất cả.
Như Sputnik đã thông tin, ngay trong tối 12/10, Biti’s Hunter cho hay đã nhận được ý kiến phản hồi cho bộ sưu tập Biti’s Hunter Street Blooming Central liên quan đến nguồn gốc chưa rõ ràng của những họa tiết trên vải thổ cẩm và về nguồn gốc vải gấm.
Đối với việc bị tố dùng chất liệu vải gấm Taobao Trung Quốc, Biti’s Hunter công nhận “đã chọn lựa vải gấm đến từ Trung Quốc để thể hiện ý tưởng sản phẩm”.
Phía Biti’s lý giải, trước đó doanh nghiệp đã cố gắng tìm kiếm nguồn nguyên liệu vải trong nước nhưng chưa tìm được nhà cung cấp có vải dệt phù hợp. Đồng thời, trong bối cảnh ngành công nghiệp phụ trợ cho giày dép trong nước còn nhiều hạn chế, cũng như dịch bệnh hoành hành trong suốt thời gian qua.
“Tuy nhiên, Biti's Hunter xin hoàn toàn thừa nhận trách nhiệm về sự lựa chọn chưa thấu đáo này và cần nỗ lực nhiều hơn nữa để đáp ứng được sự kỳ vọng của người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt đối với dòng sản phẩm ‘Proudly Made in Vietnam’ đầy tính tự hào”, Biti’s đã dũng cảm thừa nhận.
Biti’s cam kết khắc phục nhanh chóng nhất theo hướng thay thế chất liệu vải gấm lấy cảm hứng từ văn hóa nghệ thuật Huế, hoàn thiện sản phẩm hơn, đáp ứng được yêu cầu, mong mỏi của người tiêu dùng Việt.
“Biti’s Hunter cũng gửi lời xin lỗi vì chưa đáp ứng được mong đợi của những người bạn đã tin tưởng, kỳ vọng và yêu thương thương hiệu”, hãng giày dép nổi tiếng của Việt Nam công khai nhận lỗi.

“Khó khăn là Việt Nam nằm ngay cạnh công xưởng của thế giới”

Trong các tuyên bố đưa ra, đại diện Biti’s nhắc nhiều đến việc thiếu nguồn cung nguyên liệu nên mới phải nhập hàng từ Trung Quốc.
Giám đốc Marketing của Biti’s, ông Phú Cường cho biết, ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam còn yếu, đây là điều Hiệp hội da giày và ngành thời trang ở Việt Nam đều biết. Ngoài ra, thời điểm phát triển sản phẩm có liên quan đến đợt bùng dịch lần thứ 4, các cơ sở sản xuất đều nằm ở TP.HCM và Đồng Nai, nên những nhà cung cấp đều đóng cửa, việc này đã ảnh hưởng đến quá trình làm sản phẩm.
Cũng theo đại diện của Biti’s, do ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam còn yếu và phân mảnh nên để tìm được nguồn hàng tăng tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu sản xuất “thuần Việt” sẽ cần thời gian dài.
Trao đổi về ‘sự cố’ của Biti’s cũng như thực tế phát triển còn hạn chế của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da, Giày, Túi xách Việt Nam (LEFASO), người mới đây lên tiếng phủ nhận thông tin Nike rời Việt Nam, hoàn toàn thấu hiểu vì sao Biti’s phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài, cụ thể là từ Trung Quốc.
Giày thể thao Nike. - Sputnik Việt Nam, 1920, 08.10.2021
Sự thật tin “Nike rời bỏ Việt Nam” là fake news
Theo bà Xuân, ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam đã có những tín hiệu phát triển tích cực thời gian gần đây, giúp gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, ví dụ như sản xuất đế giày, nhờ sở hữu nguồn cao su tự nhiên, Việt Nam đã có thể chủ động nguyên phụ liệu cho giày thể thao, giày vải đến 70%. Tuy vậy, trong cuộc trao đổi với Zing, lãnh đạo Hiệp hội Da, Giày, Túi xách Việt Nam cũng thừa nhận, hạn chế của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam mới chỉ tập trung ở một số loại sản phẩm nhất định, nhu cầu cao, còn những dòng khác, như giày dép thời trang, yêu cầu vải đặc chủng, trang trí hoa văn riêng, dùng hóa chất chuyên biệt, thì còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu.
Không nói ngành khác, chỉ đối với ngành da giày, công nghiệp phụ trợ Việt Nam mới chỉ đáp ứng vào khoảng 50% nhu cầu nguyên liệu sản xuất trong nước. Hai thập kỷ trước, Việt Nam còn nhập đến 90% nguyên liệu từ nước ngoài vì cơ sở phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước không có nền tảng.
Theo bà Xuân, sau khi Việt Nam tham gia các FTA liên quan đến ngành da giày, yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa, xuất xử, nguồn cung nguyên, phụ liệu vào Việt Nam cao hơn, ngành công nghiệp phụ trợ mới có sự dịch chuyển đáng kể. Tuy nhiên, khó khăn trước mắt là việc Việt Nam nằm ngay cạnh Trung Quốc – công xưởng sản xuất của thế giới.
Nhờ khả năng tự chủ được cả nguyên liệu, đến sản xuất thành phẩm đa chủng loại, sản lượng lớn, giúp việc nhập nguyên liệu từ Trung Quốc dễ dàng, chi phí giảm đi, giao thông thuận tiện, thời gian nhanh hơn. Theo Phó Chủ tịch LEFASO, vì dịch bệnh ở Việt Nam ảnh hưởng lớn đến ngành da giày, đặc biệt khu vực phía Nam, nơi chiếm 75% tổng sản lượng sản xuất toàn ngành. Khu vực phía Nam còn đóng vai trò cung cấp nguyên phụ liệu nội địa cho ngành da giày, nên các doanh nghiệp khó triển khai sản xuất. Ngừng sản xuất hoặc giảm công suất, cầm chừng, cũng tác động đến quá trình sản xuất phục vụ xuất khẩu, nguyên phụ liệu hàng hóa cho doanh nghiệp.
“Hoạt động cung ứng nguyên phụ liệu nội địa cũng bị đình trệ, ảnh hưởng đến cả các doanh nghiệp khu vực phía Bắc, khiến nhóm này quay sang nhập khẩu từ nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc”, theo bà Xuân.

Doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập từ Trung Quốc

PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công Thương cho rằng, dù Biti’s đã lên tiếng xin lỗi, thừa nhận sai sót của doanh nghiệp, nhưng ‘sự cố’ này cũng cho thấy thực tế đáng buồn khác của Việt Nam – công nghiệp hỗ trợ nói chung, phụ trợ ngành da giày, túi xách, dệt may nói riêng còn rất yếu.
Việt Nam còn phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung từ bên ngoài, nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Bộ Công thương đã có thống kê cho thấy, nguyên phụ liệu chiếm tới 68 - 75% trong cơ cấu giá thành sản phẩm giày dép, nhưng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm này của doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ đạt 40 - 45%. Do đó, đây sẽ là rào cản của ngành da giày khi tiếp cận các thị trường có yêu cầu cao, đặc biệt khi EVFTA có hiệu lực từ 1/8.
May hàng xuất khẩu sang thị trường EU tại Công ty May Thái Nguyên.  - Sputnik Việt Nam, 1920, 03.08.2021
Với EVFTA, Việt Nam xóa bỏ thành công nghi ngờ về năng lực cung cấp
PGS.TS Phạm Tất Thắng cho biết thêm, ngành da giày, túi xách, may mặc sử dụng rất nhiều nguyên liệu, phụ kiện và nếu Việt Nam tự sản xuất thì “không bõ” vì không đủ quy mô để hạ giá thành sản phẩm. Trong cuộc chia sẻ với Đất Việt, ông Thắng cho rằng, các nhà sản xuất ở Việt Nam lựa chọn phương án lúc cần thì đi nhập, mà những nguyên, phụ liệu này ở Trung Quốc lại vô cùng phong phú và giá rẻ.
“Do đó, việc nhập khẩu nguyên, phụ liệu từ thị trường Trung Quốc là điều không tránh khỏi đối với da giày, túi xách, dệt may Việt Nam”, chuyên gia thừa nhận.
Số liệu thống kê từ Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương Mại, Bộ Công Thương) đã cho thấy thực tế trên. Điển hình như năm 2020 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam đạt 35,29 tỷ USD, nhưng nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất hàng dệt và may mặc của Việt Nam lên tới 21,38 tỷ USD.
Có 4 thị trường cung cấp nguyên phụ liệu dệt may chủ yếu vào Việt Nam, dẫn đầu, vẫn là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Mỹ.
Đồng thời, Trung Quốc là thị trường cung cấp chiếm tỷ trọng lớn nhất chiếm tới 50,61% tổng trị giá nhập khẩu các nguyên phụ liệu ngành dệt may của Việt Nam. Tiếp đến là Hàn Quốc với tỷ trọng chiếm 10,67%.
Số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho thấy, 9 tháng đầu năm, hàng dệt may xuất khẩu được 29 tỷ USD, thì nhập khẩu nguyên phụ liệu đã mất 18 tỷ USD, tăng 227,9% so với cùng kỳ năm ngoái. LEFASO cũng cho biết, về hàng da thuộc, Việt Nam cũng nhập nhiều nhất từ Trung Quốc, các năm trở lại đều trên mức 300 triệu USD/năm.

Từ vụ Khải Silk đến Biti’s: Làm ăn trung thực, nâng cao nội lực công nghiệp phụ trợ Việt Nam

Nhà sáng lập, kiêm CEO VinaLink Tuấn Hà, vụ việc dùng gấm Taobao Trung Quốc của Biti’s gợi đến bê bối dùng lụa Tàu trong các sản phẩm thương hiệu Khải Silk của doanh nhân Hoàng Khải từng nổi đình nổi đám trong nước.
CEO của Vinalink cũng cho rằng, sự cố của Biti’s có thể gây ảnh hưởng hình ảnh thương hiệu. Nếu doanh nghiệp vẫn theo đuổi tinh thần ProudlymadeinVietnam nhưng lại phạm phải lỗi dùng gấm Trung Quốc để tạo ra những sản phẩm tương tự, sẽ gây ảnh hưởng đến niềm tin người tiêu dùng, tránh để khách hàng nghĩ họ bị lừa dối bởi Biti’s vốn là thương hiệu giày dép, sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam, tôn vinh nét đẹp văn hóa người Việt.
Bàn về phương hướng để hàng hóa giày dép may mặc Việt Nam ngày càng thuần Việt hơn, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đảm bảo yêu cầu khi tham gia các sân chơi FTA, PGS.TS Phạm Tất Thắng cho rằng, có hai cách giải quyết.
Nhà máy Thuong Dinh Shoe tại Hà Nội - Sputnik Việt Nam, 1920, 04.06.2019
Yếu tố lao động trong các FTA thế hệ mới
Thứ nhất, theo nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công Thương, những nguyên, phụ liệu, giá trị không nhiều nhưng lại vô cùng phong phú, nếu Việt Nam tự đi sản xuất tất cả thì không thể, giá thành lại rất cao. Do đó, Việt Nam có thể chủ động những nguyên liệu chính thì tỷ trọng vẫn đảm bảo theo những quy định trong FTA đã ký kết.
Vấn đề thứ hai là trong các FTA có nguyên tắc cộng gộp, Việt Nam có thể nhập các nguyên liệu từ các quốc gia có tham gia FTA đó mà vẫn đúng luật. Phương án này cũng mở đường cho Việt Nam giải quyết vấn đề khan hiếm nguồn nguyên, phụ liệu. Tuy nhiên, theo PGS.TS Thắng, điều quan trọng nhất vẫn phải là đầu tư nâng cao chất lượng ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam.
“Để nâng cao nội lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam phải biết đầu tư vào đâu, xác định cái nào là nguyên liệu chính để đảm bảo được tỷ trọng theo quy định khi tính quy tắc xuất xứ”, chuyên gia lưu ý.
PGS.TS Phạm Tất Thắng thẳng thắn, điển hình như ngành dệt may, từng có thời gian dài, Việt Nam nhập toàn bộ nguyên liệu đầu vào, thậm chí cả mẫu mã cũng chỉ làm gia công nên không đảm bảo được quy tắc xuất xứ của Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi có chủ trương và một thời gian dài đầu tư, cho đến nay, Việt Nam đã cơ bản giải quyết được các vấn đề về sợi, vải, thậm chí sản xuất vải Việt Nam hiện nay còn dư dả, có thể xuất khẩu.
Đà Nẵng - Sputnik Việt Nam, 1920, 30.09.2020
Chiến lược Make in Vietnam: Đà Nẵng muốn thành Thung lũng Silicon của Đông Nam Á
Có thể, trong thời gian ngắn, nhất là giai đoạn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu nguồn cung nguyên liệu, phải nhập khẩu. Tuy nhiên, về trung và dài hạn, các nhà làm chính sách, đặc biệt là doanh nghiệp, cần chú trọng đến yêu cầu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, nỗ lực tự chủ nguồn cung, bắt đầu từ chính những gì sẵn có.
Không thể ỷ lại vào tư tưởng vì Việt Nam nằm ngay sát Trung Quốc nên “cái gì cũng sẵn”. Đất nước còn đó chiến lược “Make in Vietnam”, muốn nâng cao nội lực nền kinh tế thì không thể cái gì cũng đi mua của nước ngoài.
Đã qua rồi cái thời mà đến cái đinh, ốc vít cũng phải đi nhập, Việt Nam nay đã khác. Tư tưởng của doanh nghiệp cũng phải khác đi. Chỉ có như thế, quốc gia mới sớm hội nhập vào top các cường quốc sản xuất hàng đầu thế giới dựa trên nền tảng công nghệ và phát huy tiềm lực của chính mình.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала