Sputnik Việt Nam
Hoàng Hoa

Thăm nơi Fedor Dostoevsky viết nên tuyệt tác vĩ đại “Anh em nhà Karamazov”

“Cuộc đời của ông đã đi qua rất nhiều biến động thăng trầm, từ cái chết cận kề bên cổ đến vòng vây của các chủ nợ và sự mất mát những người thân yêu nhất. Thế nhưng chính trong nỗi đau khổ ấy ông đã tìm thấy động lực để sáng tạo nên những tác phẩm bất hủ của mình. Nguồn năng lượng sáng tạo ấy ông đã tìm thấy trong chính tâm hồn mình, một tâm hồn biết hướng thiện, biết sám hối với những lỗi lầm của mình, và biết yêu thương”.
Staraya Russa ngày cuối cùng của tháng 11/2021. Những đám mây thu trên bầu trời dường như cứ muốn che đi mặt trời, còn mặt trời thì cứ như muốn những tia nắng của mình tới được mặt đất để cho Staraya Russa thơ mộng hơn, dễ thương hơn, xinh xắn hơn. Những du khách Việt Nam đầu tiên tới thăm quan Nhà bảo tàng Fedor Dostoevsky ở Staraya Russa.
Bước ra khỏi xe chúng tôi thấy ngay trước mắt hiện ra dòng sông nhỏ bình yên, hai bên là những hàng cây đã trụi lá và những ngôi nhà nhỏ. Những tia nắng chiều hắt nhẹ lên mặt nước phẳng lặng. Đi trên con đường nhỏ dọc bờ sông Pererưtitsa lổm nhổm đá, cảm giác như rơi vào thế kỷ 19, vào thời gian và không gian khi nhà văn Fedor Dostoevsky sống và viết lên những trang sách bất hủ.
Ngôi nhà xanh, nơi nhà văn cùng gia đình sinh sống trong những năm cuối đời vẫn còn nguyên vẹn. Nơi đây nhà văn đã viết nên những kiệt tác “Lũ người quỷ ám” (Бесы), “Chàng thiếu niên” (Подросток), “Anh em nhà Karamazov” (Братья Карамазовы) và những tác phẩm khác. Nơi đây gìn giữ ký ức về nhà văn, gia đình ông, các tác phẩm và những tư tưởng vĩ đại.

Mùa thu năm nay đối với tôi rất đặc biệt. Tôi đã đi rất nhiều nơi trên đất Nga, đặc biệt là những địa danh có bảo tàng các nhà văn Nga, nhưng khi đặt chân tới Staraya Russa lần này, nơi mà nhà văn vĩ đại của Nga đã sống từ 1872 đến 1880 thì tôi cảm nhận được hơn rất nhiều những tác phẩm mà tôi đã đọc, hiểu được cuộc đời của nhà văn, hiểu được vì sao chính tại Staraya Russa Fedor Dostoevsky đã viết được 3 trong 5 tác phẩm kiệt tác của mình. Thiên nhiên, không gian, con người và gia đình đầm ấm đã tạo nên cho ông cảm hứng, sức lao động phi thường.
Tới đây , tôi càng khâm phục hơn công sức gìn giữ những giá trị văn hóa ở Nga. Với tôi, Staraya Russa là thánh địa văn chương của nước Nga.
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ cảm xúc của mình với Sputnik.
Cảm giác như thấy những hình ảnh, những tình huống trong các tiểu thuyết, đặc biệt là trong “Anh em nhà Karamazov” khó diễn tả bằng lời. Không chỉ là cảm giác được chạm vào lịch sử, mà còn là cả cảm giác chạm vào nhân vật, được thấy những diễn biến của truyện. Vợ của Dostoevsky và con gái ông đã từng nói rằng, hình ảnh của thành phố Skotoprigonevsk trong tiểu thuyết vĩ đại nhất của Fedor Dostoevsky “Anh em nhà Karamazov” được xây dựng trên cơ sở Staraya Russa”, - PGS-TS Hồng Hoa chia sẻ cảm xúc về chuyến thăm nhà bảo tàng Dostoevsky ở Staraya Russa trong trả lời phỏng vấn cho Sputnik.
Triển lãm “Phòng thí nghiệm sáng tạo” ở ngay tầng một của Nhà bảo tàng đã thực sự làm các thành viên đoàn tham quan Việt Nam đầu tiên tới đây bất ngờ và ấn tượng.
Bạn hãy nhìn lên trang giấy này, sẽ thấy nhà văn đã soạn thảo nội dung tiểu thuyết “Lũ người quỷ ám” như thế nào. Chúng ta thấy cấu trúc đồ họa bao gồm hình vẽ chân dung, các phác thảo kiểu gothic và thư pháp.
Fedor Dostoevsky là nhà văn, nhà triết học nổi tiếng khắp nơi trên thế giới. Những tác phẩm của ông là kho báu của văn học Nga và văn học thế giới. Nhưng không phải ai cũng biết rằng, trong quá trình sáng tác, nhà văn đã vẽ phác họa chân dung, khuôn mặt, phác thảo tính cách các nhân vật của mình.

Từ khi tôi còn nhỏ, Dostoevsky đã là một cái tên hết sức thân thuộc trong số các nhà văn nước ngoài. Tôi đã từng đọc các cuốn sách của ông được dịch sang tiếng Việt như: Năm đêm trắng, Thằng ngốc, Những kẻ tủi nhục, và hết sức quý lối văn viết mộc mạc, đầy nội tâm và sự hiểu biết sâu sắc tâm lý của tầng lớp dân thường trong xã hội.
Khi sang Nga, tôi cũng đã đọc về cuộc đời của ông và cứ nghĩ là mình đã nắm được tiểu sử của ông rồi.
Thế nhưng chuyến thăm ngôi nhà và cũng là bảo tàng về cuộc đời của ông ở thành phố Staraya Russa đã làm tôi vô cùng sửng sốt, vì hóa ra tôi biết về ông quá ít, sách báo viết về cuộc đời ông quá ít.
— Chị Bùi Lan Hương, Giám đốc công ty du lịch “Ấn tượng Nga Tours” nói với Sputnik.
“Ngôi nhà gỗ 2 tầng xinh xắn nằm sát bờ sông. Thật không khó để hiểu vì sao 8 năm ở đây ông sáng tác được nhiều như vậy. Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là các bức phác họa và ký họa của ông dùng để miêu tả các nhân vật trước khi đưa vào tác phẩm. Từng đường nét khuôn mặt, tính tình cho đến cả tên nhân vật cũng được ông ghi cẩn thận trong các ký họa này.
Dường như ông thấy họ với đầy đủ tính cách rất rõ và sinh động nên việc còn lại chỉ là chuyển tải các nhân vật vào tác phẩm bằng ngòi bút của một thiên tài văn học”, - Chị Ngọc Anh, Moskva phát biểu cảm xúc của mình với Sputnik sau khi thăm Nhà bảo tàng Fedor Dostoevsky tại Staraya Russa.
“Tôi thật sự ấn tượng và vô cùng khâm phục phương pháp làm việc nghiêm túc hết sức và rất khoa học của nhà văn. Xem triển lãm “Phòng thí nghiệm sáng tạo” của Fedor Dostoevsky, tôi như thấy thế giới nghệ thuật của nhà văn được hình thành như thế nào từ những ngôn từ, phác họa chân dung hay kiến trúc”, - PGS-TS Hồng Hoa chia sẻ ấn tượng của mình với Sputnik.
Chúng tôi bước lên tầng hai của ngôi nhà gỗ xanh. Đứng từ cửa sổ tầng hai nhìn ra con sông nhỏ, nhìn xuống cái vườn và hàng rào…giật mình như thấy trước mắt hình ảnh trong tiểu thuyết “Anh em nhà Karamazov”.
Bức tranh chân dung Fedor Dostoevsky đặt ở sảnh tầng 2 gây xúc động bởi ánh mắt nhìn sâu thẳm. Bức chân dung diễn tả được thế giới mênh mang và sâu thẳm của tâm hồn nhà văn. Và cái thế giới đó là điều vĩ đại trong ông.
“Bởi vì ông không chỉ là một nhà văn thiên tài, là tác giả của các tác phẩm bất hủ như “ Thằng Ngốc “, “ Tội ác và trừng phạt”, “ Anh em nhà Karamazov”….ông còn là nhà triết học vĩ đại, mang trong mình các tư tưởng nhân văn vượt ra ngoài mọi giới hạn, mọi thời gian. Câu nói của ông “ Hãy yêu không vì cái gì cả” chỉ có được ở nơi cái Ngã ích kỷ không làm việc mà thay vào đó là tình nhân ái bao la có sẵn trong tâm hồn”, - Chị Ngọc Anh nói với Sputnik.
Họa Sỹ Perov, một người bạn của ông đã bắt được luồng tư tưởng của nhà văn và khác họa rất rõ nét trong bức chân dung nổi tiếng nhà văn hiện đang được treo tại bảo tàng Tretyakov.
Bức tranh copy để ở sảnh tầng hai cũng chuyển tải được ý nghĩa như bản gốc.
Trước đây ngắm nhìn bức chân dung này, tôi chỉ cảm nhận được sự tư duy, sự nghiền ngẫm để cho ra đời những nhân vật tiêu biểu của thời đại, nhưng sau chuyến thăm quan Nhà bảo tàng, tôi mới hiểu được, đó là cái nhìn của một triết gia, khám phá thế giới nội tâm của mình và tìm thấy sức mạnh trong chính con người mình.
Chị Bùi Lan Hương chia sẻ với Sputnik.
Những câu chuyện về cuộc đời nhà văn, về cuộc sống gia đình, về người vợ tuyệt vời, về những tư tưởng và thay đổi nhân sinh quan, cách sống của nhà văn đã làm cho chúng tôi hiểu hơn, sâu hơn những tác phẩm của ông và con người ông. Khám phá rất lớn của ông đó là sự trở về trong thế giới nội tâm của chính mình để tìm lời giải cho cuộc đời.
“Cuộc đời của ông đã đi qua rất nhiều biến động thăng trầm, từ cái chết cận kề bên cổ đến vòng vây của các chủ nợ và sự mất mát những người thân yêu nhất. Thế nhưng chính trong nỗi đau khổ ấy ông đã tìm thấy động lực để sáng tạo nên những tác phẩm bất hủ của mình. Nguồn năng lượng sáng tạo ấy ông đã tìm thấy trong chính tâm hồn mình, một tâm hồn biết hướng thiện, biết sám hối với những lỗi lầm của mình, và biết yêu thương”, - Chị Bùi Lan Hương nói với Sputnik.
“Ông đi qua những đau khổ và thử thách trong cuộc đời để đến chỗ vĩ đại nhất, trở thành tiếng nói của mỗi người khi đối diện với chính mình. Lòng nhân hậu của ông đặc biệt là với thiếu nhi, sự hào phóng của ông cũng là điều đáng ghi nhớ và cần được học hỏi”, - Chị Ngọc Anh, Moskva nói với Sputnik.

Đến thăm nhà đại văn hào Fedor Dostoevsky vào một ngày cuối thu, khi thiên nhiên đã gói ghém tất cả để chuyển sang mùa đông lạnh giá. Dường như mọi sắc màu rực rỡ đã lẩn sâu xuống dưới bề mặt của sương giá, nhưng cảm nhận được một năng lượng sống tràn đầy làm ấm cả không gian xung quanh.
Năng lượng bất tử mà chúng ta có khi gọi bằng… Tâm hồn Nga… Năng lượng đó có ở trong mỗi chúng ta, chỉ cần biết nhìn vào trong tâm của mình.

Ảnh: Mũ và găng tay của Fedor Dostoevsky.
Có người nói cái vĩ đại của Dostoevsky là tính dự báo trong các tác phẩm của ông, nhưng với tôi sự vĩ đại của ông trước hết là ở lòng nhân ái bao la, không giới hạn, là chính ở điều mà nhà văn bằng cuộc đời và tác phẩm của mình đã cho chúng ta hiểu rằng, năng lượng sống ở sâu trong mỗi chúng ta, năng lượng sáng tạo, ánh sáng ở trong mỗi chúng ta. Chỉ cần biết nhìn sâu vào trong tâm mình là có thể thấy được sức mạnh.
PGS-TS Hồng Hoa nói với Sputnik.
Phòng khách trong ngôi nhà của gia đình Fedor Dostoevsky ở Staraya Russa.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала