Trung Quốc và Hoa Kỳ hợp tác bắt buộc trong không khí thù địch

© REUTERS / Tingshu WangTổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp thượng đỉnh ảo với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp thượng đỉnh ảo với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Sputnik Việt Nam, 1920, 18.11.2021
Đăng ký
Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Mỹ - Trung vừa qua đã không có được bước đột phá nào. Thậm chí, nó còn làm phát lộ thêm một số mâu thuẫn địa chiến lược mà ít ai để ý tới khi bị che đậy bằng một cuộc chiến thương mại.
Hôm thứ Ba ngày 16/11 đã diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến Trung – Mỹ giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Sự kiện này đã rất được dư luận thế giới mong đợi và theo dõi sát, kỳ vọng về một kết quả tích cực. Ý nghĩa của sự kiện chính trị tầm cỡ này như thế nào? Cuộc hội đàm kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ này đã nói lên điều gì? Sputnik xin giới thiệu bài phỏng vấn chuyên gia quan hệ quốc tế, ông Nguyễn Minh Hoàng.

Vì lợi ích giống nhau nhưng không phải là lợi ích chung của hai bên

Trả lời câu hỏi của phóng viên Sputnik về những lý do dẫn đến việc tổ chức cuộc gặp Thượng đỉnh Trung –Mỹ lần này, trong bối cảnh hiện nay, cho dù là dưới hình thức trực tuyến online, chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng bình luận:
Xung đột giữa các quốc gia trên bất kỳ lĩnh vực nào, từ quân sự đến kinh tế, tài chính, tiền tệ, dân cư, văn hóa, tôn giáo.v.v… đều cũng sẽ kết thúc; cho dù là bằng nhiều cách khác nhau như bên thắng-bên thua hay thỏa hiệp bất phân thắng bại và thường kết thúc bằng các thỏa thuận có lợi cho bên này hay bên kia hoặc cả hai bên đều chấp nhận những điều kiện của nhau để chấm dứt hay hạn chế xung đột. Quan hệ Mỹ - Trung cũng không nằm ngoài quy luật thông thường ấy. Vì vậy, việc những nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc phải ngồi lại với nhau, cho dù là phải trên không gian mạng cũng là điều tất yếu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp thượng đỉnh ảo với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Sputnik Việt Nam, 1920, 17.11.2021
Biển Đông
Vấn đề Đài Loan làm lu mờ xung đột Biển Đông trong cuộc hội đàm Tập Cận Bình - Biden
Nếu không kể đến sức tàn phá của Đại dịch COVID-19 thì xung đột thương mại Mỹ - Trung trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 45 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cũng đã gây nên khá nhiều thiệt hại không chỉ cho hai quốc gia đứng thứ nhất và thứ hai về quy mô kinh tế mà còn có tác động ảnh hưởng toàn cầu, gây ra những sự đứt gãy nghiêm trọng trong dòng chảy của hàng hóa cũng như dòng chảy của đồng vốn.
Cả hai bên Mỹ và Trung Quốc đều nhận thức được rằng, trong cuộc chiến này, không có kẻ chiến thắng, hay ít nhất thì kẻ chiến thắng cũng chịu những thương tích không nhỏ và hầu như chắc chắn sẽ trở thành kẻ bại trận đối với một bên thứ ba đang “tọa sơn quan hổ đấu”. Điều này không mới, nó đã được Mao Trạch Đông xem như một phương sách để Trung Quốc nâng cao vị thế của mình trong thời kỳ “Chiến tranh lạnh”, khi mà mâu thuẫn Xô – Mỹ gần như đại diện cho các mâu thuẫn toàn cầu lúc đó.
Trong bối cảnh hiện nay, cả hai bên Mỹ và trung Quốc đều hiểu được hiệu ứng “quá mù ra mưa” khi mà không bên nào có được ưu thế tương đối khả dĩ đối với bên kia, trong khi đó thì các “bên thứ ba” tuy tuyên bố không can thiệp vào mâu thuẫn thương mại Mỹ - Trung nhưng lại sẵn sàng “tham chiến” để “trục lợi”, khi một trong hai bên hoặc cả hai bên đều suy yếu trong cuộc “cắn xé lẫn nhau” này. Đó chính là lý do mà ông Joe Biden chịu ngồi trước camera để đối thoại với người đồng cấp tương xứng bên kia bờ Thái Bình Dương.
Thêm vào đó, đại dịch COVID-19 đã cho thấy một điều tất yếu rằng thế giới không chỉ đoàn kết với nhau mới có thể đẩy lùi COVID-19 mà hơn thế nữa, thế giới cũng cần phải đoàn kết chặt chẽ hơn mới có thể khôi phục được nền kinh tế toàn cầu, nối lại các đứt gãy, khơi thông lại dòng chảy của vốn đầu tư,v.v… Đó là chưa kể đến các vấn đề nghiêm trọng không kém như sự ấm lên toàn cầu và biến đổi khí hậu đã được đề cập đến trong Hội nghị COP26 vừa qua ở Glasgow (Anh).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại sân bay quốc tế Nội bài, Hà Nội. - Sputnik Việt Nam, 1920, 31.10.2021
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị COP26, thăm Anh và Pháp
Trong khi đó thì cả hai bên đều đang nắm những “yết hầu” của nhau. Ví dụ dễ thấy nhất là Trung Quốc đang là chủ “nợ công” của Mỹ, đồng thời đang nắm nhiều ưu thế về sản xuất hàng hóa công nghệ cao. Còn Mỹ thì nắm giữ nhiều vốn đầu tư và công nghệ mới. Sự tương quan này cho thấy cả hai đều nhận thức được rằng, họ cần đến nhau trong mâu thuẫn. Và nói rộng hơn thì đó là sự hợp tác bắt buộc trong không khí thù địch.
Nói tóm lại thì cả những nguyên nhân khách quan cũng như nhận thức chủ quan đối với tương quan lực lượng tương đối cân bằng về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc.Việc chấp nhận sự khác biệt của nhau giữa Mỹ và Trung Quốc rút cục cũng chỉ để nhằm tới lợi ích giống nhau nhưng không phải là lợi ích chung của hai bên.

Ông Tập khôn ngoan khi sử dụng từ “lão bằng hữu” trong bối cảnh quan hệ Trung – Mỹ đang “căng như dây đàn” hiện nay

Mở đầu cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến hôm 16/11, ông Tập Cận Bình gọi ông Biden là “lão bằng hữu”. Theo bình luận của chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng trong trả lời phỏng vấn cho Sputnik, thì cách xưng hô của ông Tập không có gì thái quá bởi cả hai đều đã ngoài cái tuổi “xưa nay hiếm”. Trong tiếng Hán, “bằng hữu”, nghĩa đen là “tình bạn”nhưng không chỉ là một danh từ để chỉ mối quan hệ thân thiết giữa những người tuy không cùng quan điểm nhưng có chung lợi ích mà còn là một tính từ để chỉ mức độ của quan hệ. Tuy tình “bằng hữu” có mức độ thấp hơn tình “huynh đệ” một bậc về sự thân thiết nhưng lại cao hơn về tính chất của mối quan hệ bởi nó đề cập đến sự bình đẳng, tương quan, tương đồng giữa hai bên mà như người Việt vẫn nói là quan hệ “bằng vai phải lứa”.
Chủ tịch Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phó Tổng thống Joe Biden tại Bắc Kinh, 2013 - Sputnik Việt Nam, 1920, 16.11.2021
Thượng đỉnh Trung – Mỹ: từ đơn giản đến phức tạp
Thêm vào đó, người Trung Quốc từ cổ chí kim đều xưng hô với đối tác bằng từ “lão” để tỏ ý rất tôn trọng. Trong cuộc Trường Chinh Vạn lý từ tháng 10/1934 đến tháng 10/1935, các lãnh đạo cao cấp của Hồng quân Công nông Trung Quốc vẫn gọi nhau là “lão” như “Lão Mao”, “Lão Chu”, “Lão Trần”, “Lão Diệp”… hay nói chung là “lão đồng chí”.
Việc chủ tịch Tập sử dụng từ “lão bằng hữu” cho thấy sự khôn ngoan của ông trong bối cảnh quan hệ Trung – Mỹ đang “căng như dây đàn” hiện nay. Một mặt, chủ tịch Tập muốn thông qua cụm từ này để xoa dịu những “cái đầu nóng” của phía Mỹ nhưng mặt khác, nó cũng ám chỉ rằng “chúng ta hãy ngồi nói chuyện với nhau một cách “bằng vai phải lứa” và đừng mong áp đặt sức mạnh trong các cuộc đàm phán, gây sức ép để tạo ra một số lợi thế nhất định. cho mình”.
Giá như Nhà Trắng hiện có các nhân viên sừng sỏ như dưới thời Richard Nixon hoặc Ronald Reagan như Henry Kissinger hay Zbigniew Brzezinski thì chắc chắn họ sẽ dễ dàng hiểu được thâm ý của ông Tập và sẽ có biện pháp tham mưu cho cấp trên của mình sự đối đáp tương xứng. Nhưng tại Nhà Trắng hiện nay không có ai đủ tư duy và kiến thức tinh tế để nhận biết sự tế nhị khôn ngoan này của đối thủ. Vì vậy, họ đã có một hành động như “trẻ con” là tuyên bố không chấp nhận cách gọi mình là “bằng hữu” của đối tác. Chính vì vậy mà ngoại giao Trung Quốc và chủ tịch Tập đã ghi điểm cả về hình thức cũng như nội dung của vấn đề không lấy gì làm phức tạp này. Bởi vì qua cách gọi đối tác là “lão bằng hữu” này, phía Trung Quốc đã “chìa bàn tay” ra để tỏ vẻ hợp tác một cách có điều kiện; những phía Mỹ đã không hiểu điều này.

Người Mỹ muốn “viết lại luật chơi”, người Trung Quốc không muốn

Theo đánh giá chung của các chuyên gia, Hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba tiếng rưỡi giữa lãnh đạo Mỹ - Trung không đạt được bước đột phá nào. Vậy có thể nói gì về kết quả của Hội nghị thượng đỉnh này và những kết quả đó nói lên điều gì?
Cũng giống như cuộc gặp thượng đỉnh Nga – Mỹ ở Genève hồi tháng 6/2021, cuộc gặp trực tuyến Mỹ - Trung vừa qua đã không có được bước đột phá nào. Và nguyên nhân chính của sự bế tắc đó cũng giống như cuộc gặp Putin – Biden ở Genève nửa năm trước đó. Đó là do những khác biệt rất lớn giữa hai bên về các vấn đề cạnh tranh địa chiến lược và tranh chấp vai trò dẫn dắt các vấn đề địa chính trị toàn cầu.
Cuộc gặp thượng đỉnh ảo giữa các nhà lãnh đạo của CHND Trung Hoa và Hoa Kỳ  - Sputnik Việt Nam, 1920, 17.11.2021
Nhà khoa học chính trị: Bắc Kinh có thể hợp nhất Đài Loan với đại lục bằng sức mạnh quân sự
Thậm chí, cuộc gặp trực tuyến Biden – Tập còn làm phát lộ thêm một số mâu thuẫn địa chiến lược mà ít ai để ý tới khi nó bị che đậy bằng một cuộc chiến thương mại. Đó là việc kiểm soát các tuyến đường hàng hải quốc tế ở Tây Thái Bình Dương và Bắc Ấn Độ Dương. Vấn đề này đều hiện diện trong cả “Sáng kiến Vành đai - Con đường” của Trung Quốc cũng như “Chiến lược liên vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của Mỹ.
Hiện tại, cả hai “võ sĩ” Mỹ và Trung Quốc sau một số hiệp đấu để “gây sự chú ý” của khán giả dưới thời tổng thống Donald Trump thì đến thời Joe Biden, họ đang tạm “giải lao” ở hai góc của “võ đài”, nói chuyện với nhau qua màn hình TV với những về những vấn đề không giống nhau nhưng đều có mục đích chung là thăm dò bước đi tiếp theo của đối thủ. Người Trung Quốc hiểu rằng người Mỹ vẫn “nuối tiếc” sự đầu tư khổng lồ trong “Ba mươi năm gian khổ” của người Trung Quốc để thu lợi. Còn người Mỹ thì đang muốn “xí xóa chia lại” để một mặt giảm bớt những thiệt hại do sự “hớ hênh vì quá tự tin” của chính họ;. Điều đó có nghĩa là người Mỹ muốn “viết lại luật chơi”. Nhưng đó là là điều mà người Trung Quốc không muốn.
Chính vì vậy, sự kiện cuộc gặp trực tuyến Tập – Biden không tạo được bước đột phá nào cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, đây cũng là một tín hiệu cho thấy xu thế hòa bình, hợp tác, đối thoại thay cho đối đầu vẫn đang là xu thế chủ đạo của quan hệ quốc tế toàn cầu. Trong hoàn cảnh đó, quốc gia nhỏ nào giữ vững nguyên tắc độc lập, tự chủ, linh hoạt, khôn khéo, biết cách ứng xử phù hợp sẽ có được lợi thế trên bàn cờ đang diễn ra cuộc cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước lớn.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала