Vĩnh biệt GS. Trần Quang Hải – người kế tục sự nghiệp GS. Trần Văn Khê

© Ảnh : Facebook account of Tran Quang HaiGS.TS Trần Quang Hải
GS.TS Trần Quang Hải - Sputnik Việt Nam, 1920, 29.12.2021
Đăng ký
GS.TS Trần Quang Hải, con trai trưởng GS.TS Trần Văn Khê, chồng nữ ca sĩ Bạch Yến, người được thế giới tôn vinh là “vua muỗng”, vừa qua đời tại Pháp.
Em trai của “bậc thầy đàn môi” là kiến trúc sư Trần Quang Minh cho biết, GS. Trần Quang Hải qua đời bình yên trong giấc ngủ vào 0h đêm 29/12 (giờ địa phương) tại Pháp, hưởng thọ 78 tuổi.

Con trai GS. Trần Văn Khê - GS. Trần Quang Hải qua đời tại Pháp

Sau một thời gian điều trị nhiều loại bệnh khác nhau, GS. TS. Âm nhạc dân tộc Trần Quang Hải, trưởng nam của GS. TS. Trần Văn Khê, đã trút hơi thở cuối cùng tại Pháp vào đêm 29/12 tại Pháp.
Người thân gia đình vị giáo sư âm nhạc đáng kính của Việt Nam xác nhận với truyền thông về việc “vua muỗng” Trần Quang Hải qua đời.
Theo Kiến trúc sư Trần Quang Minh, em trai GS. Hải, cho biết, gia đình ở Pháp thông báo tin buồn về Việt Nam sáng nay (29/12).
“Anh trai tôi (GS.TS Trần Quang Hải) lúc tối đi ngủ, và ngủ luôn không dậy nữa”, kiến trúc sư Trần Quang Minh nghẹn ngào chia sẻ.

“Vua muỗng” Trần Quang Hải – người kế nghiệp GS. Trần Văn Khê

Giáo sư Trần Quang Hải sinh ngày 13/5/1944 tại làng Linh Đông Xã - Gia Định (nay là TP.HCM).
Ông là trưởng nam của GS. Trần Văn Khê và bà Nguyễn Thị Sương, cựu giáo sư Anh văn Trường nữ trung học Gia Long. Ông Hải là hậu duệ đời thứ 5 của nhạc sĩ cung đình Huế.
Ngay từ bé, ông Trần Quang Hải đã sớm chọn đi theo con đường âm nhạc dưới ảnh hưởng của truyền thống gia đình. Ông là cựu học sinh Trường trung học Pétrus Ký (nay là THPT Lê Hồng Phong).
Nghệ sĩ Thanh Kim Huệ - Sputnik Việt Nam, 1920, 23.12.2021
“Thị Hến” Thanh Kim Huệ qua đời ở tuổi 66
Sau khi tốt nghiệp trường Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn với bộ môn vĩ cầm (học với cố GS Đỗ Thế Phiệt), năm 1961, ông Trần Quang Hải sang Pháp và học nhạc học tại Trường đại học Sorbonne và dân tộc nhạc học ở Trường cao đẳng Khoa học xã hội (Ecole des Hautes Etudes en Sciences Sociales).
Cũng tại Pháp, GS. Trần Quang Hải trở thành người Việt Nam thứ 2 (sau GS. TS. Trần Văn Khê) nhận bằng tiến sĩ âm nhạc dân tộc.
Sau khi chiến thắng tại Đại nhạc hội dân gian Cambridge (Anh) năm 1967, GS. Trần Quang Hải với màn biểu diễn gõ muỗng, ông Hải có xưng danh là “vua muỗng”. Kể từ đó, ông đã mang nghệ thuật này đến trình diễn tại hơn 1.500 chương trình biểu diễn, sinh hoạt âm nhạc ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam cũng xác nhận GS. Trần Quang Hải lập kỷ lục người thể hiện tiết tấu - âm thanh đa dạng nhất từ nghệ thuật gõ muỗng.
Đến 2012, GS. Hải tiếp tục được xác nhận kỷ lục là người trình diễn đàn môi mông tại nhiều quốc gia nhất thế giới.

Sự nghiệp đưa âm nhạc dân tộc Việt Nam ra thế giới của GS. Trần Quang Hải

Từ năm 1968, GS. Hải làm việc cho Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học (Musée de l’Homme) tại Paris. Ông về hưu năm 2009.
GS. Trần Quang Hải đã có trên 3.500 buổi biểu diễn tại 70 quốc gia, tham gia 130 đại hội liên hoan quốc tế nhạc truyền thống, giảng dạy tại hơn 120 trường đại học, sáng tác hơn 400 bản nhạc cho đàn tranh, đàn môi, muỗng, hát đồng song thanh, nhạc tùy hứng, đương đại.
Hoa và nến ở phía trước nhà hát Đoàn ca múa nhạc hàn lâm quân đội Nga mang tên A.V. Alexandrov ở Matxcơva. - Sputnik Việt Nam, 1920, 08.12.2021
Nhạc sĩ Phú Quang qua đời
Ông đã thực hiện 23 đĩa nhạc truyền thống Việt Nam, là tác giả của 3 quyển sách, 4 DVD, 4 phim và là hội viên của trên 20 hội nghiên cứu thế giới. Ông là thành viên của Hội đồng Âm nhạc truyền thống quốc tế.
“Con đường nghiên cứu của tôi nhắm về sự giao lưu các loại nhạc cổ truyền tạo thành loại nhạc thế giới (world music), pha trộn nhạc tùy hứng, jazz, đương đại với nhiều loại nhạc khí và kỹ thuật giọng hát để tạo thành một loại nhạc hoàn toàn mới lạ”, - GS. Trần Quang Hải từng viết trên blog cá nhân.
Năm 1978, ông Hải lập gia đình với ca sỹ Bạch Yến tại Paris. Vợ chồng ông Hải đã cùng nhau thực hiện hơn 3.000 buổi giới thiệu âm nhạc dân tộc Việt Nam tại 70 quốc gia trên thế giới.
Cùng với cha là GS. Trần Văn Khê, GS. Trần Quang Hải là người tích cực mang nghệ thuật âm nhạc dân tộc Việt Nam ra giới thiệu với bạn bè quốc tế.
Sau khi GS. Khê qua đời năm 2015, ông Hải trở thành Chủ tịch quỹ học bổng mang tên cha.
Ngày 23/12 vừa qua, GS Trần Quang Hải có bài nói chuyện với công chúng tại Việt Nam qua video clip chúc mừng sự ra đời Quỹ học bổng Trần Văn Khê.
“Khi thân phụ tôi quá vãng, ban tang lễ đã lo chu toàn việc mai táng. Sau đó ban tang lễ được đổi thành nhóm thân hữu Trần Văn Khê với mục đích thực hiện di nguyện của thân phụ tôi: Thành lập Quỹ học bổng và giải thưởng Trần Văn Khê để tiếp nối việc bảo lưu và phát triển nhạc truyền thống dân tộc mà thân phụ tôi đã vạch sẵn từ nhiều năm qua”, GS. Trần Quang Hải cho biết trong đoạn video clip.
Quỹ Trần Văn Khê hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận, tự nguyện, tự tạo vốn, tự trang trải kinh phí và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật bằng tài sản của quỹ.
Quỹ dự kiến sẽ được trao từ năm 2022, nhằm mục đích khuyến khích những học sinh, nhà nghiên cứu và nghệ sĩ có thành tựu xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, phát huy giá trị nghệ thuật dân tộc truyền thống Việt Nam.
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng - Sputnik Việt Nam, 1920, 15.11.2021
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng qua đời vì Covid-19
GS. Trần Quang Hải được chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu năm 2017 và đã được điều trị tích cực từ đó đến nay.
Năm 2019, bệnh tình của ông trở nặng và được phát hiện mắc thêm bệnh sưng phổi và suy thận. Ngoài ra, ông còn mắc bệnh tiểu đường mãn tính.
Thêm một nghệ sĩ lớn của nền âm nhạc dân tộc Việt Nam đã yên giấc ngàn thu. Xin vĩnh biệt Giáo sư âm nhạc dân tộc Trần Quang Hải, bậc thầy đàn môi, “vua muỗng” của Việt Nam được cả thế giới công nhận.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала