Những điểm nổi bật đáng nhớ trong tiến trình hợp tác quân sự Nga-Việt năm 2021
Các diễn biến năm 2021 cho thấy LB Nga vẫn là một đối tác chính của Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật-quân sự. Sputnik mời các bạn cùng ôn lại một số điểm nổi bật trong hành trình hợp tác kỹ thuật-quân song phương năm qua.
Câu chuyện với «Gepard» chưa kết thúc
Tại Diễn đàn Kinh tế Đông 2021, ông Dmitry Shugaev Giám đốc Cơ quan Liên bang về Hợp tác Kỹ thuật-Quân sự của Nga tuyên bố rằng phía Việt Nam quan tâm đến việc mua lô thứ ba các khu trục hạm cỡ nhỏ loại «Gepard-3.9» từ Nga.
«Các chuyên gia của chúng ta và phía khách hàng đang tiếp tục đưa ra những tham vấn kỹ thuật tương ứng. Dự kiến tổ chức các cuộc đàm phán hợp đồng cụ thể thực chất sau khi đạt đồng thuận về điều kiện kỹ thuật»
—Ông Dmitry Shugaev nói với các nhà báo.
Theo thông tin mở của nhà sản xuất là Tập đoàn đóng tàu «Ak Bars», các tàu khu trục vùng biển gần có trang bị tên lửa thuộc đề án 11661E, loại «Gepard-3.9» (đây là tên gọi chính thức của tàu), bất kể kích thước tương đối khiêm tốn (chiều dài -103 m, mớn nước - 5,7 m, lượng choán nước 2.500 tấn), nhưng vẫn là những khinh hạm đủ sức hoàn thành các nhiệm vụ chiến đấu ở phạm vi rộng.
Tính năng của «Gepard-3.9»:
1
Chiến đấu độc lập và trong đội hình nhóm chống lại tàu nổi, tàu ngầm và hàng không của kẻ thù
2
Lập hàng rào mìn, thuỷ lôi
3
Bảo vệ và tuần tra biên giới quốc gia trên biển và đặc khu kinh tế
4
Tham gia các chiến dịch trên biển
5
Hộ tống và bảo vệ các đoàn tàu
6
Kéo cờ ở những khu vực thuộc lợi ích quốc gia
«Gepard-3.9» có trang bị như thế nào?
Tổ hợp tên lửa tấn công «Uran-E» (với tên lửa chống hạm Kh-35E) hoặc «Kalibr-NKE» (Club-N) (với tên lửa hành trình chống hạm hoặc chống lực lượng bờ biển của đối phương)
Một tháp pháo 76,2 mm hoặc 100 mm
Hai dàn pháo tự động sáu nòng 30 mm bắn đạn xuyên giáp và đạn phân mảnh
Vũ khí chống ngầm (ngư lôi 533 mm) và chống ngư lôi (324 mm)
Tổ hợp tên lửa-pháo phòng không «Palma»
Hai trạm radar thủy âm và tích cực
Tổ hợp tác chiến điện tử áp chế triệt tiêu kỹ thuật vô tuyến, quang điện tử và thủy âm của địch bằng cách tạo  nhiễu chủ động và thụ động.
Hệ thống quản lý thông tin chiến đấu
Sàn đáp và khoang chứa hở cho trực thăng săn ngầm Ka-28 hoặc «radar bay» Ka-31
Vũ khí và trang bị của khinh hạm «Gepard 3.9» ở phiên bản cơ sở hiện đại cho phép tàu khu trục trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. Khi cần, khinh hạm có thể ra khơi ngoài biển khá xa (phạm vi hoạt động lên đến 4.000 dặm) và hiện diện tại đó đến 20 ngày đêm.
Trong đội hình phục vụ của Hải quân Việt Nam có 4 khinh hạm loại này. Hai chiếc trong số đó – chiến hạm «Trần Hưng Đạo» (số hiệu 015) và «Quang Trung» (số hiệu 016) – hồi cuối mùa hè năm 2021 đã đến Vladivostok, căn cứ của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga. Các thủy thủ đoàn đại diện xứng đáng cho Hải quân Việt Nam tham gia thi «Cup Biển» thuộc chương trình Hội thao Quân sự quốc tế «Army Games».
Trước đó, trên các phương tiện truyền thông xuất hiện thông tin cho rằng các thủy thủ Việt Nam dường như không mấy hài lòng với số vũ khí phòng không trên những chiến hạm «Gepard» hiện có. Họ bày tỏ mong muốn rằng các khu trục hạm cỡ nhỏ theo đơn đặt hàng mới sẽ được trang bị hệ thống phòng không mạnh hơn. Nguyện vọng này chắc chắn sẽ được phía Nga chú ý tính đến khi thiết kế chế tạo chiến hạm.
Việt Nam tại «Army Games-2021»
Tại Hội thao Quân đội quốc tế kỳ kế tiếp «Army Games-2021», Việt Nam không chỉ thi đấu đạt kết quả tốt hơn, mà còn lần đầu tiên là một trong những bên đăng cai tổ chức thi.
Trên thao trường của quân đội Việt Nam diễn ra các cuộc thi «Vùng tai nạn» và «Xạ thủ bắn tỉa». Các quân nhân Việt Nam đã tham dự 13 cuộc thi ở nước ngoài, thử sức ở 5 bộ môn mới của «Army Games».

Kết quả cuối cùng của các đại diện QĐND Việt Nam tại «Army Games-2021» như sau:
1
«Xạ thủ bắn tỉa»
Việt Nam đoạt giải «Vàng»! Còn «Bạc» về tay chiến sĩ Uzbekistan, Đồng» - cho đại diện Nga. Bộ đội Việt Nam quả là thiện xạ, bắn rất chính xác - đó là sự thật.
2
«Cup Biển»
Thuỷ thủ tàu chiến Việt Nam giành giải «Bạc». Về kỹ năng chuyên môn, các chiến sĩ hải quân Việt Nam có phần thua kém người Nga nhưng lại vượt xa các đại diện Trung Quốc.
3
«Lộ trình an toàn»
Đội Việt Nam nhận giải «Đồng». Công binh Việt Nam xếp bậc sau các đồng nghiệp của họ từ Uzbekistan và Nga.
4
«Bếp dã chiến»
Tổ «anh nuôi» Việt Nam chung giải «Đồng» với đội từ Belarus
5
«Vùng tai nạn»
Việt Nam nhận giải «Bạc». Về kết quả chung của môn thi này, đội tuyển Việt Nam không hơn được đội Nga nhưng lại vượt đội Belarus.
6
«Kinh tuyến»
Việt Nam chung giải «Đồng» với đội Trung Quốc.
7
«Thông tin liên lạc giỏi»
Việt Nam chung giải «Đồng» với đội Uzbekistan.
Đã gửi gắm nhiều mong mỏi nghiêm túc trông đợi thành công của đội tuyển Việt Nam trong cuộc thi ngoạn mục nhất của «Army Games» là «Tank Biathlon – Xe tăng hành tiến». Năm 2021, lính tăng Việt Nam lần đầu tiên đua tài trong Bảng I của «Tank Biathlon». Nhưng đáng tiếc, đội Việt Nam chỉ đứng ở vị trí thứ 9.
Đánh giá chung về kết quả thi đấu của đội tuyển Việt Nam tại «Army Games-2021», trả lời phỏng vấn của báo chí, Thiếu tướng Phạm Văn Thái Phó Cục trưởng Cục Quân huấn trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam lưu ý:
“Đối với QĐND Việt Nam, việc làm quen với kinh nghiệm huấn luyện chiến đấu của quân đội các nước khác, cũng như thiết lập quan hệ hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau với quân đội nước ngoài là rất quan trọng và hữu ích. «Army Games» là cơ hội tuyệt vời để kiểm tra kỹ năng và nâng cao trình độ chuyên môn chiến đấu của quân nhân».
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, Thiếu tướng Lực lượng vũ trang Nga Alexandr Peryazev trọng tài chính của «Army Games» đã cho ý kiến nhận xét về phần tham gia của các đại diện Việt Nam tại Hội thao Quân sự Quốc tế 2021:

“Tôi xin cảm ơn phía Việt Nam đã gánh vác trách nhiệm tổ chức các cuộc thi của «Army Games 2021» trên lãnh thổ nước bạn. Địa điểm tổ chức cuộc thi và các điều kiện bố trí nhân sự đều được chuẩn bị ở trình độ quân sự chuyên nghiệp cao.
Ở tất cả các nội dung thi đấu đã đăng ký tham gia, đội tuyển QĐND Việt Nam đều thể hiện mức độ chuẩn bị tốt, chấp hành kỷ luật nghiêm túc, phẩm chất đạo đức-tâm lý rất xuất sắc, đó chính là cái được gọi là «tinh thần chiến đấu». Các quân nhân Việt Nam trong Hội thao Quân sự Quốc tế đã thực sự chiến đấu vì từng giây thời gian, từng mét khoảng cách. Sự phấn đấu cống hiến của bộ đội Việt Nam rất đáng kính trọng!».
Những phương tiện huấn luyện mới nhất của Lực lượng Phòng không Việt Nam
Mùa thu năm 2021, chiếc máy bay vận tải khổng lồ An-124 «Ruslan» của Nga đã hạ cánh xuống một phi trường Việt Nam.
Trong khoang hàng của nó chứa 6 máy bay huấn luyện-chiến đấu Yak-130 - lô đầu tiên trong số 12 máy bay loại này được Việt Nam mua theo hợp đồng năm 2019.
Những chiếc Yak-130 này sẽ phục vụ trong Trung đoàn Huấn luyện Hàng không 940. Như đang thấy rõ, máy bay Nga này được thiết kế để thế chỗ những chiếc Aero L-39 do Tiệp Khắc sản xuất nay đã cũ kỹ lỗi thời. Việt Nam trở thành khách hàng nước ngoài thứ sáu mua Yak-130 sau Algeria, Bangladesh, Belarus, Myanmar và Lào.



Yak-130 có thể được sử dụng để huấn luyện các phi công tương lai điều khiển hàng loạt «tổ hợp hàng không chiến đấu» thuộc thế hệ thứ 4 và thứ 5, không chỉ của Nga, mà còn cả máy bay do Hoa Kỳ và châu Âu sản xuất. Mặc dù Yak-130 là phương tiện bay cận âm, vẫn có thể dùng nó mô phỏng chuyến bay trong chế độ siêu thanh.
Yak-130 còn là máy bay tấn công hạng nhẹ, thích hợp hoàn hảo cho chiến tranh trong các khu vực rừng núi cao hiểm trở. Máy bay có thể cất cánh từ các điểm mà sân nền chuẩn bị sơ sài, mang theo tải trọng chiến đấu lên đến 3 tấn (gồm tên lửa và bom).
«Đại bàng trắng» sẽ bay đến với bộ đội thiết giáp Việt Nam
Trong năm 2021, trên báo chí Việt Nam đã xuất hiện chứng cứ cho thấy Việt Nam có ý định nghiêm túc trong việc mua xe tăng «Đại bàng trắng» T-72MS của Nga.
Dù sao chăng nữa, việc tổ chức tái đào tạo kíp lái xe chiến đấu loại này (cùng với T-90S/SK) trực tiếp được coi là một trong những nhiệm vụ chính của Cục Kỹ thuật Binh chủng Tăng thiết giáp.
T-72MS chính là phương án nâng cấp không tốn kém cho xe tăng T-72B. Cỗ xe này đã được giới thiệu từ 10 năm trước, nhưng cho đến nay nó vẫn hoàn toàn phù hợp và đầy đủ khả năng sẵn sàng chiến đấu đối với khu vực tiềm ẩn của hoạt động chiến sự như vùng Đông Nam Á. Yếu tố không kém quan trọng là «Đại bàng trắng» có giá rẻ hơn đáng kể so với T-90S và còn đơn giản hơn rất nhiều. Trong trường hợp này, những chiến sĩ từng phục vụ trước đó trên tăng T-54M hoặc T-62, sẽ có thể kịp làm chủ chiếc T-72 nhanh chóng hơn.
Các Bộ trưởng Quốc phòng cùng «chỉnh đồng hồ»
Ngày 1 tháng 12 năm 2021, trong khuôn khổ chuyến công du của Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergei Shoigu đã tiến hành cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phan Văn Giang.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Nga.
«Việt Nam là một trong những quốc gia chủ chốt của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sở hữu lực lượng vũ trang hiện đại, được trang bị tốt. Chúng tôi dành ưu tiên quan tâm hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực quân sự và kỹ thuật-quân sự. Chúng ta đã tích lũy được những kinh nghiệm phong phú độc đáo từ công việc chung, trên cơ sở tình bạn nhiều năm và hợp tác cùng có lợi».
Đón tiếp người đồng cấp Việt Nam, Đại tướng Sergei Shoigu nói.
Trong phần hội đàm kín, những người đứng đầu cơ quan quốc phòng của hai nước đã thảo luận về triển vọng hợp tác quân sự và kỹ thuật-quân sự, vạch kế hoạch làm việc chung cho tương lai. Các Bộ trưởng đã ký thỏa thuận song phương liên Chính phủ về phát triển hợp tác kỹ thuật-quân sự và Bản ghi nhớ liên Bộ về hợp tác trong lĩnh vực lịch sử quân sự.
Huân chương Việt Nam tặng thủ trưởng tình báo Nga
Suốt chặng dài nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ, có thực tế là sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả không chỉ của quân đội, mà cả các cơ cấu công lực khác của hai nước chúng ta, trong đó có cơ quan đặc nhiệm đã và đang tích cực hợp tác là điều hiển nhiên. Nga và Việt Nam rất thường xuyên phải đối mặt với những thách thức và mối đe dọa giống nhau cho an ninh quốc gia.

Trong chuyến thăm làm việc tại Nga vào tháng 12 năm 2021, Chủ tịch CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Hữu nghị cho ông Sergei Naryshkin đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài của Nga. Ông Naryshkin được nhận phần thưởng của Nhà nước Việt Nam vì đã có «những đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển quan hệ hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga và củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước».
Thư ký Hội đồng An ninh Nga, ông Nikolai Patrushev và một đơn vị của Cơ quan Tình báo nước ngoài của Nga cũng được trao tặng phần thưởng của Việt Nam.
Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Cơ quan Tình báo nước ngoài của Nga trong những năm gần đây đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp. Các bên hỗ trợ nhau một cách hiệu quả trong việc thông báo kịp thời với ban lãnh đạo cao cấp của nước mình về những vấn đề chiến lược, trao đổi nhiều kinh nghiệm làm việc giá trị, tương tác tích cực về các nội dung huấn luyện và đào tạo nhân sự.

Đại tướng Tô Lâm Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam cũng được Tổng thống Nga trao tặng Huân chương Hữu nghị vì đã có «những đóng góp to lớn vào phát triển quan hệ hợp tác song phương giữa LB Nga và CHXHCN Việt Nam».
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала