Tiễn biệt Thiền sư Thích Nhất Hạnh về với “Đường xưa mây trắng”

© AP Photo / Richard VogelThiền sư Thích Nhất Hạnh
Thiền sư Thích Nhất Hạnh - Sputnik Việt Nam, 1920, 22.01.2022
Đăng ký
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, một trong những tu sĩ Phật giáo nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất Việt Nam thời cận đại, vừa viên tịch ở tuổi 96, hạ lạp 70 năm.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập dòng tu Tiếp hiện, một dòng tu mà cho đến nay đã phát triển rộng rãi trên khắp thế giới với hàng ngàn xuất sĩ cùng hàng triệu cư sĩ tu tập. Thầy là một trong những lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn nhất tại phương Tây.
Lễ tang của Thiền sư Thích Nhất Hạnh dự kiến sẽ được tổ chức dưới hình thức khóa tu im lặng trong 7 ngày, theo thông báo từ môn đồ pháp quyến.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch

Cáo phó của Đạo tràng Mai Thôn (Làng Mai) cho biết, Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch vào lúc 0h ngày 22/1 (nhằm ngày 20 tháng 12 Âm lịch) tại Tổ đình Từ Hiếu, phường Thủy Xuân, TP. Huế.
Tổ đình Từ Hiếu là nơi Thiền sư Thích Nhất Hạnh xuất gia cách đây 80 năm (năm 1942), cũng là nơi Thiền sư về nước tĩnh dưỡng những ngày tháng cuối đời từ tháng 10 năm 2018.
Dự kiến linh cữu của Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ được đặt tại thiền đường Trăng Rằm trong khuôn viên Tổ đình Từ Hiếu để tăng ni, phật tử đến viếng.
Ngay trong sáng 22/1, đã có nhiều tăng ni và người dân đến chùa Từ Hiếu với mong muốn được nhìn thấy vị chân tu đạo hạnh một lần cuối. Tuy nhiên, vì tình hình dịch bệnh, chỉ một số tăng ni được vào thất Lắng Nghe (nơi Thiền sư viên tịch), trong khi người dân được mời đứng bái vọng từ bên ngoài.
Theo thông báo từ Đạo tràng Mai Thôn, tang lễ Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ được tổ chức theo nghi thức tâm tang trong thời gian 7 ngày. Lễ nhập kim quan diễn ra lúc 8h ngày 23/1 và lễ Trà tỳ diễn ra lúc 7h ngày 29/1.
Trong 7 ngày đó, tang lễ sẽ theo hình thức của một khóa tu im lặng. Khách đến thăm viếng được mời cùng thực tập tâm niệm cúng dường dưới sự im lặng, trang nghiêm, thanh tịnh, tĩnh lặng và nhẹ nhàng.
Sau lễ Trà tỳ, xá lợi Thiền sư sẽ được an vị tại Tổ Đình Từ Hiếu và các trung tâm khác của Làng Mai trên khắp thế giới mà không cần phải xây tháp.

Cuộc đời tu học và hoằng đạo của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Thiền sư Thích Nhất Hạnh xuất gia năm 1942 tại chùa Từ Hiếu với Thiền sư Thanh Quý Chân Thật, được ban pháp danh Trừng Quang.
Sau khi thọ giới Sa di vào tháng 9 năm 1945, Thiền sư được ban pháp tự Phùng Xuân.
Năm 1947, Thiền sư vào học tại Phật học đường Báo Quốc ở Huế.
Năm 1949, Thiền sư lên đường vào Sài Gòn tiếp tục con đường tu học. Tại đây, Thiền sư lấy pháp hiệu Thích Nhất Hạnh và bắt đầu sự nghiệp sáng tác của mình. Thầy là người đồng sáng lập chùa Ấn Quang, làm giáo thọ Phật học đường Nam Việt.
Năm 1951, Thiền sư thọ Giới Lớn với Hòa thượng Đường đầu Thích Đôn Hậu tại chùa Ấn Quang, Sài Gòn. Sau đó, Thầy lần lượt làm Giám học Phật Học Đường Nam Việt (1954) rồi làm chủ bút Nguyệt san Phật giáo Việt Nam (1955).
Năm 1957, Thiền sư lập Phương Bối Am tại Bảo Lộc để tu tập.
Từ năm 1961 đến 1963, Thiền sư Thích Nhất Hạnh tham học, nghiên cứu và giảng dạy tại đại học Princeton và Columbia, Hoa Kỳ. Trong giai đoạn này Thầy đã viết đoản văn về mẹ nổi tiếng “Bông hồng cài áo”.
Năm 1964, Thiền sư được mời trở về Việt Nam tham gia lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), thành lập Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn tại chùa Pháp Hội (tiền thân của Viện đại học Vạn Hạnh) và nhà xuất bản Lá Bối. Thầy là chủ bút tuần san Hải Triều Âm, cơ quan ngôn luận của Viện Hóa Đạo.
Lễ tang   - Sputnik Việt Nam, 1920, 23.12.2021
COVID-19, ung thư và tuổi già: Những mất mát tổn thất trong năm 2021
Năm 1965, Thầy lập trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội ở Sài Gòn, một tổ chức từ thiện xây dựng lại các làng bị bom đạn bắn phá, xây dựng trường học và các trạm xá, và giúp các gia đình bị trở thành vô gia cư trong chiến tranh.
Năm 1966 là một năm quan trọng trong cuộc đời Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Trong năm này, Thầy đã thành lập Dòng tu Tiếp hiện, một dòng tu theo Phật giáo dấn thân mà cho đến nay đã có hàng ngàn người với hơn 30 quốc tịch khác nhau thọ giới tu theo dòng tu này.
Cũng trong năm 1966, Thầy Thích Nhất Hạnh được Bổn sư của mình là Thiền sư Thanh Quý Chân Thật phú pháp truyền đăng tại chùa Từ Hiếu và được kế thừa Trú trì Tổ đình Từ Hiếu sau khi Bổn sư viên tịch. Thầy nối pháp đời thứ 42 của thiền phái Lâm Tế thuộc nhánh Từ Hiếu đời thứ 8, dòng Liễu Quán.
Ngay sau đó trong cùng năm, Thiền sư rời Việt Nam ra nước ngoài để kêu gọi hòa bình, chấm dứt chiến tranh cho đồng bào dân tộc.
Năm 1967, mục sư Martin Luther King Jr. đề cử Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho giải Nobel Hòa bình, khẳng định ông “không biết bất kỳ ai khác xứng đáng cho Giải Nobel Hoà bình hơn là vị nhà sư đạo hạnh đến từ Việt Nam này”.
Từ năm 1968 đến 1973, Thiền sư vận động hòa bình cho Hội nghị Hòa bình Paris. Thầy được mời giảng dạy môn “Lịch sử Phật giáo Việt Nam” tại trường đại học Sorbonne (Pháp). Với bút hiệu Nguyễn Lang, Thiền sư biên soạn Việt Nam Phật giáo Sử luận (3 tập).
Tháng 9 năm 1970, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chính thức đề cử Thiền sư Thích Nhất Hạnh làm lãnh đạo Phái đoàn Phật giáo Hòa bình tại Hội nghị Paris.
Cũng trong năm nay, Thầy tham gia soạn thảo Tuyên ngôn Menton về vấn đề tàn hại sinh môi, ô nhiễm môi trường và gia tăng dân số.
Năm 1972, Thầy chủ trì Hội nghị Môi trường mang tên Đại Đồng với nội dung về sinh thái học bề sâu, tính tương tức và tầm quan trọng của việc bảo hộ trái đất.
Năm 1971, Thiền sư thành lập Phương Vân Am tại Paris.
Năm 1982, Thiền sư thành lập Đạo tràng Mai Thôn (Làng Mai) tại Pháp.
Năm 1998 và năm 2000, Thầy lần lượt thành lập Tu viện Thanh Sơn và Tu viện Lộc Uyển tại Mỹ.
Năm 1999, Thiền sư Thích Nhất Hạnh cùng với các chủ nhân giải Nobel Hòa bình đồng soạn thảo Tuyên ngôn 2000 về một nền hòa bình và bất bạo động cho thiên niên kỷ mới.
Năm 2005, Thiền sư lần đầu tiên trở về Việt Nam sau nhiều năm hoạt động tại nước ngoài. Thầy lập tu viện Bát Nhã trong cùng năm tại Bảo Lộc.
Năm 2007, Thiền sư có chuyến trở về Việt Nam lần thứ hai. Lần này, Thầy đã tổ chức 3 Đại Trai đàn Bình đẳng Chẩn tế ở cả ba miền.
Năm 2008, Thầy lần thứ 3 trở về Việt Nam, tham gia thuyết giảng tại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc với tư cách là người thuyết trình chủ đề chính.
Từ năm 2008, Thiền sư Thích Nhất Hạnh thành lập Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu (Đức), Tu viện Bích Nham, Tu viện Mộc Lan (Hoa Kỳ), Thiền đường Hơi Thở Nhẹ (Paris), Làng Mai Thái Lan, Viện Phật học Ứng dụng Châu Á (Hong Kong), Tu viện Nhập Lưu (Úc), Ni xá Diệu Trạm, Ni xá Trạm Tịch (Việt Nam). Những trung tâm tu học này đã góp phần mở rộng sư nghiệp hoằng pháp và xây dựng Tăng thân trên toàn thế giới.
Tháng 10 năm 2018, Thiền sư chính thức trở về an dưỡng tại Tổ đình Từ Hiếu, Huế.

Tu sĩ Phật giáo ảnh hưởng hàng đầu tại phương Tây

Trước hết, có thể khẳng định Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong những tu sĩ Phật giáo nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử cận đại Việt Nam.
Thầy đã giới thiệu đến toàn thế giới khái niệm "Phật giáo dấn thân" (engaged Buddhism) trong cuốn sách Vietnam: Lotus in a Sea of Fire (Tạm dịch: Việt Nam: Hoa sen trong biển lửa) mà ông chấp bút.
Cái chết - Sputnik Việt Nam, 1920, 04.01.2022
Chấn động: Cựu tiền đạo V-League tử vong, nghi bị em họ đầu độc
Trong suốt sự nghiệp tu học và truyền bá tư tưởng của mình, Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng trải qua nhiều vị trí, vai trò, công việc khác nhau, bao gồm giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội.
Nhiều hãng tin uy tín của nước ngoài đánh giá, Thiền sư Thích Nhất Hạnh là lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây, chỉ sau Đức Đạt Lai Lạt Ma.
“[Thầy Nhất Hạnh] là một tu sĩ Phật giáo Việt Nam, là một trong những đạo sư có ảnh hưởng lớn nhất của Thiền tông, người đã chia sẻ những thông điệp về chánh niệm tỉnh thức, lòng từ bi và bất bạo động”, tờ The New York Times viết.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng được GS.TS John Powers, một học giả Phật học người Úc, bình chọn là 1 trong 13 tu sĩ Phật giáo góp phần vào sự thành hình và phát triển đạo Phật thế giới trong 2.500 năm qua.
Trong khi đó, mục sư Martin Luther King Jr., một trong những nhà hoạt động nhân quyền có ảnh hưởng nhất Hoa Kỳ, đã đề cử Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho giải Nobel Hòa bình vào năm 1967.
“Và vì Giải Nobel Hoà Bình là danh giá nhất, tôi tin rằng việc trao Giải cho thiền sư Nhất Hạnh chính là một hành động cao cả nhất để tôn vinh hoà bình. […] Điều đó sẽ thức tỉnh con người, giúp họ học được bài học của cái đẹp và tình yêu được dung dưỡng trong hoà bình. Điều đó cũng sẽ khơi gợi lại niềm hy vọng vào một trật tự mới của công lý và hài hoà”, Luther King viết trong thư đề cử.
Trong gần 40 năm hoạt động tại nước ngoài, Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người tiên phong mang pháp môn chánh niệm đến xã hội phương Tây, tự tay xây dựng cộng đồng Phật giáo dấn thân với gần 1.250 xuất sĩ và hàng triệu cư sĩ cũng như độc giả trên toàn thế giới.
Thầy đã giới thiệu những pháp môn thực tập của mình trong nhiều khoá tu dành cho các nhà giáo dục, thanh thiếu niên, nghệ sĩ, doanh nhân, các nhà lãnh đạo, y bác sĩ...
Thiền sư là tác giả của hơn 120 cuốn sách, trong đó có trên 40 cuốn viết bằng tiếng Anh. Những tác phẩm nổi bật trong số đó có thể kể đến là Đường xưa mây trắng, Phép lạ của sự tỉnh thức, Nẻo về của ý, Am mây ngủ,… cũng như nhiều tác phẩm khảo luận về triết học Phật giáo khác.
Cuối năm 2014, Thiền sư bị xuất huyết não và phải nhập viện điều trị tại Pháp trong hơn 4 tháng. Sau quá trình hồi phục được xem là “thần kỳ”, Thiền sư trở về tĩnh dưỡng tại Làng Mai Thái Lan.
Năm 2017, Thiền sư trở lại Việt Nam và thăm chùa Từ Hiếu. Ngày 28/10/2018, Thiền sư Thích Nhất Hạnh từ Thái Lan trở về Tổ đình này tịnh dưỡng và thông báo ý nguyện muốn sống những ngày cuối cùng ở đây cho đến khi viên tịch.
Hàng ngày, ông được các tăng ni chăm sóc, lo việc ăn uống, đi lại. Những ngày thời tiết đẹp, thiền sư ngồi trên xe lăn đi thiền hành trong khuôn viên chùa.
Tại Tổ đình Từ Hiếu, Thiền sư Thích Nhất Hạnh được các tăng ni, thị giả đệ tử chăm sóc sức khỏi và việc ăn uống, đi lại. Những hôm thời tiết đẹp, Thiền sư ngồi xe lăn đi thiền hành trong khuôn viên cùa.
Trong tâm thử gửi đến các đệ tử, Thiền sư dặn sau khi Thầy mất đừng xây tháp mộ cho tốn kém tiền của cũng như đất đai của người dân.
Cái chết - Sputnik Việt Nam, 1920, 05.01.2022
Vụ quân nhân tử vong ở Gia Lai: Khởi tố vụ án “cố ý gây thương tích”
Theo Thầy, việc xây tháp sẽ không có ý nghĩa gì nếu những thế hệ kế cận không nối tiếp được những gì Thầy trao truyền.
“Tro cốt thầy, hãy chia đều cho các Thiền viện của Làng Mai trên khắp thế giới rồi rải trên những con đường mà hàng ngày các con đi thiền hành. Làm như thế, ngày ngày, thầy và các con vẫn đi thiền hành chung", Thiền sư viết.
Vậy là, Phật giáo Việt Nam một lần nữa phải đưa tiễn một vị chân tu đức độ, đạo hạnh thanh cao về nơi Cực lạc. Những người yêu mến, ngưỡng mộ và quý trọng Thiền sư Thích Nhất Hạnh hãy lắng lòng, cùng chiêm nghiệm, suy nghĩ về những điều mà Thầy đã truyền trao, để tiếp nối Thầy ngay trong phút giây hiện tại này.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала