PVN và nỗi lo trữ lượng dầu khí của Việt Nam sụt giảm

© Depositphotos.com / Igor-SPbKhai thác dầu khí
Khai thác dầu khí  - Sputnik Việt Nam, 1920, 23.01.2022
Đăng ký
Giá dầu thế giới tăng lịch sử, nguy cơ khủng hoảng năng lượng đe dọa toàn cầu, trữ lượng dầu khí của Việt Nam liên tục sụt giảm, khó gia tăng, nhất là nhiều mỏ ở Biển Đông cạn kiệt, PVN đang tính toán nhiều chiến lược thận trọng.
Việc gia tăng trữ lượng dầu khí của PVN hiện là “thách thức vô cùng lớn”, tuy nhiên, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam quyết tâm nỗ lực vượt qua mọi thách thức, tăng sản lượng khai thác, tiếp tục đóng góp cho GDP, vào nguồn thu ngân sách Nhà nước cũng như đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Chủ sở hữu  công ty Novatek Leonid Mikhelson - Sputnik Việt Nam, 1920, 02.12.2021
NOVATEK và PetroVietnam Power ký thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực LNG và năng lượng

PVN ghi nhận mức lãi khủng năm 2021 bất chấp Covid-19

Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2021 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cho thấy, nhờ vào nhiều giải pháp linh hoạt, chủ động, bám sát tình hình thế giới, biến động thị trường năng lượng toàn cầu, Petrovietnam cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao.
Cụ thể, sản lượng khai thác dầu hoàn thành kế hoạch cả năm trước 39 ngày và đạt 10,97 triệu tấn, vượt 1,25 triệu tấn (13%) kế hoạch năm. Báo cáo kết quả kinh doanh của PVN cũng nêu, khai thác dầu ở nước ngoài hoàn thành kế hoạch cả năm trước 28 ngày, với sản lượng cả năm đạt 1,87 triệu tấn, vượt 140.000 tấn so với kế hoạch.
Sản xuất phân bón về đích sớm 14 ngày đạt 1,91 triệu tấn, vượt 18% kế hoạch năm và tăng 6% so với năm 2020. Sản xuất xăng dầu toàn Tập đoàn đạt 6,37 triệu tấn, vượt 0,1% kế hoạch năm 2021 và tăng 9,5% so với năm 2020.
Với việc các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm trước 14- 42 ngày, dẫn đến các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm trước 2-3 tháng và tăng trưởng cao so với năm 2020.
Tổng doanh thu toàn Tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm trước 2 tháng, đạt 620,2 nghìn tỷ đồng, vượt 26,4% kế hoạch năm, tăng 28% so với năm 2020. Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm trước 3 tháng, năm 2021 đạt 112,5 nghìn tỷ đồng, vượt 80% kế hoạch năm, tăng 36% so với năm 2020. Tổng lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 45 nghìn tỷ đồng, vượt 2,6 lần kế hoạch năm, tăng 2,2 lần so với năm 2020.
Dầu mỏ  - Sputnik Việt Nam, 1920, 02.11.2021
Đề xuất mới về đầu tư ra nước ngoài lĩnh vực dầu khí của Việt Nam
Công tác tìm kiếm thăm dò có 1 phát hiện dầu khí mới tại giếng khoan Sói Vàng -1X Lô 16-1/15; đưa 3 mỏ/công trình dầu khí mới vào khai thác, gồm: Mỏ Sư Tử Trắng pha 2A (ngày 14/6/2021); công trình BK-18A (ngày 10/11/2021); công trình BK-19 (ngày 13/11/2021) vượt tiến độ xây dựng 11 ngày.
Trong lĩnh vực Công nghiệp Điện, Tổ máy số 1 Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 đã hoàn thành công tác xây dựng, lắp đặt và chạy thử nghiệm thu, chuẩn bị vận hành thương mại. Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (vốn được coi là 1 trong 12 đại dự án thua lỗ ngành Công Thương, nổi tiếng từ thời ông Đinh La Thăng) đã chuyển biến tích cực, sẵn sàng đảm bảo cho các mốc tiến độ đốt dầu lần đầu.
Đặc biệt, trong năm 2021, toàn Tập đoàn thực hiện tiết giảm chi phí đạt 3.012,2 tỷ đồng, vượt 10,4% kế hoạch tiết giảm năm 2021. Năm 2021, PVN cũng đã dành hơn 1.000 tỷ đồng (mức kỷ lục) thực hiện hoạt động an sinh xã hội.
Được biết, đà tăng trưởng của PVN đạt được nhờ giá dầu trên thị trường thế giới tăng liên tục trong suốt năm 2021. Bên cạnh đó, năm qua, giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng giá gần 30 USD/thùng trước những biến động phức tạp về địa chính trị, sự xuất hiện của các biến chủng Covid-19 mới (Delta, Omicron). Diễn biến giá dầu thực tế tăng 40-50% so với kịch bản giá dầu mà PVN xây dựng hồi đầu năm.
Bên cạnh việc giá dầu tăng cao, sự hồi phục của thị trường nước ngoài và nội địa khi chuyển sang trạng thái sản xuất kinh doanh theo tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt với Covid-19 cũng giúp các mặt hàng kinh doanh khác của PVN như xăng, khí, phân bón... tăng sản lượng bán, đem lại nguồn thu tốt cho tập đoàn.
Theo ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc PVN, với các chỉ số kinh doanh, chỉ tiêu tài chính tăng trưởng cao cả năm, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam kỳ vọng góp phần bù đắp thu ngân sách, tăng trưởng GDP và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2021 ngành Công Thương, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho hay, hầu hết chỉ tiêu đều hoàn thành sớm hơn kế hoạch 1-3 tháng. Nộp ngân sách 12.600 tỷ đồng, lợi nhuận 41.900 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng lưu ý, năm 2022, ngành dầu khí đẩy mạnh điều tra cơ bản, chỉ đạo các nhà thầu, doanh nghiệp tăng sản lượng khai thác, chế biến dầu khí, thúc đẩy tiến độ đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm. Petrovietnam cần tối ưu hóa quy trình công nghệ, tiết giảm chi phí, hạ giá thành, tăng thu ngân sách nhà nước cao hơn năm 2021.

Vì sao PVN khó tăng trữ lượng dầu khí?

Tuy nhiên, không thể phủ nhận, năm 2021, hoạt động sản xuất, kinh doanh của PVN tiếp tục gặp nhiều bất lợi do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Cùng với đó, thị trường các sản phẩm dầu khí đứt gãy chuỗi cung ứng do tình trạng giãn cách xã hội diện rộng trong thời gian dài tại nhiều địa phương. Đồng thời, PVN tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn như tình hình Biển Đông căng thẳng (với việc Trung Quốc liên tục gây khó khăn cho hoạt động khai thác tài nguyên của Việt Nam và các quốc gia ven Biển Đông) tiếp tục diễn biến không thuận lợi tác động đến hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí.
Theo PVN, còn nhiều dự án lớn khâu sau, dự án điện tồn tại vướng mắc cơ chế cần phải được cấp thẩm quyền vào cuộc giải quyết, tháo gỡ. Đáng chú ý, theo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, quy chế tài chính của Công ty mẹ - Tập đoàn đã được ban hành nhưng chưa đáp ứng kỳ vọng phát triển.
“Quỹ tìm kiếm thăm dò không được phép trích lập ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển lĩnh vực tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí - lĩnh vực cốt lõi của Tập đoàn”, PVN thừa nhận.
Giàn khai thác tại mỏ Đại Hùng - Sputnik Việt Nam, 1920, 15.10.2021
Vì sao Việt Nam phải sửa đổi Luật Dầu khí, thêm quyền cho PVN?
Đồng thời, hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách phát triển liên quan đến ngành Dầu khí còn chồng chéo, bất cập chưa được sửa đổi, ban hành phù hợp với tình hình mới; Luật Dầu khí (sửa đổi) vẫn đang trong giai đoạn quá trình dự thảo; Đề án tái cấu trúc Tập đoàn chưa được phê duyệt.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng đánh giá, việc gia tăng trữ lượng dầu khí, bù đắp vào sản lượng khai thác hàng năm, đảm bảo sự phát triển bền vững của PVN hiện là “thách thức vô cùng lớn”. PVN thừa nhận, năm 2021 là năm thứ 6 liên tiếp, hệ số gia tăng trữ lượng bù trừ vào sản lượng khai thác ở mức báo động, ảnh hưởng đến phát triển bền vững của tập đoàn trong những năm tới.
Cùng với đó, theo thống kê từ năm 2015 đến nay, sản lượng khai thác dầu của Việt Nam (trong nước) liên tục sụt giảm, từ mức 16,9 triệu tấn năm 2015; xuống 15,2 triệu tấn năm 2016; 13,4 triệu tấn năm 2017; 12 triệu tấn năm 2018; 11 triệu tấn năm 2019; 9,7 triệu tấn năm 2020 và dự báo tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.
Mỏ cạn kiệt là điều mà các nhà làm chính sách và chuyên gia đã dự báo từ trước. Các số liệu này phản ánh hiện tượng sụt giảm sản lượng tự nhiên của các mỏ hiện hữu khi ở vào giai đoạn cuối đời mỏ, trong khi hệ số gia tăng trữ lượng bù trừ vào sản lượng khai thác trong những năm qua đã suy giảm đến mức đáng lo ngại.
Điển hình như báo cáo của PVN tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 cũng cho thấy, việc gia tăng trữ lượng dầu khí đã sụt giảm cực lớn trong 5 năm lại đây, từ mức 40,5 triệu tấn vào năm 2015 xuống còn 12 triệu tấn vào năm 2018 và 13,38 triệu tấn vào năm 2019. Trong khi đó, gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2021 chỉ là 4,6 triệu tấn - một con số rất thấp. Điều này cũng đặt ngành khai thác dầu khí của Việt Nam vào thế khó, trước nguy cơ không có nhiều dầu để khai thác.
Petrovietnam nhấn mạnh, các khu vực truyền thống có tiềm năng dầu khí đã được thăm dò khá chi tiết (Bể Cửu Long, Nam Côn Sơn), các phát hiện dầu khí phần lớn đều nhỏ, nên đòi hỏi phải mở rộng hoạt động tìm kiếm, thăm dò các khu vực nước sâu, xa bờ.

“Tiềm năng dầu khí chưa phát hiện còn lại tập trung chủ yếu ở vùng nước sâu, xa bờ, rủi ro cao, tiếp tục bị nước ngoài gây sức ép, cản trở”, PVN đánh giá, chưa kể, khó khăn bộn bề từ dịch Covid-19 đặc biệt đối với các hoạt động thu nổ địa chấn và khoan vốn đòi hỏi phải huy động nhân sự và thiết bị, vật tư từ nước ngoài.

Cùng với đó, công tác kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam gặp nhiều khó khăn do các lô dầu khí mở hoặc có tiềm năng hạn chế hoặc thuộc vùng nước sâu, xa bờ, cấu trúc địa chất phức tạp, hoặc điều kiện khuyến khích đầu tư chưa thực sự hấp dẫn.
Cũng theo PVN, hiện nay, xu thế đầu tư phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, điện sạch dẫn đến thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng hóa thạch kém hấp dẫn hơn so với giai đoạn trước trong khi hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách phát triển liên quan đến ngành dầu khí ở trong nước chưa được sửa đổi, ban hành phù hợp với tình hình mới hiện nay. Đồng thời, Luật Dầu khí sửa đổi năm 2008 và các điều khoản trong Hợp đồng (mẫu) phân chia sản phẩm không còn phù hợp và không khuyến khích đầu tư vào các mỏ nhỏ và mỏ cận biên kinh tế, cũng như các mỏ đang ở thời kỳ khai thác tận thu hồi.
Petrovietnam cũng cho rằng, điều này chưa thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài như kỳ vọng. Luật Dầu khí chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục đầu tư đối với các dự án thăm dò và khai thác dầu khí (như việc phê duyệt báo cáo đầu tư), dẫn đến thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật áp dụng cho hoạt động thăm dò khai thác dầu khí.
Trên thực tế, ở thời điểm hiện tại, ở Việt Nam, hoạt động dầu khí bị điều tiết bởi nhiều luật, như Luật Dầu khí, Luật Xây dựng cơ bản, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý vốn nhà nước, với rất nhiều vướng mắc, xung đột lẫn nhau, quy trình rắc rối, khó thực hiện, kéo dài, gây nguy cơ rủi ro về pháp lý cho người thực hiện, kìm hãm sự phát triển của ngành. Do đó, theo PVN, cần có Luật Dầu khí bao trùm, điều tiết toàn chuỗi dây chuyền công nghệ dầu khí, tạo điều kiện khuyến khích các nhà đầu tư triển khai công việc trong tình hình mới.

PVN nỗ lực tìm kiếm thăm dò, tăng sản lượng dầu khí

Năm 2022, theo ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên của PVN, dự báo tình hình quốc tế, trong nước với khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi. Điển hình như dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp cùng hàng loạt rủi ro khác như: khủng hoảng năng lượng, biến đổi khí hậu, tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục không đồng đều và vững chắc.
Theo lãnh đạo PVN, để thực hiện thành công các nhiệm vụ được giao, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tăng trưởng GDP đạt từ 6 - 6,5%, Tập đoàn xác định mục tiêu trong năm 2022 là quản trị biến động, đón đầu xu hướng, kết nối nguồn lực, phát huy công nghệ, thúc đẩy đầu tư, phát triển bền vững.
Giàn công nghệ Trung tâm số 2 tại mỏ Bạch Hổ do Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro quản lý
 - Sputnik Việt Nam, 1920, 18.10.2021
Samsung, Viettel, PVN hay Vingroup, doanh nghiệp nào làm ăn tốt nhất ở Việt Nam?
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 hôm 14/1 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn chung, những thành tựu nỗ lực của PVN khẳng định ý chí, khát vọng phát triển, tinh thần đoàn kết của “những người đi tìm lửa” trong suốt hành trình 6 thập kỷ khởi nguồn và phát triển.
“Ngành Dầu khí Việt Nam đã trải qua những bước tiến dài, phát triển, vươn lên trở thành một ngành kinh tế quan trọng hàng đầu đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”, ông Nguyễn Hoàng Anh nói.
Chủ tịch CMSC cũng cho hay, thành công này góp phần quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Theo ông Anh, năm 2022, PVN cần tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và sự điều hành của Chính phủ để hoàn thành các nhiệm vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển.
Trong đó, PVN cần phối hợp với Bộ Công Thương và CMSC trình Chính phủ báo cáo Quốc hội về sửa đổi Luật Dầu khí, xây dựng, phối hợp cùng các bộ, ngành xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển Tập đoàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch 5 năm 2021 – 2025.
Thực hiện Đề án tăng vốn điều lệ cho Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025; tập trung nguồn lực triển khai các dự án trọng điểm, cấp bách được Chính phủ giao như dự án Lô B, Cá Voi Xanh, Sông Hậu 1, LNG Thị Vải, LGP Sơn Mỹ, đặc biệt sớm đưa dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vào hoạt động, chuyển đổi số và Đề án Tái tạo văn hóa PVN.
Chủ tịch PVN Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, tập đoàn sẽ thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 Khóa 13 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
“Tập đoàn sẽ kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa”, ông Vượng khẳng định.
Đồng thời, PVN cũng sẽ tiếp tục thích ứng linh hoạt và kiểm soát an toàn hiệu quả dịch bệnh nhằm đạt được mục tiêu kép là đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động và duy trì sản xuất, hoàn thành kế hoạch đề ra
Quan trọng nhất, theo Chủ tịch Vượng, PVN cũng đẩy mạnh tìm kiếm thăm dò để gia tăng sản lượng (đạt từ 10 - 18 triệu tấn); hoàn thành đưa vào vận hành thương mại 2 nhà máy điện lớn là Sông Hậu 1 và Thái Bình 2. Tập đoàn cũng sẽ hướng đến việc giải quyết xong tranh chấp với PM tại dự án LP1 và cá dự án khó khăn khác. Các dự án khác như VNPoly, 3 dự án Ethanol cũng cần có giải pháp xử lý, giải quyết hiệu quả trong năm nay.
Vận hành hệ thống phân phối khí tại Công ty Khí Cà Mau (thuộc PV GAS) - Sputnik Việt Nam, 1920, 23.10.2021
PV GAS và tương lai ngành Công nghiệp Khí Việt Nam
PVN cũng sẽ khởi công các dự án lớn như Nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4, dự án khí Lô B, tập trung nguồn lực, hoàn thành các công đoạn chuẩn bị đầu tư như thu xếp vốn, lựa chọn được tổng thầu để khởi công và hoàn thành dự án đúng tiến độ, tạo năng lực và động lực mới cho sự phát triển của PVN trong giai đoạn tới.
Gần nhất, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 11/QĐ-BCĐNNDK ngày 19/1/2022 ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm về dầu khí, với việc Bộ Công Thương là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo này chính là đầu mối phối hợp chỉ đạo hoạt động của các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ đề ra để công tác đầu tư các dự án trọng điểm về dầu khí của Việt Nam bảo đảm tiến độ, an toàn, chất lượng và hiệu quả.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала