Phía sau vụ bắt ông Trịnh Văn Quyết

© Ảnh : Phạm Kiên - TTXVNLực lượng chức năng có mặt tại trụ sở FLC làm nhiệm vụ
Lực lượng chức năng có mặt tại trụ sở FLC làm nhiệm vụ - Sputnik Việt Nam, 1920, 30.03.2022
Đăng ký
Bộ Tài chính khẳng định sẽ phối hợp với Bộ Công an cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến vụ bắt Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết, với tinh thần “sai đến đâu, xử đến đó”.
Với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết có thể sẽ phải đối diện với mức án nào? Phía sau vụ bắt ông Quyết FLC là gì?

Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an vụ ông Trịnh Văn Quyết

Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, chính thức chiều ngày 29/3, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 06/QĐ-VPCQCSĐT, các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC.
Trước vụ việc này, Bộ Tài chính cho biết, về vụ việc Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam và bị khởi tố vì hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán", Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị chức năng của Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra trên tinh thần thượng tôn pháp luật, thực hiện đúng quy định của pháp luật.
“Sai đến đâu sẽ xử lý nghiêm tới đó, giữ vững kỷ cương, kỷ luật và tính minh bạch của thị trường chứng khoán”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Theo đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Cơ quan điều tra của Bộ Công an để cung cấp các thông tin liên quan thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ về ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC, các cá nhân thuộc Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan.
Ông Trịnh Văn Quyết - Sputnik Việt Nam, 1920, 30.03.2022
Ai sẽ là người thay ông Trịnh Văn Quyết tại Hội đồng quản trị FLC?
Thông tin thêm về vụ việc này, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận, hiện cơ quan quản lý đang phối hợp với cơ quan điều tra của Bộ Công an để cung cấp thông tin theo yêu cầu.
Trước mắt, Ủy ban Chứng khoán đã yêu cầu phía các doanh nghiệp liên quan công bố thông tin bất thường để nhà đầu tư và cổ đông nắm bắt thông tin.
Ông Dũng cũng khẳng định, hiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiến hành các công việc theo trình tự thuộc thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ.
“Theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý theo đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo tính công bằng, minh bạch của thị trường chứng khoán”, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nêu rõ.
Bộ Tài chính nhắc lại, trước đó, Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC hồi tháng 1 vừa qua. Ông Quyết đã bán số cổ phiếu này mà không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch.
Ngay say đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có quyết định phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết, nhằm ngăn chặn các hành vi tiếp theo không đúng quy định.
© Ảnh : TTXVN/phátChủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết
Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết - Sputnik Việt Nam, 1920, 30.03.2022
Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết
Cùng với đó, ông Trịnh Văn Quyết bị phạt hành chính 1,5 tỷ đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 5, điểm h khoản 5 Điều 33 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cũng chịu hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán trong vòng 5 tháng.

Ủy ban Chứng khoán: Nhà đầu tư nên bình tĩnh

Ngay sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, Ủy ban chứng khoán Việt Nam đã yêu cầu Công ty cổ phần tập đoàn FLC thực hiện công bố thông tin theo quy định và báo cáo Ủy ban chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật.
Ủy ban chứng khoán Việt Nam khẳng định rằng, đơn vị này sẽ tiếp tục cung cấp đầy đủ thông tin trong phạm vi chức năng thẩm quyền và cùng các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý vụ việc, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật và tính minh bạch của thị trường chứng khoán.
“Ủy ban chứng khoán khuyến nghị các nhà đầu tư bình tĩnh, phân tích nhìn nhận đầy đủ các yếu tố vĩ mô và hoạt động thực tế của các doanh nghiệp để cẩn trọng trong các quyết định đầu tư”, lãnh đạo cơ quan này nêu rõ.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực từ các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô và yếu tố nội tại tốt.
Máy bay Airbus A321Neo của Bamboo Airways - Sputnik Việt Nam, 1920, 30.03.2022
Hệ sinh thái FLC ra sao sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt?
Trong đó, Tổng cục Thông kê đã công bố chính thức, các số liệu về kinh tế vĩ mô vẫn rất tích cực và Việt Nam vẫn được các định chế tài chính quốc tế lớn đánh giá rất cao về tăng trưởng kinh tế năm nay.
Mặt bằng lãi suất chịu sức ép tăng nhưng cơ bản Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Về nội tại thị trường, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn tích cực, bên cạnh đó là các yếu tố hỗ trợ khác như dòng tiền tham gia, kỳ vọng nâng hạng, công tác cổ phần hóa, thoái vốn được đẩy mạnh.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc, Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) cũng nêu quan điểm rằng, sau vụ việc của ông Quyết FLC, nhà đầu tư vẫn nên giữ bình tĩnh vì nền tảng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tích cực.
Đánh giá về việc ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, ông Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, thông tin này có thể còn ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư, tuy nhiên vì đã phản ánh một phần vào ngày 27/3/2022 nên những ảnh hưởng sắp tới có thể sẽ không lớn và chỉ là ngắn hạn.
Trong khi đó, xét về định lượng thì nhóm cổ phiếu thuộc “họ FLC” chỉ chiếm khoảng gần 1% về lượng cổ phiếu niêm yết, chiếm gần 0,35% về vốn hóa thị trường, và chiếm hơn 2,3% về giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường năm 2021 cho tới nay, chính vì thế mà về tác động trực tiếp tới thị trường chung về định lượng cũng là không lớn.
Theo vị chuyên gia khẳng định với Thời báo Tài chính, về trung và dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn sẽ phát triển ổn định dựa trên những yếu tố nền tảng quan trọng là các yếu tố như kinh tế vĩ mô tăng trưởng tích cực (dự báo năm 2022 có thể trên 7%); chính sách tiền tệ linh hoạt theo định hướng hỗ trợ nền kinh tế phát triển với mặt bằng lãi suất thấp là yếu tố khiến dòng tiền vận động tích cực trên thị trường chứng khoán; doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng cao (dự báo năm 2022 là trên 25%).
Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết - Sputnik Việt Nam, 1920, 29.03.2022
Từ tin đồn đến bắt thật: Vì sao ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố?
Theo Phó Tổng Giám đốc CSI, ở bình diện lớn hơn thì việc kinh tế thế giới và Việt Nam đang dần mở cửa trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt sẽ đem tới nhiều cơ hội phát triển trong dài hạn.
Sự hồi phục của kinh tế nói chung và doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề quan trọng sẽ là điểm thu hút đầu tư lớn, cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam.
Ông Đỗ Bảo Ngọc nhấn mạnh, nhà đầu tư cần bình tĩnh để không bị ảnh hưởng tâm lý mà dẫn đến hành động thái quá.
“Tôi cho rằng, sự kiện này có thể sớm qua đi đối với những gì không liên quan trực tiếp”, ông Ngọc bày tỏ.

Ai là chủ nợ lớn nhất của FLC?

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021, tổng dư nợ vay ngân hàng, trái phiếu của công ty tại ngày 31/12/2021 là 6.189 tỷ đồng (không tính dư nợ thuê tài chính), bao gồm các khoản vay ngắn hạn, nợ dài hạn đến hạn trả, vay trung dài hạn và trái phiếu. Tổng dư nợ của FLC chiếm 18,3% tổng nguồn vốn tại ngày cuối năm.
Tại thời điểm cuối năm 2021, tổng tài sản của FLC là 33.787 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả là 24.063 tỷ đồng.
Ông Trịnh Văn Quyết - Sputnik Việt Nam, 1920, 28.03.2022
Tin tức về ông Trịnh Văn Quyết và FLC nóng nhất Google, Facebook ở Việt Nam
Hai ngân hàng cấp tín dụng trung và dài hạn nhiều nhất cũng là 2 chủ nợ lớn nhất của FLC là Sacombank 1.840 tỷ đồng và BIDV 1.746 tỷ đồng.
Kế đó NCB và OCB đều cấp hạn mức tín dụng ngắn hạn cho FLC, với dư nợ cuối 2021 gần 600 tỷ đồng. Đồng thời, cơ cấu thời gian trả nợ, nợ dài hạn đến hạn trả vào cuối năm 2021 của FLC là 506 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều này cũng gây áp lực trả nợ không nhỏ đối với FLC trong năm 2022. Trong đó, 3 chủ nợ chính lần lượt là BIDV Quy Nhơn, BIDV Đồng Bằng Sông Cửu Long và Agribank Đông Gia Lai.
Hôm nay, liên quan đến việc Chủ tịch FLC bị khởi tố, đại diện Sacombank thông tin cho biết, các khoản vay của FLC Group đảm bảo tuân thủ pháp luật và an toàn.
Lãnh đạo Sacombank cũng nhấn mạnh, trong năm 2021, Sacombank đã tham gia tài trợ vốn cho FLC Group, bao gồm Hãng hàng không Bamboo Airways để đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh của khách hàng. Việc cho vay này cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ đối với việc kích cầu du lịch và hỗ trợ các hãng hàng không sau đại dịch Covid-19.
“Hoạt động cấp tín dụng của Sacombank cho nhóm khách hàng FLC Group được thực hiện đúng quy định pháp luật và quy định nội bộ của Sacombank”, “chủ nợ” lớn nhất của FLC khẳng định, đồng thời cho hay, các khoản vay có đầy đủ tài sản đảm bảo.
Tính đến thời điểm hiện tại, FLC Group đang hoạt động bình thường và thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký với Sacombank.
“Và như nguyên tắc thông thường trong hoạt động cấp tín dụng đối với các khoản vay có tài sản đảm bảo, trường hợp có phát sinh rủi ro, Sacombank sẽ chủ động áp dụng các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật để thu hồi nợ, đảm bảo an toàn cho hoạt động của Sacombank”, nhà băng này nhấn mạnh.
Đại diện OCB và NCB cũng khẳng định việc ông Quyết bị bắt giam không ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà băng.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC phát biểu tại Lễ động thổ - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.01.2022
Diễn biến nóng vụ đại gia Trịnh Văn Quyết bán chui cổ phiếu FLC
“FLC hiện vẫn là một doanh nghiệp hoạt động bình thường còn sự việc của ông Trịnh Văn Quyết mang tính cá nhân”, lãnh đạo OCB Nguyễn Đình Tùng nêu rõ.
Ông Tùng cũng cho biết, FLC luôn trả nợ đúng hạn, chưa bao giờ có nợ xấu trong suốt quá trình hợp tác giữa hai bên.
Phía NCB cho biết, các khoản vay của FLC tại NCB đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật và của ngân hàng, đồng thời có đủ tài sản đảm bảo. Nếu có rủi ro phát sinh liên quan tới FLC thì ngân hàng này sẽ chủ động áp dụng những biện pháp xử lý tài sản đảm bảo theo quy định pháp luật để thu hồi nợ, bảo đảm lợi ích cho nhà băng.

Vì sao ông Quyết vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Thực tế, vụ án của ông Trịnh Văn Quyết vẫn đang trong giai đoạn điều tra, cơ quan Công an sẽ làm rõ hành vi phạm tội của Chủ tịch FLC cũng như những thiệt hại đã gây ra đối với thị trường và số tiền thu lợi bất chính.
Nhiều người thắc mắc, vì sao Ủy ban Chứng khoán đã xử phạt hành chính ông Quyết 1,5 tỷ đồng nhưng lãnh đạo FLC vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Hà Trọng Đại, Đoàn Luật sư Hà Nội nêu quan điểm với SGGP cho hay, với quyết định xử phạt hành chính trước đó là hành vi của pháp nhân, do đó chỉ bị xử vi phạm hành chính, số tiền phạt nặng nhất có thể từ 5-10 tỷ đồng, nhưng đối với hành vi của cá nhân thì cần khởi tố về hình sự.
Boeing 787-9 Dreamliner - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.11.2020
Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết được phép bay thẳng đến Mỹ
Theo luật sư Đại, có thể trước đây, các doanh nghiệp là công ty con của Tập đoàn FLC, các cá nhân thực hiện với lợi ích của doanh nghiệp đó.
Trong quá trình điều tra, ngoài hành vi trục lợi cho pháp nhân gây lũng loạn thị trường chứng khoán thì còn có hành vi với tư cách là cá nhân để trục lợi cho các cổ phiếu đứng tên Trịnh Văn Quyết (việc này khác với lợi ích mang lại cho công ty con của FLC).
Đối với những cá nhân liên quan trong vụ án, cơ quan điều tra sẽ căn cứ vào việc có đồng phạm hay không có đồng phạm và giúp sức cho cá nhân Trịnh Văn Quyết để thực hiện các hành vi thao túng thị trường chứng khoán, từ đó giúp cho ông Trịnh Văn Quyết được hưởng lợi. Luật sư nhấn mạnh rằng, ở đây phải xác định hành vi không giúp sức cho doanh nghiệp FLC.
“Việc này, cơ quan điều tra sẽ xác định việc giúp sức đó để cho những cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết đang nắm giữ và chảy vào tài khoản riêng của ông Quyết”, chuyên gia pháp lý nhận định.
Theo luật sư Hà Trọng Đại, mặc dù, với những người làm việc với tư cách là nhân viên trong công ty, nhưng khi thực hiện hành vi và có lợi cho cá nhân ông Trịnh Văn Quyết bằng những cổ phiếu mà ông Quyết đứng tên, thì những người đó có thể vẫn bị xem xét hành vi giúp sức cho ông Quyết.
Đại gia Trịnh Văn Quyết  - Sputnik Việt Nam, 1920, 07.05.2019
Ông Trịnh Văn Quyết: "Nếu Vietnam Airlines không đính chính, tôi sẽ kiện"
“Với hành vi của ông Trịnh Văn Quyết, đối chiếu với Khoản 2, Điều 211 Bộ luật Hình sự, Chủ tịch Tập đoàn FLC sẽ đối mặt với khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù giam”, thành viên của Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định.
Có thể thấy, phía sau vụ bắt ông Trịnh Văn Quyết chính là nỗ lực giữ vững kỷ cương, kỷ luật và tính minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam. Bất cứ ai, dù ở cương vị nào, có công, có tội ra sao, đều phải công bằng trước pháp luật.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала