Từ vụ clip của nam sinh, Việt Nam tìm cách bảo vệ trẻ em khỏi những cái chết thương tâm?

© Fotolia / WiiiniPad
iPad  - Sputnik Việt Nam, 1920, 09.04.2022
Đăng ký
Chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam đang nỗ lực bảo vệ trẻ em khỏi những cái chết thương tâm và mọi tổn thương không đáng có. Điều này càng đặc biệt quan trọng, nhất là sau vụ việc clip 7 phút cuối cùng và lá thư tuyệt mệnh của một nam sinh ở Hà Nội liên tục lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội.
Báo cáo về thực hiện quyền và giải quyết các vấn đề trẻ em năm 2021 đã được Ủy ban Quốc gia về trẻ em công bố.
Tại Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về trẻ em đề xuất phát triển công cụ, nền tảng chặn lọc nội dung xấu độc, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng nhằm bảo vệ quyền lợi cho thế hệ tương lai đất nước.

Bảo vệ trẻ em khỏi môi trường internet độc hại

Báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy, đối với nhóm đối tượng trẻ em tại 4 quốc gia Đông Nam Á bao gồm Việt Nam cho thấy thanh thiếu niên lên mạng cho việc học và giải trí thường đối mặt với những mối nguy trên mạng như nội dung bạo lực, bắt nạt trên mạng, tin giả hay các mối nguy từ người lạ.
Tuy nhiên, Nielsen khẳng định, trẻ có khuynh hướng ít chia sẻ với phụ huynh khi gặp phải những vấn đề trên mà thường chọn cách im lặng hoặc có hành động tiêu cực vì lo ngại những phản ứng từ phụ huynh.
Сhung cư The Vesta - Sputnik Việt Nam, 1920, 04.04.2022
Sau clip nhảy lầu của nam sinh trường Amsterdam, thêm 1 vụ rơi lầu tử vong ở Hà Nội
Trong khi đó, về phía phụ huynh, khảo sát an toàn trực tuyến các bậc phụ huynh tại Việt Nam thực hiện bởi Qaltrics và Google cho thấy 71% phụ huynh có con nhỏ học các lớp trực tuyến trong thời điểm đại dịch Covid-19 đều có quan ngại về vấn đề an toàn trên mạng nhưng hơn 1/3 số phụ huynh được Qaltrics và Google phỏng vấn chưa bao giờ nói chuyện với trẻ về vấn đề an toàn trên mạng một cách nghiêm túc.
Những vụ việc tự tử liên tiêp, xâm hại, hiếp dâm, bạo lực gia đình…thời gian qua tại Việt Nam đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đã đến lúc cần có cơ chế quản lý hoạt động và bảo vệ trẻ em khỏi các nội dung xấu độc, web đen, bạo lực mạng và ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường không gian mạng.
Vấn đề bảo vệ trẻ em khỏi các tệ nạn xã hội, môi trường internet độc hại, xấu và tiêu cực được coi là một nội dung bức thiết.
Theo Ủy ban Quốc gia về trẻ em, những vấn đề liên quan đến nội dung bạo lực, lệch chuẩn đạo đức, thói hư tật xấu hay vấn đề tình dục trên môi trường mạng xã hội, internet không được chặn lọc có thể gây ra những hệ lụy khó lường đến hành động hoặc tương lai của trẻ em.
Do đó, Ủy ban Quốc gia về trẻ em đề xuất cần thiết lập và vận hành cổng thông tin điện tử, ứng dụng trực tuyến, các kênh thông tin, các công cụ phục vụ hoạt động của mạng lưới, tìm kiếm và đánh giá các nền tảng, sản phẩm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Bên cạnh đó, Ủy ban này đề xuất, cần hoàn thiện cổng thông tin điện tử, ứng dụng trực tuyến, các kênh thông tin (Fanpage) trên các mạng xã hội trực tuyến có nhiều người sử dụng ở Việt Nam để hỗ trợ trẻ em tìm kiếm, thu nhận và phổ biến thông tin.
Đồng thời, tạo điều kiện để các em bày tỏ ý kiến, nguyện vọng trên các kênh thông tin, truyền thông phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành, nhu cầu, năng lực của trẻ em.

Chương trình quốc gia về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Vừa qua, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã giới thiệu website mạng lưới, ứng cứu bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với mục đích truyền thông, lan tỏa các kỹ năng, kiến thức về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Chính phủ Việt Nam cũng đã có rất nhiều quyết sách kịp thời liên quan đến vấn đề này. Cụ thể, từ tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”.
Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam - Sputnik Việt Nam, 1920, 03.04.2022
Việt Nam: Clip 7 phút nam sinh nhảy lầu tự tử để lại thư tuyệt mệnh gây chấn động
Cần nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình ở cấp quốc gia riêng về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Chính phủ nêu rõ, chương trình có mục tiêu bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi trẻ em tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật.
Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với sự tham gia của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và nhiều tổ chức liên quan, là tổ chức phối hợp liên ngành nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và kết quả thực thi các nhiệm vụ phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng góp phần nâng cao nhận thức xã hội và tạo lập một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ.
Trong đó, Cục An toàn thông tin là cơ quan điều phối của mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (VN-COP).
Việc Cục An toàn thông tin ra mắt website mạng lưới, ứng cứu bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với mục đích truyền thông, lan tỏa các kỹ năng, kiến thức về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại địa chỉ website: https://vn-cop.vn/ là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Website của Cục An toàn thông tin bao gồm các các tính năng, đầu tiên là tính năng "Mạng lưới" nhằm giới thiệu chức năng, nhiệm vụ, quá trình thành lập, các thành viên thuộc Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Trang web cũng cung cấp tính năng "Tài liệu" nhằm chia sẻ các ấn phẩm truyền thông nâng cao nhận thức, kỹ năng kinh nghiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Bên cạnh đó, trang web cũng bao gồm các tính năng khác như: "Hỏi đáp" giúp người dùng có thể đặt câu hỏi để được giải đáp về vấn đề để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, "Bày tỏ nguyện vọng" để trẻ em và người dân thông qua website có thể bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình.
Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, đây sẽ là một kênh tham khảo ý kiến đối với cơ quan nhà nước trong việc tham mưu chính sách phù hợp với nguyện vọng chính đáng của người dân, đặc biệt với đối tượng trẻ em.
Sinh viên Việt Nam Nguyễn Hải Bình - Sputnik Việt Nam, 1920, 05.04.2022
Bộ Ngoại giao: Interpol Israel nói thi thể tìm thấy là sinh viên Việt Nam Nguyễn Hải Bình
“Website cũng cung cấp những công cụ, phần mềm hữu ích giúp trẻ em tham gia tương tác lành mạnh trên môi trường mạng cũng như có thể “báo cáo xâm hại”, tiếp nhận các báo cáo hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Việc xây dựng website vn-cop.vn là một trong những nhiệm vụ nhằm triển khai Quyết định số 830 ngày 1/6/2021 về việc bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Thông tin và Truyền thông thể hiện sự quyết tâm bảo vệ thế hệ công dân số tương lai, hướng tới xây dựng, duy trì một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em thỏa sức sáng tạo.

Phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em

Báo cáo về tình hình tai nạn thương tích và bảo vệ trẻ em, Ủy ban Quốc gia về trẻ em nhấn mạnh, thời gian qua trẻ em bị xâm hại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng, nhất là xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, bạo lực trẻ em trong gia đình.
Ủy ban Quốc gia về trẻ em nhấn mạnh, còn nhiều trẻ bị tai nạn, thương tích, nhất là đuối nước, tai nạn giao thông, trẻ em bị rơi, ngã ở nhà cao tầng, trẻ em rơi, ngã khi tham gia phương tiện giao thông đưa đón học sinh.
Cậu bé châu Á với máy tính xách tay - Sputnik Việt Nam, 1920, 04.10.2021
Trung Quốc phát động chiến dịch bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng nghiện trò chơi điện tử
Cơ quan bảo vệ trẻ em đề nghị các bộ ngành, cơ quan chuyên môn, địa phương thời gian tới cần rà soát, bổ sung chính sách hỗ trợ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh, trẻ em nghèo, cận nghèo.
“Chăm sóc sức khỏe trẻ em trong những năm đầu đời; chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội; chăm sóc trẻ em mồ côi do dịch bệnh Covid-19”, Ủy ban nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo Ủy ban, cần điều chỉnh, bổ sung các quy định, tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, chính sách phát triển giáo dục mầm non, trong đó chú trọng chính sách giáo dục mầm non cho khu công nghiệp, khu chế xuất, hoàn thiện trình Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Nỗi ám ảnh thời đại bùng nổ internet

Gần đây, vụ việc clip nam sinh L.N.N.M. (sinh năm 2006, học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam) trú tại chung cư Văn Phú Victoria, phường Phú La (Hà Đông, Hà Nội) để lại thư tuyệt mệnh rồi nhảy từ tầng 28 xuống đất tử vong vào ngày 1 tháng 4 là hồi chuông cảnh báo không chỉ với các bậc phụ huynh, nhà trường, những người làm giáo dục, cơ quan bảo vệ trẻ em, mà còn đối với tất cả mọi người.
Trong khi phần lớn ý kiến cho rằng, cần ngăn chặn đoạn clip thương tâm và chấm dứt việc lan truyền bức thư tuyệt mệnh trên không gian mạng, do tính chất nghiêm trọng và đau lòng của sự việc, chưa kể, cơ quan chức năng cũng tính đến trường hợp chính những hình ảnh, clip lan truyền trên mạng xã hội trong những ngày qua có thể sẽ phát sinh những suy nghĩ và hành động tiêu cực, thì vẫn có những người cố tình chia sẻ với nhiều mục đích khác nhau.
Học sinh Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 20.04.2019
Làm thế nào bảo vệ trẻ em trước “khoảng trống miễn dịch”?
Ngoài điểm tích cực (theo kỳ vọng và mong muốn) rằng, việc lên tiếng chia sẻ sẽ như tiếng chuông cảnh tỉnh về phương pháp giáo dục chưa hợp lý hay nâng cao nhận thức của tất cả mọi người, thì những hình ảnh đau lòng này cũng có thể khiến nhiều em học sinh suy nghĩ theo, học theo, làm theo…do các em đủ nhận thức, suy nghĩ chín chắn, hành động tỉnh táo, trưởng thành như người lớn.
Công an TP. Hà Nội đã vào cuộc điều tra người phát tán clip, đăng tải thư tuyệt mệnh lên mạng xã hội cũng như các nền tảng internet, trong khi đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã yêu cầu các nền tảng mạng xã hội, trang thông tin điện tử dừng đăng tải, đồng thời rà soát và gỡ clip, thư tuyệt mệnh đang lan truyền của nam sinh.
Nhiều phụ huynh lo lắng chia sẻ rằng, họ thực sự bị ám ảnh sau khi xem đoạn clip và những dòng tâm thư của nam sinh trước khi nhảy lầu tự tử. Các bậc cha mẹ đều lo sợ con mình xem được và sẽ có thể coi đó như một giải pháp, thậm chí một lối thoát cực đoan khi khó nói chuyện hay tìm được tiếng nói chung với những bậc sinh thành, điều vốn rất dễ xảy ra trong cuộc sống gia đình thường nhật, trong quá trình nuôi dạy con khôn lớn, thành người, nhất là trong thời buổi internet bùng nổ như ngày nay.
Những chính sách, biện pháp mà cơ quan chức năng Việt Nam đang nỗ lực thực hiện cũng là nhằm để phòng tránh những sự việc thương tâm không đáng có và bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước được lớn lên, phát triển toàn diện, vẹn tròn trong một môi trường giáo dục tiên tiến, cộng đồng lành mạnh và tràn đầy tình yêu thương.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала