Tướng Nguyễn Minh Đức: Ở Nga dạy nếu không học lịch sử thì có thể về Việt Nam

CC0 / / Nhưng cuôn sach cu
Nhưng cuôn sach cu - Sputnik Việt Nam, 1920, 09.05.2022
Đăng ký
“Nếu không học Lịch sử, các bạn có thể trở về Việt Nam”, Trung tướng Nguyễn Minh Đức dẫn chứng câu chuyện học lịch sử tại Nga để nhấn mạnh tầm quan trọng của bộ môn này.
Nhấn mạnh lịch sử nên là môn học bắt buộc, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét một cách thận trọng, đánh giá khách quan, toàn diện về việc đưa môn Lịch sử ở bậc THPT là môn học tự chọn.

“Lịch sử phải là môn học bắt buộc”

Câu chuyện về việc dạy và học lịch sử ở Việt Nam vẫn còn nguyên tính thời sự.
Sáng ngày 9/5, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc quận Tân Phú đã tổ chức hội nghị tiếp xúc giữa tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị số 5 (quận Tân Phú, Tân Bình) và cử tri quận Tân Phú trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Dự sự kiện, đại diện Tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM có 5 đại biểu gồm Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Bí thư Chi bộ Quốc phòng và An ninh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; Trần Thị Diệu Thúy, Thành ủy viên, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM; Trần Anh Tuấn, Đảng ủy viên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM.
Tại đây, trình bày trước cử tri Tân Phú, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Bí thư Chi bộ Quốc phòng và An ninh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã chia sẻ nhiều vấn đề đáng chú ý, trong đó có việc dạy và học môn lịch sử.
© Ảnh : Ý LinhTrung tướng Nguyễn Minh Đức tiếp thu, giải trình ý kiến cử tri quận Tân Phú.
Trung tướng Nguyễn Minh Đức tiếp thu, giải trình ý kiến cử tri quận Tân Phú. - Sputnik Việt Nam, 1920, 09.05.2022
Trung tướng Nguyễn Minh Đức tiếp thu, giải trình ý kiến cử tri quận Tân Phú.
Cụ thể, phát biểu trả lời cử tri về việc môn Lịch sử trở thành môn học “tự chọn”, theo phương án vừa qua của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung tướng Nguyễn Minh Đức cho hay, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cùng với các cơ quan của Quốc hội, trong đó có Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục, đã có văn bản gửi lãnh đạo Văn phòng Đại biểu Quốc hội, Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Cán sự Đảng của Chính phủ yêu cầu xem lại vấn đề này.
“Theo đó, các cơ quan thống nhất quan điểm không cho phép học Lịch sử là môn lựa chọn mà phải là môn học bắt buộc”, Người lao động dẫn lời Trung tướng Nguyễn Minh Đức khẳng định.
Trước đó, hôm 8/5, Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cũng có quan điểm đồng tình với đề nghị gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét một cách thận trọng, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về việc đưa môn lịch sử bậc THPT là môn học tự chọn.
“Ở bậc THPT, không nên tích hợp môn sử với môn học khác mà phải là môn học chính thức, bắt buộc”, Thiếu tướng Lê Mã Lương nhấn mạnh.
Theo tướng Lương, khi học sử một cách toàn diện, căn bản nhất thì sẽ trang bị hành trang vững vàng cho học sinh tốt nghiệp THPT.
Bởi theo tướng Lương, khi vào bậc đại học chỉ có một số trường như trường Đại học KHXHNV có đào tạo chuyên sâu về lịch sử còn một số trường đại học cao đẳng khác coi việc học lịch sử chỉ là “học lướt” qua.

“Nếu không học lịch sử, các bạn có thể trở về Việt Nam”

Tại cuộc tiếp xúc với cử tri Tân Phú hôm nay, Trung tướng Nguyễn Minh Đức khẳng định, hiểu biết lịch sử là điều bắt buộc đối với mọi công dân sinh ra và lớn lên trên đất nước Việt Nam.
“Bất kỳ quốc gia nào cũng đều xác định không được phép quên quá khứ, lịch sử cha ông đã gìn giữ đất nước. Nếu như một đứa trẻ lớn lên quên đi quá khứ, quên đi bố mẹ, ông bà thì đó là một nguy cơ. Học lịch sử cũng thế”, Trung tướng Nguyễn Minh Đức thẳng thắn.
Đáng chú ý, Trung tướng Nguyễn Minh Đức đã dẫn chứng câu chuyện học lịch sử tại Liên bang Nga.
Tướng Đức kể, năm 2002, ông làm nghiên cứu sinh ngành Luật tại Liên bang Nga. Một trong những môn học bắt buộc trong thời gian học tiếng Nga là Lịch sử. Nhiều người trong đoàn nghiên cứu sinh Việt Nam đã đặt câu hỏi:
“Tại sao chúng tôi nghiên cứu về luật lại phải học lịch sử?”.
Sau đó, Trung tướng Nguyễn Minh Đức kể, Đoàn nghiên cứu sinh đã nhận được câu trả lời từ các thầy cô người Nga rằng:
“Chỉ khi các bạn hiểu về lịch sử đất nước chúng tôi thì mới dành sự tôn trọng cho đất nước chúng tôi. Nếu không học lịch sử, các bạn có thể trở về Việt Nam”.
Trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri vừa qua, đã xuất hiện nhiều ý kiến liên quan đến việc dạy và học môn Lịch sử ở trường học.
Dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để gửi tới kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV cũng đã nêu việc dư luận xã hội băn khoăn, có ý kiến trái chiều về việc đưa môn Lịch sử thành môn học tự chọn ở bậc THPT, có thể sẽ gây ra hậu quả, hệ lụy khó lường.
Trong đó, một số nước phát triển, có nền văn hóa tương đồng với Việt Nam (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) đã đưa trở lại hoặc vẫn duy trì môn Lịch trong chương trình giáo dục phổ thông của mình.
Về vấn đề này, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét lại một cách thận trọng việc dạy và học môn lịch sử và các chương trình giáo dục phổ thông, trong đó có việc đưa môn lịch sử vào làm môn học bắt buộc.
© Ảnh : GIA HÂNỦy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị
Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị - Sputnik Việt Nam, 1920, 09.05.2022
Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị
Theo Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn, nếu xét ở nhiều khía cạnh thì nhiều nội dung chương trình học không đúng với tinh thần giáo dục hội nhập của Việt Nam với quốc tế.
“Chúng ta cần phải nhấn mạnh vai trò của môn học lịch sử trong giáo dục”, anh Nguyễn Anh Tuấn nói.

Bộ GD&ĐT nói về môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới

Sau khi nhận phản hồi từ dư luận, vừa qua, Bộ GD&ĐT đã có thông cáo về việc giảng dạy môn sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo Bộ Giáo dục Việt Nam, ở chương trình này, giáo dục lịch sử là nội dung bắt buộc trong toàn bộ giai đoạn từ lớp 1 tới lớp 9. Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, trong toàn cấp tiểu học và THCS, tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, cơ bản và toàn diện.
Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12), lịch sử được bố trí là một môn học trong tổ hợp khoa học xã hội. Học sinh bắt buộc phải học năm môn học lựa chọn trong ba nhóm môn học là nhóm khoa học tự nhiên, nhóm công nghệ và nghệ thuật và nhóm khoa học xã hội (nhóm này gồm ba môn học: lịch sử, địa lý, kinh tế và pháp luật). Trong đó mỗi nhóm phải chọn ít nhất 1 môn học.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, chương trình môn lịch sử cấp THPT có tổng thời lượng 315 tiết (so với 140 tiết trong chương trình cũ) hệ thống hóa, củng cố kiến thức thông sử ở giai đoạn giáo dục cơ bản, đồng thời giúp học sinh tìm hiểu sâu hơn các kiến thức lịch sử cốt lõi thông qua các chủ đề, chuyên đề học tập về lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử Việt Nam.
Ngoài ra, ở cấp trung học phổ thông, nội dung giáo dục lịch sử cũng được đưa vào nội dung giáo dục của địa phương, với thời lượng 35 tiết cho mỗi lớp từ lớp 10 đến lớp 12. Đồng thời, môn giáo dục quốc phòng và an ninh cấp trung học phổ thông là môn học bắt buộc với thời lượng 35 tiết/năm học, trong đó giáo dục cho học sinh về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Trong dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để gửi tới kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kiến nghị Bộ GD&ĐT xem xét một cách thận trọng, đánh giá khách quan, toàn diện về việc đưa môn lịch sử ở bậc THPT là môn học tự chọn.
“Vấn đề là dạy và học như thế nào, để nâng cao chất lượng chứ không nên để môn lịch sử là môn tự chọn”, các đại biểu nêu quan điểm.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала