Hoa Kỳ nghi ngờ Việt Nam nhập thép từ Trung Quốc rồi xuất sang Mỹ

© AFP 2023 / Fred DufourSản xuất thép ở Trung Quốc
Sản xuất thép ở Trung Quốc - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.07.2022
Đăng ký
Chính quyền Mỹ nghi ngờ Việt Nam nhập khẩu thép cán nóng từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ về “gia công đơn giản” biến thành ống thép và xuất khẩu sang Hoa Kỳ nhằm lẩn tránh thuế.
Bộ Công Thương nhấn mạnh, doanh nghiệp cần thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu của cơ quan điều tra Hoa Kỳ, phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại trong suốt quá trình của vụ việc, tránh bị Mỹ kết luận có hành vi lẩn trốn thuế và bị áp thuế phòng vệ thương mại.

Mỹ gia hạn điều tra ống thép của Việt Nam

Ngày 11/7, thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, Mỹ tiếp tục gia hạn điều tra ống thép của Việt Nam.
Cụ thể, theo Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa thông báo tiếp tục gia hạn thời gian xem xét các đơn đề nghị điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với một số sản phẩm ống thép.
Phía Mỹ nghi ngờ chủ yếu mặt hàng ống thép thuộc mã HS 7306.61 và 7306.30 - nhập khẩu từ Việt Nam.
Quyết định gia hạn điều tra được kép dài đến ngày 28 tháng 7 năm 2022. Cũng cần lưu ý rằng, thời hạn mới được DOC tính là 30 ngày kể từ ngày nhận đủ thông tin bổ sung của nguyên đơn (ngày 28/6/2022).
Ống thép. - Sputnik Việt Nam, 1920, 08.03.2022
Nga-Ukraina và Trung Quốc: điều gì khiến giá thép Việt Nam tăng cao sát đỉnh lịch sử?

Mỹ nghi Việt Nam nhập từ Trung Quốc rồi “biến hóa” để xuất sang Hoa Kỳ

Trước đó, ngày 22/6, Bộ Thương mại Mỹ cũng đã thông báo gia hạn thời gian xem xét các đơn đề nghị điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm ống thép, chủ yếu thuộc mã HS 7306.61 và 7306.30 nhập khẩu từ Việt Nam thêm 15 ngày.
DOC cũng tăng thời hạn để ra quyết định có khởi xướng điều tra các vụ việc này hay không.
Phía Mỹ (nguyên đơn, gồm các doanh nghiệp sản xuất ống thép lớn tại Hoa Kỳ) nghi ngờ và cáo buộc Việt Nam nhập khẩu thép cán nóng (HRS) là nguyên liệu chính để sản xuất ra ống thép từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ sau đó gia công, chế biến đơn giản thành ống thép và xuất sang Hoa Kỳ.
Đây là thực tế phổ biến nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại tương ứng mà Hoa Kỳ đang áp dụng với Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ nhất là kể từ khi thương chiến Mỹ - Trung bùng nổ.
Nhằm giúp đảm bảo lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị hiệp hội và các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu sản phẩm ống thép tiếp tục rà soát các hoạt động sản xuất, xuất khẩu sản phẩm bị điều tra sang Hoa Kỳ, nhất là nguồn nguyên liệu thép cán nóng (HRS).
Cục Phòng vệ cũng khuyến cáo doanh nghiệp cần nghiên cứu, tìm hiểu quy định, trình tự thủ tục điều tra chống lẩn tránh thuế của Hoa Kỳ.
“Doanh nghiệp cần thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu của cơ quan điều tra Hoa Kỳ, phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại trong suốt quá trình của vụ việc”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Thị phần thép Việt Nam tại Mỹ tăng trưởng mạnh

Thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, ngành thép Việt Nam đã có những bước tiến dài trong suốt hành trình 20 năm qua kể từ năm 2001, phát triển vượt bậc cả về quy mô sản xuất cũng như chủng loại sản phẩm.
Theo VSA, tăng trưởng ngành thép Việt Nam những năm gần đây đều ở mức hai con số.
“Năng lực sản xuất thép thô (phôi thép) của doanh nghiệp Việt Nam vào năm 2021 là 23 triệu tấn, cao gấp 4,6 lần sản lượng năm 2011 và gấp hơn 70 lần năm 2001”, Hiệp hội này cho biết.
Đặc biệt, từ năm 2010 trở lại đây, khi nhu cầu về thép tăng cao, các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư theo chiều sâu các dự án nhằm đáp ứng cao nhất cho sự phát triển kinh tế đất nước. Cùng với đó, một số dự án sản xuất thép có quy mô lớn, thiết bị hiện đại, đầu tư theo chiều sâu, khép kín đã được hình thành và đưa vào hoạt động, thu hút sự quan tâm từ các ngành trọng điểm khác như cơ khí, xây dựng, quốc phòng.
Đáng chú ý, Việt Nam cũng khá mạnh về xuất khẩu thép. Cụ thể, xuất khẩu sắt thép năm 2021 đạt 13,1 triệu tấn, trị giá đạt 11,8 tỷ USD, tăng 32,9% về lượng và 124,3% về trị giá so với năm 2020. Các mặt hàng sắt thép năm qua có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất của ngành từ trước đến nay và có mặt trong danh sách 8 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Giá xuất khẩu năm nay tăng hầu hết ở các thị trường xuất khẩu của Việt Nam, giá xuất khẩu thép bình quân năm 2021 đạt trên 901 USD/tấn, tăng 68,8% so với năm 2020, theo thông tin trên báo Đầu tư. Đặc biệt, thép Việt Nam không chỉ có mặt ở thị trường truyền thống là các nước Đông Nam Á, mà còn mở rộng ra các thị trường lớn, đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, xuất xứ và môi trường như các nước Mỹ, EU…
Thép Việt được tập trung ưu tiên xuất vào các thị trường chính gồm: ASEAN đạt 3,8 triệu tấn, trị giá đạt 3,1 tỷ USD, tăng 34,3% so với năm 2020. Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 2,6 triệu tấn, đạt trị giá 1,7 tỷ USD, tăng 12,4%. Xuất sang EU đạt 1,6 triệu tấn, trị giá đạt khoảng 1,9 tỷ USD, tăng hơn 8 lần về trị giá so với năm 2020.
Đáng chú ý, xuất khẩu thép Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh với 1,1 triệu tấn, trị giá đạt 1,4 tỷ USD, tăng gấp 8 lần về trị giá so với năm 2020 bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh.
Hoạt động sản xuất phôi thép tại Công ty TNHH Khoảng sản Luyện kim Việt - Trung - Sputnik Việt Nam, 1920, 01.03.2022
Việt Nam có thể thành công xưởng sản xuất thép mới của thế giới thay thế Trung Quốc?
Báo cáo từ nhà chức trách cho thấy, năm 2021, tổng lượng sản xuất thép các loại đạt 33,2 triệu tấn, tăng 28,2% so với năm 2020. Trong đó, chủng loại các sản phẩm được sản xuất chủ yếu như: ống thép, thép xây dựng; thép cán nóng - HRC; thép cán nguội - CRC; tôn mạ kim loại và sơn phủ màu…
Bên cạnh đó, xuất khẩu sắt thép nửa đầu năm 2022 dù chỉ bằng 84,7% về lượng nhưng tăng trưởng 13,7% về trị giá so với cùng kỳ, lần lượt 6,96 triệu tấn và 5,125 tỷ USD.
Xuất khẩu các sản phẩm từ sắt thép còn tăng mạnh hơn, đạt 2,438 tỷ USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ, tổng cộng Việt Nam thu về trên 7,563 tỷ USD xuất khẩu sắt thép và sản phẩm sắt thép.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала