70 năm ngày ký Hiệp định Geneva: Bước ngoặt lịch sử của Việt Nam

© Ảnh : An Văn Đăng - TTXVNLễ kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam
Lễ kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam  - Sputnik Việt Nam, 1920, 25.04.2024
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Sáng nay, 25/4, Lễ kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954 - 21/7/2024) chính thức khai mạc tại Hà Nội.
Tham dự Lễ kỷ niệm có Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao cùng các ban, bộ, ngành Trung ương, mặt trận Tổ quốc, đại diện gia đình thành viên đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham gia đàm phán, ký kết và thực hiện Hiệp định; Đại sứ, đại diện các Cơ quan đại diện nước ngoài tại Hà Nội, các chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử…
Phát biểu khai mạc Lễ Kỷ niệm, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ là nguyên tắc bất di bất dịch, xuyên suốt lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, phát huy truyền thống và bản sắc tốt đẹp đó của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phối hợp chặt chẽ với các mặt trận chính trị và quân sự, mặt trận ngoại giao luôn đóng vai trò trọng yếu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần tạo nên những thắng lợi to lớn, làm rạng rỡ lịch sử dân tộc.
Bộ trưởng nhắc lại, trong “Lời kêu gọi sau khi Hội nghị Geneva thành công” ngày 22/7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá:
“Hội nghị Geveve đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to”.
Toàn cảnh hội thảo. - Sputnik Việt Nam, 1920, 27.03.2024
70 năm trước không nhiều người tin Việt Nam sẽ mở chiến dịch Điện Biên Phủ
Quả thực, nếu trong Hiệp định Sơ bộ năm 1946, Việt Nam mới chỉ được công nhận là một quốc gia tự do, thì với Hiệp định Geneva, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đã được khẳng định trong một điều ước quốc tế với sự tham gia ký kết và thừa nhận của các cường quốc.
Đây là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với Việt Nam, là thành quả đấu tranh quật cường và bền bỉ của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân xâm lược.
Đặc biệt, tại buổi lễ có sự góp mặt của Thiếu tướng Phạm Sơn Dương, con trai cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Chia sẻ với Sputnik tại sự kiện, Thiếu tướng Phạm Sơn Dương cho rằng, thắng lợi của Việt Nam tại Hội nghị Geneva mở ra một trang sử mới cho ngành ngoại giao Việt Nam.
“Đây là bước ngoặt lịch sử của Việt Nam sau gần 100 năm thực dân Pháp đô hộ. Bằng chiến thắng Điện Biên Phủ, bằng thắng lợi tại Hội nghị Geneva, các nước lớn phải công nhận quyền độc lập, tự chủ của Việt Nam. Đây là thắng lợi về phương diện ngoại giao, đặc biệt lúc đó Việt Nam mới được giải phóng, tên tuổi trên thế giới chưa nhiều người biết. Thứ hai, thắng lợi của Việt Nam tại Hội nghị Geneva ảnh hưởng rất lớn tới phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Đây là thắng lợi vô cùng ý nghĩa”, Thiếu tướng Phạm Sơn Dương nhấn mạnh.
Ông Dương chia sẻ đến dự Lễ kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneva hôm nay, sự có mặt của gia đình cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và gia đình các đồng chí thành viên của Đoàn Chính phủ Việt Nam tham gia Hội nghị Geneva năm 1954 thể hiện tình cảm và sự ghi nhận của Tổ quốc đối với những người đã đóng góp to lớn và quan trọng vào thắng lợi của Hội nghị Geneva và sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà quay phim Roman Karmen và Vladimir Yeshurin, năm 1954 - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.12.2023
Những trang sử vàng
Những người Nga đầu tiên đến Việt Nam sau chiến thắng Điện Biên Phủ
“Chủ trương của Đảng và Bác Hồ là vừa đánh vừa đàm phán để kết thúc chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, Hiệp định Geneva là một giải pháp đồng bộ về chính trị và quân sự để thực hiện mục tiêu đó. Bác căn dặn Ba của tôi, trong đàm phán phải kiên quyết bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc, kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược và bước đi để đạt được mục đích là buộc Pháp phải công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt nam, Lào và Campuchia", Thiếu tướng Phạm Sơn Dương chia sẻ.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh:
"Với Hiệp định Geneva, chúng ta đã thể hiện sáng ngời tâm thế, bản lĩnh và bản sắc ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, khẳng định mạnh mẽ thông điệp về một nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, trọng công lý và lẽ phải; có ý chí quật cường bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; sẵn sàng hợp tác hữu nghị với mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới".
Theo Phó Thủ tướng, thắng lợi tại Hội nghị Geneva trước hết và quan trọng nhất là nhờ đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng dưới sự lãnh đạo, dẫn dắt tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - người Anh hùng giải phóng dân tộc; là kết tinh của tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất và bền bỉ của quân và dân ta trong 9 năm kháng chiến mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử; là kết quả của sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ quý báu của các nước bạn Lào, Campuchia, Trung Quốc, Liên Xô cùng các nước xã hội chủ nghĩa anh em và Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có Nhân dân Pháp.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала