Ai cũng như những bóng ma, trong đó có tôi

© SputnikHiroshima
Hiroshima - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Hiroshima kỷ niệm 70 năm vụ ném bom nguyên tử. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, vũ khí hạt nhân đã được dùng chống lại dân thường.

Có lẽ đây là ngày kỷ niệm chẵn cuối cùng, khi thế giới còn được dịp trực tiếp lắng nghe các nhân chứng: tuổi thọ trung bình của "hibakusha", cách gọi các nạn nhân bom nguyên tử ở Nhật Bản, năm nay đã vượt mốc 80. Con số họ ngày càng ít ỏi, làm tăng thêm mối lo âu sẽ có ngày ký ức của thảm họa bị xóa nhòa, loài người sẽ lặp lại những sai lầm tương tự.

Cụ Keiko Ogura 78 tuổi là một cô bé lên 8 vào năm 1945, cụ nhớ mình đã bị sóng nổ hất ngã và ngất lịm: "Khi tôi tỉnh dậy, trời tối mù. Tôi nghĩ là đã khuya. Tưởng như có bàn chân khổng lồ nào đã dẫm lên và nghiền nát thành phố. Những đám cháy bắt đầu bùng lên từ đống đổ nát. Mong chóng thoát họa hoạn, người ta dẫm lên xác chết mà chạy, đường phố đầy ắp xác người."

Bà Ogura kể rằng, bọn trẻ con kinh hoàng không dám bước ra đường: người qua lại không khác gì những bóng ma bước ra từ ác mộng.

Hiroshima - Sputnik Việt Nam
Hiroshima và Nagasaki – hai nạn nhân đầu tiên của “chiến tranh lạnh”

"Sau khi trúng bỏng, da dẻ trên thân thể nạn nhân như muốn bong cùng thịt. Họ đau đớn không dám hạ hai tay, người ta lết đi với những cánh tay dang ra phía trước như bóng ma, những mảng da lủng lẳng trên tay. Khắp nơi đầy mùi tóc cháy. Một số người bị thủng bụng. Tưởng họ ôm cái gì đó trước bụng, hóa ra là dạ dày của chính mình," — cụ Ogura kể lại.

Trung tâm vụ nổ ngày nay trở thành Công viên Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình, nơi lưu trữ tài liệu, hiện vật liên quan đến vụ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima.

Tại đây có thu âm hướng dẫn bằng ngôn ngữ tất cả các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Nhưng chưa hề có nguyên thủ đương nhiệm nào của những nước này đến thăm nơi đây. Những hiện vật cô đọng đã nói lên tất cả sự khủng khiếp. Một chiếc xe đạp ba bánh méo mó từng cùng người chủ nhỏ đối mặt vụ thả bom. Nếu chiếc xe khung sắt biến dạng tới mức như vậy thì điều gì đã xảy ra với một đứa trẻ? Tiếp đến, khách tham quan thấy mảng tóc trắng xóa của cô nữ sinh đã rụng sau một lần nâng lược chải. Những hạt cơm cháy rụi thành than trong hộp sắt đựng cơm trưa. Đó là thứ duy nhất mà người mẹ tìm thấy ở cậu con trai học trò.

"Tất cả những gì được trưng bày trong bảo tàng chỉ là đồ chơi. Sự thật kinh khủng hơn rất nhiều và được lưu trong kho, người ta ngại làm trẻ nhỏ hoảng sợ. Tôi không thể quên những gì tôi thấy khi tìm kiếm sự giúp đỡ sau vụ nổ," — ông Sunao Tsuboi cho biết.

Ông vô vọng van xin mọi người giải cứu các nạn nhân dưới đống đổ nát nhưng tất cả đều bỏ chạy vì trông chính ông "không khác gì một con ma: da bong, tai rách, mặt và tay loang lổ bỏng; máu ứa chảy ròng ròng trên đôi tay cháy đen."

Ông Tsuboi hồi tưởng khi lết được về tới nhà bà nội, bà không thể nhận ra đứa trẻ toàn thân sưng tấy, khuôn mặt biến dạng này là cháu của mình.

Hàng chục năm trôi qua sau hai vụ thả bom nguyên tử, nhưng rất nhiều nạn nhân sống sót đã ra sức giấu giếm sự thật về họ, thậm chí với cả con cái.

"Đã có sự phân biệt đối xử tàn nhẫn. Những ai trên người có sẹo lồi do vết bỏng thường sợ đến nhà tắm công cộng, họ tránh tiết lộ quá khứ.  Nhiều trường hợp cha mẹ đòi hủy đính hôn của con khi biết cô dâu hoặc chú rể tương lai là một "hibakusha" nhiễm xạ," — cụ Keiko Ogura kể.

Người ta sợ "hibakusha" sinh trẻ tật nguyền hoặc không thể có con. "Hibakusha" rất khó xin việc, ai cũng biết những người sống sót sau vụ bom nguyên tử có sức khỏe yếu, người hay mệt mỏi, căn bệnh hiểm nghèo có thể phát triển đột ngột nhiều năm sau thảm họa. "Nhiều người giấu rất lâu. Con trai tôi chỉ phát hiện mình là "hibakusha thế hệ thứ hai" khi hình ảnh tôi xuất hiện trên các tờ báo Nhật Bản sau một chuyến đi Mỹ," — cụ Ogura nhớ lại.

Cụ đã quyết định mạnh dạn lên tiếng chia sẻ khi hiểu rằng ký ức sẽ bị xóa nhòa, các thế hệ mới bắt đầu quên đi sự kiện khủng khiếp ở Hiroshima vào ngày 6 tháng 8 năm 1945. Không thể để cho điều này lặp lại một lần nữa. Vì thế, mọi người cần phải nhớ.

Cách đây ba năm, thành phố đã khởi động phong trào truyền đạt "sống" từ chính các nhân chứng. Người tham gia là tình nguyện viên ở nhiều độ tuổi và địa vị xã hội khác nhau đã nỗ lực giao tiếp, thăm hỏi các nạn nhân vụ ném bom nguyên tử. Bảo tàng có lưu giữ video lời kể. Nhưng chỉ có sự truyền đạt "sống" mới đủ sức mạnh cho các thế hệ mới hiểu được cả một thời kỳ lịch sử, từ những chi tiết sinh hoạt xã hội, cho đến sự kinh hoàng và đời tư của các nhân chứng. Cách làm này đã giúp người nghe thoát khỏi những con số và sự kiện khô khan, tiếp nhận và ghi vào ký ức những lời truyền đạt sống động.

Bảo vệ ký ức, ngăn ngừa sự lặp lại bi kịch của Hiroshima và Nagasaki là hai vấn đề mà Hiroshima thấy mình phải có trách nhiệm tham gia. Đó là niềm tin của các nhân chứng đã ngoài 80 cũng như những học sinh ở độ tuổi 15 hàng năm được cử đến trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Geneva như những "đại sứ hòa bình". Suốt cả năm, các học sinh thu thập chữ ký dưới lời kêu gọi từ bỏ vũ khí hạt nhân và trao lại danh sách cho trụ sở Liên Hợp Quốc ở châu Âu, nơi phụ trách vấn đề giải trừ quân bị. Từ năm 2001 đến nay đã có hơn một triệu chữ ký được thu thập.

Ông Kazumi Matsui Thị trưởng thành phố Hiroshima, người có mẹ là nạn nhân sống sót sau vụ ném bom đã nói với các phóng viên trước thềm kỷ niệm 70 năm thảm kịch: "Chúng ta không nên đi theo cách phân biệt giữa kẻ phạm tội và các nạn nhân. Điều quan trọng là đừng bao giờ để những điều như vậy xảy ra lần nữa. Đó là sứ mệnh của Hiroshima. Vượt qua những khác biệt chính trị, dân tộc để nhận thức đó là kinh nghiệm khủng khiếp, không chỉ riêng với thành phố chúng tôi mà cả toàn thể nhân loại.  Xuất phát từ quan điểm này, Hiroshima ủng hộ hòa bình và nỗ lực bảo vệ những ký ức về hai vụ ném bom nguyên tử."

Ông Kazumi Matsui tin rằng, vũ khí hạt nhân không thể là yếu tố kiềm chế được chiến tranh: một khi nó còn tồn tại, thì còn lơ lửng nguy cơ vũ khí sẽ bị đem ra sử dụng.

Thị trưởng Hiroshima đồng thời thừa nhận sự mâu thuẫn giữa quan điểm này và thực tế trong nhiều thập kỷ Nhật Bản ở trong sự chở che của "chiếc ô" hạt nhân Mỹ. Theo ông Matsui, mâu thuẫn này có thể loại bỏ nếu tất cả các nước dần dần từ chối sở hữu vũ khí hạt nhân, xuất phát từ nhận thức về hiểm họa chung và không xoáy vào tìm kiếm ai đúng ai sai.

 

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала