Lệnh cấm của Trump – cơ hội để châu Á phát triển du lịch Hồi giáo

© Sputnik / Said TsarnaevLệnh cấm của Trump – cơ hội để châu Á phát triển du lịch Hồi giáo
Lệnh cấm của Trump – cơ hội để châu Á phát triển du lịch Hồi giáo - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Một số nước châu Á nhìn lệnh hạn chế nhập cảnh của Donald Trump như một cơ hội kinh doanh mới cho du lịch và hoạt động du học.

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành lệnh cấm đi lại gây tranh cãi, các công ty và các quan chức ở châu Á cho biết họ sẽ đẩy mạnh hoạt động du lịch và giáo dục đối với những người Hồi giáo bị hạn chế nhập cảnh vào Mỹ.

Sắc lệnh ngày 27/1 của Trump không cho phép người tị nạn vào Mỹ trong vòng 120 ngày, cấm hoàn toàn người tị nạn từ Syria và hạn chế nhập cảnh trong vòng 90 ngày với các công dân đến từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria cùng Yemen.

 

Cơ hội cho các nước châu Á


Tại Malaysia, nơi đa số người dân theo đạo Hồi, nhóm giám đốc điều hành của AirAsia, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á, nói đây có thể là cơ hội kinh doanh tốt đối với 10 nước trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN).

"Khi thế giới ngày càng trở nên cô lập, đã đến lúc ASEAN mở rộng cửa hơn để đón tiếp các du khách", Tony Fernandes, chủ tịch của AirAsia, viết trên Twitter vào ngày 31/1.

Malaysia là một điểm đến phổ biến đối với khách du lịch từ Trung Đông, với gần 200.000 lượt đến trong năm 2016 từ các nước như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Iraq và Qatar.

Toàn cảnh lệnh cấm nhập cảnh gây chấn động của Trump: Sắc lệnh cấm nhập cảnh mà Tổng thống Donald Trump áp đặt với người dân từ 7 nước Hồi giáo thay đổi cơ bản chính sách nhập cư và tiếp nhận người tị nạn của Mỹ trong nhiều thập kỷ.

Quốc gia này cũng là điểm đến quan trọng của du lịch y tế và du lịch Hồi giáo, với đa số thực phẩm cùng các sản phẩm khác có chứng nhận đạt tiêu chuẩn thực phẩm cho người Hồi giáo.

Tại nước láng giềng Thái Lan, các quan chức ngành du lịch nói rằng lệnh cấm của Mỹ có thể tăng số khách tới thăm.

"Trung Đông là một thị trường lớn đối với chúng tôi, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch y tế. Họ có thể chọn đến thăm Thái Lan nhiều hơn và điều này sẽ thúc đẩy ngành của chúng tôi", Yuthasak Supasorn Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan nói với Reuters.

 

Lựa chọn thay thế Mỹ

 

Trump đã ban hành lệnh cấm nhập cư như một biện pháp để bảo vệ Mỹ khỏi các chiến binh Hồi giáo. Tuy nhiên, sắc lệnh này đã bị nhiều lãnh đạo nước ngoài lên án và khiến hàng chục nghìn người ở các thành phố của Mỹ biểu tình phản đối.

Do lo ngại về an toàn và an ninh tại Mỹ, một số người châu Á đã cân nhắc lại kế hoạch tới Mỹ du lịch và tìm kiếm phương án thay thế, mặc dù đất nước họ không chịu sự hạn chế đi lại.

"Khi đi du lịch, đặc biệt là để nghỉ ngơi, bạn sẽ muốn được thanh thản đầu óc" Alicia Seah, giám đốc truyền thông của Công ty Du lịch Dynasty của Singapore cho biết.

"Giờ mọi người đang lên kế hoạch du lịch nước ngoài vào tháng 3, tháng 4. Họ có thể hoãn kế hoạch tới Mỹ du lịch trong thời gian này".

Bà Seah gợi ý các du khách Singapore có thể lựa chọn tới Mỹ du lịch vào cuối năm nay hoặc khám phá các địa điểm khác như Australia, New Zealand, Canada hoặc các điểm đến ở khu vực châu Á.

Trump lập luận rằng viêc tăng cường rà soát người nhập cư là cần thiết để bảo vệ Mỹ khỏi các cuộc tấn công. Trong khi đó, những người chỉ trích cho rằng sắc lệnh của ông là không công bằng khi nhắm tới người Hồi giáo và hủy hoại danh tiếng lâu nay của nước Mỹ như là một điểm đến thân thiện cho người nhập cư.

Keysar Trad, chủ tịch Liên đoàn Australia của các hội đồng Hồi giáo, cho biết lệnh hạn chế đi lại của Trump không chỉ làm tổn thương người vô tội mà còn "mang lại thiệt hại lớn cho nền kinh tế và vị thế của Mỹ trên trường quốc tế".

"Tất cả những người có thân nhân ở Mỹ, cho dù họ có đến từ các nước nằm trong danh sách hay không, họ đều kinh ngạc về những gì ông ấy sẽ làm đối với nước Mỹ và người thân của họ", Trad nói với Reuters.

Một số cơ sở đào tạo cũng sớm nhận thấy tác động của lệnh cấm này. Rod Jones, Giám đốc điều hành của Navitas Ltd, một nhà cung cấp giáo dục của Australia, cho biết họ đã nhận thấy nhu cầu sụt giảm của các khóa học tiếng Anh tại Mỹ.

"Chúng tôi bắt đầu nhận thấy các sinh viên ngừng kế hoạch tới Mỹ do lo ngại về các vấn đề tiềm tàng mà họ có thể sẽ đối mặt. Nhưng họ vẫn muốn đến nơi nào đó", Jones nói. Ông chỉ ra rằng Canada và Australia là các lựa chọn thay thế quan trọng.

"Thủ tướng Canada đã ra mặt và nói 'nếu Mỹ không muốn tiếp nhận bạn, chúng tôi sẵn lòng đón nhận bạn' và tôi nghĩ rằng đó cũng là cách tiếp cận của Australia".

Aulia Adila, 24 tuổi, một chuyên viên truyền thông ở Jakarta, đã xem xét việc tới Mỹ để nghiên cứu sau đại học.

"Khi Trump có cơ hội chiến thắng trong cuộc bầu cử, tôi đã xem xét lại việc tới Mỹ du học. Giờ ông ấy đã giành chiến thắng và với lệnh cấm người Hồi giáo cùng chính sách nhập cư mới, việc tới Mỹ càng trở nên bất khả thi và không an toàn", Adila nói. Cô đang cân nhắc việc tới du học ở một quốc gia khác, nơi cô cảm thấy an toàn hơn.

Nguồn: news.zing.vn

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала