Ai đứng sau những vụ đánh chìm tàu cá các nước ASEAN ở Indonesia?

© Flickr / Mr.TinDCQuốc kỳ Indonesia
Quốc kỳ Indonesia - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Hơn 500 con tàu bị đánh chìm, trong đó có nhiều tàu Việt Nam, bởi chiến dịch của một bà bộ trưởng khác thường của Indonesia. Nhiều người cho rằng bà hành động chỉ để PR, theo Zing.

Hơn 500 con tàu bị đánh chìm, trong đó có nhiều tàu Việt Nam, bởi chiến dịch của một bà bộ trưởng khác thường của Indonesia. Nhiều người cho rằng bà hành động chỉ để PR.

Đó là một ngày tháng 8/2018, không lâu sau khi Tổng thống Joko Widodo chào đón các nước châu Á đến tham dự ASIAD tại Indonesia, Bộ trưởng Hàng hải và Nghề cá Indonesia Susi Pudjiastuti gửi đi một thông điệp rất khác bằng việc "đánh chìm" 125 chiếc thuyền, chủ yếu của ngư dân các nước láng giềng, xuống đáy biển sâu.

Washington Post nhận định cảnh tượng những chiếc tàu đánh cá nổ tung và chìm xuống trở thành màn trình diễn trước quốc dân của bà Pudjiastuti. 

Hơn 500 chiếc thuyền như vậy, bao gồm 284 thuyền Việt Nam, đã chìm xuống đáy biển kể từ tháng 10/2014 đến nay, sau khi bị bắt với cáo buộc đánh bắt trái phép trong vùng biển Indonesia.

Quốc kỳ Indonesia - Sputnik Việt Nam
Indonesia: gần 500 nhân viên Ủy ban bầu cử đã chết sau khi kiểm phiếu

Gần đây nhất, ngày 4/5, chính quyền Indonesia đánh chìm 51 tàu nước ngoài, trong đó có tàu từ Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Philippinesvà Thái Lan.

"Kế hoạch của chúng tôi là răn đe bằng việc cho nổ các phương tiện, công bố hình ảnh và chứng minh với thế giới rằng chúng tôi nghiêm túc", bà nói hồi cuối tháng 8/2018 trong chuyến thăm quần đảo Natuna trên Biển Đông.

"Từ khi nền dân chủ được khôi phục (năm 1998), rất nhiều việc đã được cải thiện, nhưng (bảo vệ) tài nguyên thiên nhiên không có gì cải thiện. Một nhóm người vẫn nắm quyền kiểm soát".

"Chúng ta phải dọn sạch! Điều đó có nghĩa là không thỏa hiệp", bà nói thêm trước khi hút một điếu thuốc và mỉm cười. "Tôi là một kẻ độc ác".

Vượt quá các biện pháp của UNCLOS
Đối với Indonesia, các biện pháp mạnh tay nhằm vào việc đánh bắt trái phép nhằm bảo vệ nghề cá và nguồn tài nguyên biển khổng lồ của họ, trong bối cảnh lực lượng chấp pháp của Indonesia không đủ sức kiểm soát vùng biển rộng lớn, như các quan chức nước này thừa nhận.

Trong một phân tích năm 2017, ba tác giả Nurdin, Ikaningtyas và Rika Kurniaty cho biết Lãnh thổ trên biển của Indonesia rộng trên 6 triệu km2 trong khi Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) rộng 2,7 triệu km2. Theo số liệu của Bộ Hàng hải và Nghề cá Indonesia, thiệt hại đối với nước này đến từ các hoạt động đánh bắt trái phép là 300 nghìn tỷ rupiah/năm, tương đương 2 tỷ USD và chiếm đến 25% tiềm năng của ngành đánh bắt cá nước này mỗi năm.

Các tác giả cũng nói rằng đây không phải lần đầu tiên Indonesia phản ứng như vậy với thuyền cá bất hợp pháp. Luật về Nghề cá của Indonesia năm 2009 cho phép "một nhà điều tra, giám sát ngành nghề có quyền ra quyết định đặc biệt về việc đốt hoặc đánh chìm tàu cá treo cờ nước ngoài trong trường hợp có bằng chứng ban đầu đáng tin cậy" và Hải quân Indonesia từng áp dụng điều luật này.

Vấn đề ở đây là liệu Indonesia có thể áp dụng luật này trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) rộng 2,7 triệu km2 của họ không. Một nước không có chủ quyền đối với EEZ của mình như đối với vùng biển chủ quyền, mà chỉ có quyền chủ quyền, giới hạn trong việc thăm dò và khai thác tài nguyên biển.

Theo Điều 73 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), nếu một tàu thuyền nước ngoài không tuân thủ theo luật của nước sở tại trong phạm vi EEZ của họ, giới chức nước sở tại có thể lên tàu, điều tra, bắt người và tiến hành kiện tụng đối với con tàu, thông báo cho nước có con tàu bị bắt giữ.

Tuy nhiên, con tàu và các thuyền viên nên được thả ra sau khi có cam kết phù hợp với nước sở tại. Các hình phạt không nên là sự trừng phạt thể chất như bỏ tù. Dù vậy, UNCLOS không quy định rõ về mức "bảo lãnh" này.

Bộ trưởng nổi tiếng nhất nội các

Khi Tổng thống Joko Widodo bổ nhiệm bà Susi Pudjiastuti vào vị trí bộ trưởng Hàng hải và Nghề cá năm 2014, đó vốn là một vị trí không được chú ý trong nội các Indonesia. 

Giờ thì bà trở thành người nổi tiếng nhất chính phủ của ông.

Theo một khảo sát năm 2017, bà Pudjiastuti nổi tiếng hơn ngoại trưởng Indonesia hay bất cứ nhân vật nào khác trong nội các.

Susi Pudjiastuti là một bộ trưởng hiếm gặp. Bà bỏ học cấp 3 (và chỉ vừa vượt qua kỳ thi tốt nghiệp trung học hồi năm 2018), sau đó khởi nghiệp, trở thành người điều hành công ty đánh bắt hải sản trước khi tham gia vào nội các của Tổng thống Widodo, một lựa chọn đầy rủi ro khi đó của ông.

Tất nhiên bà Pudjiastuti cũng nổi tiếng vì chuyện cho nổ tung tàu cá nước ngoài. Bà khuấy động lòng tự tôn dân tộc cho người trẻ ở đất nước 15.000 hòn đảo, đôi khi bằng đoạn video bà ngồi trên xuồng, quan sát những con tàu bị nhấn chìm và giơ hai tay làm ăn mừng.

Trên Twitter, bà cập nhật đều đặn các bài báo liên quan đến chính sách của mình, video về những lần bà thị sát việc đánh chìm tàu nước ngoài, kèm theo đó là người dân Indonesia cảm ơn bộ trưởng vì chính sách đang làm sống lại nghề cá của nước này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời các câu hỏi của phóng viên báo chí trong và ngoài nước.  - Sputnik Việt Nam
Việt Nam yêu cầu Indonesia thả ngay ngư dân và đền bù thỏa đáng

Với bà Pudjiastuti, việc đánh đắm tàu cá nước ngoài là cách duy nhất để Indonesia vượt qua cơn khủng hoảng khi nguồn cung thủy sản giảm liên tục qua nhiều năm. Ngành cá Indonesia đã "đánh mất nhiều năm" và vấn đề chính của họ là đánh bắt bất hợp pháp, chính vì thế, đối phó với các tàu này sẽ là ưu tiên của bộ của bà.

Dù vậy, bà cũng nhìn nhận những thách thức khác trên vùng biển như sự bành trướng của Trung Quốc, nạn buôn lâu ma túy, buôn người hay hải tặc.

"Đó là điều chúng tôi phải làm để chống lại những tàu cá bất hợp pháp, không khai báo và không bị kiểm soát. Bạn phải làm công việc của mình, vì đất nước bạn, chủ quyền của nước bạn", bà nói với Nikkei Asian Review trong chuyến đi đến Tokyo.

"Bạn không thể dựng hàng rào lên 97.000 km bờ biển. Việc đó là bất khả thi. Nên bạn phải tạo ra sự kính trọng và sợ hãi, để họ không thể đùa giỡn với điều bạn đã cam kết".

Instagram của bà Pudjiastuti tràn ngập hình ảnh về biển. Tất nhiên, đó là công việc bà đang nắm giữ, nhưng biển cũng là lịch sử của bà. 10 năm trước khi bước vào chính trường, bà làm giàu bằng một xưởng thu mua và chế biến hải sản ở Pangandaran, bờ biển phía nam Java, Indonesia. Năm 2004, trong thảm họa động đất - sóng thần ập vào Indonesia, bà đã bỏ 40.000 USD tiền túi và bay đến những hòn đảo bị thiệt hại để cứu trợ.

Trong lần đến quần đảo Natuna vào tháng 8 năm trước, Bộ trưởng Pudjiastuti dành một buổi sáng, dắt theo cả cháu gái của mình cùng một nhóm nhân viên, thị sát bờ biển, gặp gỡ các lãnh đạo địa phương và chỉ thị cấp dưới dọn rác. Bên trên họ là tấm biểu ngữ, "biển là tương lai của chúng ta".

"Bà ấy thật sự dũng cảm", Washington Post dẫn lời Hali Hermansyah, 19 tuổi, sống tại quần đảo Natuna. "Indonesia có những anh hùng vĩ đại hơn trước đây. Giờ họ đã chết hết rồi. Bà ấy là người vĩ đại nhất còn sống".

Nội các lo lắng

Bà Pudjiastuti thừa nhận rằng tất cả chỉ là màn trình diễn và mục đích chính là để răn đe ngư dân các nước láng giềng, vì "vùng biển quá lớn và thật sự bất khả thi để theo dõi nó".

Các tàu thuyền được tháo hết dầu, động cơ, chỉ để lại khung cùng một lượng thuốc nổ.

Cuối năm 2018, bà tuyên bố chính sách đánh chìm tàu là thành công khi sản lượng cá của Indonesia đã tăng thành 12,5 triệu tấn/năm, so với 7,1 triệu tấn như trước năm 2015. Ngoài ra, cán cân thương mại trong ngành khai thác thủy hải sản của Indonesia cân bằng nhất Đông Nam Á trong khi nước này trở thành nhà xuất khẩu cá ngừ lớn nhất thế giới.

Bộ trưởng của Indonesia cũng nhiều lần khẳng định mối quan tâm duy nhất là của bà là nghề cá của Indonesia, và việc cho nổ, đánh chìm thuyền cá bất hợp pháp không phải vấn đề ngoại giao của các nước. Tuy nhiên, một số người khác trong nội các Indonesia không nghĩ vậy.

Đầu năm 2018, Phó tổng thống Jusuf Kalla lên tiếng rằng "đã đủ rồi".

"Từ quan điểm của chính phủ, như vậy là đủ rồi", ông nói. "Mối quan ngại của chúng tôi là quan hệ với các nước láng giềng".

Ông cũng lo sợ việc cho nổ những chiếc thuyền, dù khiến cử tri yêu thích, sẽ làm nhà đầu tư sợ hãi. Văn phòng Thương mại Indonesia cũng đồng tình với nỗi lo đó.

"Tất cả những gì bà ấy làm là một chiêu trò PR", Jakarta Post dẫn lời một bộ trưởng nói với Tổng thống Widodo tại một cuộc họp nội các.

Ít nhất 3 bộ trưởng trong nội các Indonesia đã lên tiếng phản đối chính sách này, với các quan ngại về ngoại giao và pháp lý. Đỉnh điểm là ngày 8/5, khi Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Biển Indonesia, một trong các bộ trưởng của nội các Indonesia, ông Luhut Binsar Pandjaitan đệ trình kế hoạch tái bổ nhiệm Cơ quan An ninh Hàng hải (Bakamla) Indonesia là lực lượng duy nhất có thể xử lý các vụ bạo lực trên biển, bên cạnh Hải quân Indonesia.

Điều này nghĩa là giải thể lực lượng đặc nhiệm Satgas 115 của bà Pudjiastuti, lực lượng được thành lập để đối phó với các tàu cá bất hợp pháp.

Bộ trưởng Pudjiastuti phản đối và nói rằng chỉ có tổng thống mới có quyền hạn thành lập hay giải thể lực lượng này.

Trong bài bình luận đăng trên Jakarta Globe năm 2018, nhà phân tích Johannes Nugroho cho rằng sự ủng hộ dành cho Bộ trưởng Pudjiastuti và việc đánh chìm tàu nước ngoài sẽ khiến Tổng thống Widodo không dễ lật lại chính sách này, như cách ông đã làm với lệnh cấm lưới phao của bà.

Cũng trong cuối năm 2018, Bộ trưởng Pudjiastuti thông báo rằng chính phủ Indonesia sẽ không cho nổ thuyền nữa. 51 chiếc thuyền ngày 4/5 bị đánh chìm bằng cách dùng vòi bơm và ống nước để làm ngập tàu. Dù vậy, Bộ trưởng Pudjiastuti vẫn tham gia vào lễ đốt những lưới đánh bắt cá bị thu giữ từ các tàu này.

Chỉ là chính sách để đẹp lòng dân?
BBC nhận định mỗi lần Tổng thống Widodo chuẩn bị cải tổ nội các là mỗi lần tin đồn về việc bộ trưởng Hàng hải và Nghề cá sẽ bị thay. Về phần mình, bà Pudjiastuti nói rằng bà lo lắng những chính sách của mình sẽ bị lật ngược một khi bộ trưởng khác lên. Ví dụ, lệnh cấm tàu nước ngoài đánh bắt cá, chỉ là một sắc lệnh tổng thống chứ chưa thành luật.

"Tôi lo lắng những chuyện sẽ xảy ra khi tôi rời chức", bà nói.

Trong khi đó, South China Morning Post nhận định việc thi hành các chính sách khiến bà được tán thưởng là không dễ và bị nửa vời ở một đất nước vẫn đối mặt với tham nhũng như Indonesia, và việc ngăn tàu cá nước ngoài không đủ giải quyết vấn đề của ngành đánh bắt cá Indonesia.

Các tàu cá Indonesia thường đánh bắt thay các khách hàng lớn khác tại châu Á, ngư dân sẽ chuyển số cá họ đánh bắt được đến cá xưởng lớn bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.

"Giờ thì không còn nhiều tàu cá nước ngoài", Susan Herawati, tổng thư ký của KIARA, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong ngành khai thác cá, nói. "Việc cho nổ những con tàu nhìn thì oách đấy, nhưng những ông chủ lớn (bên ngoài Indonesia) vẫn an toàn và không phải trả giá cho mất mát của chúng ta".

Nghề cá đóng góp 2-3% vào nền kinh tế Indonesia, "một con số rất lớn nếu chúng ta xét nền kinh tế của họ lớn cỡ nào", Washington Post dẫn lời Yosse Rizai Damuri, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược tại Jakarta.

Và "sự ủng hộ đối với chủ nghĩa dân tộc kinh tế tại Indonesia quá lớn, đặc biệt đối với các ngành khai thác như mỏ và đánh bắt cá", điều này giải thích cho "cơn sốt Pudjiastuti".

Một quan chức quân sự Indonesia nói rằng sự phức tạp của ngành đánh bắt cá ở Indonesia sẽ không thể được giải quyết chỉ bằng "liệu pháp sốc" như việc đánh chìm tàu nước ngoài. Những người chỉ trích nói rằng bà không có tầm nhìn đủ dài để bao quát cả ngành này, trong khi các doanh nghiệp Indonesia chật vật đối phó với sự sụt giảm đầu tư nước ngoài vào ngành.

Mongabay, một trang tin về bảo tồn, nói rằng những nhà bảo tồn ở Indonesia cho rằng Tổng thống Widodo, người vừa tái đắc cử, không có một cam kết rõ ràng đối với việc xúc tiến sự bền vững của nghề cá nước này. Chính sách đánh chìm tàu nổi tiếng của bộ trưởng Hàng hải và Nghề cá tạo nên tiếng vang (và cả căng thẳng ngoại giao) nhưng lại không thể cải thiện kỹ năng và điều kiện cho ngư dân địa phương.

Những cộng đồng đánh bắt cá, bên cạnh nỗi lo từ biển, còn bị đe dọa bởi các dự án phát triển mọc lên bên bờ biển như khai khoáng, du lịch...

Tổng thống Widodo, trong buổi tranh luận trước bầu cử, nói rằng chính phủ của ông đã cố gắng giải quyết mọi vấn đề trong nhiệm kỳ vừa qua. Indonesia có hai công ty mua lại cá từ các thuyền đánh bắt quy mô nhỏ của đất nước, lực lượng chiếm 89% sản lượng cá cả nước.

Tàu nhỏ dưới 10 tấn không phải xin giấy phép từ chính quyền trung ương mà có thể xin ở địa phương. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ các chính sách được thực thi không.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала