Dịch coronavirus đánh vào nền kinh tế Việt Nam như thế nào?

© Ảnh : Trần Việt - TTXVNBộ trưởng Bộ NN & PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị.  - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Dịch viêm phổi Vũ Hán do coronavirus sẽ đánh vào nền kinh tế Việt Nam như thế nào? Những lĩnh vực nào sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới nCoV gây nên?

Việt Nam vẫn là quốc gia duy nhất vẫn hút vốn

Công ty chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) cho biết, trong khoảng thời gian từ 20-31.01, dòng vốn vào Đông Nam Á bị rút mạnh đến 102 triệu USD. Đây là mức cao nhất trong vòng 8 tháng qua.

Theo đó, Thái Lan là nước có lượng tiền bị rút cao nhất, lên đến 51 triệu USD. Tiếp theo đó là Malaysia với 35 triệu USD. Philippines và Singapore cũng là hai quốc gia bị ảnh hưởng khi dòng tiền đang bắt đầu rời khỏi.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Sputnik Việt Nam
Thủ tướng quyết định công bố dịch do virus Corona tại Việt Nam

Trong bối cảnh nguồn tiền bị rút khỏi khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn là nước tiếp tục thu hút dòng vốn tích cực, đạt 4,1 triệu USD vào tuần trước, chủ yếu đến từ VFMVN30 ETF với 3,4 triệu USD, chủ yếu thông qua chứng chỉ quỹ, tiếp đến là VanEck Vietnam ETF.

Cũng trong khoảng thời gian trên, trên thị trường chứng khoán, hoạt động mua ròng từ khối ngoại được duy trì. Theo ghi nhận, giá trị mua ròng ở mức 491 tỷ đồng.

Cụ thể, ba lĩnh vực được mua mạnh nhất là nhóm cổ phiếu thuộc ngành Tiêu dùng không thiết yếu, Nguyên vật liệu và Tài chính, với giá trị mua ròng lần lượt là 561 tỷ đồng, 211 tỷ đồng và 40 tỷ đồng. Trong đó, tập trung chủ yếu là cổ phiếu của Thế Giới Di Động (HoSE: MWG), Tập đoàn Hòa Phát (HoSE:HPG), Vietcombank (HoSE:VCB), VPBank (HoSE:VPB) và Sacombank (HoSE:STB).

Ở chiều ngược lại, các nhóm cổ phiếu bán khá mạnh là nhóm thuộc ngành Tiêu dùng thiết yếu và Bất động sản. Tiêu biểu trong số này là cổ phiếu của Vinamilk (HoSE:VNM), Tập đoàn Masan (HoSE: MSN), Vingroup (HoSE:VIC) và VincomRetail (HoSE:VRE) liên tục bị bán ròng trong khi Vinhomes (HoSE:VHM) vẫn thu hút lực cầu tốt. Bên cạnh đó, lĩnh vực Công nghiệp bị áp lực bán chi phối, chủ yếu đến từ VietJet (HoSE:VJC).

Dịch bệnh do coronavirus tác động thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?

Trước tình hình dịch nCoV vẫn đang hoành hành và có nhiều diễn biến phức tạp, một số ngành giao thương có thể gặp khó khăn do hạn chế đi lại, vận chuyển qua biên giới, cửa khẩu. Bên cạnh đó, du lịch và giao thông cũng là những ngành chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch viêm phổi Vũ Hán.

Đây là thông tin ghi nhận trong báo cáo “Dịch viêm phổi nCoV đem đến sự kiện thiên nga đen cho thị trường chứng khoán ngay đầu năm 2020” của Khối Phân tích, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT.

Nhóm nghiên cứu của VNDIRECT đánh giá, du lịch, lưu trú, hàng không là các ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, khi mà nhu cầu du lịch, đi lại của người Trung Quốc lẫn cả khu vực châu Á chịu ảnh hưởng do người dân có tâm lý lo lắng, hạn chế di chuyển trong thời gian dịch bệnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Sputnik Việt Nam
Thủ tướng quyết định công bố dịch do virus Corona tại Việt Nam

Cục Hàng không Việt Nam cũng đã dừng cấp phép đối với các chuyến bay thường lệ đến/đi từ Việt Nam với các tỉnh thành có dịch của Trung Quốc. Ngành du lịch và hàng không Việt Nam cũng chịu thiệt hại khi nhiều tour du lịch từ Trung Quốc bị tạm dừng, đặc biệt trong mùa cao điểm quý 1 này.

Ngành giao thương cũng đối diện với những khó khăn do hạn chế đi lại qua biên giới, cửa khẩu cũng như gián đoạn nguồn cung tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc). Trong ngắn hạn, các ngành nghề xuất khẩu theo đường biên giới trên bộ và tiểu ngạch sang Trung Quốc như nông sản, thủy sản, thực phẩm… sẽ chịu tác động đáng kể.

Bên cạnh đó, một số ngành sản xuất tại Hồ Bắc có thể bị đình trệ, kéo theo đó là sự gián đoạn nguồn cung. Vì lý do này, các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc hoặc các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu nước này có thể chịu nhiều ảnh hưởng. Đặc biết, những ngành đó là: Dệt may (nhập khẩu sợi, vải), điện tử, tiêu dùng (linh kiện, phụ kiện nhập khẩu từ Trung Quốc), thép dẹt (nhập khẩu HRC).

Cần chú ý rằng việc gián đoạn nguồn cung tiềm tàng này nhiều khả năng chỉ mang tính tạm thời và hoạt động sản xuất tại Trung Quốc sẽ sớm được phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát.

Cũng theo VNDIRECT, một số ngành khác thậm chí có thể được hưởng lợi trong ngắn hạn nhờ sự gián đoạn nguồn cung hàng hóa từ Hồ Bắc nhập khẩu vào Việt Nam. Đó là những ngành nằm ở phân khúc hạ nguồn và chịu áp lực cạnh tranh lớn từ sản phẩm từ Trung Quốc như dệt may, thép, săm lốp.

Bên cạnh đó, những ngành mà Việt Nam và Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu cũng có thể ghi nhận đơn hàng gia tăng trong ngắn hạ do sự chuyển dịch tạm thời từ Trung Quốc sang Việt Nam, ví dụ như dệt may và da giày.

Dù chỉ với quy mô nhỏ, nhóm ngành dược, vật tư y tế và bán lẻ dược vẫn có thể được hưởng lợi. Các doanh nghiệp chính hưởng lợi trong nhóm này là các doanh nghiệp được phép nhập khẩu thuốc (đặc biệt là thuốc đặc trị) và các công ty phân phối, sản xuất vật tư y tế. Còn lại, đa phần các doanh nghiệp dược trong nước, chủ yếu sản xuất các sản phẩm kháng sinh, thuốc chữa bệnh đơn giản và thực phẩm chức năng sẽ không được hưởng lợi từ sự bùng phát của dịch. Với đặc thù là tính thanh khoản thấp, hiệu quả đầu tư của cổ phiếu ngành dược sẽ bị ảnh hưởng nếu tầm nhìn đầu tư không quá dài.

Trong quý 1/2020, VNDIRECT đánh giá các nước châu Á sẽ khó tránh khỏi tăng trưởng kinh tế chậm lại bởi đều có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, “công xưởng của thế giới”, chiếm đến 1/6 tổng quy mô sản xuất toàn cầu, là nơi đặt nhà máy của các tập đoàn toàn cầu, đặc biệt là các tập đoàn Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, châu Âu. Vũ Hán – trung tâm bùng phát dịch bệnh – nằm trong tỉnh Hồ Bắc, vốn là thủ phủ của ngành ô tô, dệt may, thép, hóa dầu… của Trung Quốc.

Không chỉ vậy, sự thu hẹp hoạt động kinh tế của đất nước hơn 1,4 tỷ dân có thể gây ra rủi ro cho xuất nhập khẩu trên toàn thế giới, khiến nhu cầu chậm lại. Do vậy các nhóm ngành cảng biển, cảng hàng không và logistic, vận tải cũng chịu rủi ro tác động gián tiếp. Việc giá dầu sụt giảm 7-8% trong tháng 1 trước lo ngại về nền kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng là ví dụ phản ánh cho tác động này. Nhóm ngành dầu khí trong nước có thể chịu tác động không tốt về mặt tâm lý trước sức ép giảm giá.

Những ngành nào sẽ chịu tác động tiêu cực của dịch coronavirus?

Trong khi đó, công ty chứng khoán SSI cũng đã có báo cáo đánh giá tác động của dịch virus Corona đối với 23 nhóm ngành, hàng. Theo đó, SSI dự báo 9 ngành chịu tác động tiêu cực của dịch virus Corona bao gồm: dệt may, bán lẻ, thủy sản, bia, dầu khí, chứng khoán, cảng biển – vận chuyển, dịch vụ sân bay và hàng không.

Nhiều người đã có ý thức đeo khẩu trang y tế ở những chỗ đông người (ảnh chụp tại Phủ Tây Hồ, Hà Nội sáng 30/1/2020) - Sputnik Việt Nam
Dịch viêm phổi do virus Corona sẽ đánh vào kinh tế Việt Nam như thế nào?

Trước hết là hàng không. Đây là một trong những ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực rõ rệt nhất khi nhiều hãng hàng không chịu tác động vì nhu cầu du lịch có thể giảm, đặc biệt hoạt động du lịch liên quan đến Trung Quốc. Đi kèm với đó, ngành dịch vụ sân bay cũng sẽ bị ảnh hưởng. Năm 2019, hành khách đến từ Trung Quốc chiếm đến 40% tổng số lượt khách của Việt Nam. Con số này dự kiến sẽ giảm mạnh trong ngắn hạn.

SSI cho rằng, ngay trong quý 1 năm 2020, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đã và đang chịu tác động xấu khi Việt Nam phải đóng cửa một số cửa khẩu sang Trung Quốc cho đến ngày 8.2.2020. Như vậy, sẽ có sự hạn chế giao thương giữa Trung Quốc và Việt Nam trong một mức độ nhất định.

Ngoài ra, nhu cầu từ tiêu dùng của Trung Quốc cũng thấp hơn, hoạt động sản xuất bị hạn chế, khiến hoạt động vận chuyển hàng hóa liên quan đến Trung Quốc giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp vận chuyển cảng biển Việt Nam khi lượng hàng vận chuyển giảm.  

Nhằm hạn chế đi đến những nơi công cộng để tránh khả năng lây nhiễm virus corona, người tiêu dùng sẽ ưu tiên sử dụng thương mại điện tử và chuyển phát nhanh, kéo theo lượt khách mua sắm tại các cửa hàng bán lẻ giảm mạnh. Điều này sẽ khiến doanh thu của ngành bán lẻ chịu tác động tiêu cực.

Cũng bởi việc người tiêu dùng tránh đến những nơi công cộng, giảm tụ tập và chi tiêu bên ngoài nên doanh thu ngành bia cũng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực. Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác đó là tác động của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc hạn chế tác hại của bia rượu.

Với ngành dệt may, do nhiều nhà máy dệt tại Trung Quốc đóng cửa trong tháng 1 và tháng 2, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Theo ghi nhận, Trung Quốc là nơi cung cấp vải nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam.

Với ngành thủy sản, Trung Quốc là một thị trường quan trọng với các doanh nghiệp Việt Nam khi chiếm 16,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, chiếm 16,1% xuất khẩu tôm và 33% xuất khẩu cá tra. Nhu cầu tiêu dùng giảm sút ở Trung Quốc sẽ có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các công ty thủy sản Việt Nam.

Trong thời gian tới, thị trường chứng khoán sẽ chịu một số ảnh hưởng xấu, tuy nhiên SSI cho rằng, khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường sẽ ngay lập tức phục hồi mạnh mẽ, tương tự như những gì đã từng xảy ra trong quá khứ.

Cũng theo báo cáo của SSI, 4 ngành có triển vọng tích cực trong ngắn hạn trước bối cảnh dịch nCoV là dược phẩm, công nghệ thông tin, điện, nước.

Nông nghiệp Việt Nam tổn hại nặng nề vì coronavirus

Trước đó, chiều 3.2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PT-NT) tổ chức hội nghị “Thúc đẩy thương mại, phát triển sản xuất nông sản trước tác động dịch bệnh corona”.

Tham dự Hội nghị này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu lên những lo ngại về dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới virus corona vô cùng nguy hiểm, đe dọa tính mạng người dân và nền kinh tế toàn cầu. Theo đó, điều đáng lo ngại là dịch bệnh chưa có vác-xin chống hay thuốc đặc trị.

“Yếu tố thời tiết khiến dịch bệnh corona ngày càng nguy hiểm. Mưa phùn, lạnh giá ở miền Bắc cực kỳ phù hợp với loại bệnh này. Điều đó dự báo một tương lai ảm đạm cho phát triển kinh tế toàn cầu”, Bộ trưởng Cường bắt đầu bài phát biểu với nhận định không mấy lạc quan.

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, diễn biến phức tạp, khó lường của dịch viêm phổi cấp sẽ tác động tiêu cực đến thương mại nông lâm thủy sản của Việt Nam và Trung Quốc.

Điển hình, tình trạng ùn tắc, dư cung cục bộ sẽ diễn ra do hạn chế giao dịch tại các cặp chợ biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Tây, Vân Nam.

“Trong và sau Tết Nguyên đán, thanh long, dưa hấu chiếm tỷ trọng lớn phục vụ thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, tính đến tối 2.2, có khoảng 175 xe thanh long loại 20 tấn/xe tại Lạng Sơn vẫn chưa xuất sang bên kia được”, Bộ trưởng thông tin.

Hết trái cây rau quả, các sản phẩm từ chăn nuôi cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng. Việc xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ gặp khó khăn khi thông thương nội địa và quốc tế của Trung Quốc bị đình trệ. Nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc cũng thông báo tới các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam tạm dừng giao hàng đến hết ngày 9.2 hoặc đến khi có thông tin bình thường hóa các hoạt động trở lại từ Chính phủ Trung Quốc.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn của Trung tâm đáp ứng dịch khẩn cấp (Bộ Y tế) trả lời phỏng vấn báo chí về tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona - Sputnik Việt Nam
Bộ Y tế họp báo về dịch coronavirus: Việt Nam có ban bố tình trạng khẩn cấp?

Việc Việt Nam tạm dừng đường bay với các sân bay Trung Quốc cũng cản trở hoạt động giao dịch, trao đổi, làm việc giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý hai bên trong lĩnh vực thương mại nông sản.

“Đứng trước dịch bệnh, ngành nông nghiệp là ngành tổn thương lớn nhất. Bởi Trung Quốc là thị trường khổng lồ của nông sản Việt Nam, hàng năm lượng hàng xuất sang Trung Quốc chiếm 22-25% kim ngạch xuất khẩu. Riêng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản sang Trung quốc đạt 8,47 tỷ USD trên tổng kim ngạch 41,3 tỷ USD. Trong đó có một số nhóm nông sản, thị trường Trung Quốc chiếm phần lớn”, Bộ trưởng Cường khẳng định.

Để giải quyết tình hình này, Đảng và Nhà nước Việt Nam có nhiều quyết định và chỉ thị nhằm huy động các bộ ngành vào cuộc.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, đối với ngành nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp cũng đã có những nhận định về tác động của bệnh dịch, và thị trường Trung Quốc đối với nông sản Việt Nam.

“Song cái gì cũng có quy trình chúng ta không được hoang mang. Chúng ta cần biến thách thức thành thời cơ, quan trọng coi đây là tiền đề tái cơ cấu một ngành nông nghiệp vững chắc. Để không bán hàng chỗ này bán chỗ khác, không bán hôm nay bán tuần sau nhưng không thiu. Như vậy, chúng ta cần phải xây dựng biện pháp tức thì cho từng ngành hàng, xúc tiến thương mại đi các nước, chế biến sâu, liên kết các chuỗi”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала