Việt Nam sắp khởi công 3 đoạn cao tốc Bắc – Nam: Làm ngày, làm đêm

© Ảnh : Nguyên Lý-TTXVNTuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn đoạn qua tỉnh Quảng Trị đang được xây dựng.
Tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn đoạn qua tỉnh Quảng Trị đang được xây dựng. - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Trục cao tốc Bắc – Nam xuyên Việt đang dần được hình thành. Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) cùng các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Bình Thuận, Đồng Nai sắp tổ chức khởi công ba dự án thành phần Mai Sơn – Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, việc triển khai khởi công xây dựng 3 dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam này đã hiện thực cụ thể hóa “quyết tâm của Chính phủ” trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho người lao động trong bối cảnh Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Ba dự án cao tốc Bắc – Nam chuẩn bị khởi công

Dự kiến, ngày mai 30/9, ba dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2017 – 2020 gồm các đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây sẽ chính thức khởi công. Vời ba dự án thành phần khác hiện đang được xây dựng, trục cao tốc xuyên Việt đầu tiên đang dần hình thành một cách rõ ràng hơn.

Đoàn công tác kiểm tra thực thực tế tại Dự án đường cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn Bình Thuận. - Sputnik Việt Nam
Bộ GTVT khởi công đồng loạt 3 dự án cao tốc Bắc – Nam

Cụ thể, ngày mai, Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) sẽ phối hợp cùng lãnh đạo UBND các tỉnh có các đoạn cao tốc Bắc – Nam chạy qua gồm Ninh Bình, Thanh Hóa, Bình Thuận, Đồng Nai sẽ đồng loạt tổ chức lễ khởi công ba dự án thành phần nêu trên.

Phía Bộ GTVT cũng khẳng định trước đó, đến nay, cả ba dự án Mai Sơn – Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây đã hoàn thiện đủ thủ tục, đủ điều kiện khởi công theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời đáp ứng được yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Theo cổng thông tin Chính phủ Việt Nam, đối với sự kiện quan trọng này, ngày 30/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự lễ khởi công dự án Mai Sơn – Quốc lộ 45, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình sẽ dự lễ khởi công dự án Phan Thiết – Dầu Giây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong thời gian này sẽ dự lễ khởi công dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết.

Bộ GTVT cho rằng, việc ba dự án thành phần là Mai Sơn – Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây sau khi được hoàn thành, đưa vào khai thác dự kiến cuối năm 2022 sẽ cùng với các dự án thành phần khác từng bước hình thành nên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông hiện đại của Việt Nam.

Bộ GTVT khẳng định, dự án có năng lực lớn, an toàn, tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu vận tải, kết nối các trung tâm kinh tế tài chính đặc biệt là ba vùng kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp trọng yếu của Việt Nam.

Ba dự án cao tốc trọng điểm khẳng định quyết tâm của Chính phủ

Đối với đường Pháp Vân – Cầu Giẽ (ký hiệu toàn tuyến là CT.01) được coi là “tiền thân” của đường cao tốc đầu tiên của Việt Nam với chiều dài 30km. Đây là một trong những con đường quan trọng để đi ra/vào Hà Nội, nên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. - Sputnik Việt Nam
Quốc hội đồng ý đầu tư công một số dự án cao tốc Bắc-Nam, Hà Nội tự quyết thu, tăng phí

Căn cứ theo Quyết định 2047/2002/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT thì đường Pháp Vân-Cầu Giẽ được gọi là “đường khai thác theo tốc độ cao” – điểm đầu là nút giao Pháp vân , Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), giao cắt với đường vành đai 3, điểm cuối là Cầu Giẽ (Phú Xuyên), tiếp nối đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Theo thiết kế ban đầu của tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ, làn trái dành cho xe con, tốc độ tối đa 100 km/h, tối thiểu 80 km/h. Làn phải dành cho xe chạy tốc độ 60–80 km/h.

Tuy nhiên, thực tế những năm qua, do có nhiều đoạn sụt lún, mặt đường bị nứt, gãy khúc, không bảo đảm độ êm thuận, một số nút giao trên tuyến còn thiếu hợp lý, nên ở một số đoạn, biển quy định tốc độ đã được gỡ bỏ và trong một thời gian dài, đường Pháp Vân – Cầu Giẽ cũng không còn được công nhận là “đường cao tốc” vì không đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu đúng chuẩn của đường cao tốc.

Phải đến ngày 21/1/2010, Thủ tướng Chính phủ khi đó là ông Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định 140/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nối từ Hà Nội đến Cần Thơ, với tổng vốn đầu tư trên 300.000 tỷ đồng.

Theo đó, tuyến cao tốc này có chiều dài khoảng 1.811 km, bao gồm 16 đoạn tuyến, quy mô 4 - 8 làn xe với lộ trình xây dựng đến năm 2030.

Đến năm 2016, Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định 326/QĐ-TTg ngày 1/3/2016) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, quy hoạch xác lập mạng đường bộ cao tốc Việt Nam gồm 21 tuyến với tổng chiều dài 6.411 km.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội.  - Sputnik Việt Nam
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Cao tốc Bắc – Nam chậm vì phải đúng quy trình

Đồng thời, đến đến tháng 9/2017, theo Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị đánh giá, “một trong những điểm nghẽn hạ tầng lớn nhất chính là hành lang vận tải Bắc – Nam và hiện tại nhu cầu vận tải đã vượt quá khả năng đáp ứng của tuyến Quốc lộ 1”.

Tại Việt Nam thời điểm này, trong khi đường sắt tốc độ cao chưa thể triển khai, việc đầu tư ngay một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được xác định là cấp thiết và không thể trì hoãn lâu hơn nữa.

Sau đó, thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và trình Quốc hội tại Tờ trình số 421/TTr-CP ngày 11/10/2017.

Tiếp đến, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Căn cứ theo Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội Việt Nam khóa XIV, với quy mô và tầm quan trọng của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Chính phủ đã ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện dự án.

Tạm thời trước hết đầu tư 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654 km, đi qua địa phận 13 tỉnh thành của cả nước với tổng mức đầu tư  khoảng 118.716 tỷ đồng. Trong đó, có 55.000 tỷ đồng vốn nhà nước, 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách. Đồng thời, có 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP (công – tư).

Ba dự án được Bộ GTVT tổ chức khởi công xây dựng đồng loạt ngày mai 30/9 là dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được chuyển đổi từ hình thức PPP sang đầu tư công theo Nghị quyết 117/2020 của Quốc hội gồm: Mai Sơn-Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây, với tổng số vốn hơn 37.000 tỷ đồng.

Kể từ thời điểm Quốc hội thông qua Nghị quyết cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư của 3 dự án từ PPP sang đầu tư công.

Khi đó, đánh giá về quyết định này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết) thì đương nhiên nhà nước phải làm, còn đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 sẽ khai thông đường vào Hà Nội, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây là cửa ngõ TP. HCM, nên chuyển đổi 2 dự án này sẽ tác động tích cực đến 2 thành phố lớn nhất nước.

Thi công tại gói thầu số 8 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế. - Sputnik Việt Nam
Chỉ định thầu cao tốc Bắc – Nam: Làm kém, tham nhũng, lợi ích nhóm ai chịu?

Nếu như trước đây, nhiều dự án giao thông trọng điểm của Việt Nam từ lúc thông qua chủ trương đến ngày khởi công xây dựng cũng phải mất tầm 7 -8 tháng, hoặc cả năm, hay hàng năm, thì đối với ba dự án thành phần này, để khởi công các dự án đồng thời cố gắng giữ tiến độ vào thời điểm trước cuối năm 2020, Chính phủ đã liên tục chỉ đạo Bộ GTVT và các cơ quan liên quan hoàn thiện các thủ tục để khởi công những gói thầu đầu tiên trong thời gian ngắn kỷ lục là 3 tháng.

Theo như chia sẻ của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thì Bộ đã phải tập trung thời gian kể cả ngày nghỉ và ngoài giờ, khẩn trương tiến hành rà soát, chuẩn bị điều chỉnh các hồ sơ, thủ tục liên quan.

“Đến thời điểm hiện nay, cả 3 dự án đã đủ điều kiện để khởi công xây dựng theo quy định của pháp luật, đáp ứng đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định.

Đồng thời, cũng theo Bộ GTVT, việc triển khai khởi công xây dựng 3 dự án trên đã hiện thực cụ thể hóa “quyết tâm của Chính phủ” trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho người lao động trong bối cảnh Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, cũng như thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng GTVT cũng cho rằng, cùng với 3 dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2 đang được thi công, dự kiến hoàn thành trong năm 2021 thì hình hài trục cao tốc Bắc-Nam xuyên Việt đã dần được hình thành.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến điểm chung của phần lớn các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam dài hơn 650km là đều được xây dựng mới, đồng bộ và nằm trọn trong địa bàn 14 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung.

Theo đó, các tỉnh miền Trung sẽ là những địa phương được hưởng lợi trực tiếp từ tuyến cao tốc xuyên Việt huyết mạch này.

Cùng với đó, hành lang vận tải Bắc - Nam kết nối Thủ đô Hà Nội và TPHCM, đi qua 32 tỉnh và thành phố, kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Đường cao tốc - Sputnik Việt Nam
Việt Nam sẽ có doanh nghiệp Bộ Quốc phòng làm cao tốc Bắc-Nam?

Theo thống kê, chỉ tính riêng đoạn Hà Nội - TPHCM đi qua địa phận 20 tỉnh/thành phố, tác động đến 45% dân số, đóng góp 52% tổng sản phẩm trong nước, ảnh hưởng đến 75% các cảng biển loại I-II và 67% các khu kinh tế của cả nước và đặc biệt là kết nối 3 vùng kinh tế trọng điểm.

Theo Bộ GTVT, với mức độ ảnh hưởng như vậy, có thể nói đây là hành lang vận tải quan trọng nhất, có tính lan tỏa nhất, tạo động lực phát triển kinh tế cả nước.

Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ PPP (Bộ GTVT) Lê Kim Thành cho hay, sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ giải quyết được toàn bộ các hạn chế của tuyến QL1 hiện hữu. Trong những năm qua, năng lực hệ thống đường bộ ngày càng được cải thiện và nâng cao, đặc biệt là việc hoàn thành nâng cấp, mở rộng QL1 với quy mô 4 làn xe, phát huy hiệu quả đầu tư, tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Tính toán mức phí cao tốc Bắc – Nam như thế nào?

Về mức phí đối với tuyến cao tốc Bắc – Nam, ông Thành cho biết, với dự án đầu tư công, Quốc hội, Chính phủ đang giao Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính nghiên cứu đề án thu phí hoàn vốn lại cho Nhà nước, bổ sung vào thu phí sử dụng đường bộ trong danh mục phí và lệ phí.

Cao tốc Bắc-Nam - Sputnik Việt Nam
Việt Nam hủy đấu thầu quốc tế cao tốc Bắc-Nam: Nửa hồ sơ có yếu tố Trung Quốc

Ông Thành cho hay, trước mắt áp dụng cho các dự án đường cao tốc vì tuyến đường này có sự lựa chọn cho người dân, có thể lưu thông trên cao tốc hoặc đi theo Quốc lộ 1.

“Ba dự án cao tốc bằng vốn đầu tư công sau khi hoàn thành sẽ tiến hành thu phí với mức dự kiến từ 1.500-2.000 đồng/km. Riêng mức phí với dự án PPP phải bảo đảm hoàn vốn, trong dự án đã có quy định mức phí ở từng thời điểm khác nhau” Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Vụ PPP-Bộ Giao thông Vận tải) cho hay.

Trong khi đó, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đường cao tốc là đường có tính thương mại cao như an toàn, lưu thông hơn nên chủ xe phải trả tiền cho việc lưu thông thuận tiện này, còn không sẽ đi đường khác với thời gian chậm như Quốc lộ 1.

Đường cao tốc Bắc – Nam (ký hiệu toàn tuyến là CT.01 là tuyến đường cao tốc Việt Nam nằm rất gần với Quốc lộ 1A huyết mạch, thông suốt giữa 2 miền Nam và Bắc của Việt Nam. Nếu Quốc lộ 1A nối dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau, thì đường cao tốc Bắc – Nam chỉ nối từ Hà Nội tới Cần Thơ.

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 đi qua địa phận 2 tỉnh là Ninh Bình, Thanh Hóa với chiều dài toàn tuyến khoảng 63,37km. Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 12.111 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 7.684 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án Thăng Long tổ chức thực hiện và quản lý.

 Dự án cao tốc Bắc Nam - Sputnik Việt Nam
Thiếu tiền, doanh nghiệp Việt lấy gì làm cao tốc Bắc-Nam?

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đi qua địa phận tỉnh Bình Thuận có chiều dài 100,8km. Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 10.853,800 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 7.210 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án 7 tổ chức thực hiện và quản lý.

Dự án thành phần cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi qua địa phận 2 tỉnh là Bình Thuận và Đồng Nai, với chiều dài khoảng 99km (đoạn qua Bình Thuận dài 47,5km; đoạn qua Đồng Nai dài 51,5km). Tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án là 12.577,487 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng là 7.201 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án Thăng Long tổ chức thực hiện và quản lý.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала