Tăng trưởng kinh tế Việt Nam cao hơn mức của thế giới và tiếp tục dẫn đầu

© AFP 2023 / Manan VatsyayanaQuốc kỳ Việt Nam, chợ ở Hà Nội.
Quốc kỳ Việt Nam, chợ ở Hà Nội. - Sputnik Việt Nam, 1920, 10.04.2021
Đăng ký
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng cao hơn mức trung bình của thế giới năm 2021 và tiếp tục dẫn đầu Đông Nam Á với mức tăng GDP lên tới 7,2%.

Các chuyên gia kinh tế dù đánh giá Việt Nam cũng như thế giới khó ‘bật dậy’ tăng trưởng nhanh, mạnh mẽ ngay lập tức theo hình chữ V, nhưng triển vọng hết sức lạc quan khi Hà Nội có nhiều lợi thế.

Cùng với những điểm sáng và động lực mạnh mẽ ‘cả nội lực và ngoại lực’ sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh phục hồi kinh tế và duy trì đà tăng trưởng GDP cao ngay trong năm nay.

IMF dự báo gì về kinh tế Việt Nam?

Kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục thăng hoa bất chấp cú sốc đại dịch Covid-19. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố dự đoán tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt mức 6,5% trong năm 2021, cao hơn mức tăng trưởng 6% của toàn thế giới và đạt mức 7,2% vào năm 2022, tiếp tục dẫn đầu các quốc gia ASEAN.

© REUTERS / Kim Kyung-HoonIMF
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam cao hơn mức của thế giới và tiếp tục dẫn đầu - Sputnik Việt Nam, 1920, 10.04.2021
IMF

Hồi giữa tuần này, tại phiên khai mạc Hội nghị mùa Xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới (World Bank), các bên đã công bố báo cáo “Triển vọng Kinh tế Thế giới”.

Đáng chú ý, trong báo cáo của mình, các chuyên gia của IMF đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn có thể sẽ đạt mức 6,5% năm 2021 và đạt mức 7,2% năm sau.

Việt Nam tiếp tục thành công nhờ có nền tảng vững vàng, cũng như những giải pháp quyết liệt cả về kinh tế và y tế - vừa chống dịch Covid-19 hiệu quả vừa nỗ lực phục hồi kinh tế.

Cùng với đó, IMF cũng đưa ra khuyến nghị đối với những chính sách kinh tế vĩ mô cần Việt Nam được duy trì trong năm nay nhằm bảo đảm phục hồi một cách bền vững và toàn diện, nhất là trong bối cảnh nhiều biến động, diễn biến khó lường như hiện nay.

Phố Tạ Hiện, Hà Nội. - Sputnik Việt Nam, 1920, 29.03.2021
Kinh tế, GDP, FDI tăng trưởng ngoạn mục, nguồn tiền thế giới đổ về Việt Nam
Cùng với đó, IMF cũng đánh giá nhóm 5 nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á gồm Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Malaysia sẽ tăng trưởng GDP ở mức 4,9% trong năm 2021 và 6,1% trong năm 2022.

IMF dự báo GDP Philippines (6,9%), Malaysia và Việt Nam (cùng 6,5%), Singapore (5,2%), Lào (4,6%), Indonesia (4,3%) và Campuchia (4,2%).

Đáng chú ý, trong báo cáo của mình, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho rằng, Campuchia sẽ trở thành nên kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực ASEAN năm 2026 với mức tăng GDP đạt 6,8%.

Đối với tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam, Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính sẽ giảm từ 3,3% trong năm 2020 xuống 2,7% trong năm 2021, sau đó tiếp tục giảm còn 2,4% trong năm 2022.

“Đây là những dấu hiệu tích cực của kinh tế Việt Nam nếu so với mặt bằng chung của thế giới”, IMF nhận định.

Cũng trong báo cáo về triển vọng kinh tế toàn cầu, IMF bày tỏ hy vọng tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ đạt 6% trong năm 2021, cao hơn mức 5,5% được dự báo hồi tháng 1/2021.

Với mức dự báo này, kinh tế Việt Nam năm 2021 được kỳ vọng vẫn tăng trưởng cao hơn mức trung bình của thế giới, tạo đà trở lại kỳ tích kinh tế trong những năm trước đó với mốc GDP đạt trên 7%.

Báo cáo của IMF cũng khẳng định, quá trình phục hồi với tốc độ khác nhau đang diễn ra tại mọi khu vực, ở khắp các nhóm thu nhập. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi và tăng trưởng phụ thuộc vào tốc độ phòng chống dịch, tiêm phòng vaccine, quy mô chính sách hỗ trợ kinh tế cùng các nhân tố khác của nền kinh tế, điển hình như sự phụ thuộc vào du lịch hay xuất khẩu.

Trong phân tích của mình, IMF cho rằng chính phủ các nước nên tiếp tục tập trung vào nhiệm vụ thoát khỏi khủng hoảng Covid-19” bằng cách cung cấp hỗ trợ tài khóa – tiếp tục bơm tiền kích cầu phát triển nền kinh tế.

Ở giai đoạn tiếp đó, theo IMF các nước cần phải hạn chế những thiệt hại kinh tế dài hạn từ cuộc khủng hoảng và gia tăng đầu tư công.

Samsung - Sputnik Việt Nam, 1920, 24.03.2021
'Bộ não' nền kinh tế: Samsung biến Việt Nam thành cứ điểm chiến lược về công nghệ

Cùng với đó, trong giai đoạn sắp tới, lạm phát trên toàn cầu có thể biến động mạnh vì giá hàng hóa. Tuy nhiên, xu hướng tăng lạm phát sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và các chính phủ cần nỗ lực kiềm chế chỉ số CPI.

Trước IMF, như Sputnik Việt Nam đã thông tin, Ngân hàng Thế giới công bố báo cáo mới cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á – Thái Bình Dương khẳng định chỉ có Việt Nam và Trung Quốc phục hồi theo hình chữ V.

Theo WB, Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng 6,6% năm 2021 trong khi các nền kinh tế còn lại trong khu vực chỉ tăng trưởng bình quân khoảng 4,6%.

Ngoài WB và IMF, trước đó, một số định chế tài chính quốc tế lớn cũng đưa ra những nhận định tích cực đối với kinh tế Việt Nam.

Điển hình như khối Nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng HSBC cũng dự báo Việt Nam đạt tăng trưởng năm 2021 là 6,6%. Trong khi đó, Ngân hàng United Oversea Bank (UOB) cho rằng, tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể lên tới mức khá cao là 7,1%.

Fitch đánh giá kinh tế Việt Nam tiếp tục tỏa sáng với mức tăng trung bình 6,5% trong vòng 10 năm tới.

Kinh tế Việt Nam 2021: Chuyên gia nêu động lực tăng trưởng

Đánh giá về tình hình nền kinh tế hiện tại cũng như đề xuất giải pháp nhằm duy trì tăng trưởng GDP trong năm nay, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economy Việt Nam cho rằng, có một số động lực có thể sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.

Moody’s - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.03.2021
Chưa từng có tiền lệ: Moody’s nâng triển vọng kinh tế và tín nhiệm quốc gia Việt Nam

Thứ nhất, theo ông Lê Duy Bình, đó là hoạt động ngoại thương, sẽ tiếp tục khả quan hơn trong thời gian tới. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam ngay trong Quý I/2021 đã phục hồi mạnh mẽ, xuất siêu hơn 2 tỷ USD.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, về đơn đặt hàng xuất khẩu, xu hướng quý II/2021 so với quý I/2021, có 37,5% số doanh nghiệp sẽ dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu và 47,5% số doanh nghiệp dự kiến ổn định. Cùng với đó là việc các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu đều có những gói kích cầu kinh tế, tăng tiêu dùng trong nước dẫn đến tăng nhu cầu nhập khẩu. Triển vọng thực thi các hiệp định thương mại tự do EVFTA, hay RCEP cũng rất rộng mở.

Động lực thứ hai theo chuyên gia Lê Duy Bình, đó là hoạt động đầu tư, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2021 đạt hơn 507 nghìn tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, là tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng vốn đầu tư cho phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát.

Ngoài ra, nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam cũng tăng với dấu hiệu tích cực. Ông Bình cho biết, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có khoảng 300 doanh nghiệp FDI đang có ý định mở rộng sản xuất, và 1/3 trong số này đã thực sự mở rộng hoạt động kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, việc tăng giải ngân vốn đầu tư công, tiêu dùng trong nước tăng cũng là những động lực tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam năm 2021.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, cho rằng, dù Việt Nam và thế giới khó có thể phục hồi nhanh theo hình chữ V, nhưng cũng sẽ phục hồi chắc chắc theo hình chữ U hoặc như logo của Nike (swoosh).

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam vẫn duy trì được một số điểm sáng và dự báo GDP có thể tăng 6,5-7% năm 2021 này.

Các điểm sáng được chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nêu ra gồm việc Chính phủ Việt Nam nhanh chóng kiểm soát được đại dịch Covid-19, đưa hoạt động kinh doanh sản xuất, đời sống trở lại bình thường; hoạt động bán lẻ tiếp tục tăng trưởng khá (tăng 5,49% so với cùng kỳ năm ngoái); sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi (chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước); xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng mạnh, cán cân thương mại duy trì thặng dư.

Điểm sáng tiếp theo theo TS. Lực đó là mức lạm phát tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát; giải ngân đầu tư công tăng và vốn FDI tăng mạnh vào Việt Nam; mặt bằng lãi suất giảm nhẹ, tỷ giá cơ bản ổn định và lợi thế tiếp theo của Việt Nam là những tín hiệu khả quan của thị trường chứng khoán (tăng khá) cùng với sự hồi phục và duy trì ổn định của thị trường bất động sản.

“Kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi và tăng trưởng khả quan trong năm 2021”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Kinh tế Việt Nam còn đối mặt với những thách thức nào năm 2021?

Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cho rằng, hiện còn nhiều thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam, trước hết là hoạt động của khu vực doanh nghiệp nội địa còn tương đối khó khăn, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế Quý I/2021 chủ yếu vẫn là khu vực FDI.

Cảng Cát Lái. - Sputnik Việt Nam, 1920, 09.03.2021
Ai nói Việt Nam sẽ không thể là nền kinh tế lớn thứ 20 thế giới?

Vấn đề tiếp theo mà chuyên gia Lê Duy Bình đề cập chính là thách thức về khả năng chống chịu của nền kinh tế nếu làn sóng lây nhiễm dịch bệnh quay trở lại. Ông Bình lo lắng khi sức chịu đựng của nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào dư địa của các chính sách hỗ trợ của Chính phủ thời gian tới.

Cùng với đó, theo chuyên gia Lê Duy Bình, quy mô chi tiêu ngân sách của Việt Nam có thể gia tăng nếu đại dịch tái bùng phát và kéo dài, trong khi thu ngân sách trở nên khó khăn hơn do nền kinh tế rơi vào vòng xoáy suy giảm.

“Thâm hụt ngân sách và nợ công sẽ trở nên căng thẳng hơn, điều này khiến cho dư địa tác động của chính sách tài khóa sẽ bị thu hẹp lại. Trong khi đó, rủi ro kinh tế vĩ mô có thể gia tăng khi tiếp tục nới lỏng mạnh hơn chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế”, ông Bình phân tích.

TS. Cấn Văn Lực cũng có chung đánh giá rằng nền kinh tế Việt Nam hiện còn đối mặt với một số khó khăn. Điển hình như vấn đề thâm hụt ngân sách, nợ công, nghĩa vụ trả nợ tăng cao trong bối cảnh dịch bệnh, khối doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) dễ bị ảnh hưởng và chịu tác động mạnh từ đại dịch Covid-19, việc triển khai gói hỗ trợ của Chính phủ còn chậm và chưa đồng bộ.

Thêm vào đó, nợ xấu tăng và rủi ro hoạt động tăng, việc cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm. Việt Nam cũng chưa thực sự tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do để phát triển kinh tế.

Giải pháp nào giúp Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2021?

Đề cập giải pháp nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội, Chính phủ đề ra trong năm nay, theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần đảm bảo chắc chắn về yếu tố kiểm soát dịch bệnh và duy trì ổn định chính sách kinh tế vĩ mô, tài khóa, tiền tệ.

Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh. - Sputnik Việt Nam, 1920, 04.02.2021
Xuất siêu kỷ lục, Việt Nam kỳ vọng vào xuất khẩu để có thêm kỳ tích kinh tế

Theo ông Lê Duy Bình, Chính phủ cần có thêm biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, chi tiêu ngân sách phải đúng trọng tâm, thiết thực, tiết kiệm và hỗ trợ đúng đối tượng.

Ngoài ra, đối với những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như hàng không, du lịch, Chính phủ cần nghiên cứu chính sách mở cửa, phục hồi nhưng phải đảm bảo thận trọng, tránh nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và thành tích chống dịch “không đổ sông đổ bể”.

Cùng với đó, vị chuyên gia cũng có khuyến nghị như các thể chế kinh tế tài chính lớn (WB, IMF…) đề ra, đó là Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cũng như nỗ lực duy trì ổn định các nền tảng kinh tế vĩ mô như giữ lạm phát ở mức thấp, giữ tỷ giá, cán cân thanh toán ổn định, tránh thâm hụt thương mại với các đối tác lớn…

Ngoài chính sách kinh tế vĩ mô, đối với doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực cho rằng phải tập trung tái cơ cấu, đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng và tập trung vào các yếu tố như con người (người lao động), khách hàng, quản lý tài chính, đối tác, tích cực đổi mới sáng tạo trong mô hình và chiến lược kinh doanh, phải làm sao để doanh nghiệp Việt Nam đủ sức chống chọi với những cú sốc lớn từ bên ngoài.

Cùng với đó, theo vị chuyên gia, doanh nghiệp phải tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng hệ sinh thái riêng, trở nên mạnh mẽ để tăng năng lực cạnh tranh, tránh ‘không thua ngay trên sân nhà’ và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала