Công chức xuất ngoại để nâng cao trình độ: Sự thật buồn

© Ảnh : baodatvietÔng Nguyễn Anh Sơn, Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định khóa XIII.
Ông Nguyễn Anh Sơn, Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định khóa XIII. - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Cán bộ, công chức học được gì trong những khóa bồi dưỡng ngắn hạn ở nước ngoài? Bao nhiêu người trong đó đi để..."giải quyết chế độ chính sách" trước khi...về hưu?...

Rất nhiều câu hỏi được ông Nguyễn Anh Sơn, Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định khóa XIII đặt ra khi trao đổi với Đất Việt về những chuyến xuất ngoại của cán bộ, công chức nhằm "nghiên cứu", "học tập kinh nghiệm", "mở rộng tầm nhìn và sự hiểu biết"…

PV:  Thông tin trong giai đoạn 2018-2020, TP Cần Thơ sẽ cử khoảng 80 cán bộ, công chức, viên chức đi bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ tại Đại học California, Riverside (Mỹ) về các lĩnh vực như nhân sự, tài chính ngân hàng, dịch vụ công, quản lý dịch vụ công, giao thông, quy hoạch đô thị, biến đổi khí hậu, môi trường và quản lý chất thải, đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Tổng kinh phí dự kiến khoảng 10,3 tỷ đồng được lấy từ nguồn ngân sách TP Cần Thơ.

Như vậy, trung bình mỗi cán bộ, công chức TP Cần Thơ sẽ tiêu hết khoảng 128 triệu đồng tiền ngân sách cho khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn này. Theo ông, khoảng thời gian đào tạo, bồi dưỡng đó liệu có giúp các cán bộ, công chức, viên chức TP Cần Thơ tránh được cảnh "cưỡi ngựa xem hoa"?

Ông Nguyễn Anh Sơn:  Tôi chắc chắn rằng khóa đào tạo, bồi dưỡng sẽ chỉ là "cưỡi ngựa xem hoa". Thử làm một phép tính: với khoản kinh phí bình quân mỗi người hơn 100 triệu đồng thì 2/3 số tiền ấy đã dành cho vé máy bay, ăn ở, còn lại 1/3 chi cho học tập (độ dăm chục triệu đồng) thì tôi không rõ các cán bộ, công chức học được bao nhiêu ngày, có lẽ giỏi lắm được 2 tuần.

PV:  Việc Cần Thơ cử cán bộ, công chức, viên chức đi du học ở Mỹ có phải là trường hợp cá biệt không, thưa ông? Có cách nào để đo đếm được hiệu quả của những khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn trong nước và quốc tế như vậy không?

Ông Nguyễn Anh Sơn: Dĩ nhiên đó không phải là trường hợp cá biệt. Tôi xin lấy Đề án 165 (Đề án Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước — PV) mà tôi chính là người thụ hưởng làm ví dụ.

Khi còn trong nhiệm kỳ Quốc hội, tôi có tham gia 2 lớp bồi dưỡng ở nước ngoài, đều là các khóa ngắn hạn, một lần ở trường Đại học cộng đồng của Hongkong và một lần ở trường Hành chính Quốc gia Pháp (ENA).

Tôi nhớ mãi lần đi học ở ENA theo diện Đề án 165. Đó là vào năm 2010, đoàn chúng tôi đi 10 ngày. Mặc dù bản thân thực sự mong muốn học hỏi, tìm hiểu, nghiên cứu, nhưng 10 ngày là quá ngắn ngủi, tôi chưa học được bao nhiêu.

Chừng ấy thời gian chỉ đủ để mình biết là đã đi đến nơi ấy, đã nghe vài ba bài giảng, chứ không thể mong sẽ tiếp thu được kiến thức để khi về tạo ra được một sự đổi mới, đột phá hay một sự biến đổi về chất lượng công việc.

May lắm thì có thể học hỏi thêm một chút về phong cách, tác phong, lề lối, cách thức làm việc, còn về kiến thức chuyên sâu, như đã nói, là không có.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Sputnik Việt Nam
Giải quyết để tinh giản 1.336 công chức hết hơn 51 tỷ đồng

Đó là tôi chưa nói đến chuyện những người được cử tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài có đúng là đi học để về làm việc hay không. Có khi 10 người đi thì có tới 6-7 người thuộc diện chính sách, sắp về hưu, sắp nghỉ công tác hay có những người có thể vẫn tiếp tục công tác nhưng họ chỉ làm những việc không liên quan đến nội dung đi học tập, nghiên cứu.

Ngay trong đoàn đi học ở ENA vào năm 2010, tôi thấy đúng là có một số người đi xong về họ nghỉ hưu. Một số người đến lớp cũng chẳng hỏi han, nghiên cứu, thậm chí chẳng ghi chép, họ cứ đi mua mua sắm sắm. Có lẽ họ có nhiều tiền. Đấy là câu chuyện rất buồn.

Sau đợt đi đó, tôi thấy ở tỉnh người này, người kia cũng đi nước ngoài, ở cấp Trung ương cũng thấy các cơ quan cử người này, người kia đi… Chỉ cần đến một vài cơ quan tìm hiểu về Đề án 165, nhìn vào danh sách những người tham gia, chức danh, chức vụ, tuổi tác của họ, thời gian đi là lập tức hiểu ngay câu chuyện ấy xảy ra từ Trung ương xuống địa phương, chứ không ở riêng địa phương nào, cơ quan nào.

Như vậy, từ Đề án 165 đến đề án của Cần Thơ, tôi nghĩ có 2 khía cạnh cần lưu ý về những chuyến đi nước ngoài bồi dưỡng cán bộ, công chức: một là thời gian học tập quá ngắn; hai là người ta tranh thủ để giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, công nhân viên chức của cơ quan.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân. - Sputnik Việt Nam
"Điều chỉnh lương phải đi liền với sa thải công chức kém"

Những người ấy đi là để được cái tiếng ra nước ngoài, được thụ hưởng một vài ưu đãi của Nhà nước cho đỡ tủi thân, thiệt thòi. Còn những chuyến đi ấy mang kiến thức về vận dụng vào công việc, cương vị công tác của mình, để tạo nên chuyển biến, thay đổi hiệu suất, hiệu quả công tác thì thành thực mà nói tôi nghi ngờ. Phải là những khóa học một vài năm, hay ít nhất 6 tháng trở lên thì mới nói tới chuyện đó được.

Trước đây có quy chế cử cán bộ, công chức đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài, trong đó có quy định kết thúc khóa đào tạo bồi dưỡng, mỗi cán bộ, công chức tham gia đoàn học tập, nghiên cứu phải nộp báo cáo thu hoạch, trong đó nêu rõ kết quả khóa học, những vấn đề có thể vận dụng vào thực tiễn công tác và đề xuất những vấn đề cần rút kinh nghiệm của khóa học.

Sau lần thứ nhất đi về tôi gửi báo cáo, lần thứ hai tôi cũng gửi báo cáo hơn chục trang. Đến lần thứ ba, người vẫn nhận báo cáo của tôi nói rằng chỉ có cậu ta đọc báo cáo ấy, còn cấp trên không ai đọc. Từ đó, không bao giờ tôi viết báo cáo nữa, bởi mình đi thu hoạch thực sự nhưng người ta không ghi nhận.

Nguồn: baodatviet

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала