Thượng tướng Việt Nam lý giải vì sao Mỹ phải tấn công Syria

© Sputnik / Mikhail VoskresenskiyMỹ tấn công căn cứ quân đội Syria
Mỹ tấn công căn cứ quân đội Syria - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Hành động tấn công vào Syria ngày 7.4 của Tổng thống Donald Trump có thể là một dấu mốc chiến thuật nhằm xoay hướng dư luận đang chĩa vào ông sang chiến sự ở bên ngoài, theo nhận định của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an.

Mỹ tấn công căn cứ quân đội Syria - Sputnik Việt Nam
Mỹ tấn công Syria - sự kiện Vịnh Bắc bộ tái diễn ở Trung Đông
Cuộc tấn công của Mỹ vào Syria ngày 7.4 diễn ra vào giữa lúc Tổng thống Trump phải hứng chịu nhiều thất bại và đang gặp sự chống đối gay gắt của hệ thống chính trị Mỹ. Các quyết định của ông về chính sách nhập cư và loại bỏ ObamaCare đều bị quốc hội (hai đảng Dân chủ và Cộng hoà) cũng như Toà án bác bỏ và phản đối; sau đó là các cố vấn thân cận nhất phải rời khỏi các chức vụ then chốt trong Nhà Trắng.

Dấu hiệu rõ rệt nhất là việc Tổng thống Trump đã đồng ý đẩy Steve Bannon, người đã có nhiều công sức đưa ông thắng cử Tổng thống, ra khỏi Hội đồng An ninh Quốc gia, và phải chấp nhận đưa Giám đốc tình báo quốc gia và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân trở lại ghế thường trực Hội đồng An ninh Quốc gia như thường lệ.

Thêm vào đó, ông Trump đang phải đối mặt với những hoạt động âm thầm của cơ quan tình báo và FBI về những liên hệ bí mật với Nga trong quá trình tranh cử Tổng thống, và mới đây tướng Michael Flynn, vừa bị sa thải chức vụ Cố vấn an ninh của ông Trump, hé lộ sẽ nói lên sự thật. Một số thượng nghị sĩ có ảnh hưởng lớn trong Đảng Cộng hoà đã công khai thái độ muốn loại bỏ ông Trump khỏi Nhà Trắng. Các báo và truyền thông của Mỹ đã ra mặt chống Tổng thống Trump bằng những bài viết chỉ trích ông kéo theo là tỉ lệ tín nhiệm của ông sụt giảm chỉ còn 38%.

Làm thế nào để ông Trump đảo ngược tình hình, là người quyền biến, có khả năng thay đổi cục diện bằng nhiều hành động ngược nguyên tắc chính trị của nước Mỹ? Hành động tấn công vào Syria ngày 7.4 vừa qua do Trump tạo ra có thể là một dấu mốc chiến thuật mang tính chất trừng phạt nhằm xoay hướng dư luận đang chĩa vào ông sang chiến sự ở bên ngoài. Syria được chọn là mục tiêu dễ hành động nhất vì các phương án tấn công quân sự vào nước này đã có từ thời Obama nhưng bị Quốc hội Mỹ phản đối nên không thực hiện.

Donald Trump - Sputnik Việt Nam
Ý kiến từ Việt Nam: Mỹ tấn công Syria để giúp phe đối lập và thể hiện sức mạnh trước TQ
Vậy Tổng thống Donald Trump đã tiến hành cuộc tấn công quân sự bất thường này như thế nào?

Bốn nguyên nhân

Một là cái cớ mà ông Trump đưa ra tấn công Syria dựa trên cơ sở nghi vấn Tổng thống Syria Assad sử dụng vũ khí hoá học và có Nga đứng sau. Một hành động quân sự động trời mà chỉ dựa vào những hình ảnh nghi vấn mơ hồ thì chỉ có Trump mới dám làm. Đến nay chính phủ Syria kịch liệt bác bỏ cáo buộc sử dụng vũ khí hoá học ở thị trấn Khan Sheikhoun. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định một cuộc không kích của Syria đã đánh trúng kho vũ khí hoá học và đạn dược của phe đối lập ở phía đông thị trấn. Một nhà báo phương Tây vừa đến được thị trấn này tiết lộ ông không thấy còn dấu tích gì của chất độc hoá học. Nga cũng đã yêu cầu phía Mỹ cung cấp bằng chứng về quân đội Syria tấn công bằng vũ khí hoá học ở thị trấn Khan Sheikhoun nhưng chưa được Mỹ giải đáp.

Những thông tin không được kiểm chứng trên khiến dư luận suy đoán không loại trừ khả năng có thể có sự tạo dựng hiện trường vũ khí hoá học từ các nhóm chống đối cực đoan hoặc quân nổi dậy được phương Tây đứng sau. Vấn đề này không có gì mới, bởi quân đội Mỹ đã từng tạo dựng sự kiện Vịnh Bắc Bộ để tấn công miền Bắc Việt Nam bằng không quân năm 1964.

Последствия ракетного удара США по авиабазе в Сирии - Sputnik Việt Nam
“Không ngẫu nhiên khi Mỹ tấn công Syria đúng lúc có chuyến thăm của Tập Cận Bình”
Hai là việc Nhà Trắng xác định mục tiêu liên quan đến quyền lợi an ninh của Mỹ tiền hậu bất nhất. Chỉ sau 72 tiếng đồng hồ, Tổng thống Trump đã thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ với Syria từ việc tuyên bố thẳng thừng không có chủ trương lật đổ Assad sang khẳng định không thể để Assad tiếp tục cầm quyền.

Khi tuyên bố quyết định bắn tên lửa vào căn cứ quân sự của Chính phủ Syria, Tổng thống Trump đã dùng những từ ngữ rất đặc biệt và quan trọng trong ngành an ninh quốc phòng Mỹ "trừng phạt Syria là để bảo vệ quyền lợi sống còn an ninh quốc gia của Mỹ" (vital national security interest). Cụm từ đặc biệt quan trọng này lại được Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley lặp lại trong phiên họp Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 9.4. Trong khi cả thế giới đều biết rằng sự kiện vũ khí hoá học ở Syria nếu có cũng chưa đến mức uy hiếp quyền lợi sống còn của Mỹ, quyền lợi tối cao bậc nhất của nước này.

Ba là cuộc tấn công được quyết định và diễn ra rất nóng vội và chớp nhoáng của Tổng thống Trump cho thấy nó xuất phát từ bản tính của ông ta. Với cuộc tấn công diễn ra nhanh chóng như vậy có thể khẳng định là Trump đã không tham vấn các giới chính trị hay Quốc hội Mỹ. Donald Trump cũng chưa tính toán hiệu quả cũng như hậu quả từ cuộc tấn công này. Kết quả chỉ là phá hỏng một số máy bay cũ của Syria, không quân Syria vẫn cất cánh tấn công nhóm nổi dậy. Hậu quả thì gây ra căng thẳng với Nga ở thế đối đầu với Mỹ. Khi Nga đã đe dọa huỷ bỏ hợp tác quân sự với Mỹ, cắt đường dây nóng tránh xung đột với Mỹ trên bầu trời Syria, thậm chí còn đe sẵn sàng cho cuộc chiến tranh hạt nhân.

Президент США Дональд Трамп - Sputnik Việt Nam
“Trump có thể sử dụng đòn tấn công Syria để gây sức ép với Trung Quốc về Bắc Triều Tiên”
Hành động tấn công quân sự của Mỹ còn có thể khích lệ các nhóm Hồi giáo cực đoan và các nhóm nổi dậy ở Syria hoạt động mạnh hơn trong khi Mỹ đang phải đối mặt với Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Có thể nhận định rằng cuộc tấn công quân sự của Nhà Trắng vào Syria chỉ làm vừa lòng các chính trị gia ở Washington, nhưng sẽ đẩy Mỹ vào một cuộc chiến mà họ sẽ không biết làm cách nào để thoát ra.

Bốn là thời điểm tấn công Syria cũng được dư luận quan tâm trước hết lúc căng thẳng giữa Mỹ cùng đồng minh ở Đông Bắc Á với CHDCND Triều Tiên đang leo thang ở mức độ rất nguy hiểm, đồng thời vào đúng ngày Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có mặt ở Mỹ để hội đàm với Tổng thống Donald Trump. Một số nhà phân tích Trung Quốc đánh giá thời điểm ông Trump tiến hành không kích không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên với chuyến thăm của ông Tập Cận Bình. Điều đó có nghĩa ông Trump muốn Trung Quốc hành động nhiều hơn để ngăn chặn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân, và nhắc nhở Chủ tịch Tập Cận Bình rằng Mỹ có thể tấn công Triều Tiên nếu cần thiết.

Hành động chỉ mang tính tượng trưng

Với sự phân tích các dữ liệu liên quan tới cuộc nội chiến ở Syria, cuộc tấn công quân sự của ông Trump vào nước này chỉ là một hành động mang tính tượng trưng, phục vụ cho uy tín chính trị của ông là chính. Vì vậy cuộc nội chiến ở Syria sẽ không thay đổi, chính quyền của Assad vẫn tiếp tục chống quân nổi dậy, và hành động ấy không ảnh hưởng gì tới an ninh của nước Mỹ.

Hệ thống tên lửa – phòng không S-400 ở Syria - Sputnik Việt Nam
Chuyên gia quân sự Nga giải thích lý do hệ thống phòng không không đánh chặn tên lửa Mỹ
Đối với Donald Trump, tất cả chỉ là chiến thuật và tình huống có thể thay đổi từng ngày, từng giờ. Với ông Trump, tất cả chỉ là quyền lực và tiền của. Những lời tuyên bố bất thường của Tổng thống Trump chỉ là chiến thuật tung hỏa mù. Những sự kiện giật gân Trump tạo ra là chiến thuật đánh lạc hướng mỗi khi ông ở vào thế yếu. Có lẽ việc bắn tên lửa là biện pháp chiến thuật để Tổng thống Trump có thể nâng tỉ lệ tín nhiệm thấp kém 38% của mình, cũng như để đánh lạc hướng khi phải miễn cưỡng đẩy chiến lược gia trưởng Steve Bannon khỏi Hội đồng An ninh Quốc gia, đánh lạc hướng sự chú ý tới thất bại trong việc loại bỏ đạo luật Obamacare, tung hoả mù để giảm những chỉ trích, bàn tán trong dư luận Mỹ về việc FBI điều tra tướng Michael Flynn (nguyên Cố vấn an ninh quốc gia) và một số nhân vật khác có dính líu đến các hoạt động của tình báo Nga trong nỗ lực ủng hộ ông Trump đắc cử Tổng thống.

Những chiến thuật mà Tổng thống Trump tiến hành để củng cố uy tín chính trị đã gây ra nhiều thắc mắc, biến ông là mục tiêu chú ý và chịu không ít chỉ trích của dư luận Mỹ. Theo dõi những bài phát biểu của Cố vấn an ninh quốc gia McMaster, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson mới đây, và sự cải tổ Hội đồng An ninh Quốc gia theo truyền thống chính trị nước Mỹ, dư luận Mỹ đã cảm nhận được chính sách đối ngoại của nước này đã trở lại chính sách đối ngoại truyền thống. Tổng thống Donald Trump khó có thể đơn phương quyết đoán thay đổi quỹ đạo đối ngoại của nước Mỹ một cách đột ngột. Quyết định tấn công bằng tên lửa vào Syria của ông Trump chỉ là "hành động của một chính trị gia bị suy yếu, đang cần thể hiện sức mạnh".

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo ở Syria còn phụ thuộc vào sự quyền biến của ông Trump. Nhưng thật khó có thể làm gì tiếp theo ở Syria trong thời gian tới, khi quyền lực chính trị của Mỹ đã trở về các nguyên tắc truyền thống dựa trên sự phân quyền trong cơ cấu chính trị giữa ba ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp, sẽ ngăn chặn những quyết định có tính chủ quan và độc đoán của Tổng thống Donald Trump.

Điều có thể khẳng định là "giải pháp cho cuộc nội chiến ở Syria không thể tìm thấy bằng biện pháp quân sự, mà phải thông qua những cuộc đàm phán trân trọng giữa tất cả các bên có liên quan".

Nguyễn Văn Hưởng

Thượng tướng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an

Nguồn: Thanh Niên

 

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала