Từ đây Mỹ khó mà áp đặt dân chủ nữa

© REUTERS / Stephanie Keith Biểu tình ủng hộ đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump
Biểu tình ủng hộ đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Sau sự kiện người biểu tình xông vào tòa nhà Capitol, Mỹ khó có thể áp đặt “dân chủ Mỹ” cho ai nữa vì nó thực sự đã mất quyền làm điều này.

Ngày thứ Tư tòa nhà Quốc hội Mỹ đã bị cảnh sát phong tỏa do những người ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xông vào được tòa nhà. Theo hình của kênh CNN ghi lại, có thể thấy rằng, những người biểu tình đã phá một cửa rồi xông vào bên trong. Các thành viên của hai nghị viện được sơ tán an toàn.

Ở trung tâm Washington từ 18h00 ngày 6/1 tới 6h00 ngày 7/1 đã tuyên bố tình trạng giới nghiêm. Thông tin tại thời điểm này cho biết, hơn 50 người đã bị bắt sau tuyên bố tình trạng giới nghiêm.

Nền dân chủ Mỹ trong vòng vây. Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu bị sốc trước cơn bão Capitol.

Sputnik tham khảo ý kiến của một số chuyên gia quan hệ quốc tế Việt Nam về những gì đã xảy ra ở Washington.

Vì sao xảy ra biến động tại Washington?

“Ngay từ đầu năm 2020, khi những người dân Mỹ xách súng ra đường biểu tình đòi dỡ bỏ các lệnh phong tỏa hoặc giãn cách xã hội, khi dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ, tôi đã nhận định: Nhiệm kỳ của Donald Trump bắt đầu bằng biểu tình (để phản đối kết quả Donald Trump thắng cử) và kết thúc trong hỗn loạn”, - Chuyên gia về những vấn đề quốc tế Nguyễn Minh Hoàng phát biểu với Sputnik.

Phân tích những biến động như đang diễn ra trong xã hội Mỹ hiện nay, chúng ta có thể thấy đó là một tổ hợp của nhiều nguyên nhân.

Nhiều nhà phân tích và chuyên gia quan hệ quốc tế cho rằng, mô hình xã hội dân chủ ở Mỹ hiện nay đã phơi bày bản chất phân hóa giai cấp rất nghiêm trọng của nó. Đó là nền dân chủ chỉ dành cho những người giàu, hay ít nhất là có mức sống trung lưu trở lên. Những người nghèo và cực nghèo hay những lao động nước ngoài nhập cư không hề được hưởng lợi gì từ mô hình đó.

Biểu tình ủng hộ đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump - Sputnik Việt Nam
Phe ủng hộ Trump xông vào Quốc hội và bao vây gian Thượng viện
“Trong số những người đi biểu tình ủng hộ Donald Trump, chúng ta có thể thấy đa số là những người thuộc tầng lớp dưới của xã hội. Điều này sẽ dẫn đến câu hỏi tiếp theo là ai đã tổ chức cho họ biểu tình”, - Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng nói tiếp với Sputnik.

Cũng theo chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng, nguyên nhân tiếp theo là những mâu thuẫn giữa hai tập đoàn tư bản lớn nhất và đặc thù ở Mỹ là nhóm tập đoàn tư bản tài chính-ngân hàng và nhóm tập đoàn tư bản công nghiệp-kỹ nghệ đã phát triển đến một trạng thái nguy hiểm khi biến thành các cuộc xung đột trên đường phố cũng như các xung đột về pháp lý thông qua cuộc bầu cử đầy trắc trở vừa qua. Chính sách kinh tế hướng nội của Donald Trump có thể hứa hẹn đem lại công ăn việc làm cho một bộ phận người dân Mỹ ở tầng lớp dưới và giúp cho nhóm tập đoàn tư bản công nghiệp-kỹ nghệ có thể phục hồi sản xuất nội địa và giành lại những vị trí đã mất vào tay nhóm tập đoàn tư bản tài chính-ngân hàng.

“Tuy nhiên, chính sách của chính quyền Donald Trump đã “đập vỡ niêu cơm” của một số không nhỏ các nhà tư bản tài chính-ngân hàng vốn thu lợi nhuận từ việc đầu tư ra nước ngoài, nhất là đầu tư sang Trung Quốc. Đó là nguồn gốc sâu xa của những mâu thuẫn cơ bản trong xã hội Mỹ hiện nay. Còn nguyên nhân trực tiếp là một số thế lực tư bản Mỹ vốn được hưởng lợi từ các chính sách kinh tế hướng nội của chính quyền Donald Trump nay đứng trước nguy cơ “niêu cơm” của mình cũng bị “đập vỡ” nên đã phản ứng lại”, - Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng phân tích với Sputnik.

Tuy nhiên, như thường thấy trên chính trường Mỹ, các đối thủ đích thực của những cuộc xung đột này không bao giờ ra mặt là đảng này chống lại đảng kia mà thông quan các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ .v.v… để tổ chức những hoạt động chống lại nhau, kể cả trên đường phố cũng như trên các mạng xã hội và cao nhất là tại các cơ quan quyền lực như Thượng nghị viện, Hạ nghị viện trung ương và các bang, các tòa án, bộ máy tư pháp các bang cho đến Tòa án tối cao liên bang Mỹ.

“Sự thất cử của chính quyền Donald Trump chỉ thể hiện nguyên cớ trực tiếp cho các cuộc biểu tình, bạo loạn đang diễn ra ở Mỹ. Còn nguyên nhân sâu xa của nó chính là sự xung đột lợi ích giữa hai nhánh tư bản lũng đoạn nhà nước ở Mỹ đang phát triển lên cao trào tới mới chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Việt Nam và đang xé rách nước Mỹ. Cá nhân tôi cho rằng vết rách đó không thể lành lại một khi hai nhánh tập đoàn tư bản này chưa tìm được sự thỏa hiệp với nhau”, - Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng bình luận.
“Còn theo quan điểm của tôi, chính sự  kênh kiệu của Trump và sự không rõ ràng trong việc tính phiếu bầu là nguyên nhân trực tiếp khiến người Mỹ ra đường biểu tình”, - PGS-TS Hoàng Giang nêu quan điểm của mình với Sputnik.

Cảnh sát đã hành động kịp thời?

Chúng ta đều biết rằng, không chỉ cảnh sát Mỹ mà cả lực lượng Vệ binh quốc gia, được coi là “quân đội nội địa” của Mỹ cũng đã được huy động để giải quyết vụ biểu tình bạo loạn trên Đồi Capitol vừa qua. Nhưng ngay sau khi tin tức về việc những người biểu tình xông vào Tòa nhà Quốc hội Mỹ đã có những phát biểu nói về việc không dám mạnh tay của cảnh sát Mỹ.

© Sputnik / Stringer / Chuyển đến kho ảnhNgười biểu tình ủng hộ đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump trước tòa nhà Quốc hội ở Washington
Từ đây Mỹ khó mà áp đặt dân chủ nữa - Sputnik Việt Nam
Người biểu tình ủng hộ đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump trước tòa nhà Quốc hội ở Washington
“Lực lượng cảnh sát Mỹ vốn có quyền hạn và lực lượng khá hạn chế khi đối đầu với các cuộc biểu tình bạo loạn đường phố, và vừa qua lại bị “bóng ma George Floyd” ám ảnh nên quả thật là đã không dám mạnh tay. Tuy nhiên, đến khi những người biểu tình đã dùng vũ lực chọc thủng hàng rào cảnh sát bảo vệ và xông vào Nhà Quốc hội Mỹ thì tình trạng bạo loạn, thậm chí là khủng bố đã được xác lập. Theo luật An ninh nội địa của Mỹ thì khi xảy ra tình huống đó, chính quyền Mỹ có quyền huy động lực lượng Vệ binh quốc gia can thiệp.
Giống như lực lượng OMON ở Nga, lực lượng Cảnh sát vũ trang ở Trung Quốc hay lực lượng Cảnh sát Cơ động ở Việt Nam, Vệ binh quốc gia Mỹ có quyền hạn và trách nhiệm dùng bạo lực vũ trang để dập tắt các hành vi bạo loạn, khủng bố đó”, - Nhà phân tích nổi tiếng Nguyễn Minh Tâm bình luận với Sputnik.

Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm còn cho rằng, nguyên nhân ban đầu nằm ở chỗ bộ máy an ninh nội địa của nước Mỹ hoặc là Bộ An ninh nội địa của Mỹ đã không đánh giá đúng tình hình, đánh giá thấp nguy cơ biểu tình bạo loạn mặc dù triệu chứng của nó đã được chính tổng thống sắp mãn nhiệm của Mỹ báo trước trên trang twitter của ông ta.

“Họ cho rằng ông ta không có gan làm điều đó chứ không nghĩ ra rằng đây là phản ứng đáng kể cuối cùng của Donad Trump trước khi buộc phải rời Nhà Trắng trong thất bại”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm đưa ra bình luận của mình với Sputnik.

Có phải Trump chính là kẻ kích động?

Nhiều người cho rằng tổng thống Mỹ có quyền lực rất lớn, nắm trọn quyền hành pháp nhưng còn có quyền tham gia lập pháp và can dự cả vào hoạt động tư pháp thông qua việc bổ nhiệm thẩm phán Tòa án tối cao liên bang. Nhưng trên thực tế không phải như vậy.

© REUTERS / Shannon StapletonNgười biểu tình ủng hộ đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump trước tòa nhà Quốc hội ở Washington
Từ đây Mỹ khó mà áp đặt dân chủ nữa - Sputnik Việt Nam
Người biểu tình ủng hộ đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump trước tòa nhà Quốc hội ở Washington

Về hình thức thì quyền lực của Tổng thống Mỹ do người dân ủy nhiệm bằng phiếu bầu phổ thông. Và 538 đại cử tri tại 50 bang của nước Mỹ phải thể hiện nguyện vọng ấy bằng lá phiếu đại cử tri của mình. Tuy nhiên, ngay cả khi có những đại cử tri “bất tuân” và “lật kèo” (trường hợp này ít khi xảy ra) thì nguồn gốc quyền lực của tổng thống Mỹ không nằm ở những lá phiếu của người dân Mỹ.

“Về pháp lý, quyền hạn của tổng thống Mỹ do Hiến pháp và hệ thống luật pháp Mỹ quy định. Nhưng đó chỉ là hình thức. Còn việc đưa ai lên làm tổng thống mỹ thì không phải là việc của người dân Mỹ mà là việc các tập đoàn tư bản Mỹ thuộc hai nhánh Tài chính-ngân hàng và Công nghiệp-kỹ nghệ. Đó là hai nguồn gốc chính trị tạo nên hai đảng đối lập tương đối là Đảng Dân chủĐảng Cộng hòa liên tục thay nhau cầm quyền ở Mỹ suốt hàng thế kỷ qua. Chính những tập đoàn tư bản này bỏ tiền ra để vận động tranh cử cho ứng cử viên của mình để đem lại những chính sách có lợi cho mình”, - Nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự quốc tế Nguyễn Minh Tâm nói với Sputnik.

Từ bản chất đó của mô hình nhà nước tư bản chủ nghĩa Mỹ, có thể thấy rằng: Một là Donald Trump đã kích dộng biểu tình, bạo loạn. Hai là ông ta không hành động một mình trong cái trò được coi là “cố đấm ăn xôi” này.

“Đằng sau ông ta là cả một thế lực tư bản công nghiệp-kỹ nghệ lớn của nước Mỹ trong Đảng Cộng hòa. Đương nhiên là một số nghị sĩ Cộng hòa đã khuyên Donald Trump nên chấp nhận, những không phải tất cả các nghị sĩ Cộng hòa đều như vậy. Có tới hàng trăm Hạ nghị sĩ Cộng hòa tuyên bố “sẽ lật kèo” cuộc bầu cử vào ngày mà lưỡng viện Quốc hội Mỹ kiểm đếm và công bố kết quả bỏ phiếu của các đại cử tri Mỹ”, - Nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự quốc tế Nguyễn Minh Tâm bình luận tiếp với Sputnik.  .

Mỹ sẽ không thể nói là hình mẫu của dân chủ nữa.

Người đứng đầu ngoại giao của Liên minh châu Âu Josep Borell đã viết trên Twitter: Nền dân chủ Mỹ đã rơi vào vòng vây trước mắt toàn thế giới. Đây là một cuộc tấn công chưa từng có vào nền dân chủ Mỹ, các thể chế của nó và sự tối cao của pháp luật. Đây không phải là nước Mỹ. Kết quả cuộc bầu cửa ngày 3/11 phải được tôn trọng”.

© AFP 2023 / Drew Angerer / Getty ImagesCảnh sát chĩa súng vào cửa trong cuộc vây bắt những người biểu tình chiếm Tòa nhà Quốc hội ở Washington
Từ đây Mỹ khó mà áp đặt dân chủ nữa - Sputnik Việt Nam
Cảnh sát chĩa súng vào cửa trong cuộc vây bắt những người biểu tình chiếm Tòa nhà Quốc hội ở Washington

Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết hôm thứ Năm rằng, bà lấy làm tiếc khi đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump không thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử. Các sự kiện ở Washington "khiến bà ta tức giận và khó chịu".

“Tôi rất tiếc vì Trump đã không thừa nhận thất bại kể từ tháng 11. Quy tắc cơ bản của nền dân chủ là có người chiến thắng và có người thua cuộc", - Thủ tướng Đức Angela Merkel nói.
“Jill Dougherty, nguyên trưởng văn phòng CNN tại Moskva đã bình luận rằng “Hoa Kỳ không bao giờ có thể nói với thể giới nữa rằng chúng tôi là hình mẫu của dân chủ”. Nhưng theo quan điểm của tôi thì nước Mỹ chưa bao giờ là hình mẫu của một xã hội dân chủ. Sau sự kiện này, Mỹ khó có thể áp đặt “dân chủ Mỹ” cho ai nữa vì nó thực sự đã mất quyền làm điều này”, - PGS-TS Hoàng Giang phát biểu  ý kiến của mình với Sputnik.
“Quy định pháp luật của Mỹ về bầu cử Tổng thống, bầu cử Hạ nghị sĩ, bầu cử Thượng nghị sĩ, bầu cử Thống đốc bang, bầu cử Thượng nghị viện và Hạ nghị viện bang cho thấy về hình thức, các quy định ấy có vẻ dân chủ và chặt chẽ. Nhưng thực chất, đó là những quy định lắt léo, tinh vi để cuối cùng, chỉ có 1% dân số Mỹ nắm giữ 99% tài sản của nước Mỹ được thụ hưởng lợi ích từ nền dân chủ ấy. Nói đúng hơn, nền dân chủ Mỹ là nền dân chủ dành cho người giàu có và trung lưu lớp trên chứ không phải là nền dân chủ dành cho toàn bộ nhân dân Mỹ”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm nói với Sputnik.

Nói đúng hơn thì nước Mỹ là một hình mẫu tiêu biểu của một xã hội tự do cá nhân. Ở Mỹ, chủ nghĩa tự do cá nhân mạnh tới mức người dân Mỹ có thể xách súng không chỉ đi biểu tình mà còn xông vào cơ quan hành chính nhà nước của bang (như Michigan vừa qua) để ép buộc nhà chức trách phải dỡ bỏ lệnh phong tỏa phòng chống dịch COVID-19. Nhưng ngay từ năm 1970, nhà báo Pháp nổi tiếng Claude Julien trong tác phẩm “Sự tự sát của các nền dân chủ” đã vạch rõ rằng, chủ nghĩa cá nhân cực đoan chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự vô hiệu hóa các thể chế dân chủ.

Tiếp theo sẽ như thế nào?

Trang mạng xã hội Twitter đã tạm khóa tài khoản của Donald Trump trong 12 tiếng kể từ khi bắt đầu có vụ bạo loạn ở Đồi Capitol. Facebook cũng tạm khóa nhiều trang fanpage của những người ủng hộ Donald Trump trong vòng 24 tiếng, và của cả Trump. Trong giới nghị sĩ Mỹ, đã xuất hiện những lời đe dọa sẽ cáo buộc Donald  Trump vi hiến khi không thực hiện trách nhiệm chuyển giao quyền lực. Điều này báo hiệu một vụ luận tội tổng thống sắp mãn nhiệm sẽ diễn ra nếu Donald Trump quyết định “chiến tới cùng” mặc dù sự thất cử của Donald Trump chắc chắn là một điều không thể khác.

© REUTERS / Shannon StapletonNgười biểu tình ủng hộ đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump trước tòa nhà Quốc hội ở Washington
Từ đây Mỹ khó mà áp đặt dân chủ nữa - Sputnik Việt Nam
Người biểu tình ủng hộ đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump trước tòa nhà Quốc hội ở Washington
“Theo phán đoán của tôi, để tránh tất cả những hậu quả pháp lý, Donald Trump sẽ vận dụng kinh nghiệm của người đồng cấp Mỹ cách ông ta 36 năm về trước. Đó là Richard Nixon. Có thể Donald Trump sẽ chọn cách từ chức ngay sát trước thời điểm 20-1-2021, ngày mà nhiệm kỳ tổng thống Mỹ thứ 46 chính thức có hiệu lực. Làm như vậy, ông ta có thể: Một là để không phải và không bao giờ thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử vừa qua. Logic này rất đơn giản: “Tôi từ chức chứ tôi không thua cuộc !” Hai là trút lại trách nhiệm pháp lý về những cuộc biểu tình, bạo loạn cho thuộc cấp còn đang tại nhiệm. Ba là tạo nên một tiền lệ pháp lý để các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sau này có thể có được một hình thức bầu cử minh bạch, công bằng hơn”, - Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng chia sẻ quan điểm của mình với Sputnik.

Tuy nhiên, chỉ có Donald Trump mới biết rõ ông ta muốn gì và hành động để làm gì. Tất cả phán đoán vẫn chỉ là phán đoán!

Chúng ta phải đợi thôi. Hồi sau sẽ rõ.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала