Từ Kabul đến Sài Gòn, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris làm gì ở Việt Nam?

© AFP 2023 / Pool / Evelyn HocksteinPhó Tổng thống Mỹ Kamala Harris.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. - Sputnik Việt Nam, 1920, 23.08.2021
Đăng ký
Hoa Kỳ rút quân khỏi Afghanistan khiến dư luận quốc tế liên tục so sánh với cuộc tháo chạy của quân đội Mỹ khỏi Sài Gòn trong chiến tranh Việt Nam hồi 1975.
Chuyến thăm chưa từng có tiền lệ của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Việt Nam chứng tỏ Hà Nội ngày càng quan trọng đối với Washington.
Giới quan sát cho rằng, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm Việt Nam và Singapore cho thấy chính quyền Washington đang chuyển trọng tâm, xoay trục sang khu vực châu Á trong bối cảnh Kabul thất thủ, uy tín của Hoa Kỳ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thất bại ở Kabul khiến Mỹ lại muốn xoay trục về Việt Nam và châu Á?

Thăm Việt Nam sau khi Kabul thất thủ, Mỹ hứng chịu chỉ trích nặng nề về sự nhu nhược của chính quyền Biden ở Afghanistan, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris sẽ làm gì ở Singapore và Hà Nội để trấn an đồng minh?
Thực tế, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris thăm Việt Nam và Singapore trong bối cảnh hết sức nhạy cảm. Giới quan sát quốc tế nêu vấn đề, liệu có phải Mỹ muốn xoay trục sang châu Á sau thất bại ở Afghanistan?
Bà Kamala Harris. - Sputnik Việt Nam, 1920, 04.08.2021
Bà Kamala Harris sẽ mang bất ngờ gì đến Việt Nam?
Cần nhắc lại rằng, việc Kabul thất thủ khiến người ta liên tục so sánh đến màn rút lui hỗn loạn của Mỹ khỏi Sài Gòn, đồng thời, làm dấy lên lo ngại về thời gian chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris tới Việt Nam.
Chuyến đi của đại diện chính quyền Biden – Harris được kỳ vọng nhằm trấn an các nước Đông Nam Á rằng Mỹ coi ASEAN không chỉ là khu vực cạnh tranh địa chính trị chiến lược quan trọng với Trung Quốc mà còn để giải quyết nhiệm vụ khó khăn trong thời điểm nhạy cảm hiện nay - khẳng định dự định thay đổi ảnh hưởng, xoay trọng tâm của Hoa Kỳ từ Trung Đông sang châu Á trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh lên khu vực.
Chuyến thăm Việt Nam và Singapore của bà Harris lần này là bước tiến rõ ràng cho thấy, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang nhìn nhận và coi trọng Đông Nam Á, Việt Nam, Singapore. Washington đang rất nghiêm túc sau những sụt giảm ảnh hưởng liên quan đến các xung đột ở chảo lửa Trung Đông hay tình hình Afghanistan vừa qua.
Nhiều chuyên gia quốc tế cũng chia sẻ nhận định rằng, việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan sẽ giúp cho chính quyền Tổng thống Joe Biden dành ưu tiên chiến lược và tăng cường sự quan tâm từ những nhà lãnh đạo chính trị, quân sự cấp cao Hoa Kỳ, dồn lực củng cố ảnh hưởng ở khu vực châu Á, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Ngày 22/8, đại diện Nhà Trắng – bà Kamala Harris đã tới Singapore, bắt đầu chuyến thăm đầu tiên đến Châu Á với tư cách là Phó tổng thống Mỹ, với các điểm đến quan trọng lần lượt là Singapore và Việt Nam.
Reuters khẳng định, chuyến thăm đến Việt Nam, Singapore lần này của bà Harris tái khẳng định cam kết của Mỹ với khu vực ASEAN, châu Á, đồng thời, nhằm củng cố mối quan hệ như một phần trong nỗ lực của Washington nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc nơi đây.

Chuyên gia: Cả Việt Nam và Singapore đều sẽ thận trọng

Theo truyền thông Singapore, chuyên cơ Air Force 2 hạ cánh xuống căn cứ Không quân Paya Lebar, Singapore vào khoảng 10h50 ngày 22/8 theo giờ địa phương (tức khoảng 9h50 sáng, theo giờ Việt Nam).
Đón Phó Tổng thống Kamala Harris tại sân bay có Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan và nhiều quan chức cấp cao của chính quyền Thủ tướng Lý Hiển Long.
Tại Singapore, bà Kamala Harris sẽ có một loạt cuộc gặp chính thức vào ngày 23/8 với Tổng thống Singapore Halimah Yacob và Thủ tướng Lý Hiển Long. Sau đó sẽ đến thăm Căn cứ Hải quân Changi và tham quan tàu USS Tulsa - tàu tác chiến ven biển USS Tulsa của Hoa Kỳ, hiện đang cập cảng để tham gia một cuộc tập trận đa phương.
© AFP 2023 / Pool / Evelyn HocksteinPhó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. - Sputnik Việt Nam, 1920, 05.10.2021
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.
Singapore dù không phải là đồng minh hiệp ước của Mỹ, nhưng vẫn là một trong những đối tác an ninh mạnh nhất trong khu vực với mối quan hệ thương mại sâu sắc với Washington. Tuy nhiên, chính quyền của Thủ tướng Lý Hiển Long cũng tìm cách cân bằng các mối quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc bằng cách không đứng về phía nào và cũng cố gắng để không làm mất lòng ai.
Kamala Harris - Sputnik Việt Nam, 1920, 27.07.2021
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris có thể thăm Việt Nam vào tháng 8
Singapore cũng là nơi có cảng biển lớn nhất Đông Nam Á và hoạt động hỗ trợ tự do hàng hải trong khu vực, nơi Trung Quốc đang ngày càng muốn quyết đoán chứng minh sức mạnh của mình.
Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan phát biểu trước chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ khẳng định hoan nghênh vai trò của Hoa Kỳ và Trung Quốc trong khu vực - phản ánh chính sách ngoại giao tinh tế mà quốc đảo này luôn vận dụng đã thành công và bà Harris có lẽ sẽ phải có sự điều hướng nhất định.
Trong khi đó, Chong Ja Ian, nhà nghiên cứu chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, đề cập đến Singapore cùng Việt Nam, hai quốc gia mà Harris sẽ thăm và làm việc cho hay, tất cả đều sẽ giữ thái độ thận trọng và khéo léo ngoại giao.
“Lãnh đạo hai nước (Việt Nam và Singapore) có thể sẽ thận trọng để tránh tạo ra ấn tượng không mong muốn mà Bắc Kinh có thể lợi dụng cơ sở đó làm lý do đối kháng hay phàn nàn”, chuyên gia của Đại học Quốc gia Singapore nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, giới quan sát cũng chỉ ra rằng, một phần nhiệm vụ của bà Harris là phải làm sao thuyết phục được giới lãnh đạo Singapore và Việt Nam tin vào cam kết của Washington đối với Đông Nam Á là vững chắc chứ không phải toàn bất ổn, hỗn loạn như tình trạng với Afghanistan.
Về vấn đề này, ông Curtis Chin, thành viên của Viện Milken, cựu Đại sứ Mỹ tại Ngân hàng Phát triển Châu Á, nhấn mạnh, đã đến lúc Mỹ xoay trục trọng tâm chú ý đến châu Á, ASEAN.
“Hoa Kỳ cần xoay trục toàn diện sang Châu Á bao gồm cả trục xoay kinh tế thương mại, giao thương. Singapore và Việt Nam có thể là những đối tác chính trong nỗ lực đó của Hoa Kỳ”, chuyên gia của Viện Milken khẳng định.
Ông Chin cũng nêu rõ, việc khôi phục lòng tin, thái độ tự tin vào sự kiên định cũng như phương thức duy trì quyền lực, tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ phải đặt lên hàng đầu.

Vì sao bà Kamala Harris lại chọn thăm Việt Nam và Singapore?

Dư luận đang rất băn khoăn, lý do nào Mỹ chọn Singapore và Việt Nam, nhất là vào thời điểm này.
Cần khẳng định rằng, chuyến thăm diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong bối cảnh Taliban đã giành quyền kiểm soát Afghanistan sau khi Mỹ rút quân, khiến Washington hứng chịu nhiều chỉ trích.
Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục mở rộng sự hiện diện tại Biển Đông và dịch Covid-19 đang hoành hành trên khắp thế giới, đặc biệt là Đông Nam Á.
Kamala Harris - Sputnik Việt Nam, 1920, 30.11.2020
Chuyên gia đánh giá khả năng Kamala Harris đứng đầu Nhà Trắng
Ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ, chính quyền Tổng thống Biden đã định hình lại chính sách xoay trục châu Á của Mỹ. Nhận thức được vị trí địa chính trị quan trọng của Đông Nam Á, nằm ở trung tâm khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ông Biden đã cử nhiều quan chức chủ chốt trong chính quyền như Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman đến thăm khu vực trong thời gian qua.
Cả Singapore và Việt Nam đều có vai trò quan trọng với nền kinh tế Mỹ. Singapore vẫn được coi là trung tâm tài chính của Đông Nam Á, là nơi đặt trụ sở đặc trách châu Á hoặc văn phòng đại diện của nhiều công ty lớn của Mỹ như Microsoft và Google.
Trong khi đó, Việt Nam đang đóng một vai trò to lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là chất bán dẫn trong bối cảnh ngày càng có nhiều công ty chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Theo ông Alan Chong, Phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore chia sẻ với Nikkei, trong số 10 nước thành viên ASEAN, Việt Nam và Singapore là 2 quốc gia ổn định và thân thiện nhất đối với Mỹ.
Ông Alan Chong cho rằng, Mỹ đang mong muốn xây dựng sự liên kết chặt chẽ hơn với Đông Nam Á thông qua chuyến thăm của bà Harris.
Trong tuyên bố trước đó của Nhà Trắng, Phó Tổng thống Mỹ sẽ thảo luận về các chủ đề như “an ninh khu vực, các biện pháp ứng phó với đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, biến đổi khí hậu và các nỗ lực chung của các bên nhằm thúc đẩy một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.
Thực tế, chuyến thăm của bà Kamala Harris đã được Nhà Trắng đưa ra thông báo từ tháng 7. Tuy nhiên, khi đó không ai ngờ được rằng Afghanistan lại sụp đổ nhanh chóng đến vậy sau khi Mỹ rút quân. Việc này đã làm dấy lên nhiều câu hỏi từ các nước trong cộng đồng quốc tế về khả năng duy trì các cam kết của Washington.
Theo ông Alan Chong, diễn biến này lại càng làm nổi bật tầm quan trọng của chuyến thăm Đông Nam Á của bà Harris. Chuyến công du được hy vọng có thể giúp “trấn an các đồng minh và đối tác trong khu vực về cam kết của Mỹ, bất chấp việc Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan”.
Bằng chuyến thăm của mình, bà Harris sẽ có cơ hội chứng minh cho các đối tác châu Á thấy rằng “Mỹ sẽ không rút lui”, chuyên gia bình luận.
© AFP 2023 / Getty Images North America / Anna MoneymakerPhó Tổng thống Mỹ Kamala Harris.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. - Sputnik Việt Nam, 1920, 05.10.2021
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris.
Ngày 19/8, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng khi trao đổi với báo giới đã cho biết, Đông Nam Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có vai trò quan trọng về mặt chiến lược và kinh tế đối với Mỹ.
“Điều đó không thay đổi bất chấp những diễn biến tại Afghanistan”, vị này khẳng định.
Theo quan chức này, trong hơn 70 năm qua, Mỹ đã là đối tác an ninh và kinh tế mạnh mẽ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
“Chúng tôi cũng là đối tác bền vững và ngày càng gia tăng sự liên kết về an ninh với các quốc gia trong khu vực. Họ cũng muốn chúng tôi củng cố những mối quan hệ này”, người này nói.

“Mắt xích Việt Nam” trong chuyến đi của bà Kamala Harris

Một trong những chủ đề chính của chuyến thăm được dự kiến sẽ là vấn đề xây dựng một chuỗi cung ứng linh hoạt, trong bối cảnh thế giới đang thiếu hụt chất bán dẫn, vaccine Covid-19 và các sản phẩm, trang thiết bị y tế khác.
Tổ chức cung cấp dữ liệu quốc tế CEIC cho biết, xuất khẩu chất bán dẫn của Việt Nam sang Mỹ chiếm 30% tổng sản phẩm bán dẫn nhập vào Mỹ trong tháng 4/2021. Con số này đã cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng châu Á của Mỹ.
Kamala Harris - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.08.2021
Bộ Ngoại giao Việt Nam thông tin về chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ
Hiện nhiều công ty của Mỹ đã và đang đầu tư để mở rộng năng lực sản xuất tại Việt Nam. Lấy ví dụ, tập đoàn Intel đã tìm cách nâng cao năng lực sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm ở Việt Nam, xem Việt Nam là một phần quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu của Intel.
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang hết sức chú ý đến thị trường khổng lồ ở Mỹ. Tập đoàn Vingroup đã và đang triển khai kế hoạch xuất khẩu sang Mỹ dòng xe điện do công ty con VinFast sản xuất, để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của thị trường đối với loại xe này.
Singapore cũng là một trong những trung tâm sản xuất chip của châu Á. Công ty sản xuất bán dẫn GlobalFoundries của Mỹ mới đây cho biết sẽ đầu tư hơn 4 tỷ USD vào Singapore để mở rộng kế hoạch sản xuất đĩa bán dẫn (wafer) với mục tiêu giải quyết tình trạng thiếu vi mạch toàn cầu. Có thể nói, Singapore là một mắt xích rất quan trọng trong chuỗi cung ứng châu Á khi là một cửa ngõ để đi vào khu vực này.
Việc mở rộng xuất khẩu đang ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với các nền kinh tế Đông Nam Á, vốn đang đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngay cả khi khu vực vẫn là tâm dịch của thế giới.

Liệu Mỹ có quay lại với TPP hay CPTPP?

Chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 thành viên vào năm 2017.
Bà Kamala Harris. - Sputnik Việt Nam, 1920, 05.08.2021
Phó Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam khi nào và nội dung dự kiến thảo luận là gì?
11 thành viên còn lại, trong đó có Singapore, Việt Nam, Brunei và Malaysia, sau đó đã ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ (CPTPP).
Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Biden đã ký một loạt các đạo luật và sắc lệnh hành pháp nhằm đảo ngược một số chính sách của người tiền nhiệm, chẳng hạn như về biến đổi khí hậu, thỏa thuận hạt nhân Iran nhưng lại không thay đổi nhiều chính sách về thương mại.
Theo Giáo sư Jayant Menon tại Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak, chuyến thăm của bà Harris sẽ không đưa Mỹ trở lại gia nhập CPTPP, dù hiệp định này là phiên bản rút gọn của TPP, bao hàm nhiều lĩnh vực như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ - điều mà các doanh nghiệp Mỹ đang nỗ lực thúc đẩy.   
“Việc quay trở lại gia nhập CPTPP sẽ có giá trị chiến lược quan trọng giúp Mỹ củng cố quan hệ với khu vực. Tuy vậy Washington còn rất nhiều cách thức khác để làm điều đó, chẳng hạn như tăng cường hợp tác về môi trường hoặc an ninh. Con tàu CPTPP đã ra khơi nhưng vẫn còn rất nhiều con tàu khác đang chờ đợi ”, ông Menon đánh giá.
Riêng đối với Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan, ông không kỳ vọng chuyến thăm của bà Harris sẽ mang đến bất cứ bước đột phá nào liên quan đến CPTPP.
© AP Photo / Yong Teck LimNgoại trưởng Singapore Vivian Balakrishman.
Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishman. - Sputnik Việt Nam, 1920, 05.10.2021
Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishman.
“Liệu sẽ có bất cứ triển vọng nào về việc Mỹ sẽ tái tham gia CPTPP hay không? Tôi e rằng câu trả lời là không”, ông Vivian Balakrishnan đưa ra dự báo.
Theo ông, Nhà Trắng sẽ hạn chế tiến hành các cuộc thảo luận về những hiệp định thương mại đa phương do những vấn đề chính trị trong lòng nước Mỹ hiện nay.
Tuy vậy, Singapore hy vọng sẽ có một số tiến bộ về thương mại kỹ thuật số, ví dụ như dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới và thanh toán điện tử, là những vấn đề mà nước này đã hợp tác với Australia, New Zealand và một số quốc gia khác.
“Chúng tôi hy vọng Mỹ có thể là một phần của kiến trúc kinh tế kỹ thuật số”, ông Vivian Balakrishnan bày tỏ.

Tại sao Việt Nam đang ngày càng quan trọng với Mỹ?

Dự kiến, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris sẽ thăm Việt Nam từ 24-26/8.
Cuộc viếng thăm dồn dập của lãnh đạo cấp cao chính quyền Biden- Harris, khi chưa đầy một tháng kể từ khi lãnh đạo Lầu Năm Góc – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, tướng bốn sao thăm Hà Nội, khẳng định, quốc gia Đông Nam Á này ngày càng quan trọng đối với Mỹ.
Dư luận quốc tế đánh giá chuyến thăm Việt Nam của bà Kamala Harris là chưa từng có tiền lệ, nhấn mạnh, chính quyền Washington đang ưu tiên mối quan hệ với Việt Nam trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm kiềm chế sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực này và trên toàn cầu.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris - Sputnik Việt Nam, 1920, 02.08.2021
Báo Trung Quốc: Việt Nam không bị lừa thành đồng minh của Mỹ
Việt Nam, với vị thế địa chính trị ngày càng tăng của mình, nhanh chóng trở nên quan trọng đối với Mỹ vì Hà Nội luôn giữ vai trò mang tính xây dựng trong các vấn đề an ninh khu vực nằm trong lợi ích của Hoa Kỳ.
Như người ta nói – “kẻ thù của kẻ thù là bạn”, việc Việt Nam đối trọng với các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và tìm các biện pháp pháp lý nhằm hạn chế sự răn đe quân sự và thói hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông khiến Mỹ càng chắc chắn cơ sở để tạo mối quan hệ lâu dài, thậm chí là nâng cấp quan hệ với Hà Nội nhằm kiềm chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.
Cả Mỹ và Việt Nam sẽ cùng hợp tác trong khuôn khổ cho phép để lên tiếng về thượng tôn pháp luật ở Biển Đông, đẩy lùi các hành vi đơn phương làm phức tạp tình hình ở khu vực này.
Hiện chưa rõ trong chương trình nghị sự của mình, bà Harris sẽ gặp các lãnh đạo nào của chính quyền Việt Nam, tuy nhiên, Washington trước đó đã tuyên bố tiếp tục hỗ trợ và hợp tác với Việt Nam ứng phó với đại dịch Covid-19, cung ứng thêm vaccine, thiết bị y tế, chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ để giới nghiên cứu Việt Nam có thể hợp tác cùng sản xuất vaccine Covid-19 trong bối cảnh hiện nay.
Ngoài các vấn đề trên, theo nhiều chuyên gia, sẽ còn các ưu tiên về hợp tác thương mại, kinh tế và đầu tư song phương. nhất là trong bối cảnh Việt Nam trở thành mắt xích ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Hoa Kỳ ở thời điểm hiện tại.
Tại Việt Nam, bà Harris sẽ tham gia cuộc họp trực tuyến với các Bộ trưởng Y tế các nước thành viên ASEAN, cũng như dự lễ thành lập văn phòng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội.
“Mỹ được coi là quốc gia giúp đỡ Việt Nam hào phóng nhất trong các nỗ lực hợp tác nhằm chấm dứt những ảnh hưởng kinh tế và sức khỏe cộng đồng của đại dịch Covid-19”, Tuổi Trẻ dẫn ý kiến của TS. Nguyễn Thành Trung khẳng định.
Theo đó, Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam 5 triệu liều Moderna cùng hơn 20 triệu USD (trong đó có 12,5 triệu USD từ Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), 7,2 triệu USD từ Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC), các thiết bị y tế kỹ thuật các loại nhằm giúp Hà Nội ứng phó với dịch bệnh.
Trong chuyến thăm trước đó của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến Hà Nội, Mỹ cũng cam kết tặng Việt Nam 77 tủ đông âm sâu để bảo quản vaccine và tăng cường hỗ trợ vaccine cho đất nước thời gian tới.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm chính thức Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 29.07.2021
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ đến Việt Nam để làm gì?
TS. Nguyễn Thành Trung, cho biết, đây cũng là một điểm son cho những thành quả hợp tác y tế công cộng dự phòng giữa Mỹ và Việt Nam trong những năm qua khi Mỹ tín nhiệm Việt Nam trở thành đầu mối chính cho những hoạt động của văn phòng CDC của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á. CDC Hoa Kỳ đã bắt đầu giúp Việt Nam từ năm 1998 để cải thiện năng lực ngăn chặn, phát hiện và đối phó các căn bệnh truyền nhiễm. Chính cơ quan này cũng đã giúp đào tạo huấn luyện các nhân viên y tế Việt Nam công tác xét nghiệm chẩn đoán đối với các tác nhân gây bệnh Covid-19.
Theo chuyên gia Nguyễn Thành Trung, lần này, chuyến thăm của bà Harris cũng nhằm trấn an các quốc gia đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á rằng khu vực này sẽ không bị bỏ rơi như dưới thời tổng thống Trump khi ông từ bỏ Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hiếm khi tham dự các cuộc gặp cấp cao ở khu vực.
Chuyên gia Việt Nam cho rằng, thông qua chuyến thăm của bà Harris, nước Mỹ gửi một thông điệp rõ ràng rằng họ sẽ giúp đỡ các quốc gia trong khu vực và cùng hợp tác để giải quyết những vấn đề chung. Tất nhiên, Mỹ cũng sẽ được hưởng lợi nhất định.
“Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung phục hồi mạnh mẽ hơn sau đại dịch Covid-19 cũng sẽ góp phần nâng cao uy tín của Mỹ về vai trò lãnh đạo trong khu vực, vốn bị sứt mẻ đôi chút sau sự kiện Afghanistan”, TS. Nguyễn Thành Trung nhấn mạnh.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала